TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Hướng phát triển đô thị Pleiku

Ngày đăng bài: 19/10/2019
THANH NHẬT (Thực hiện)

 
Hướng đến kỷ niệm 90 năm ngày thành lập đô thị Pleiku (3/12/1929 – 3/12/2019), cộng tác viên của Ban Biên tập trao đổi của đại diện một số ngành, lĩnh vực về những gởi mở cho hướng xây dựng và phát triển của đô thị Pleiku.
bai-do-thi1-(1).jpg
Một góc thành phố Pleiku.
 


 

PGS.TS Nguyễn Danh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Gia Lai:
 
bai-do-thi2.jpg
PGS.TS Nguyễn Danh
 
So với trước đây thì Pleiku có sự phát triển nhiều mặt: Từ thị xã lên đô thị loại  II; diện tích đô thị được mở rộng và cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội phát triển…Tuy nhiên, sự khác biệt mang tính đặc thù (Về quy hoạch - kiến trúc,  thiên nhiên - cảnh quan, đặc trưng văn hóa và an ninh - an toàn…) của đô thị Pleiku so với các đô thị khác thì chưa được thể hiện rõ, để hoạt động đô thị theo hướng văn minh thì còn nhiều việc phải làm. Phát triển là  quy luật và là mong muốn của mọi người,  vấn đề là phát triển cái gì, phát triển như thế nào và lộ trình ra sao để mang tính bền vững, đáp ứng yêu cầu hiện tại và phù hợp xu hướng tương lai. Nói như vậy để thấy rằng việc trở thành đô thị loại I hay xây dựng đô thị thông minh là phù hợp yêu cầu CNH-HĐH và xu thế phát triển.

Để có nội  dung  và phương pháp phát triển thích hợp cần xác định đầy đủ về mục tiêu cũng như tầm nhìn Pleiku sẽ là một đô thị văn minh, hiện đại, xanh - sạch - sáng - đẹp với định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2050 là thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe, về xây dựng đô thị thông minh, xây dựng một đô thị hiện đại có vẻ dễ hơn nhiều so với việc xây dựng một đô thị giàu bản sắc và có phong cách địa phương. Do đó cần kết hợp để mang đặc trưng bản sắc nhưng cũng đáp ứng về sự tiên tiến mà trước hết là phải có quy hoạch để đáp ứng mục tiêu và tầm nhìn đặt ra. Một đô thị thông minh  rất cần một quy hoạch ổn định, do đó cần có lộ trình thực hiện cho từng khu vực.

Các đặc trưng về bản sắc văn hóa thiên nhiên - cảnh quan hay quy hoạch -kiến trúc sẽ là đặc thù tạo ấn tượng riêng cho đô thị, cần chú ý triển khai đồng bộ; trên cơ sở đó mà bố trí các phân khu và quy hoạch cho hợp lý và hiệu quả. Về bản sắc văn hóa cần chú ý để phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên đã được UNESCO công nhận. Về quy hoạch - kiến trúc, cần chú ý khai thác các dạng địa hình tự nhiên. Về thiên nhiên - cảnh quan, cần chú ý tính đa dạng cao của đại ngàn cao nguyên để chọn trồng những loài cây, hoa bản địa trong tỉnh kết hợp di thực để tăng sự phong phú và hấp dẫn, ít nhất là cho khu vực Bắc Tây Nguyên và tam giác phát triển. Sẽ là độc đáo và khó quên khi đô thị chúng ta phát triển vừa gắn kết bản sắc và hiện đại. Thực hiện mục tiêu này là chiến lược lâu dài cần có tầm nhìn và lộ trình, nhưng trước mắt những vấn đề xây dựng -kiến trúc nhất là ở mặt tiền, bố trí cây trồng và mảng xanh, quy hoạch quảng cáo, trật tự giao thông và lề đường là những việc cần được đẩy mạnh thực hiện và có giải pháp hữu hiệu hướng đến đô thị văn minh, đáng sống…

Ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó Giám đốc  Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai:
 
bai-do-thi-3.jpg
Ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó Giám đốc  Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch.
 
Pleiku là một thành phố trẻ. Cùng với tốc độ đô thị hóa ngày một nhanh chóng, đời sống văn hóa tinh thần của người dân trên địa bàn thành phố những năm qua đã và đang từng bước được cải thiện và nâng cao. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được triển khai thực hiện đã đạt những kết quả khả quan. Việc bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng được đề cao, ý thức xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh tiếp tục được phát huy. Tỷ lệ gia đình văn hóa thôn, làng, khu dân cư văn hóa tăng đều qua các năm.

