TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Thành phố Pleiku – 90 năm xây dựng và phát triển (03/12/1929-03/12/2019)

Ngày đăng bài: 19/10/2019
Nguyễn Hữu Quế
Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP
 
Nhìn lại chặng đường 90 năm từ ngày Thị xã Pleiku được thành lập ngày 03/12/1929 theo Nghị định Khâm sứ Trung kỳ, Ngày 24/5/1932 và ngày 04/3/1933 Nghị định Toàn quyền tiếp tục tách phần đất thuộc địa lý Pleiku cũ (thuộc tỉnh Kon Tum) để thành lập tỉnh Pleiku. Ngày 27/7/1953 Nghị định số 495-Cab/Ml của Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam(VNCH) đặt trung tâm các tỉnh thuộc Hoàng triều cương thổ phía Nam (các tỉnh thuộc Tây Nguyên hiện nay – TG chú thích) thành thị trấn. Pleiku cùng Dran, Djiring, Blao, Ban Mê Thuật, Kon Tum đều là thị trấn. Sau Hiệp định Giơnevơ (1954) chính quyền Sài Gòn vẫn lấy Pleiku làm tỉnh lỵ của tỉnh cùng tên. Ngày 26/01/1957 Nghị định số 27-BNV/HC/NĐ của Bộ Nội vụ VNCH bãi bỏ nghị định số 495-Cab/Ml của Thủ tướng Chính phủ Quốc gia Việt Nam, các thị trấn được đổi thành xã, thị xã Pleiku trở thành xã Pleiku. Dưới chính quyền Ngô Đình Diệm, Pleiku vẫn được gọi là thị xã, nhưng nằm trong xã Hội Thương – Hội Phú . Từ năm 1962, chính quyền Sài Gòn mới quy hoạch mở rộng thị xã này. Như vậy: Từ năm 1932-1975, dưới thời thuộc Pháp cũng như chính quyền Sài Gòn, Pleiku là tên tỉnh, đồng thời có giai đoạn là tên thị trấn, thị xã nhưng trực thuộc xã (chứ không phải là cấp hành chính thị xã tương đương quận, huyện hiện nay) và luôn là tỉnh lỵ của tỉnh Pleiku.

Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975), kinh tế thành phố Pleiku có điểm xuất phát thấp, đại bộ phận nhân dân sản xuất tự cung, tự cấp, cơ sở vật chất hầu như không có gì, giao thông chỉ có một số tuyến đường chính nhưng bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Thị xã Pleiku lúc bấy giờ có 75.000 dân, có 4 xã ven thị trên 10.000 dân là vùng sản xuất nông nghiệp, các phường nội thị có 65.000 dân hầu hết là gia đình những người buôn bán, làm thuê, sống dựa vào tiền lương và lợi tức buôn bán, thu nhập thấp; cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp rất nhỏ bé. Thị xã chỉ có 01 nhà máy điện, 01 nhà máy nước, một số cơ sở cưa xẻ gỗ, một số gara sửa chữa ô tô xe máy. Toàn thị xã chỉ có 2.000 công nhân và thợ thủ công (2.000/30.000 lao động toàn thị xã). Cơ sở vật chất nông nghiệp nghèo nàn, diện tích gieo trồng vụ mùa 1975 chỉ có 3.000 ha, hầu hết là đất thổ; ruộng nước một vụ chỉ có cánh đồng An Mỹ, Phú Thọ và 02 đồn điền Bàu Cạn, Biển Hồ do tỉnh tiếp quản.
 
