TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Công tác tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của hội đồng nhân dân thành phố Pleiku

Ngày đăng bài: 06/04/2015
    

Thực trạng

Điều 40 của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003 quy định “Đại biểu Hội đồng nhân dân khi nhận được yêu cầu, kiến nghị của cử tri phải có trách nhiệm trả lời cử tri… Trong thời hạn do pháp luật quy định, người có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết và thông báo bằng văn bản cho đại biểu Hội đồng nhân dân biết kết quả”. Do vậy, việc tổ chức hoạt động tiếp xúc cử tri là để đảm bảo thực thi nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật; đồng thời gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân và phát huy quyền làm chủ của nhân dân và cử tri, nhất là việc nhân dân tham gia đóng góp ý kiến vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn thành phố Pleiku. 

Trong những năm qua, công tác tiếp nhận, giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri trên địa bàn thành phố Pleiku không ngừng được quan tâm thực hiện và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, tạo được niềm tin của cử tri và nhân dân thành phố. Trong đó, việc cải tiến về hình thức, phương pháp, nội dung tiếp xúc cử tri; cũng như, việc tổng hợp ý kiến, kiến nghị cử tri, yêu cầu giải quyết và báo cáo kết quả giải quyết trả lời kiến nghị cử tri của các phòng ban chuyên môn và UBND thành phố là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND thành phố Pleiku.

Hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ Sau - HĐND 3 cấp tại phường Yên Thế.

Kết quả đạt được

Để tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri có hiệu quả, Thường trực HĐND thành phố đã phối hợp, thống nhất với UBND và Ban Thường trực Ủy ban MTTVN thành phố  tổ chức luân phiên tại các cụm dân cư ở thôn, làng, tổ dân phố; không nhất thiết chỉ tổ chức tại trụ sở xã, phường như trước đây và đại biểu không những lấy ý kiến của cử tri ở nơi ứng cử mà còn lấy ý kiến của cử tri ở nơi cư trú, nơi làm việc. Thực tế, cách làm trên đã  mang lại hiệu quả cao.

Trước mỗi kỳ tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND thành phố, ngay tại hội nghị liên tịch bàn nội dung chương trình chuẩn bị kỳ họp thường lệ, Thường trực HĐND thành phố thống nhất với Ủy ban nhân dân thành phố và Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN thành phố về kế hoạch tổ chức tiếp xúc cử tri của các đại biểu HĐND thành phố. Sau Hội nghị liên tịch, Thường trực HĐND thành phố xây dựng kế hoạch hướng dẫn, gửi đến các Tổ đại biểu HĐND thành phố, các vị đại biểu HĐND thành phố và Thường trực HĐND các xã, phường, theo đó quy định trách nhiệm về thời gian tổ chức tiếp xúc và nhất là quy định thời gian gửi báo cáo tổng hợp kết quả (nếu đơn vị nào tổ chức chậm hoặc gửi báo cáo tổng hợp chậm thì Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND thành phố và Thường trực HĐND xã, phường đó phải chịu trách nhiệm trước cử tri và Thường trực HĐND thành phố). Trên cơ sở đó, các Tổ đại biểu HĐND thành phố phối hợp với Thường trực HĐND và Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN xã, phường thống nhất lựa chọn địa điểm, bố trí thời gian cụ thể, phân công đại biểu đi tiếp xúc, phân loại ý kiến cử tri thuộc thẩm quyền từng cấp. Kế hoạch tiếp xúc cử tri của Thường trực HĐND thành phố được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng như Đài truyền thanh - truyền hình thành phố, Trang thông tin điện tử thành phố … để nhân dân và cử tri biết. Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN thành phố cũng có Thông báo về kế hoạch tiếp xúc cử tri gửi đến Ủy ban MTTQVN các xã, phường để cùng phối hợp thực hiện và chủ trì, điều hành các Hội nghị tiếp xúc cử tri.

