TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Các mô hình sản xuất kinh doanh giỏi ở xã An Phú

Ngày đăng bài: 09/09/2023
                  NGUYỄN THỊ HIỆP
                    Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã An Phú
 
An Phú là một xã vùng ven cách trung tâm thành phố Pleiku 12 km về hướng đông, có diện tích tự nhiên 1.115,52 ha, địa bàn xã được phân bổ ở 07 thôn và 02 làng đồng bào dân tộc thiểu số, có 2.850 hộ dân với 11.045 khẩu, trong đó người kinh chiếm khoảng 86 % dân số, người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 14 % dân số, phần lớn là dân tộc Jrai.. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Pleiku (khóa XII), nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã (khóa VIII) và Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 05 tháng 7 năm 2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Pleiku (khóa XII) về “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững trên địa bàn thành phố Pleiku đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” (viết tắt là Nghị quyết số 05-NQ/TU). Đảng ủy xã đã thành lập Ban chỉ đạo và xây dựng Chương trình hành động số 07-CTr/ĐU, ngày 20 tháng 10 năm 2021 về thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU (viết tắt là Chương trình số 07-CTr/ĐU). Đảng bộ và chính quyền xã đã tập trung trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, toàn bộ hệ thống chính trị từ xã đến thôn, làng tuyên tuyền vận động Nhân dân nâng cao nhận thức, chủ động các nguồn lực để phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước ứng dụng công nghệ cao và sản xuất.

kt1.jpg

Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng hàng năm trên địa bàn xã là 1.840,6 ha, trong đó: Diện tích trồng lúa nước là 320,6 ha (vụ Đông xuân: 50 ha, vụ mùa: 270,6 ha); rau màu các loại: 1.402 ha (vụ đông xuân: 684ha, vụ mùa: 718 ha); cây hàng năm khác (cỏ, hoa): 118 ha. Đặc biệt Nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất lúa 1 vụ sang trồng rau, hoa các loại tại các khu vực từ năm 2003 đến nay là 186 ha chuyên canh rau, màu các loại. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã có tác động tích cực đến tập quán canh tác của hộ nông dân trong vùng sản xuất, giúp họ am hiểu các tiến bộ khoa học kỹ thuật và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần ổn định thu nhập và đời sống Nhân dân được nâng lên. So với việc sản xuất lúa thì thu nhập bình quân trên 01 ha đất sản xuất rau màu cao gấp 15  lần so với đất trồng lúa. (Thu nhập bình quân trên 01 ha đất sản xuất rau màu: đạt 300 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân trên 01 ha đất sản xuất lúa: đạt  20 triệu đồng/năm).
 
kt2.jpg


Thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau hoa, giống cây trồng, đến nay toàn xã có tổng diện tích canh tác rau, hoa các loại trong nhà lồng, nhà lưới: 11,2 ha. Với mô hình này cho thu nhập mỗi ha trên 500 triệu đồng/năm. Tuy nhiên vì chi phí đầu tư cho nhà lồng, nhà lưới còn cao do đó việc nhân rộng mô hình còn hạn chế.

Điển hình trong thực hiện mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất có hộ ông Nguyễn Văn My tại thôn 4. Gia đình có tổng diện tích đất sản xuất: 1,3 ha (trong đó, đất vườn: 0,3 ha, đất lúa 1 vụ chuyển đổi sang trồng rau: 0,7 ha, đất sản xuất lúa: 0,2 ha; Diện tích sản xuất trong nhà lồng nhà lưới: 0,1 ha trồng hoa cao cấp). Kết hợp chăn nuôi 4 con bò thịt. Gia đình có 7 nhân khẩu, trong đó 3 lao động chính. Với mô hình phát triển kinh tế tổng hợp kết hợp trồng trọt và chăn nuôi, đã tận dụng phụ phẩm trồng trọt làm thức ăn chăn nuôi, phân bón cho cây trồng đã giúp giảm chi phí về phân bón, thức ăn chăn nuôi. Hàng năm thu nhập của gia đình trên 450 triệu đồng bao gồm: Thu nhập từ sản xuất rau trong vườn: 80  triệu đồng; thu nhập từ 0,7 ha sản xuất rau màu trên đất lúa chuyển đổi: 230 triệu đồng, thu nhập từ sản xuất lúa 2 triệu đồng, thu nhập từ diện tích trồng hoa trong nhà lồng: 100 triệu đồng, Thu nhập từ chăn nuôi bò: 40  triệu đồng). Từ kết quả thu nhập có thể thấy mô hình trồng hoa cao cấp (cát tường) trong nhà lồng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao cho người dân (khoảng 1 tỷ đồng/ha/năm). Tuy nhiên vấn đề ổn định giá cả đầu ra vẫn còn là nổi lo lắng của người dân và cũng là trăn trở của địa phương trong vấn đề tìm kiếm đầu ra ổn định cho người dân khi mô hình được nhân ra diện rộng.
 