bai-do-thi3-(1).jpg

Từ một thị xã hoang tàn đổ nát sau chiến tranh, quân và dân Pleiku bắt tay xây dựng lại từ đầu, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để hôm nay trở thành một thành phố trẻ năng động, sáng tạo và giàu tiềm năng kinh tế - xã hội. Trải qua 90 năm xây dựng và phát triển, Thành phố đã tập trung khai thác lợi thế của mình, ra sức phát huy các nguồn lực, tập trung đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, từng bước đáp ứng các tiêu chí của đô thị văn minh hiện đại, đưa nền kinh tế thành phố tăng trưởng ngày càng cao; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo định hướng phát triển của thành phố là “Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp”. Cơ sở hạ tầng nông thôn, điện, đường, trường, trạm hàng năm luôn được quan tâm đầu tư xây dựng mới.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh, vốn ngân sách thành phố và huy động các nguồn lực trong xã hội, thành phố Pleiku đã đầu tư có hiệu quả nhiều chương trình dự án phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó có nhiều chương trình làm theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" đã và đang triển khai mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, đảm bảo mỹ quan đô thị như: Chương trình làm đường hẻm, đường giao thông nông thôn; lát đá, lát gạch block vỉa hè; lắp điện chiếu sáng đường hẻm. Thành phố có 100% đường nhựa đến tận từng thôn, làng; 100% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh... đầu tư xây dựng, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị: 100% đường chính có tên nhựa hóa, bê tông hóa (273,549km /273,549km); 47% đường hẻm nhựa hóa, bê tông hóa (349,583km/737,183km); 100% đường chính có tên đã hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng công cộng (207/207 tuyến); 60% tỷ lệ ngõ hẻm nội thành được chiếu sáng (179,4km/299km); hệ thống cây xanh đường phố, công viên, hoa viên được đầu tư bài bản như: Công viên Diên Hồng, Đồng Xanh, Quảng trường Đại Đoàn Kết, Hoa viên Quang Trung, Hoa viên Trần Hưng Đạo – Lê Lợi, Công viên Kpă Klơng, Công viên Văn hóa các dân tộc, Lâm viên Biển Hồ… Bên cạnh việc đầu tư, phát triển các khu-cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, các cao ốc, các khu đô thị mới như Hoa Lư- Phù Đổng, Cầu Sắt, Trà Đa, Diên Phú… thành phố còn chú trọng đầu tư xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi xã hội như trường học, bến xe, bệnh viện, nâng cấp sân bay, hệ thống điểm đậu đỗ xe ô tô tạm thời trên lòng đường, hè phố, quy hoạch chi tiết phát triển các khu thương mại, siêu thị, chợ tại các khu vực, phố đi bộ mua sắm, phố ẩm thực, chợ phiên nông sản an toàn...

Cùng với các mặt tiến bộ về hạ tầng đô thị nêu trên, công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho nhân dân được chú trọng; các chương trình mục tiêu y tế quốc gia, y tế dự phòng được triển khai thường xuyên. Đội ngũ y, bác sỹ phát triển về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng, đến nay Trung tâm y tế thành phố có quy mô hơn 100 giường bệnh với trang thiết bị hiện đại phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân; mạng lưới trạm y tế xã, phường được xây dựng theo hướng đạt chuẩn, đến nay có 22/23 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo thành phố có những chuyển biến tích cực và đạt kết quả tốt; quy mô các bậc học được mở rộng. Công tác xã hội hóa giáo dục chuyển biến tích cực và dần đi vào chiều sâu. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các trường được đầu tư từng bước hiện đại, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu giảng dạy và học tập. Hiện nay thành phố có 81 trường với 56.5880 học sinh, 3.195 cán bộ, giáo viên và nhân viên, 38 trường đạt chuẩn Quốc gia, năm 2000 hoàn thành phổ cập giáo dục THCS, năm 2008 hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, năm 2012 hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và học sinh không ngừng được nâng lên. Sự nghiệp văn hóa thông tin, thể dục thể thao và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở có nhiều tiến bộ. Các thiết chế văn hóa ở cơ sở đã được quan tâm xây dựng, công tác chăm lo bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa các dân tộc Tây Nguyên được chú trọng, nhất là việc bảo tồn phát huy giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai rộng khắp đến các xã, phường, các khu dân cư, được nhân dân hưởng ứng và đem lại nhiều kết quả tốt.

Cơ sở để việc huy động thắng lợi và đảm bảo phát triển hạ tầng đô thị chính là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, nhiệt tình ủng hộ của người dân. Bên cạnh đó, với đà phát triển nền kinh tế, văn hóa - xã hội, du lịch, dịch vụ địa phương của thành phố Pleiku đã thu hút một lượng lớn lao động tạm trú thường xuyên với đủ mọi ngành nghề, lượng khách du lịch và người đến khám chữa bệnh bình quân khoảng trên 274.000 người; với tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm tăng  hơn 10%, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt bình quân trên 1.600 tỷ đồng/năm và GDP bình quân đầu người đạt hơn 61 triệu đồng/người… Với mục tiêu phát triển TP. Pleiku theo hướng vừa hợp lý, hài hòa, đồng bộ vừa phù hợp với đặc điểm tự nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc của vùng Tây Nguyên, có kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị và phúc lợi theo hướng hiện đại. Đến nay, thành phố Pleiku là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh Gia Lai, nằm ở trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên, nằm trong vùng tam giác tăng trưởng kinh tế - xã hội giữa các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk và các tỉnh Duyên hải miền Trung, và là một trong những trung tâm kinh tế, dịch vụ đầu mối giao thông của vùng Tây Nguyên có Quốc lộ 14 và Quốc lộ 19 đi qua; là một trong những cửa ngõ giao thông liên hệ giữa các nước Đông Dương với vùng Tây Nguyên, vùng Nam Trung Bộ (đường xuyên Á) và nằm trong tam giác phát triển các tỉnh biên giới 3 nước: Việt Nam, Lào, CamPuChia.

