TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Kết quả 03 năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Pleiku (2011-2013)

Ngày đăng bài: 06/11/2014
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta với mục tiêu đưa nông thôn nước ta phát triển toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, đặc biệt là người nông dân. Nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Thành ủy, Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới thành phố đã tham mưu cho UBND thành phố triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 cơ bản đúng theo tiến độ đề ra.

Công tác tuyên truyền

Ngay bước đầu triển khai thực hiện, Thành phố Pleiku đã xác định công tác tuyên truyền là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và phải được triển khai thường xuyên, liên tục, bảo đảm nội dung, đúng định hướng, đa dạng, phong phú sáng tạo về hình thức, hàng năm UBND thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn xây dựng kế hoạch tuyên truyền thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, lồng ghép với các nội dung tuyên truyền thực hiện các nhiệm vụ trong năm của từng đơn vị. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các văn bản hướng dẫn xây dựng nông thôn mới của các Bộ, ngành Trung ương và các văn bản hướng dẫn của tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết số 03/NQ-TU ngày 19/7/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai (khóa XIV) về “Xây dựng nông thôn mới tỉnh Gia Lai đến năm 2020”,… thông qua công tác tuyên truyền làm cho người dân thấy rõ công tác xây dựng nông thôn mới là của toàn dân, nhân dân là chủ thể, là người trực tiếp làm và hưởng thụ.

Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 9 xã tuyên truyền nội dung các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh và thành phố. Bên cạnh đó đã lồng ghép với tuyên truyền hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và phong trào “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”  tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, đem lại hiệu quả tích cực.

Hàng năm, đều tổ chức tập huấn và cung cấp đầy đủ tài liệu cho các thành viên Ban chỉ đạo ở thành phố và 9 xã về hướng dẫn thực hiện nội dung Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn thành phố, cụ thể: năm 2011 tổ chức 1 lớp có 80 lượt người tham gia; năm 2012 tổ chức 01 lớp có 70 lượt người tham gia. 9/9 xã tổ chức tập huấn cho cán bộ xã, thôn, làng tham gia công tác điều tra, đánh giá, lập đề án xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã, cụ thể: năm 2011 tổ chức 9 lớp (mỗi xã 1 lớp) có 450 lượt người tham gia; năm 2012 tổ chức 9 lớp có 450 lượt người tham gia.

TP.Pleiku sơ kết chương trình nông thôn mới năm 2012.

Kết quả đạt được

Năm 2011, 9/9 xã đã hoàn thành quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết của xã giai đoạn 2011-2020, các Đồ án quy hoạch của các xã đã được các ngành của tỉnh, Ban Thường vụ Thành ủy, UBND và các ngành chuyên môn của thành phố tham gia cho ý kiến, trước khi UBND thành phố ra quyết định phê duyệt. Các đồ án quy hoạch được các xã công bố rộng rãi cho nhân dân được biết tại các hội nghị quân dân chính và được công khai tại trụ sở HĐND-UBND các xã, hội trường các thôn làng,.... trên cơ sở đó các xã tự tổ chức cắm mốc theo quy hoạch đã được phê duyệt. Sau khi 9 xã hoàn thành Đề án xây dựng nông thôn mới, vào tháng 11/2011, UBND thành phố cũng đã khẩn trương ban hành Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố giai đoạn 2011-2020, đồng thời đã ban hành hành các văn bản để chỉ đạo triển khai việc thực hiện Đề án kịp thời đáp ứng yêu cầu kế hoạch đề ra.

Công tác huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới luôn được quan tâm triển khai thực hiện qua các năm.  Năm 2011, tổng các nguồn đã huy động và đầu tư (theo số liệu các xã báo cáo) là 150.558,3 triệu đồng, trong đó: Đầu tư từ nguồn vốn ngân sách 61.535,00 triệu đồng (trong đó vốn đầu tư trực tiếp thực hiện chương trình 1.582 triệu đồng); vốn doanh nghiệp đầu tư 50.567,1 triệu đồng; vốn tín dụng 5.304 triệu đồng; vốn nhân dân đóng góp: 33.151,5 triệu đồng;

Năm 2012, tổng các nguồn đã huy động và đầu tư (theo số liệu các xã báo cáo) là 245.289,18 triệu đồng, trong đó: Đầu tư từ nguồn vốn ngân sách 69.400 triệu đồng (trong đó vốn đầu tư trực tiếp thực hiện chương trình 3.667 triệu đồng, bao gồm ngân sách tỉnh 2.767 triệu đồng và ngân sách thành phố đầu tư 900 triệu đồng); vốn doanh nghiệp đầu tư 51.709,55 triệu đồng; vốn tín dụng 13.839,8 triệu đồng và vốn do nhân dân đóng góp 110.339,83 triệu đồng.

Năm 2013, tổng các nguồn đã huy động và đầu tư (theo số liệu các xã báo cáo) là 142.823,91 triệu đồng, trong đó: Đầu tư từ nguồn vốn ngân sách: 30.384,21 triệu đồng (trong đó vốn đầu tư trực tiếp thực hiện chương trình: 2.209 triệu đồng, bao gồm ngân sách tỉnh: 1.809 triệu đồng và ngân sách thành phố đầu tư: 400 triệu đồng); vốn doanh nghiệp đầu tư: 6.163 triệu đồng; vốn tín dụng: 9.837 triệu đồng và vốn do nhân dân đóng góp: 96.439,7 triệu đồng.