kt3-(1).jpg

Cùng với các mô hình phát triển sản xuất từ trồng trọt, mô hình chăn nuôi bò thịt cũng được người dân An Phú lựa chọn và đã đem lại thu nhập cao cho hộ gia đình. Điển hình có hộ gia đình ông Nguyễn Tùng Khánh, thôn 4 xã An Phú. Gia đình có 6 nhân khẩu, trong đó 3 lao động chính. Quy mô chăn nuôi 20 con bò thịt (17 bò 3B, 3 bò Pháp kem). Chi phí đầu tư con giống ban đầu 680 triệu đồng (34 triệu/con), sau khi nuôi 6-8  tháng chi phí đầu tư thức ăn: 140 triệu đồng (7 triệu/con),  giá bán bình quân (60 triệu/con), cho thu nhập 380 triệu đồng. Ngoài ra tận dụng sản phẩm phụ làm phân bón cho 2.000m2 rau, mỗi năm cho thu nhập 40-50 triệu đồng. Từ mô hình chăn nuôi bò thịt kết hợp trồng rau hộ gia đình ông Khánh đã có thu nhập ổn định hàng năm trên 420 triệu đồng, trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học và có tích lũy.

Qua một số mô hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn xã An Phú có thể khẳng định Nghị quyết số 05-NQ/TU là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, từng bước đi vào cuộc sống, đem lại nguồn thu nhập cao, ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân An Phú nói riêng và Nhân dân thành phố Pleiku nói chung. Các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã đem lại hiệu quả thiết thực, bộ mặt nông thôn từng bước được nâng lên, kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao.

Phát huy những kết quả đã đạt được, nhân rộng nhiều hơn các mô hình sản xuất có hiệu quả, ổn định giá cả đầu ra sản phẩm, trong thời gian tới Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã An Phú cần tập trung một số nhiệm vụ giải pháp sau:

Một là, tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, quán triệt mục tiêu, nội dung Nghị quyết số 05-NQ/TU; Chương trình hành động số 07-CTr/ĐU bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp, dễ hiểu để nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, thói quen canh tác của người dân; đặc biệt tuyên truyền để người nông dân mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đảm bảo phù hợp với năng lực tài chính và trình độ kỹ thuật của người dân. Vận động Nhân dân hiến đất, đóng góp công lao động để xây dựng mới và mở rộng đường giao thông nội đồng để thuận lợi cho việc vận chuyển máy móc, vật tư phục vụ sản xuất, sản phẩm sau thu hoạch.
Hai là, phối hợp cùng với các cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn các kỹ thuật, công nghệ mới để người dân chủ động nắm bắt và ứng dụng trong thực tiễn sản xuất. Tư vấn, hỗ trợ người dân xác định cơ cấu cây trồng phù hợp với từng vùng, từng chất đất, điều kiện sản xuất. Lựa chọn các cây giống, vật nuôi cho năng suất cao và thích ứng với điều kiện tại địa phương.

Thứ ba, thực hiện các giải pháp hợp tác, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức liên kết trong sản xuất để làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm như liên kết giữa nông dân với nông dân, liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp để thu mua tiêu thụ sản phẩm. Hình thành và phát triển liên kết 04 nhà (Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông) và liên kết nông hộ - hợp tác xã, tổ hợp tác - doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả mô hình hoạt động nông hội, hợp tác xã hiện có và thành lập mới nông hội ở các khu vực sản xuất. Tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân về lợi ích và trách nhiệm trong hoạt động liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích, mời gọi các nhà đầu tư đến ký kết hợp đồng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của người nông dân.

Bốn là, bố trí Ngân sách Nhà nước hỗ trợ kinh phí về cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như: Điện phục vụ sản xuất, mương tưới, tiêu nước, đường giao thông nội đồng... xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và người nông dân tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư ở rộng sản xuất.
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png