Tuy được đánh giá là một thành phố có tốc độ phát triển đô thị tương đối nhanh, hệ thống công trình hạ tầng được chú trọng đầu tư xây dựng theo quy hoạch, bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, nhưng trên thực tế việc quy hoạch, đầu tư vẫn còn thiếu tính đồng bộ, chất lượng và tính khả thi còn hạn chế, tầm nhìn ngắn, nhiều công trình chưa được đầu tư tương xứng, nguồn vốn ngân sách tập trung cho đầu tư, chỉnh trang đô thị còn thấp; một số tiêu chí hệ thống công trình hạ tầng đô thị vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, đầu tư còn dàn trải, một số tuyến đường vẫn còn ngập úng cục bộ vào mùa mưa cần phải cải tạo; các điểm đậu đỗ xe vẫn còn thiếu chưa đáp ứng hết nhu cầu đậu đỗ; năng lực quản lý đô thị của đội ngũ cán bộ quản lý còn hạn chế; nếp sống văn minh đô thị của người dân còn chưa theo kịp đà phát triển đô thị...

Để sự đầu tư mang tính đồng bộ, phù hợp với tốc độ đô thị hóa theo Nghị quyết 05-NQ/TU của Thành ủy Pleiku về việc đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị đến 2020, thành phố đã đề các mục tiêu phấn đấu hoàn chỉnh các hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị theo định hướng quy hoạch chung xây dựng TP. Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được UBND tỉnh phê duyệt, cụ thể: Tiếp tục nâng cao hơn nữa các chỉ tiêu đô thị đã đạt và hoàn thiện các chỉ tiêu đô thị chưa đạt theo định hướng đô thị loại I, trong đó đặc biệt chú trọng về đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị thiết yếu gắn liền với công tác quản lý quy hoạch như nâng cấp, mở rộng, kết nối và mở mới nhằm hoàn thiện hệ thống các tuyến đường giao thông đối ngoại, đối nội song song với việc kiên cố hóa hệ thống thoát nước đô thị, đưa ra các giải pháp phòng chống, giảm ngập úng đối với các khu vực có địa hình thấp, các điểm tụ thủy; Các vấn đề về cấp điện, cấp nước sinh hoạt, thoát nước, điện chiếu sáng công cộng, hệ thống cây xanh, công viên hay công tác vệ sinh môi trường, xây dựng công trình hạ tầng xã hội, phát triển văn hóa, du lịch địa phương...đã được thành phố quan tâm đề ra các chỉ tiêu cụ thể nhằm tạo đà phát triển đô thị trong giai đoạn tiếp theo;

Quan trọng hơn đó là thành phố cần đưa ra các giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân thành phố; nâng cao trình độ của cán bộ thực hiện công tác quản lý, xây dựng phát triển đô thị: Tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp tăng cường công tác tuyên truyền, toàn bộ các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân thành phố tham gia xây dựng nếp sống văn minh đô thị, chung tay xây dựng đầu tư, chỉnh trang hệ thống hạ tầng đô thị theo tinh thần Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 11/8/2011 của Thành ủy Pleiku; Tăng cường tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành, thấy được sự cần thiết, quan trọng của công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng cũng như quản lý đô thị nhằm huy động mọi thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, giám sát hoạt động xây dựng cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về quản lý phát triển đô thị; Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý từ Thành phố đến xã, phường có đủ năng lực quản lý đô thị, giao trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, tổ chức trong công tác triển khai quản lý quy hoạch và quản lý xây dựng trên địa bàn; Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu của địa phương, thủ trưởng các đơn vị quản lý Nhà nước có liên quan đến công tác quản lý quy hoạch và xây dựng; Kiện toàn bộ máy, tăng cường năng lực của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức trực tiếp thực hiện công tác quản lý đô thị; Quản lý, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý đô thị, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân...

Năm 2019 kỷ niệm 90 năm ngày thành lập đơn vị hành chính (03/12/1929 – 03/12/2019) là năm bản lề để thành phố Pleiku đánh giá lại toàn bộ quá trình đầu tư phát triển đô thị, xác định vị trí, vị thế của đô thị, từ đó định hướng mục tiêu xây dựng, phát triển đô thị Pleiku bền vững và bản sắc. Với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai, Thành ủy Pleiku cùng sự phối hợp của các Sở chuyên ngành của tỉnh, cùng với sự quyết tâm phấn đấu, nỗ lực hết mình của toàn Đảng bộ, quân và nhân dân thành phố Pleiku, Thành phố sẽ xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể kêu gọi, thu hút đầu tư, các thành phần kinh tế tham gia vào các dự án đầu tư và cải tạo chỉnh trang đô thị kết hợp với nâng cao năng lực quản lý và phát triển đô thị tại địa phương. Tin tưởng rằng trong tương lai không xa, thành phố Pleiku là một đô thị văn minh, hiện đại, xanh, sạch, sáng, đẹp với định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2050 là thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”./.
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png