TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở thành phố Pleiku năm học 2022-2023

Ngày đăng bài: 30/10/2022
Nguyễn Đình Thức
                           Thành ủy viên
                                    Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố
 
Năm học 2021 - 2022, trước tình hình bùng phát và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành Giáo dục và đào tạo thành phố. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và toàn diện của Thành ủy – Hội đồng nhân dân – Ủy ban nhân dân thành phố; sự chỉ đạo về chuyên môn của Sở Giáo dục – Đào tạo tỉnh, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đã tiếp tục chủ động xác định trạng thái thích ứng, chuẩn bị các tốt các điều kiện để tổ chức dạy, học trực tuyến và trực tiếp, hoàn thành mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành các nhiệm vụ lớn của năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục trên địa bàn thành phố.

Với Chủ đề năm học 2022-2023 “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Đây là năm học thứ ba ngành Giáo dục - Đào tạo thành phố triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (lớp 1,2,3 đối với Tiểu học; lớp 6, 7 đối với THCS). Để làm tốt công tác giáo dục trên địa bàn thành phố trong năm học này, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
 
gd.jpg
Khen thưởng các tập thể, cá nhân trong Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022, đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm học 2022 – 2023.
 
Một số giải pháp chung

Một là, tiếp tục thực hiện tốt công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm, lòng yêu nghề cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh trong các cơ sở giáo dục; gắn với cuộc vận động “Hai không” và cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” trong đội ngũ, Tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh phong trào “xây dựng trường học xanh – sạch – đẹp – an toàn”, xây dựng văn hóa học đường...
Hai là, triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ giáo dục theo kế hoạch, chỉ thị về nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục và Đào tạo năm học 2022-2023; chuẩn bị các nguồn lực để tham gia tốt các Hội thi, Hội thao, Hội diễn theo kế hoạch của Thành phố, của Tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo.

Ba là, bảo đảm an toàn trường học; chủ động, linh hoạt thực hiện chương trình, kế hoạch năm học để sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19 và các tình huống bất thường khác.

Bốn là, tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố trình cấp có thẩm quyền bố trí đủ biên chế viên chức, nhân viên tại các trường học và kiện toàn đội ngũ CBQL trường học đáp ứng nhiệm vụ công tác quản lý tại các nhà trường.

Năm là, đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; Tăng cường an ninh, an toàn trường học; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa học đường, văn hóa công sở ngày càng tốt đẹp; tiếp tục phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh.

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý; chủ động xây dựng kế hoạch để thực hiện phương án chuyển từ hình thức dạy học truyền thống (trực tiếp) như hiện nay sang hình thức dạy học trực tuyến (dạy học qua Internet) khi tình hình dịch bệnh (Covid-19) tại địa phương có thể bùng phát trở lại.

Bảy là, tham mưu thành phố xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, các phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch (cần tính toán đến khả năng đáp ứng dạy học 2 buổi/ngày theo lộ trình thay sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo). Tham mưu thành phố quan tâm mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu, trong đó chú trọng các vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; chú ý đến khả năng đáp ứng nhu cầu trang thiết bị dạy học trực tuyến nếu xảy ra dịch bệnh.

Tám là, quan tâm chỉ đạo các trường học chủ động xây dựng kế hoạch tự kiểm tra, đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài cơ sở giáo dục, qua đó đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét công nhận, công nhận lại trường học đạt chuẩn quốc gia đối với trường Mầm non, tiểu học, trường THCS theo quy định.

Một số giải pháp cụ thể

Một là, đối với giáo dục mầm non

Tập trung chỉ đạo các trường học nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ; tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị định số 20/2014/NĐ-CP ngày 24/3/2014 về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và Thông tư số 07/2016/TT-BGDĐT ngày 22/3/2016 Quy định về điều kiện bảo đảm và nội dung, quy trình, thủ tục kiểm tra công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ…

Nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên trong công tác đảm bảo an toàn, phòng chống bạo lực học đường, giáo dục an toàn giao thông, lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống tai nạn thương tích vào chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ theo hướng dẫn của các cấp quản lý; tiếp tục lồng ghép thực hiện Chương trình “Tôi yêu Việt Nam” về giáo dục an toàn giao thông cho trẻ.

Thực hiện các giải pháp trọng tâm về đẩy mạnh phát triển quy mô mạng lưới trường, nhóm/lớp mầm non; tăng cường huy động trẻ trong độ tuổi mầm non ra lớp nhất là trẻ nhà trẻ; tiếp tục thực hiện tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số (giai đoạn II của Đề án); hỗ trợ nâng cao chất lượng các nhóm/lớp độc lập tư thục thuộc phạm vi nhà trường quản lý. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025”.

Hai là,  đối với giáo dục tiểu học

Chỉ đạo các trường học chủ động xây dựng kế hoạch để thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông cấp tiểu học, trong đó: Triển khai dạy học lớp 1, lớp 2, lớp 3 theo chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình giáo dục phổ thông mới  năm 2018), bằng 02 bộ Sách giáo khoa đã lựa chọn là bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” và bộ “Cánh diều”; tiếp tục thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2006 đối với các lớp 4, 5.

Củng cố, đẩy mạnh thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức tốt các chuyên đề dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh; đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn, cụm liên trường; chú trọng công tác tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.

Tăng cường dự giờ thăm lớp để tư vấn, hỗ trợ cho giáo viên trong quá trình giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt đối với lớp 3.

Tăng cường công tác kiểm tra trường học, chú trọng đến kiểm tra chuyên môn, qua đó nắm bắt tình hình dạy học và kịp thời chỉ đạo các trường học điều chỉnh phương pháp dạy học phù hợp với SGK, Chương trình GDPT mới.

Tiếp tục triển khai dạy học theo chương trình thí điểm của Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”, tăng cường tổ chức dạy học tin học ở các trường học đã được trang bị phòng máy vi tính.

Ba là, đối với giáo dục trung học cơ sở

Tiếp tục chỉ đạo các trường học thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo chương trình, kế hoạch giáo dục, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục (chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, đặc biệt là đối với lớp 7).

Chủ động cử giáo viên tham gia tập huấn dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới (bảo đảm 100% giáo viên dạy lớp 7 được tập huấn dạy học theo sách giáo khoa, Chương trình giáo dục phổ thông mới).

Chú trọng công tác kiểm tra nội bộ trường học, tập trung vào các nội dung đổi mới theo định hướng phát triển năng lực học sinh, đặc biệt là đối với giáo viên dạy lớp 7; đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh.

Tiếp tục chỉ đạo các nhà trường thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ việc kiểm tra chung nhằm hạn chế những vấn đề bất cập trong kiểm tra, thi cử.

Tăng cường kĩ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kĩ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, đa dạng hóa các hình thức học tập, chú trọng các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học.

Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp trên, toàn ngành cần đồng lòng, chung sức vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực, cố gắng đoàn kết, tập trung sức lực và trí tuệ thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra.
 
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png