TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Thành phố Pleiku: Kết quả 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI)

Ngày đăng bài: 28/11/2021
BAN BIÊN TẬP
 
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị về “Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn” (Sau đây viết tắt là Chỉ thị 10-CT/TW), nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các cấp và toàn xã hội trên địa bàn thành phố Pleiku đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo nói chung và công tác phổ cập giáo dục, phân luồng học sinh, xóa mù chữ nói riêng nâng lên rõ rệt. Chất lượng giáo dục của không ngừng được nâng lên; tỷ lệ huy động học sinh đến trường các cấp thực hiện tốt; hệ thống trường, lớp được đầu tư và phát triển…Từ đó, tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện thành công các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế  - xã hội của thành phố.
 

Thành phố Pleiku quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn. Tổng số phòng học của hệ mầm non toàn thành phố là 525 phòng (trong đó phòng kiên cố 259, phòng bán kiên cố 266) 167 công trình vệ sinh và 123 bếp ăn. Thành phố Pleiku là đơn vị đầu tiên của tỉnh Gia Lai đã hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi vào năm 2015. Tỷ lệ trẻ 3-5 tuổi đến trường tăng hàng năm; 100% trẻ được học 2 buổi/ngày (trong đó, trẻ em ở bán trú đạt 88,7%). Đội ngũ giáo viên đạt chuẩn 100% và trên chuẩn đạt 58,3%, chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non đối với nội dung giáo dục trẻ 5 tuổi luôn được chú trọng, nhằm chuẩn bị tốt về tâm thế cho trẻ 5 tuổi chuẩn bị bước vào lớp 1. Từ năm 2009 đến năm 2015 thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi; từ năm 2016 đến năm 2017 thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 2; từ năm 2018 đến nay thành phố được Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai công nhận đạt chuẩn mức độ phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 3. Tỷ lệ huy động trẻ 06 tuổi vào lớp 1 bình quân hàng năm đạt 100 %. Trẻ em ở độ tuổi 11-14 hoàn thành chương trình tiểu học đạt 98% trở lên. Từ năm 2016 đến năm 2017 thành phố được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục phổ cập giáo dục THCS (Trung học cơ sở) mức độ 2; năm 2018 đến nay thành phố được UBND tỉnh Gia Lai công nhận đạt chuẩn mức độ phổ cập giáo dục THCS mức độ 3. Học sinh hoàn thành chương trình bậc tiểu học vào học lớp 6 đạt 99,9 % (số liệu phổ cập năm 2020), học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS đạt 99,6 % (số liệu tốt nghiệp THCS năm học 2020 - 2021). Thành phố duy trì tổ chức mở các lớp phổ cập trung học cơ sở và xét đề nghị công nhận tốt nghiệp bổ túc THCS. Hằng năm có 98% học sinh trở lên được công nhận tốt nghiệp THPT (trung học phổ thông).
 
hoc-tap-3-(1).jpg
Phòng học Tin học của Trường Tiểu Học, Trung Học & Trung Học Phổ Thông Sao Việt (Một trong những trường Liên cấp tư thục của tỉnh Gia Lai) Nguồn : Internet
 
Công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh, tổ chức tư vấn chọn trường tuyển sinh THPT theo trình độ, năng lực học sinh, định hướng nghề nghiệp được các nhà trường quan tâm, thực hiện tốt. Kết quả phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS năm học 2018 - 2019 đạt 2,1%, năm học 2019-2020 có 2,3% học sinh THCS trên địa bàn thành phố tham gia các lớp đào tạo nghề, trung cấp.

Năm 2014, UBND thành phố đã ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020” trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở đó, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ từ tuyên truyền, vận động các đối tượng, nhất là đối tượng người đồng bào dân tộc thiểu số đi học đúng độ tuổi, chống bỏ học, đến việc lồng ghép dạy xóa mù chữ. Đến nay, 100% đơn vị xã, phường đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Hiện nay, tỷ lệ người biết chữ độ tuổi từ 15-60 là 94,61%. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ độ tuổi từ 15-60 chiếm tỷ lệ 89,9%. Chất lượng học tập không ngừng được nâng cao, số lượng học sinh giỏi các cấp tăng theo từng năm học. Năm học 2016 - 2017, có 225 học sinh đạt giải cấp thành phố, 58 học sinh đạt giải cấp tỉnh, 01 học sinh đạt giải cấp quốc gia; năm học 2017 - 2018, có 245 học sinh đạt giải cấp thành phố, 71 học sinh đạt giải cấp tỉnh; năm học 2018 - 2019, có 221 học sinh đạt giải cấp thành phố, 64 học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Năm học 2020 - 2021 có 199 học sinh giỏi cấp thành phố và 57 học sinh giỏi cấp tỉnh. Công tác bồi dưỡng Tiếng Việt cho học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức. Đến nay, chất lượng học tập của các môn học nói chung và môn Tiếng Việt nói riêng của học sinh được nâng lên khá rõ rệt.

Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm học 2020 - 2021 ngành giáo dục thành phố có 2.355 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 2.224 biên chế. Ngành giáo dục thành phố tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nghiên cứu học tập, quán triệt kịp thời các Nghị quyết của Đảng; học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ đáp ứng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp theo quy định hiện hành; thực hiện có hiệu quả các chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo theo quy định (chế độ tiền lương, phụ cấp ưu đãi nghề, thâm niên nhà giáo…).  
 
hoc-tap4.jpg
Các em học sinh trường Mầm non Hoa Hồng, thành phố Pleiku trong giờ học. Nguồn : Internet
 
Cùng với đó, việc thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 07/7/2001 của Thành ủy (khóa VIII) về đẩy mạnh xã hội hóa sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, nhiều tổ chức, cá nhân đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng, phát triển trường lớp. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 19 trường ngoài công lập, trong đó 15 trường mầm non và 04 trường phổ thông. Đồng thời, triển khai xây dựng nông thôn mới gắn với việc xây dựng cơ sở vật chất phục vụ giáo dục, đến nay, các xã trên địa bàn thành phố có 23 trường học đáp ứng nhu cầu dạy và học trên địa bàn, 100% số trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia đảm bảo theo quy định. Số xã đạt chuẩn tiêu chí số 5 về trường học là 8/8 xã, tỉ lệ 100%. Việc xây dựng trường học đạt chuẩn Quốc gia ở các cấp học và sáp nhập trường lớp nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng hoạt động đảm bảo đúng tiến độ. Đã thực hiện sáp nhập 10 trường thành 05 trường; hiện nay thành phố Pleiku có 39/81 trường đạt chuẩn Quốc gia (tỷ lệ 48,1%).

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW trên địa bàn thành phố còn hạn chế như: Hệ thống trường lớp dân lập, tư thục phát triển rộng, song vẫn chưa đáp ứng nhu cầu được chăm sóc, giáo dục và học tập của xã hội. Cơ sở vật chất của một số cơ sở giáo dục ngoài công lập còn đơn sơ, nghèo nàn, nhất là các nhóm trẻ gia đình; vẫn còn trường học, nhất là điểm trường chưa kết nối được thông tin liên lạc (mạng Internet), còn thiếu các phòng học chức năng, công trình vệ sinh, nước sạch, phòng ở cho học sinh bán trú, nhà ở công vụ cho cán bộ, giáo viên. Đội ngũ giáo viên mầm non còn thiếu. Chất lượng giáo dục giữa vùng ven và vùng nội thành vẫn còn có sự chênh lệch; Nhận thức xã hội về phân luồng học sinh sau THCS chưa đầy đủ, một bộ phận nhân dân vẫn còn có tư duy coi việc vào các trường đại học là hướng vào đời duy nhất của học sinh; công tác tuyên truyền, vận động, huy động và thu hút sự tham gia đầu tư của toàn xã hội vào công tác xã hội hóa giáo dục vẫn còn hạn chế, thiếu chủ động, tích cực, chưa khai thác hết tiềm năng, nguồn lực trong nhân dân.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 10-CT/TW trên địa bàn thành phố, trong thời gian tới cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như sau: Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo phổ cập giáo dục, xóa mù chữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện thành công một trong ba khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Hàng năm, đảng ủy các xã, phường đưa chỉ tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi vào Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương để triển khai thực hiện...Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ huy động trẻ em 05 tuổi ra lớp ở bậc mầm non tiếp tục đạt 100% hằng năm; đến năm 2025, trên địa bàn thành phố có 47 trường đạt chuẩn quốc gia; đến năm 2030, tỷ lệ huy động trẻ em trong độ tuổi đến lớp ở bậc phổ thông hằng năm đạt 100%. Khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển trường, lớp ở tất cả các cấp học, bậc học và thành lập mới các cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố. Coi trọng hoạt động giáo dục hướng nghiệp trong các trường THCS để học sinh có thái độ đúng đắn về học nghề lập nghiệp và chủ động lựa chọn hình thức học nghề phù hợp để tạo việc làm. Khuyến khích các cơ sở tuyển dụng lao động từ các cơ sở đào tạo nghề tại chỗ. Đồng thời, phát huy tốt nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo nghề tại các trung tâm học tập cộng đồng ở các xã, phường./.
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png