TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Hiệp định Giơnevơ năm 1954 - thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam

Ngày đăng bài: 13/07/2024
Thịnh Hà

Cách đây 70 năm, ngày 21/7/1954, Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được ký kết. Đây là một thắng lợi to lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với cách mạng nước ta. Lần đầu tiên, Chính phủ Pháp và các nước tham gia Hội nghị Giơnevơ cam kết tôn trọng, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Từ chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong tình thế thù trong, giặc ngoài, vận mệnh của chính quyền cách mạng mới được thành lập như “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương giải quyết bằng các biện pháp hòa bình để tránh đổ máu. Vì vậy, Việt Nam đã ký với Pháp Hiệp định Sơ bộ (ngày 06/3/1946) và Tạm ước Việt - Pháp (ngày 14/9/1946). Thế nhưng, với bản chất hiếu chiến, thực dân Pháp đã cố tình tiến hành xâm lược, buộc Nhân dân Việt Nam phải đứng lên cầm vũ khí bảo vệ chủ quyền dân tộc.
 
baitg1.jpg
Khai mạc ngày 8/5/1954, Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương đã trải qua 75 ngày thương lượng căng thẳng với 31 phiên họp (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
 
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng lên với ý chí “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ đầy hy sinh, gian khổ. Đến năm 1950, quân ta chuyển sang phản công địch trên khắp các chiến trường, đặc biệt là chiến thắng Biên giới 1950 đã làm cho thực dân Pháp ngày càng thất bại, sa lầy và rơi vào thế lúng túng, bị động. Thấy rõ nguy cơ thất bại ở Đông Dương, Pháp muốn tìm cách thoát khỏi chiến tranh trong danh dự. Tuy nhiên, trước khi chịu ngồi vào bàn đàm phán, mùa hè năm 1953, được Mỹ tiếp sức, thực dân Pháp đã đẩy mạnh quy mô và cường độ cuộc chiến tranh xâm lược bằng kế hoạch quân sự Nava, nhằm giành lại quyền chủ động trên chiến trường.

Trước tình hình đó, tháng 9/1953, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp ở Định Hóa (Thái Nguyên) thông qua kế hoạch tác chiến Đông Xuân năm 1953 - 1954, nhằm làm thất bại kế hoạch Nava của địch. Trong khi thể hiện quyết tâm tiến công địch, làm thất bại kế hoạch Nava của thực dân Pháp và kiên quyết kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam cũng tán thành thương lượng nhằm mục đích giải quyết hòa bình vấn đề Việt Nam.

Ngày 26/4/1954, Hội nghị Giơnevơ bắt đầu họp về vấn đề Triều Tiên. Thời gian diễn ra Hội nghị bàn về vấn đề Triều Tiên cũng là lúc quân đội viễn chinh Pháp ở lòng chảo Điện Biên Phủ đang nguy kịch trước sự tấn công mãnh liệt của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau khi các cứ điểm Him Lam, Độc Lập bị tiêu diệt, quân Pháp ở Bản Kéo buộc phải đầu hàng. Tại chiến trường, từ cuối tháng 3/1954 đến cuối tháng 4/1954, hàng loạt cứ điểm ở khu phía Đông Mường Thanh bị tiêu diệt, quân Pháp lâm vào thế bị động, lúng túng. Từ ngày 01/5/1954, khu trung tâm của địch bắt đầu bị tiến công dồn dập. Chiều ngày 07/5/1954, Bộ chỉ huy quân đội Pháp ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đầu hàng. Chiến dịch Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam toàn thắng.

Đến Hiệp định Giơnevơ

Ngày 08/5/1954, một ngày sau khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ, Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương khai mạc. Thành phần tham dự Hội nghị gồm 9 bên: Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam (chính quyền Bảo Đại), Vương Quốc Lào và Vương Quốc Campuchia. Đại diện lực lượng kháng chiến Pathet Lào và Khmer Itsarak tuy đã có mặt ở Giơnevơ nhưng không được các đoàn phương Tây chấp nhận cho tham dự Hội nghị.
 
bai2.jpg
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Việt Nam. Ngay sau đó, Hiệp định đình chiến ở Lào và Campuchia cũng được ký kết. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
 

Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn bước vào bàn Hội nghị với thế đại biểu cho một dân tộc chiến thắng. Đây là lần đầu tiên nền ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ tham gia một hội nghị quốc tế lớn trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp.

Trong quá trình đàm phán, cùng hai đồng minh lớn là Liên Xô và Trung Quốc với hai nước bạn Lào và Campuchia, Việt Nam đã phải đấu tranh với bốn bên tham gia khác là Anh, Pháp, Mỹ và chính quyền Bảo Đại.  Về phía Mỹ, dù là thành viên tham gia Hội nghị, nhưng Mỹ luôn vận động lập liên minh và dọa can thiệp quân sự trực tiếp nhằm phá Hội nghị, chuẩn bị điều kiện thuận lợi để nhảy vào Đông Dương, thế chân Pháp.

Tuy nhiên, với lập trường quyết tâm và khéo léo, đại diện Việt Nam đã đạt được sự ủng hộ rộng rãi từ dư luận quốc tế. Lập trường cơ bản của Việt Nam là tôn trọng hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ. Các đề nghị và quan điểm của Việt Nam đã được tiếp nhận và ủng hộ bởi nhiều quốc gia.