Pleiku hiện có 2 di tích cấp quốc gia, 3 di tích cấp tỉnh, 1 bảo tàng, 2 công viên. Những địa điểm này đang được khai thác nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, học tập và tìm hiểu của người dân, đồng thời cũng là điểm vui chơi, thu hút khách du lịch chính của thành phố. Đặc biệt, di tích thắng cảnh Biển Hồ vốn được ví như “viên ngọc giữa lòng thành phố”, sau khi được tu sửa và tôn tạo lại đã trở thành nơi dừng chân không thể bỏ lỡ của du khách khi đến với Pleiku. Quảng trường Đại Đoàn Kết nằm ở trung tâm có vai trò như một lá phổi xanh của thành phố, đây chính là điểm thu hút khách tham quan, du lịch đồng thời cùng là nơi sinh hoạt, vui chơi chính của người dân trên địa bàn. Cơ sở hạ tầng cũng như các dịch vụ vui chơi, giải trí tại thành phố khá đa dạng và phong phú với nhiều khu vui chơi dành cho trẻ em, các rạp chiếu phim, sân bóng đá mini, hồ bơi… tạo điều kiện cho người dân được vui chơi, giải trí và phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tâm hồn.

Các sinh hoạt văn hóa nghệ thuật như Liên hoan, Hội thi, Hội diễn thường xuyên được tổ chức tạo sân chơi bổ ích cho các thành phần dân cư, khơi gợi cảm hứng sáng tác cho các văn nghệ sĩ, góp phần tuyên truyền các chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng sâu rộng đến quần chúng nhân dân trên địa bàn thành phố. Vấn đề an ninh trật tự về văn hóa trên địa bàn thành phố được đảm bảo nhờ sự phối hợp kiểm tra, giám sát giữa các cấp, các ngành và ý thức của người dân từng bước được nâng cao. Nhìn chung bức tranh văn hóa thành phố Pleiku những năm qua đã có những khởi sắc đáng mừng và đó sẽ là động lực để thành phố tiếp tục xây dựng và phát triển nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân trên địa bàn.

Để xây dựng Thành phố Pleiku theo hướng văn minh và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh trong thời gian tới, Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã khẳng định “Văn háo là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Với mục tiêu xây dựng Pleiku trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh thì bên cạnh việc đầu tư phát triển kinh tế cũng như cơ sở vật chất hạ tầng, vấn đề xây dựng và phát triển con người và môi trường văn hóacũng là việc làm cần được quan tâm hiện nay. Để thực hiện mục tiêu đó thì trong thời gian tới thành phố Pleiku cần phải: Tiếp tục tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, nhận thức của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố trong việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị, xây dựng môi trường văn hóa lối sống lành mạnh, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân, nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới.

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh đô thị hóa là việc làm cần thiết. Thành phố Pleiku có các làng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là dân tộc Jrai, Bahnar đang sống đan xen cùng với dân tộc Kinh. Vậy làm sao để các dân tộc hòa nhập cùng cuộc sống đô thị nhưng vẫn bảo lưu được những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp là việc mà UBND Thành phố Pleiku cần đặc biệt lưu ý. Đây cũng là một lợi thế vì nếu như biết khai thác hợp lý thì chính những làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn là sẽ là một sản phẩm du lịch rất đặc trưng của thành phố.

Chính quyền thành phố cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đồng bộ hóa các thiết chế văn hóa đô thị, tăng cường đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng không gian, cảnh quan văn minh, hiện đại, trong đó tập trung chỉnh trang và hoàn thiện cơ sở hạ tầng đô thị đồng bộ. Những điểm cần chú trọng đầu tư là những địa điểm công cộng, các thiết chế văn hóa các khu du lịch, các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh… Đa dạng các sinh hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao trên địa bàn, đặc biệt cần xây dựng nhiều hơn nữa các hoạt động sinh hoạt tại khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết, như chương trình văn nghệ quần chúng, biểu diễn cồng chiêng…Đồng thời, cần thu hút đầu tư, đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa và thể thao: Vận động các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư kinh phí xây dựng, hỗ trợ cơ sở vật chất và hoạt động cho các điểm sinh hoạt văn hóa thể dục - thể thao và vui chơi giải trí trên địa bàn thành phố…
 
bai-do-thi-4.jpg
Hội nghị nghiệm thu cấp tỉnh Đề tài về nếp sống văn minh đô thị Pleiku do Trường Đại học Tôn Đức Thắng TP Hồ Chí Minh thực hiện.
 
 
Ông Đỗ Việt Hưng - Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai:

Pleiku là đô thị có quá trình thành lập và phát triển khá lâu với vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Gia Lai. Pleiku có tiềm năng, lợi thế về đất đai đô thị, khí hậu mát mẻ đặc thù, có danh lam, thắng cảnh… thuận lợi để phát triển thương mại dịch vụ, logistic, nông lâm nghiệp và du lịch… Qua quá trình xây dựng và phát triển, đô thị Pleiku trở thành một thành phố sầm uất, có nền văn hoá đa dạng với sự tập trung của nhiều dân tộc, nhiều cư dân di cư từ nhiều địa phương trên cả nước.

