TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước - mốc son quan trọng và thiêng liêng trong lịch sử giải phóng dân tộc Việt Nam

Ngày đăng bài: 29/04/2024
Thịnh Hà
 
Cách đây 113 năm, vào ngày 05/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời bến cảng Nhà Rồng lên đường sang Pháp, khởi đầu một cuộc hành trình tìm đường cứu nước kéo dài suốt 30 năm, để rồi sau đó đã mang về ánh sáng tự do cho dân tộc. Đó là sự kiện đặc biệt, mốc son quan trọng và thiêng liêng trong lịch sử giải phóng dân tộc Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên trước cảnh nước mất, Nhân dân Việt Nam rơi vào cảnh thống khổ lầm than, Hồ Chí Minh lúc đó tên là Nguyễn Tất Thành đã sớm biết đau nỗi đau mất nước, xót xa trước nỗi thống khổ của đồng bào, sớm có chí đuổi giặc, cứu nước, giải phóng dân tộc.

Sự thất bại của các phong trào yêu nước Việt Nam nổ ra từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã làm cho cách mạng Việt Nam khủng hoảng về con đường giải phóng dân tộc. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, sự sáng suốt về chính trị, Nguyễn Tất Thành hiểu nguyên nhân thất bại của các phong trào chống Pháp không phải vì thiếu lòng yêu nước, chí căm thù đế quốc hay khát vọng độc lập tự do mà cái thiếu căn bản là tư tưởng tiên tiến soi đường. Người đã nhận thức việc cần làm ngay là tìm ra con đường cứu nước đúng đắn, tức là con đường vừa khoa học vừa cách mạng, đáp ứng được yêu cầu lịch sử dân tộc, đồng thời phù hợp với xu thế thời đại.
 
a1.jpg
Bến Nhà Rồng - nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành  bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Ảnh tư liệu
 
Ngày 05/6/1911, trên con tàu Amiral Latouche Tréville, từ bếncảng Nhà Rồng, Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc, bắt đầu cuộc hành trình 30 năm tìm đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Ban đầu Người làm phụ bếp trên tàu với tên gọi là Nguyễn Văn Ba để đến được nước Pháp. Với sự nhạy cảm của một trí tuệ hiếm có, Nguyễn Tất Thành không đi sang Nhật, không tìm về châu Á mà Người sang nước Pháp, đến tận nơi nước đang cai trị mình, đến tận châu Âu, nơi đang có sự phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa, hính trị để tìm hiểu xem người ta làm như thế nào rồi trở về cứu giúp đồng bào. Bác ra đi, hành trang mang theo chỉ là lòng yêu nước, thương dân sâu sắc với một quyết tâm cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu”.

Sau thời gian ở Pháp, Nguyễn Tất Thành tiếp tục cuộc hành trình đi qua nhiều châu lục khác. Người đã tận dụng mọi cơ hội để được đến nhiều nơi trên thế giới, bàn chân của Người in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ. Đặc biệt, Người đã dừng chân khảo sát khá lâu ở 3 nước đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, Anh và Pháp. Suốt chặng đường bôn ba, cuộc sống đầy gian khổ nhưng không làm Người chùn bước, trái lại, càng tôi luyện, hun đúc lòng yêu nước nồng nàn với mục tiêu giải phóng dân tộc kiên định. Người tranh thủ mọi thời cơ nhằm học hỏi, nghiên cứu các học thuyết cách mạng, hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa. Từ đó, Người rút ra kết luận chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và Nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa.
 
a2.jpg
Tàu Amiral Latouche Tréville. Ảnh Tư liệu
 
 Năm 1917, Cách mạng tháng mười Nga nổ ra và thành công, trên cơ sở nghiên cứu và hiểu biết của mình, Người đã nhận thức được xu thế phát triển tất yếu của lịch sử và tính chất của thời đại mới mà Cách mạng tháng Mười mở ra, Người cho rằng “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.

