TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Nội dung chính của các nghị quyết chuyên đề cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Pleiku lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025

Ngày đăng bài: 28/11/2021
Bùi Thị Lan - Ban Biên tập
 
Đại đại biểu Đảng bộ thành phố Pleiku lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện 04 nghị quyết chuyên đề, trong đó có Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 05/7/2021 của Thành ủy Pleiku (khóa XII) về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững trên địa bàn thành phố Pleiku đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 16/8/2021 của Thành ủy Pleiku (khóa XII) về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030. Ban Biên tập Bản tin Thông tin tuyên truyền Đảng bộ thành phố Pleiku xin trân trọng giới thiệu nội dung chính của các Nghị quyết.

I- NGHỊ QUYẾT VỀ CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU CÂY TRỒNG, PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO THEO HƯỚNG BỀN VỮNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ PLEIKU ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

1. Quan điểm

Một là, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với công nghiệp chế biến và thương mại, dịch vụ, du lịch; sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn; liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, bảo đảm phát triển hiệu quả, bền vững là yêu cầu tất yếu khách quan phù hợp với sự tiến bộ, phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương.

Hai là, chuyển đổi một phần đất trồng lúa, cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị, hiệu quả kinh tế cao hơn, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao thu nhập và lợi nhuận trên một đơn vị diện tích cho Nhân dân, thích nghi với biển đổi khí hậu, gắn với phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững, kết hợp với du lịch nông nghiệp, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Ba là, quan tâm huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải được thực hiện đồng bộ, có lộ trình và đi trước một bước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm; tạo cơ chế để thực hiện việc “dồn điền đổi thửa”; “tập trung ruộng đất” làm động lực cho phát triển kinh tế nông nghiệp của thành phố.

Bốn là, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và mỗi người dân thành phố, trước hết là vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và sự phối hợp, hướng dẫn của các ngành chức năng, các tổ chức đoàn thể.

2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu chung

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao toàn diện và bền vững; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về diện tích đất nông nghiệp, vị trí địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, đạt năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, có sức cạnh tranh cao; sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, công nghệ mới tiên tiến, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn thân thiện với môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm gắn với áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ về gen, giống vật nuôi để phát triển ngành chăn nuôi có hiệu quả. Mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hình thành và phát triển chuỗi giá trị, nâng cao năng suất lao động, thu nhập cho nông dân, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích và hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Định hướng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, xác định diện tích cây trồng, vật nuôi chủ lực và đặc thù của địa phương để đầu tư phát triển.

- Hình thành các vùng chuyên canh trồng trọt ứng dụng công nghệ cao với diện tích lớn, cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cho công nghiệp chế biến; tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.

- Hình thành các khu vực chăn nuôi, các trang trại gia súc, gia cầm phát triển theo chuỗi liên kết sản xuất từ khâu giống đến khâu chế biến và kết nối thị trường tiêu thụ. Xây dựng các khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu đồng bộ (hệ thống điện, giao thông nội đồng, hệ thống tưới, tiêu) phục vụ các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh. Quy hoạch và xây dựng chợ đầu mối nông sản. Có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện và mời gọi đầu tư các kho lạnh đáp ứng nhu cầu bảo quản, sơ chế và chế biến nông sản tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

- Xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu nông sản; phát triển các làng hoa gắn với dịch vụ du lịch; củng cố quan hệ sản xuất trong nông nghiệp theo hướng hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.

- Hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, các nông hội hoạt động hiệu quả.

- Sử dụng hiệu quả quỹ đất hiện có, nhất là quỹ đất 5%, đất chưa sử dụng khác để mời gọi thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án sản xuất giống, mô hình trình diễn, chuyển giao công nghệ, hợp tác sản xuất để thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công theo hướng bền vững.

- Thực hiện chuyển đổi 100% diện tích lúa nước 01 vụ kém hiệu quả trên địa bàn xã An Phú, xã Chư Ă và chuyển đổi 80% diện tích lúa nước 01 vụ kém hiệu quả trên các xã, phường còn lại sang trồng rau, màu, cây dược liệu, hoa thương phẩm,… Đối với diện tích lúa nước 02 vụ đảm bảo nguồn nước, tiếp tục duy trì sản xuất với các loại giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao.