Trải qua 75 ngày đấu trí căng thẳng giữa các bên, với 31 phiên họp, trong đó có các phiên họp toàn thể, phiên họp cấp trưởng đoàn cùng nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương, ngày 21/7/1954, các văn bản chính của Hội nghị Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kế gồm: Các Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia; các phụ bản và bản đồ về khu vực tập kết, chuyển quân, ranh giới quân sự tạm thời và khu phi quân sự, Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị; các công hàm trao đổi giữa Phó Thủ tướng Việt Nam dân chủ cộng hòa Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Pháp... tạo khung pháp lý của Hiệp định.

Tuy kết quả của Hội nghị Giơnevơ không phản ánh đầy đủ những thắng lợi của Nhân dân ta trên chiến trường và những yêu cầu do đoàn đại biểu của ta đưa ra, nhưng Hiệp định đã góp phần quan trọng chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Đông Dương. Chính phủ Pháp phải thừa nhận nền độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Đông Dương, trong đó có Việt Nam, được thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau: (1) Các bên tham dự Hội nghị cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của các nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của ba nước đó. (2) Ngừng bắn đồng thời ở Việt Nam và trên toàn Đông Dương, lập lại hòa bình trên toàn Đông Dương. (3) Thực hiện tập kết, chuyển quân theo khu vực và thời gian quy định. Ở Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) làm giới tuyến quân sự tạm thời cùng với một khu phi quân sự ở hai bên giới tuyến. Quân đội nhân dân Việt Nam tập kết ở phía Bắc, Quân đội Liên hiệp Pháp tập kết ở phía Nam vĩ tuyến 17; thời hạn di chuyển hoàn toàn lực lượng hai bên không vượt quá 300 ngày. Ở Lào, lực lượng kháng chiến tập kết ở hai tỉnh Sầm Nưa và Phông-xa-lì. Ở Campuchia, lực lượng kháng chiến phục viên tại chỗ. Vĩ tuyến 17 ở Việt Nam chỉ là ranh giới quân sự tạm thời, không phải là đường biên giới về chính trị, lãnh thổ. Sau 02 năm, quân Pháp phải rút hết khỏi Việt Nam và nhân dân Việt Nam sẽ thực hiện tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. (4) Cấm việc đưa quân đội, nhân viên quân sự, vũ khí nước ngoài vào các nước Đông Dương. Các nước Đông Dương không được tham gia bất cứ khối liên minh quân sự nào và không để cho nước khác dùng lãnh thổ của mình vào việc gây chiến tranh hoặc phục vụ cho mục đích xâm lược. (5) Không phân biệt đối xử, không trả thù những người đã cộng tác với bên này hoặc bên kia trong thời gian chiến tranh. (6) Trách nhiệm thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ thuộc về những người ký Hiệp định và những người kế nhiệm.

Việc ký kết Hiệp định là một thắng lợi to lớn, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Hiệp định Giơnevơ là văn bản pháp lý quốc tế quan trọng. Lần đầu tiên các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được các nước lớn công nhận tại một hội nghị đa phương. Pháp và các nước tham gia hội nghị “cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ”, “tuyệt đối không can thiệp vào công việc nội trị” của Việt Nam, Lào và Campuchia. Điều đó tạo cơ sở pháp lý để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh cho một nước Việt Nam độc lập và thống nhất hoàn toàn. Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ đã kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của Nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ, giải phóng miền Bắc nước ta, tạo điều kiện xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương lớn, vững mạnh cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Hiệp định Giơnevơ đã thể hiện bản lĩnh của nền ngoại giao Cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên tham gia vào một hội nghị đa phương trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các nước lớn tham gia hội nghị đều có mục tiêu và lợi ích riêng nhưng đoàn đàm phán của ta đã phát huy chiến thắng trên chiến trường, phát huy sức mạnh chính nghĩa của dân tộc, kiên định về nguyên tắc nhưng mềm dẻo về sách lược để giành được những kết quả quan trọng trên bàn Hội nghị.

70 năm đã đi qua (21/7/1954 - 21/7/2024), tình hình quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi, nhưng Hiệp định Giơnevơ vẫn luôn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. Trước tình hình quốc tế hết sức phức tạp, các nước lớn chi phối các quan hệ quốc tế, cần phải nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; kiên định về nguyên tắc, linh hoạt, mềm dẻo về sách lược, “dĩ bất biến, ứng vạn biến” theo tư tưởng Hồ Chí Minh; tăng cường tiềm lực, nâng cao sức mạnh tổng hợp của đất nước là nhân tố bên trong có ý nghĩa quyết định, tạo cơ sở vững chắc cho hoạt động đối ngoại để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, duy trì hòa bình, ổn định cùng phát triển; phát huy vai trò của công tác đối ngoại, nhất là vận dụng tư tưởng ngoại giao “Cây tre Việt Nam”; tăng cường đối thoại, tận dụng hết khả năng sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp, xung đột trong quan hệ với các nước, phù hợp với luật pháp quốc tế, ra sức giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định vì lợi ích của Nhân dân ta và Nhân dân thế giới.

 
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png