Bên cạnh đó nhân dân di dời hàng rào mở rộng đường giao thông, đóng góp công sức và tiền của xây dựng đường giao thông nông thôn, hội trường thôn làng, điện chiếu sáng trong các khu dân cư, vệ sinh ngõ xóm xanh, sạch đẹp,... đồng thời các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn, các doanh nghiệp hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, làm nhà hộ nghèo, hỗ trợ công sức và tiền của trong các nội dung xây dựng nông thôn mới.

Thành phố đã xây dựng một số mô hình sản xuất phát triển nông nghiệp, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân: đã hỗ trợ đầu tư doanh nghiệp Hương Đất sản xuất rau an toàn tại xã An Phú với diện tích trên 3 ha với 15 hộ tham gia; bằng nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất trực tiếp trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã đầu tư mô hình bò cái sinh sản ở 2 xã An Phú, Biển Hồ với trên 40 hộ tham gia; Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Tân Sơn, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai” gồm các mô hình: Mô hình cải tạo vườn tạp bằng thâm canh cây cà phê vối; cải tạo vườn tạp bằng thâm canh cây Hồ tiêu; trồng cà đắng và nuôi bò cái lai Zebu được triển khai thực hiện với 34 hộ dân tham gia. Các mô hình hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế triển khai qua 3 năm: Mô hình cá Chình và Mô hình cá Rô đầu vuông, Mô hình ICM trên cây hồ tiêu xã Gào, Mô hình chuyển giao kỹ thuật nuôi chim bồ câu Pháp sinh sản, mô hình Dê lai bách thảo tại xã Gào và xã IaKênh (đàn dê từ 20 con qua 3 năm 2011-2013 đã phát triển trên 70 con), mô hình trùn quế,.... đã tạo điều kiện cho người nông dân tiếp cận với những giống mới, những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới từ đó tìm ra hướng thích hợp để phát triển kinh tế hộ gia đình mình.

Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới của tỉnh và thành phố đã làm việc với 4 xã: Biển Hồ, An Phú, Diên Phú, Trà Đa, yêu cầu các xã tập trung huy động mọi nguồn lực của địa phương để thực hiện chương trình và lập tờ trình đề nghị UBND tỉnh Gia Lai xem xét hỗ trợ kinh phí xây dựng các công trình trên địa bàn 4 xã để xây dựng xã đạt xã nông thôn mới vào cuối năm 2013. Năm 2011 số tiêu chí đạt là: 106/171, năm 2012: 112/171, tăng 6 tiêu chí so với năm 2011, năm 2013 số tiêu chí đạt là 130/171, tăng 18 tiêu chí so với năm 2012. Kết quả đến hết năm 2013 có 3 xã đạt được 19/19 tiêu chí là: xã An Phú, xã Biển Hồ và xã Diên Phú.

Tính đến hiện nay (tháng 9/2014), Thành phố đã có 03 xã: Biển Hồ, Diên Phú, An Phú được Tỉnh kiểm tra, xét và công nhận hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; còn lại 06 xã với 29 /117 tiêu chí chưa đạt, trong đó đối với 02 xã dự kiến hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2014 là Trà Đa còn lại 01 tiêu chí (Văn hóa) và xã ChưHDrông còn lại 03 tiêu chí (Cơ sở vật chất văn hóa, môi trường, hệ thống tổ chức chính trị xã hội), thành phố sẽ tiếp tục tập trung đầu tư phấn đấu cuối năm 2014, 02 xã Trà Đa, ChưHDrông đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Tồn tại, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện

Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, một số địa phương chưa thật chủ động huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các nguồn lực tại địa phương để triển khai thực hiện quyết liệt chương trình, việc tuyên truyền còn hình thức, chưa thật sự sâu rộng đủ để làm chuyển biến nhận thức trong nhân dân. Vai trò của Ban phát triển thôn, làng ở một số địa phương còn yếu, chưa phát huy được chức năng nhiệm vụ được giao. Một bộ phận người dân chưa thấy rõ trách nhiệm của mình là chủ thể trong thực hiện xây dựng nông thôn mới và nội lực của cộng đồng tại từng địa phương chính là cốt lõi, là chủ đạo trong việc thực hiện chương trình. 

Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới cách thức sản xuất trong nông nghiệp còn chậm, phổ biến vẫn là sản xuất nhỏ phân tán; năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng nhiều mặt hàng còn thấp. Việc đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, mặc dù đã được thành phố quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, tỷ lệ nhà văn hóa và khu thể thao xã, thôn có nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa nhiều.

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn chưa cao, nhất là ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số; chênh lệch giàu, nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa các địa phương vẫn còn. Vấn đề sử dụng nhân lực tại chỗ, nhân lực là người đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế, ...

Kinh phí trực tiếp đầu tư để thực hiện chương trình chưa nhiều, vốn đầu tư còn chậm, dẫn đến việc triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Phát huy những kết quả đạt được và trên cơ sở nhìn nhận cụ thể những khó khăn, tồn tại, thành phố Pleiku đề ra những giải pháp cụ thể để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu giai đoạn 2014-2015 là chỉ đạo các xã tiếp tục đầu tư nâng cấp những tiêu chí đã đạt được và hoàn thành những tiêu chí chưa đạt theo kế hoạch lộ trình đã đăng ký, đạt mục tiêu theo chỉ đạo cụ thể hàng năm của tỉnh. Từ 2016-2020, tiếp tục đầu tư và nâng cấp những tiêu chí đạt thấp hoặc có nguy cơ trở lại không đạt ở các xã. Tập trung đầu tư kinh phí thực hiện chương trình ở các xã còn lại, phấn đấu đến năm 2020 thành phố có 100% xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới.
Thủy Tiên
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png