Đầu năm 1919, Nguyễn Tất Thành tham gia Đảng Xã hội Pháp. Ngày 18/6/1919, với tên Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi bản yêu sách tới Hội nghị Véc xây (Pháp) yêu cầu về quyền tự do, dân chủ, bình đẳng dân tộc cho nhân dân An Nam. Tám yêu cầu trong bản yêu sách không được chấp nhận nhưng nó đã vạch trần bản chất giả dối của các cường quốc, thực dân thống trị, đồng thời qua đó cũng đem lại cho Nguyễn Ái Quốc một nhận thức: các dân tộc muốn được giải phóng không thể dựa dẫm vào ai đó, mà đòi hỏi phải biết phát huy tinh thần của dân tộc, dựa vào sức lực của bản thân mình. 

Tháng 7/1920, qua báo Nhân đạo (L'Humanité- Pháp), Nguyễn Ái Quốc đọc được tác phẩm “Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I Lê nin, Người như mừng rỡ, đây chính là cẩm nang mà bấy lâu nay Người đi tìm kiếm. Sau này nhớ lại với niềm vui sướng khôn tả, Ngườiviết :“Luận cương của V.I Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.

Từ năm 1921-1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và “Đường Kách mệnh”, đặc biệt là việc xuất bản tờ báo Thanh niên ra ngày 21/6/1925, Người đã chuẩn bị về đường lối chính trị để tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Cũng trong thời gian này, Người đã tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ với việc lập ra Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925), tổ chức nhiều lớp đào tạo cán bộ và gửi đi học ở Liên Xô… Khi điều kiện thành lập Đảng đã chín muồi, ngày 3/2/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, hội nghị đã hợp nhất 3 tổ chức cộng sản thành lập một đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản có ý nghĩa như một đại hội thành lập Đảng.

Từ năm 1930-1941, tuy hoạt động ở nước ngoài nhưng Nguyễn Ái Quốc vẫn chỉ đạo sát sao phong trào cách mạng trong nước. Trong khoảng thời gian ấy, Người có lúc ở Liên Xô, Trung Quốc, từng bị kẻ thù bắt giam ở Hồng Kông. Cuối năm 1932, Người được trả tự do, sau đó đến Liên Xô học tại Trường Quốc tế Lênin. Năm 1938, Người trở về Trung Quốc, chủ yếu hoạt động ở vùng Quảng Tây.

Sau 30 năm bôn ba, ngày 28/01/1941, Hồ Chí Minh trở về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc đưa cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, cũng là lần đầu tiên hai chữ “Việt Nam” đã có tên trên bản đồ thế giới,  đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, chứng minh sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện.

Như vậy, từ chủ nghĩa yêu nước chân chính, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tin theo V.I.Lênin và Quốc tế thứ ba, tìm được con đường cứu nước đúng đắn: giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản. Có thể khẳng định rằng, sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911-05/6/2024) là bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Đó chính là mốc son quan trọng và thiêng liêng trong lịch sử giải phóng dân tộc Việt Nam. Nhìn lại chặng đường hơn 94 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ta luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng và con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, lãnh đạo nhân dân ta giành được những thắng lợi hết sức to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam, mà sợi chỉ đỏ xuyên suốt là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, trở thành tư tưởng chỉ đạo trong đường lối của Đảng, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
 
a3.png
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội Tours năm 1920. Ảnh tư liệu
 
Ngày nay, trong bối cảnh thế giới đang có những diễn biến phức tạp, đan xen những thời cơ và thách thức... thì ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung và sự kiện Người ra đi tìm đường cứu nước nói riêng càng được tỏa sáng hơn bao giờ hết. Và trong hành trình hội nhập cùng nhân loại đi đến tương lai, chúng ta càng tin tưởng và kiên trì phấn đấu trên con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, quyết tâm đưa ngọn cờ của Người đến đích thắng lợi.
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png