 Thời gian tổ chức để các đại biểu HĐND thành phố tiếp xúc cử tri trước ngày khai mạc kỳ họp 35 ngày và tổ chức sau kỳ họp là 15 ngày sau ngày bế mạc kỳ họp. Bố trí đại biểu HĐND thành phố tiếp xúc cử tri tại các địa điểm theo địa bàn ứng cử. Việc bố trí địa điểm tiếp xúc của đại biểu HĐND thành phố được các xã, phường điều hòa, phối hợp cùng tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND xã, phường. Đối với các xã, phường không có Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị ứng cử tại thành phố tiếp xúc cử tri thì tổ chức cho đại biểu HĐND hai cấp (thành phố, xã phường) tiếp xúc cử tri tại các khu dân cư (thôn, làng, tổ dân phố), có thể ghép 2 - 3 thôn, làng, tổ dân phố gần nhau thành một điểm tiếp xúc (mỗi thôn, làng, tổ dân phố tối thiểu được tiếp xúc cử tri ít nhất 1 lần/năm). Thực tế, cách làm trên mang lại hiệu quả cao.

Hội nghị tiếp xúc ở các điểm do Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN xã, phường chủ trì, điều hành. Thành phần tham gia tiếp xúc cử tri do Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN xã, phường phối hợp mời tham dự, có đầy đủ các thành phần như đại diện Ủy ban MTTQVN, Thường trực HĐND, UBND , đại diện các tổ chức đoàn thể, thôn, làng, tổ dân phố tham gia. Thành phần cần phải có là Lãnh đạo thành phố, Lãnh đạo xã, phường. Đây là yêu cầu, đồng thời là trách nhiệm. 

Thường trực HĐND thành phố chỉ đạo Văn phòng HĐND - UBND thành phố chuẩn bị một số văn bản tài liệu phục vụ các đại biểu HĐND thành phố như: dự kiến nội dung chương trình kỳ họp; báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; thông báo kết quả kỳ họp, các nghị quyết kỳ họp HĐND thành phố v.v…để kịp thời thông báo đến cử tri các nội dung theo luật định tùy theo đợt tiếp xúc cử tri trước hay sau kỳ họp. Đồng thời, tại các buổi tiếp xúc đều có phân công chuyên viên Văn phòng HĐND-UBND thành phố ghi chép, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri để kịp thời tham mưu nhanh cho Thường trực HĐND thành phố và Lãnh đạo UBND thành phố những vấn đề nổi cộm để sớm có hướng chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Trước các cuộc tiếp xúc cử tri, Thường trực HĐND thành phố thường tổ chức đi cơ sở làm việc với xã, phường ở địa bàn có những vấn đề “nổi cộm” để nắm tình hình, trên cơ sở đó giới thiệu cho đại biểu HĐND thành phố ứng cử ở địa bàn đó nắm được vấn đề để có kế hoạch chủ động nghiên cứu những chủ trương, chính sách có liên quan và chuẩn bị nội dung giải trình, trả lời những vấn đề liên quan mà cử tri kiến nghị.

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri, sau khi đại biểu HĐND báo cáo với cử tri các nội dung của kỳ họp: Hội nghị dành nhiều thời gian để cử tri bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và đề xuất ý kiến, kiến nghị với các cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết. Một số ý kiến kiến nghị thuộc thẩm quyền cấp thành phố, cấp xã, phường thì đại diện Lãnh đạo UBND thành phố và Lãnh đạo UBND xã, phường giải trình để cử tri biết. Nếu tổ chức tiếp xúc trước kỳ họp thì đại biểu HĐND tiếp xúc với nội dung là thu thập ý kiến nguyện vọng của cử tri; đồng thời, giải thích trả lời những ý kiến liên quan đến lĩnh vực công tác mà đại biểu HĐND phụ trách và yêu cầu chính quyền địa phương trả lời những ý kiến thuộc thẩm quyền của cơ sở. Còn tiếp xúc sau kỳ họp thì đại biểu HĐND thành phố báo cáo kết quả kỳ họp HĐND; trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại đợt tiếp xúc trước kỳ họp; phổ biến các Nghị quyết kỳ họp ban hành và vận động nhân dân phấn đấu thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch mà Nghị quyết HĐND các cấp đề ra; thu thập ý kiến nguyện vọng của cử tri.