- Giai đoạn 2021 - 2023, tập trung nguồn lực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng bền vững trên địa bàn xã An Phú và xã Chư Ă, sau đó nhân rộng toàn thành phố.
kt-(1).jpg
Dưa lưới trồng trong nhà kính của Công ty TNHH một thành viên Hương Đất An Phú. Ảnh: Nguyễn Diệp
 
3. Một số chỉ tiêu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030
3.1. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng

- Giai đoạn 2021 - 2025: Khu vực xã An Phú và xã Chư Ă: Chuyển đổi 229,3 ha lúa nước 01 vụ kém hiệu quả sang trồng rau, màu, hoa thương phẩm... Khu vực các xã, phường còn lại: Chuyển đổi 130 ha lúa nước 01 vụ kém hiệu quả sang trồng rau, màu, hoa, cây dược liệu…

- Giai đoạn 2026 - 2030: Khu vực xã An Phú và xã Chư Ă: Chuyển đổi 71 ha lúa nước 01 vụ kém hiệu quả sang trồng rau, màu, cây dược liệu, hoa thương phẩm..., nâng tổng diện tích chuyển đổi từ năm 2021 đến năm 2030 lên 300,3 ha. Khu vực các xã, phường còn lại: Chuyển đổi 75 ha lúa nước 01 vụ kém hiệu quả sang trồng rau, màu, cây dược liệu, hoa thương phẩm…, nâng tổng diện tích chuyển đổi từ năm 2021 đến năm 2030 lên 175 ha.

3.2. Ứng dụng công nghệ cao

- Giai đoạn 2021 - 2025: Tỷ lệ diện tích canh tác rau, hoa có chứng nhận đạt tiêu chuẩn: 10% trở lên. Tỷ lệ diện tích canh tác cây cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả có chứng nhận đạt tiêu chuẩn: 25% trở lên. Tỷ lệ diện tích canh tác rau, hoa,… bằng hệ thống nhà lồng, nhà lưới: 6% trở lên. Tỷ lệ hộ dân sử dụng máy móc cơ giới vào các khâu sản xuất: 70% trở lên. Tỷ lệ tái sử dụng phế phẩm trong sản xuất: 85% trở lên. Tỷ lệ sử dụng giống đảm bảo nguồn gốc xuất xứ: 90% trở lên. Tỷ lệ sản phẩm thu hoạch đảm bảo tiêu chuẩn (đối với cà phê, hồ tiêu,…): 80% trở lên. Diện tích trồng trọt đạt chứng nhận sản xuất theo hướng hữu cơ: 15 ha trở lên.

- Định hướng đến năm 2030: Tỷ lệ diện tích canh tác rau, hoa có chứng nhận đạt tiêu chuẩn: 20% trở lên. Tỷ lệ diện tích canh tác cây cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả có chứng nhận đạt tiêu chuẩn: 50% trở lên. Tỷ lệ diện tích canh tác rau, hoa,… bằng hệ thống nhà lồng, nhà lưới: 15% trở lên. Tỷ lệ hộ dân sử dụng máy móc cơ giới vào các khâu sản xuất: 80% trở lên. Tỷ lệ tái sử dụng phế phẩm trong sản xuất: 90% trở lên. Tỷ lệ sử dụng giống đảm bảo nguồn gốc xuất xứ: 95% trở lên. Tỷ lệ sản phẩm thu hoạch đảm bảo tiêu chuẩn (đối với cà phê, hồ tiêu,…): 85% trở lên. Diện tích trồng trọt đạt chứng nhận sản xuất theo hướng hữu cơ: 50 ha trở lên.

3.3. Liên kết sản xuất     

Giai đoạn 2021 - 2025: Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp qua sơ chế, chế biến bảo quản: 60% trở lên; Tỷ lệ liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng: 70% trở lên; Tỷ lệ hộ dân tham gia liên kết sản xuất, cung ứng vật tư, thu mua sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác: 50% trở lên; Tỷ lệ sản lượng sản phẩm chính trong vùng trồng được doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tiêu thụ thông qua chuỗi liên kết sản xuất: 45% trở lên.