Đô thị Pleiku hiện nay mặc dù đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường nhưng nhìn chung vẫn chủ yếu phát triển tập trung ở khu vực lõi hoặc bám theo các trục đường chính, các quốc lộ đi qua thành phố. Việc phát triển đô thị cần có sự kết nối chặt chẽ giữa các khu chức năng, không gian cảnh quan, cây xanh, mặt nước, địa hình tự nhiên và văn hóa con người để phát huy nhiều tiềm năng, giá trị chỉ riêng có của vùng đất Pleiku. Hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật đô thị mặc dù được đầu tư nhưng còn nhiều hạn chế do nhiều yếu tố tác động, trong đó có yếu tố về nguồn lực và kế hoạch thực hiện.

Trong những năm tới, sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh giữa các đô thị là bởi sự khác biệt, bởi các đặc trưng tạo nên cá tính đô thị hay thậm chí là thương hiệu đô thị. Vì vậy, phát triển hình ảnh đô thị - tạo lập hình ảnh thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe là một chiến lược hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay của Pleiku - Một thành phố biết khai thác lợi thế về đặc trưng địa hình và cảnh quan đa dạng, biết khai thác và phát huy các giá trị văn hóa Tây Nguyên, và đặc biệt biết khai thác các lợi thế của một vùng không gian xanh rộng lớn có nhiều tiềm năng phát triển.

Khai thác, phát huy giá trị tiềm năng khu đô thị lõi: Nên thiết lập vành đai nội đô nhằm kiểm soát và bảo vệ các không gian cảnh quan, văn hóa lịch sử của thành phố, đồng thời tập trung các nguồn lực đầu tư hoàn thiện các kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho một đô thị đủ sức cạnh tranh trong phát triển du lịch. Tập trung khai thác hình ảnh đô thị hướng về không gian xanh, mặt nước, các vùng cảnh quan đặc trưng từ các thung lũng nông nghiệp gắn với các bản làng, điểm dân cư hiện hữu được nâng cấp hoàn chỉnh để trở thành các không gian ở mới hiện đại gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng hệ thống đường giao thông thứ cấp chuyển tiếp từ trục chính đô thị đến các ngõ, hẻm gắn với các không gian xanh, không gian mở, không gian công cộng của các khu ở, những không gian mà ở đó sẽ tạo nên sự đa dạng về hình thức tổ chức khu ở, khai thác một cách tốt nhất quỹ đất nội thị hiện hữu của thành phố Pleiku.

Đẩy mạnh quy hoạch, phát triển cảnh quan vùng ngoại thị. Đối với khu vực ngoại thị, trước mắt cần bảo vệ vùng cảnh quan đặc trưng, đã đi sâu vào tiềm thức và gắn với hình ảnh Pleiku của các thế hệ, thời kỳ như cảnh quan tự nhiên khu vực Biển Hồ. Một không gian nước mặt đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, cung cấp nguồn nước sạch cho toàn thành phố, điều tiết khí hậu cũng như phát triển các hoạt động du lịch sinh thái; cảnh quan xung quanh khu vực núi Hàm Rồng không gian xanh với vị trí điểm cao và là cửa ngõ phía Nam của thành phố Pleiku. Song song với đó, việc phát triển cũng cần gắn với yếu tố nông nghiệp và hệ sinh thái tự nhiên, theo đó, mô hình “đô thị - nông nghiệp”, nên là sự lựa chọn kết hợp với các tổ hợp chăm sóc sức khỏe phát triển các không gian trồng dược liệu; trồng rau, củ, quả, nấm, tạo ra các trang trại du lịch nông nghiệp ở ngoại thị, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Hình thái du lịch chăm sóc sức khỏe cũng có thể đóng vai trò là hình thái kinh tế mũi nhọn của thành phố Pleiku nếu được quan tâm đúng mức và đi đúng hướng.
Hình ảnh đô thị Pleiku đã được khắc họa và gợi mở khá rõ trong Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Pleiku giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các đặc trưng về địa hình, cấu trúc, tính chất đô thị gắn với nông, lâm nghiệp và văn hóa các bản làng. Việc hoạch định các kế hoạch đầu tư, phát triển, đề ra các nhóm giải pháp thực thi hiệu quả cũng cần gắn với vai trò, trách nhiệm và cả sự chung tay của mọi người dân, tổ chức đang sống và làm việc trên địa bàn thành phố Pleiku để tạo lập một hình ảnh thành phố Pleiku - Cao nguyên xanh vì sức khỏe./.
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png