Tài nguyên thiên nhiên
1. Tài nguyên đất
Toàn tỉnh có 27 loại đất, được hình thành trên nhiều loại đá mẹ thuộc 7 nhóm chính: đất feralit (đất đỏ vàng) chiếm 53% diện tích đất tự nhiên của tỉnh; đất đỏ vàng trên đá granit và riolit phân bố tập trung ở gần rìa của khối đất đỏ bazan; đất xám trên đá granit và phù sa cổ chiếm 25,2%, phân bố tập trung theo 2 hệ thống sông lớn, còn lại các nhóm khác phân bố rải rác ở nhiều nơi.
Thực chất, tài nguyên đất ở Gia Lai đã được khai thác và sử dụng từ lâu, trước kia là khai thác tự nhiên phục vụ cho nhu cầu sinh sống của đồng bào dân tộc, ngày nay nguồn tài nguyên này đặc biệt được chú trọng khai thác và đưa vào sản xuất nông – lâm nghiệp với quy mô lớn, hình thành những vùng chuyên canh. Trên cơ sở các điều kiện sinh thái tự nhiên của tỉnh, có thể chia thành 3 vùng: đất đỏ bazan cao nguyên Plâycu, diện tích tập trung lớn, địa hình bằng phẳng, giao thông thuận lợi; dân cư và cơ sở hạ tầng tập trung; vùng thung lũng sông suối ở phía Nam, Đông, Đông Nam và Tây Nam là vùng đất phù sa, đất xám. Các vùng đồi núi phía Bắc, Đông và Đông Nam có địa hình chia cắt.
2. Tài nguyên khoáng sản
Tài nguyên khoáng sản là một tiềm năng kinh tế quan trọng của tỉnh Gia Lai. Theo điều tra của Liên đoàn địa chất 6, tỉnh Gia Lai có nhiều khoáng sản, nổi bật nhất là vàng, nguồn vật liệu xây dựng, bôxit và đá quý.
Bôxít đã phát hiện được một mỏ và 4 điểm nằm ở vùng Kon Hà Nùng, các mỏ này đều nằm trong vỏ phong hoá bazan, trữ lượng bôxit trên địa bàn rất lớn, khoảng 650 triệu tấn. Ngoài ra, còn có sắt, thiếc, chì…nhưng quy mô nhỏ. Trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 73 điểm có vàng, trong đó có 66 điểm quặng hoá gốc và 6 điểm sa khoáng, các vùng có triển vọng là Kông Chro, Kbang, Ayun Pa, Krông Pa La, La Grai. Hàm lượng vàng trung bình 18,11 gam/tấn đá, ngoài ra còn có hàm lượng bạc trung bình khoảng 10,67 gam/tấn (theo tài liệu sơ bộ của tỉnh là 1,25 gam/m2).
Bên cạnh đó, tỉnh còn có khoáng sản phục vụ công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như đá vôi (đã phát hiện được 6 điểm nhưng có triển vọng nhất là mỏ đá vôi Chư Sê). Khoáng sản làm vật liệu xây dựng khác như đá bazan xây dựng ở đèo Chư Sê, Plâycu, Chư Păh. Đá granit có trữ lượng 90,1 triệu m3, chủ yếu ở Chư Sê (53,4 triệu m3 ở bắc Biển Hồ, An Khê, La Khươi,..). Sét gạch ngói phân bố rộng khắp toàn tỉnh nhưng tập trung lớn ở Ayun Pa, An Khê…Cát xây dựng phân bố dọc sông suối, đặc biệt dọc sông Ba và có 40 loại nhỏ, chất lượng khá, đáp ứng nhu cầu xây dựng. Ngoài ra còn có các mỏ than bùn ở Biển Hồ, Chư Păh đủ đáp ứng yêu cầu sản xuất phân vi sinh.
3. Tài nguyên rừng
Rừng ở Gia Lai rất phong phú về các loài, kiểu, dạng khác nhau về tính chất, hình thái và ý nghĩa kinh tế. Gia Lai có gần 1 triệu ha đất lâm nghiệp, diện tích có rừng là 749.769 ha, trữ lượng gỗ 75,6 triệu m3. So với cả vùng Tây Nguyên, Gia Lai chiếm 28% diện tích lâm nghiệp, 30% diện tích có rừng và 38% trữ lượng gỗ. Ngoài ra, rừng Gia Lai còn có khoảng gần 100 triệu cây tre nứa và các loại lâm sản có giá trị khác như song mây, bời lời, sa nhân…và các loại chim thú quý hiếm. Sản lượng gỗ khai thác hàng năm từ 65.000 – 85.000 m3 sẽ đáp ứng nhu cầu về nguyên liệu cho chế biến gỗ, bột giấy với quy mô lớn và chất lượng cao
Trong gần 25.000 ha rừng trồng có hơn 5.000 ha bạch đàn đã đến chu kỳ khai thác, đồng thời đã quy hoạch trên 20.000 ha đất dùng để trồng nguyên liệu giấy phục vụ cho sản xuất giấy và bột giấy. Ngoài ra, tỉnh còn có hơn 280.000 ha đất trống, đồi núi trọc có khả năng trồng rừng lấy gỗ, rừng phòng hộ bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan du lịch, trồng các loại cây công nghiệp dài và ngắn ngày với quy mô lớn.