Định hướng đến năm 2030: Tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp qua sơ chế, chế biến bảo quản: 70% trở lên; Tỷ lệ liên kết tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng: 80% trở lên; Tỷ lệ hộ dân tham gia liên kết sản xuất, cung ứng vật tư, thu mua sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác: 70% trở lên; Tỷ lệ sản lượng sản phẩm chính trong vùng trồng được doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tiêu thụ thông qua chuỗi liên kết sản xuất: 70% trở lên.

3.4. Hạ tầng phục vụ sản xuất

Giai đoạn 2021 - 2025: Tỷ lệ đường trục chính vào khu sản xuất, đường nội đồng được bê tông hóa: 100%; Tỷ lệ kênh mương thủy lợi được bê tông hóa: 50% trở lên. Hệ thống điện đáp ứng nhu cầu sản xuất: 90%.

 Định hướng đến năm 2030: Tỷ lệ kênh mương thủy lợi được bê tông hóa: 100%; Hệ thống điện đáp ứng nhu cầu sản xuất: 100%.

3.5. Môi trường cảnh quan: Đến năm 2025, 100% các khu sản xuất tập trung, rác thải trong nông nghiệp (bao bì, chai lọ của phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) được thu gom theo quy định.

3.6. Thu nhập bình quân : Đến năm 2025, thu nhập bình quân trên 01 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 250 triệu đồng/năm trở lên. Đến năm 2030, thu nhập bình quân trên 01 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 350 triệu đồng/năm trở lên.

4. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

4.1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới; nâng cao nhận thức về vị trí và tầm quan trọng của sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn.

4.2. Nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, xây dựng kế hoạch; tăng cường công tác quản lý theo quy hoạch, kế hoạch: Thực hiện tốt công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao chất lượng lập quy hoạch; xác định vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, chuyên canh; xác định các loại cây trồng chủ lực của địa phương; xác định ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, định hướng sản xuất các sản phẩm có tính khác biệt, chất lượng cao để phục vụ thị trường.

4.3. Đẩy mạnh cơ giới hóa, chuyển giao khoa học công nghệ, khuyến nông, phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã, liên kết sản xuất:

Tập trung hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất và chế biến nông sản, lựa chọn các loại máy móc, thiết bị phù hợp với từng loại cây trồng. Tuyên truyền, khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân ứng dụng các công nghệ tiên tiến, bao gồm công nghệ tự động hóa, cơ khí hóa thiết bị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ưu tiên bố trí vốn để thực hiện các đề tài khoa học, mô hình khuyến nông, mô hình hoạt động du lịch nông nghiệp.

Xác định doanh nghiệp, hợp tác xã là lực lượng nòng cốt trong xây dựng mô hình, chuyển giao công nghệ, thu mua và tiêu thụ nông sản. Tổ chức các hình thức chuyển giao kỹ thuật và hướng dẫn công nghệ nhằm giúp người nông dân am hiểu và áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp.

4.4. Thực hiện các cơ chế, chính sách:

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách của trung ương, tỉnh, thành phố về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ các doanh nghiệp, người nông dân tiếp cận các chính sách hỗ trợ vốn với lãi suất thấp cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ kinh phí để xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong vùng theo các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hỗ trợ ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ xây dựng mô hình khuyến nông; hỗ trợ đào tạo, tập huấn; hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm và hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật.

4.5. Xây dựng và phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm: Triển khai các chương trình hỗ trợ xây dựng mới thương hiệu, hỗ trợ mở rộng thương hiệu hiện có; khuyến khích thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đối với hàng nông sản, tham gia các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP,.... Tổ chức thực hiện việc hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Thực hiện liên kết trong tiêu thụ, xúc tiến thương mại, trong đó chú trọng đến mối liên kết bốn nhà: Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà nông - Nhà doanh nghiệp. Vận động nông dân sản xuất nhỏ lẻ tham gia vào Hội nông dân, thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác cùng nhau sản xuất quy mô lớn, sản xuất nông nghiệp phải chủ động nắm bắt thị trường hình thành quỹ phòng chống rủi ro trong sản xuất để ổn định đời sống nhân dân khi có tình huống “mất mùa, mất giá”.