Tại các điểm tiếp xúc cử tri, Thường trực HĐND thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố thường xuyên cử đại diện, yêu cầu lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn liên quan và lãnh đạo các xã, phường cùng tham gia và trực tiếp giải trình, trả lời của cử tri thuộc thẩm quyền trách nhiệm của mình. Qua đó, các cơ quan chuyên môn và chính quyền cấp xã, phường thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trước nhân dân địa phương và cấp trên.

Ngoài ra, việc tổ chức cho đại biểu HĐND tỉnh đơn vị ứng cử tại thành phố Pleiku tiếp xúc cử tri thì thực hiện phối hợp cùng tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND thành phố, đại biểu HĐND xã, phường (tiếp xúc cử tri HĐND 3 cấp) để khỏi ảnh hưởng đến thời gian, công việc làm ăn, sản xuất của nhân dân.

Sau khi tổ chức tiếp xúc, tất cả những ý kiến, kiến nghị của cử tri đều được Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND thành phố họp, trao đổi nhanh với Thường trực HĐND, UBND và Ủy ban MTTQVN các xã phường thuộc địa bàn ứng cử của Tổ để tiến hành tổng hợp, chắt lọc và phân loại theo thẩm quyền của từng cấp. Đối với các ý kiến thuộc thẩm quyền cấp xã, phường thì chuyển về xã, phường; còn những ý kiến thuộc thẩm quyền của thành phố, tỉnh và trung ương thì tổng hợp và báo cáo về Thường trực HĐND thành phố sau tiếp xúc khoảng từ 3 - 5 ngày. Khi đã nhận đầy đủ các báo cáo tổng hợp của các Tổ đại biểu HĐND, Thường trực HĐND thành phố giao Văn phòng HĐND - UBND thành phố có trách nhiệm tổng hợp chung, đầy đủ và trung thực các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
  
Sau khi Văn phòng tổng hợp hoàn chỉnh xong, Thường trực HĐND thành phố tổ chức họp liên tịch để thống nhất từng vấn đề cụ thể. Đối với các ý kiến không rõ ràng, ý kiến trùng lắp, ý kiến đã trả lời nhiều lần tại các kỳ họp trước của HĐND thành phố, các ý kiến đã được đại biểu HĐND thành phố, lãnh đạo UBND thành phố, các phòng, ban chuyên môn trả lời trực tiếp tại Hội nghị tiếp xúc đại biểu cử tri đã thống nhất nội dung trả lời và các ý kiến có tính cá nhân, Thường trực HĐND thành phố không tổng hợp trong báo cáo; với cách làm này đã hạn chế được việc tổng hợp tràn lan, không đúng lĩnh vực, đúng thẩm quyền. Đối với những ý kiến thuộc thẩm quyền cấp tỉnh và của trung ương thì phối hợp với Tổ đại biểu HĐND tỉnh tổng hợp, phân loại, chuyển lên Thường trực HĐND tỉnh theo thời gian quy định; còn những ý kiến thuộc thẩm quyền cấp thành phố thì tổng hợp thành báo cáo chung phân loại theo từng nhóm, ngành, lĩnh vực như: lĩnh vực quy hoạch, quản lý đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng, tài nguyên -môi trường, văn hóa - xã hội, nông nghiệp, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông … cụ thể, rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, đơn vị giải quyết trả lời và để trình tại kỳ họp HĐND thành phố.

Thường trực HĐND thành phố có công văn gửi đến UBND thành phố đề nghị xem xét, giải quyết trả lời. Nhận được văn bản đề nghị trả lời của Thường trực HĐND thành phố, UBND thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn có liên quan nghiên cứu từng nội dung vấn đề, đi kiểm tra thực tế, đề xuất hướng giải quyết và báo cáo cho UBND thành phố; thời gian các phòng, ban chuyên môn nộp báo cáo cho UBND thành phố từ  7 - 10 ngày. Trên cơ sở đó, UBND thành phố tập hợp giải quyết trả lời bằng văn bản một cách rõ ràng cụ thể, có thời hạn hoàn thành việc thực hiện các vấn đề mà cử tri quan tâm kiến nghị.