4.6. Đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp: Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực từ ngân sách và các thành phần kinh tế để đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi, điện) phục vụ các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phù hợp để đưa các máy móc, thiết bị vào phục vụ sản xuất như: Cải tạo, xây dựng hệ thống giao thông nội đồng, giao thông nông thôn, kiên cố hóa hệ thống mương tưới, tiêu nước; đầu tư hệ thống điện phục vụ sản xuất,...

II- NGHỊ QUYẾT VỀ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TRỞ THÀNH NGÀNH KINH TẾ QUAN TRỌNG CỦA THÀNH PHỐ PLEIKU GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

1. Quan điểm

Phát triển du lịch là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền, phát huy mạnh mẽ vai trò của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư; đổi mới tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò của ngành du dịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển đồng thời cả du lịch quốc tế và du lịch nội địa; bảo tồn, phát huy các di sản văn hoá và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; phát triển du lịch bền vững theo hướng thành phố “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.

2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu chung

Khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, phát huy lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu, cảnh quan, môi trường; tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng hợp lý trong cơ cấu kinh tế, tạo động lực thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đưa thành phố Pleiku trở thành một trong những địa điểm quan trọng trong liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong tỉnh Gia Lai và các địa phương trong khu vực Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ và Khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam.

Phấn đấu đến năm 2025, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố, tạo bước đột phá phát triển toàn diện du lịch cả về phạm vi, quy mô và chất lượng dịch vụ, đảm bảo tính bền vững. Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế quan trọng của thành phố, có tỷ trọng, tốc độ tăng trưởng cao, có tính chuyên nghiệp, hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu và có sức cạnh tranh mạnh; mang đậm bản sắc văn hóa địa phương, thân thiện môi trường, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của sự nghiệp xây dựng, phát triển thành phố Pleiku.

2.2. Mục tiêu cụ thể
2.2.1. Giai đoạn 2021 - 2025

Đến năm 2025, tổng lượt khách du lịch đạt trên 1,275 triệu, tốc độ tăng trưởng lượt khách bình quân đạt trên 21,31%. Doanh thu du lịch đạt trên 765 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân đạt trên 27,98%. Doanh thu trên lượt khách đạt trên 600 nghìn đồng. Tỷ trọng ngành du lịch chiếm 0,97% tổng giá trị sản xuất, chiếm 1,71% giá trị sản xuất ngành thương mại dịch vụ. Thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch trên 2 ngày/khách. Tạo việc làm mới cho trên 2.000 lao động trực tiếp.

2.2.2. Giai đoạn 2025 - 2030
Đến năm 2030, tổng lượt khách du lịch đạt trên 2,5 triệu, tốc độ tăng trưởng lượt khách bình quân đạt trên 14,42%. Doanh thu du lịch đạt trên 2.250 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân đạt trên 24,08%. Doanh thu trên lượt khách đạt trên 900 nghìn đồng. Tỷ trọng ngành du lịch chiếm 1,95% tổng giá trị sản xuất, chiếm 3,26% giá trị sản xuất ngành thương mại dịch vụ. Thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch trên 2,5 ngày/khách. Tạo việc làm mới cho trên 3.000 lao động trực tiếp.
 
BH.jpg
Thắng cảnh Biển Hồ (TP. Pleiku). Nguồn ảnh: Báo Gia Lai
 

3. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
3.1. Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, xây dựng và bảo vệ hình ảnh, môi trường du lịch, góp phần phát triển du lịch Pleiku theo hướng bền vững: Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của thành phố Pleiku giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với việc triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị thành phố Pleiku”, Đề án “Xây dựng thành phố Pleiku theo hướng đô thị thông minh”, định hướng phát triển thành phố Pleiku “Cao nguyên xanh vì sức khỏe”.

Tập trung tuyên truyền về vị trí, vai trò của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhằm nâng cao nhận thức và đổi mới tư duy phát triển du lịch đối với cán bộ quản lý du lịch, doanh nghiệp du lịch và nhân dân trên địa bàn, khơi dậy trong Nhân dân tình yêu quê hương đất nước, tự hào dân tộc để “Mỗi người dân là một hướng dẫn viên du lịch”; đồng thời bảo vệ hình ảnh, môi trường du lịch, góp phần phát triển du lịch bền vững, nâng cao uy tín, thương hiệu và sức hút của du lịch Pleiku.

3.2. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch: Tiếp tục phát huy các sản phẩm du lịch truyền thống và lợi thế của thành phố, đồng thời phát triển các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, đặc trưng, hấp dẫn thu hút du khách. Ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm, du lịch homestay, farmstay, du lịch sinh thái gắn với cảnh quan rừng, miệng núi lửa âm, hồ nước, du lịch xanh thân thiện với môi trường, du lịch kết hợp với khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, các sản phẩm du lịch gắn với các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (các vườn cây ăn trái, cánh đồng hoa, rau củ quả...). Quan tâm khai thác phát triển loại hình kinh tế đêm, các tuyến phố hoạt động về đêm; xây dựng các loại hình dịch vụ hỗ trợ và phục vụ khách du lịch như dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, dịch vụ y tế, nhà hàng, vui chơi giải trí.

3.3. Đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch: Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ vừa phục vụ nhu cầu xã hội vừa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu, quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố, trong đó chú trọng quy hoạch các khu, điểm thương mại dịch vụ phù hợp để phát triển du lịch. Đồng thời, xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, chủ động thu hút, tranh thủ và tập trung các nguồn lực để đầu tư đồng bộ, hiện đại hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch; kết nối hệ thống giao thông thuận lợi đến các điểm, khu du lịch, khu tham quan mua sắm, thương mại dịch vụ, nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí, thể thao trong tỉnh và khu vực.

Đầu tư phát triển du lịch phải có trọng tâm, trọng điểm và có chất lượng cao nhằm tạo “cú hích” cho du lịch của thành phố phát triển (Làng Văn hóa Du lịch Plei Ốp, Di tích thắng cảnh Biển Hồ, Công viên Diên Hồng, Khu vực suối Hội Phú, Khu vực Hồ Trà Đa).

3.4. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch: Đổi mới cách thức, nội dung, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin gắn với thực hiện Đề án “Xây dựng thành phố Pleiku theo hướng đô thị thông minh giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030”, đảm bảo thực hiện chuyên nghiệp và nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch cho thành phố Pleiku. Xây dựng nguồn thông tin, tư liệu, dữ liệu số, bản đồ du lịch số giới thiệu về các tuyến, điểm du lịch, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh của thành phố tích hợp vào Trung tâm điều hành đô thị thông minh thành phố; xây dựng chương trình giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư, các sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố.

3.5. Phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập: Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm trong lĩnh vực du lịch. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Hiệp hội Du lịch tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan có kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch từ thành phố đến cơ sở; bồi dưỡng nâng cao trình độ quản trị cho các đơn vị, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và tập huấn kỹ năng nghề cho lực lượng lao động trong các đơn vị, khu, điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế.

3.6. Khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng tham gia hoạt động du lịch: Nâng cao vai trò của cộng đồng dân cư, đặc biệt là người dân ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia phát triển du lịch, tham gia bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, các sản phẩm văn hóa đặc sắc của địa phương; xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện; phát huy vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong phát triển du lịch.

Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ người dân tham gia vào các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn, du lịch sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, du lịch văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn lực (vốn đầu tư, lao động và kinh nghiệm...) để đa dạng hóa các dịch vụ du lịch như dịch vụ homestay, dịch vụ chuyên chở khách, hướng dẫn du lịch, sản xuất và bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm, cung cấp lương thực, thực phẩm...

3.7. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước đảm bảo chất lượng dịch vụ, môi trường du lịch: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch của chính quyền các cấp. Thực hiện rà soát bổ sung quy hoạch các khu, điểm du lịch để kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển du lịch; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức quản lý Nhà nước về du lịch các cấp đảm bảo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.
 
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png