Trước kỳ họp thường lệ, Văn phòng HĐND - UBND thành phố có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các phòng, ban chuyên môn liên quan gửi báo cáo trả lời ý kiến kiến nghị của cử tri để Văn phòng tổng hợp, tham mưu, trình Lãnh đạo UBND thành phố xem xét, ký ban hành văn bản và sao gửi cho đại biểu. Đây là một trong những tài liệu được đông đảo đại biểu HĐND thành phố, đại biểu mời dự họp, phóng viên báo chí và cử tri rất quan tâm (là tài liệu rất có hiệu quả để đại biểu HĐND trả lời cử tri tại đợt tiếp xúc sau kỳ họp). Chính việc trả lời giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã góp phần quan trọng cho thành công của kỳ họp HĐND thành phố. Đây là cố gắng lớn của Thường trực HĐND thành phố, UBND thành phố trong việc tổng hợp, tiếp nhận, giải quyết, trả lời ý kiến kiến nghị cử tri tại mỗi kỳ họp HĐND thành phố.

Sau kỳ họp, UBND thành phố có văn bản chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra các phòng ban chuyên môn và UBND các xã, phường thực hiện giải quyết những nội dung ý kiến kiến nghị liên quan và báo cáo kết quả việc thực hiện đó cho UBND thành phố biết, để báo cáo về Thường trực HĐND thành phố, Ủy ban MTTQVN thành phố theo dõi, giám sát việc thực hiện các ý kiến, kiến nghị cử tri.

Nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được UBND thành phố giải quyết bằng việc làm cụ thể, đã tạo được niềm tin của cử tri và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính quyền ở địa phương như: Hỗ trợ đầu tư kinh phí để làm đường giao thông nông thôn, đường hẻm; xây dựng hệ thống thoát nước các con đường; xây dựng trường học, lớp học, hội trường thôn, làng, tổ dân phố; mắc điện chiếu sáng đường hẻm; đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ cho nhân dân …

Trong nhiệm kỳ 2011- 2016 đến nay, tại thành phố Pleiku đã tiếp xúc cử tri 14 đợt, các Tổ đại biểu HĐND thành phố đã tổng hợp được 1.691 ý kiến, kiến nghị của cử tri; trong đó, có 692 lượt ý kiến, kiến nghị cấp xã, phường; 764 lượt ý kiến, kiến nghị cấp thành phố; 235 lượt ý kiến, kiến nghị cấp tỉnh. Bình quân mỗi đợt tiếp xúc có 120 lượt ý kiến, kiến nghị với các cấp thẩm quyền; trong đó bình quân của cấp thành phố có 55 lượt ý kiến.

Ủy ban nhân dân thành phố trong các năm qua (từ đầu nhiệm kỳ 2011-2016 đến nay), đã trả lời và giải quyết hầu hết các ý kiến thuộc thẩm quyền của mình, bằng văn bản kịp thời và việc làm cụ thể; đối với những vấn đề chưa thực hiện được thì có  lý do chính đáng. Từ đó, cử tri tin tưởng tham dự các đợt tiếp xúc ngày càng đông hơn, nhất là những cuộc tổ chức tiếp xúc ở khu dân cư.

Cùng với việc đôn đốc Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết trả lời thực hiện các ý kiến kiến nghị của cử tri. Thường trực HĐND thành phố cũng hết sức quan tâm đôn đốc Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết những đề nghị, kiến nghị của Ủy ban MTTQVN, hai Ban HĐND và cơ quan Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố kiến nghị tại kỳ họp HĐND thành phố. 
 
Ngoài ra, Thường trực HĐND thành phố còn phối hợp với Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai tổ chức cho đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri trên địa bàn thành phố trước và sau mỗi kỳ họp của Quốc hội.
Đình Phương
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png