TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Kết quả sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng

Ngày đăng bài: 09/09/2023
                                                                      NGUYỄN HỮU SUNG
                                                  Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy,
                                                       Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku
 
 
Trong 10 năm qua, thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (sau đây gọi là Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương), Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành thành phố thực hiện và đạt được nhiều tiến bộ, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, Ban Thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo quán triệt Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của thành phố; đồng thời ban hành Chương trình hành động số 57-CTr/TU, ngày 10 tháng 01 năm 2014 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và chỉ đạo các cấp ủy đảng, các ban, ngành, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên các đơn vị trường học trên địa bàn thành phố và tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân. Các cấp ủy đảng, chính quyền từ thành phố đến cơ sở đã xác định rõ trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sự nghiệp giáo dục ở từng địa phương, đơn vị; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ từ khâu tổ chức học tập, xây dựng kế hoạch đến phân công và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng thực hiện chương trình hành động sát hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị và đạt được kết quả tích cực.
 
khaigiang1.jpg
Đ/c Trịnh Duy Thuân – UVBTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Pleiku  đánh trống khai giảng năm học mới 2022-2023 tại trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương.

Cơ sở vật chất cơ bản từng bước được chuẩn hóa và hiện đại hóa, có 47/83 trường học đạt chuẩn quốc gia (đạt tỷ lệ 56,6%). Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn chiếm tỷ lệ 91,2%. Chất lượng giáo dục có nhiều bước tiến bộ, học sinh được công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở được tuyển vào lớp 10 trung học phổ thông đạt cao...

Các yếu tố cơ bản của giáo dục, đào tạo được đổi mới theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học: Triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, xây dựng kế hoạch tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông dựa trên kế hoạch, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tập trung triển khai thực hiện đổi mới nội dung, chương trình giáo dục theo chuẩn kiến thức, kỹ năng nhằm phát huy tư duy sáng tạo, tích cực của học sinh. Các trường tiểu học, trung học cơ sở thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông ban hành theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05 tháng 5 năm 2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng thời tổ chức dạy học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiệu quả, đúng lộ trình đối với các lớp 1, 2, 3, 6, 7; xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường hàng năm phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị; kế hoạch dạy học môn học và hoạt động giáo dục đảm bảo mục tiêu, nội dung và đáp ứng yêu cầu đề ra.
 
gop-cong.jpg
Phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Lê Lai, xã Chư Ă góp sức người, sức của trong công tác xây dựng trường chuẩn Quốc gia.
 
Thực hiện nghiêm túc chương trình, nội dung dạy học môn tiếng Anh theo Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020 và 2017 - 2025, Chương trình ngoại ngữ phổ thông 10 năm giai đoạn 2011-2020. Có 37,08 % học sinh các trường Tiểu học (lớp 4,5) được học chương trình tiếng Anh hệ 10 năm; 100 % học sinh lớp 3 được học Chương trình GDPT 2018; 11/19 trường THCS (57,9%) giảng dạy chương trình tiếng Anh hệ 10 năm; 19/19 trường THCS tổ chức dạy tiếng Anh theo Chương trình GDPT 2018 cho học sinh lớp 6,7.

Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan: Thực hiện nghiêm túc việc đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học đối với giáo dục phổ thông, chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chú trọng trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1 và thực hiện đảm bảo lộ trình các lớp học, cấp học. Đổi mới công tác kiểm tra, thi, đánh giá kết quả học tập được ngành giáo dục triển khai thực hiện nghiêm túc, bảo đảm trung thực, khách quan, theo đúng các thông tư, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập: Các trung tâm học tập cộng đồng tại các xã/phường đã kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, quản lý để tổ chức hoạt động theo quy định; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn phục vụ các hoạt động ở địa phương như tổ chức dạy nghề (nghề mộc, nghề xây, nghề may) cho các đối tượng học viên có nhu cầu. Giáo dục ngoài công lập tiếp tục được định hướng, ưu tiên đầu tư phát triển nhằm thực hiện chủ trương xã hội hoá giáo dục. Đến nay, thành phố có 20 trường ngoài công lập (17 trường Mầm non, 03 trường phổ thông), tỷ lệ 20/86 (chiếm 23,26%); số lớp ngoài công lập 364 lớp, tỷ lệ 364/1619 (chiếm 22,48%); học sinh ngoài công lập 8.820 học sinh, tỷ lệ 8.820/60.366 (chiếm 14,61%).

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch số: 1109/KH-UBND, ngày 16 tháng 9 năm 2020 về việc thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông” trên địa bàn thành phố Pleiku, giai đoạn 2020-2025. Đồng thời chỉ đạo các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố tuyên truyền đến Nhân dân có nhận thức đúng đắn về công tác hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục làm tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục chú trọng thực hiện tốt hoạt động giáo dục hướng nghiệp gắn với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành từ đó định hướng, phân luồng học sinh trung học cơ sở theo năng lực học tập của từng em.

Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng: Việc triển khai chủ trương “Đẩy mạnh phân cấp, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục, đào tạo”; “giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục, đào tạo; phát huy vai trò của hội đồng trường” đã được triển khai có hiệu quả. Việc phân cấp quản lí tài chính tại các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc đạt tỷ lệ cao (100% trường học công lập trực thuộc đã được phân cấp quản lý tài chính), giao trách nhiệm tự chủ cho người đứng đầu đơn vị trong việc tổ chức chỉ đạo mọi hoạt động của nhà trường, thực hiện ba công khai theo đúng tinh thần hướng dẫn tại Thông tư số: 36/2017/TT-BGDĐT. Ban thanh tra nhân dân, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong các trường học tham gia tích cực trong việc giám sát, phản biện xã hội. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học hiện đại trong các cơ sở giáo dục được triển khai kịp thời và chủ động, tích cực, nghiên cứu, triển khai các ứng dụng vào các hoạt động giảng dạy, giáo dục và quản lý, từ đó việc quản lý, dạy học đạt hiệu quả cao hơn.

Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo: Thường xuyên củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác quản lý giáo dục, đổi mới dạy học. Đến nay, toàn thành phố có 2.860 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Hằng năm, Ủy ban nhân dân thành phố rà soát, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục để xây dựng kế hoạch bố trí, sắp xếp hợp lý. Xây dựng kế hoạch đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên và lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Tỷ lệ cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn trong toàn ngành chiếm 91,2%, trong đó, trên chuẩn 81% (tăng 12,5%  so với năm 2013) cơ bản đáp ứng trình độ để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính, huy động sự tham gia đóng góp của xã hội; nâng cao hiệu quả đầu tư để phát triển giáo dục và đào tạo: Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các nhà trường tiếp tục được thành phố quan tâm đầu tư, từng bước đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng quản lý, chất lượng dạy và học của nhà trường. Trong 10 năm qua, từ năm 2013 đến năm 2023, thành phố đã đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục với tổng trị giá hơn 885 tỷ đồng; mua sắm trang thiết bị với tổng trị giá hơn 66 tỷ đồng. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục phổ thông đảm bảo cơ sở vật chất để đáp ứng nhu cầu dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Công tác huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước từ các nguồn lực của xã hội cho phát triển giáo dục và đào tạo đã đạt được những kết quả nhất định; trong 10 năm qua, đã xây dựng mới 4 trường công lập và 17 trường mầm non ngoài công lập. Đến nay, phần lớn các xã, phường đều có trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở; số lượng lớp học, trẻ em được tổ chức nuôi, dạy bán trú ngày càng tăng; 100% trẻ mầm non và học sinh tiểu học (lớp 1, lớp 2, lớp 3) đã được học 2 buổi/ngày.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục và khoa học quản lý: Hằng năm, có từ 500-600 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tham gia viết sáng kiến. Hoạt động viết sáng kiến ngày càng có chất lượng; nhiều sáng kiến trong ngành đã được triển khai ứng dụng và mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giảng dạy của nhiều cơ sở giáo dục.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương vẫn còn một số hạn chế như: Chất lượng giáo dục chưa đồng đều, chất lượng tại vùng ven thành phố chưa đạt yêu cầu đề ra; một số trường học vẫn còn học sinh bỏ, nghỉ học giữa chừng. Việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển Giáo dục và Đào tạo, công tác xã hội hóa giáo dục chưa phát huy hết tiềm năng hiện có của thành phố.

Nhằm tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, trong thời gian tới thành phố tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, nâng cao vai trò các tổ chức, đoàn thể chính trị, kinh tế, xã hội trong phát triển giáo dục; sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, ban, ngành và tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương; Chương trình hành động số 57-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Đổi mới công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; đổi mới quản trị trong các cơ sở giáo dục và đào tạo. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện thống nhất đầu mối quản lý và hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục. Thực hiện đồng bộ phân cấp trong quản lý nhà nước về giáo dục theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền gắn với trách nhiệm và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục đi đôi với hoàn thiện cơ chế công khai, minh bạch, đảm bảo sự giám sát của cơ quan nhà nước, của các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân.

Thứ hai, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quán lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bảo đảm đủ về số lượng, đạt chuẩn và từng bước nâng cao về chất lượng. Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 29/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở phối hợp với nguồn lực của chương trình ETEP. Chú trọng tổ chức trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các cơ sở giáo dục trong và ngoài Thành phố nhằm nâng cao chất lượng dạy và học đáp ứng nhiệm vụ phát triển giáo dục trong giai đoạn mới. Tăng cường công tác xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong trường học thật sự vững mạnh và đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thứ ba, tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030 phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của thành phố và nhu cầu học tập của Nhân dân. Sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục công lập gắn với nâng cao chất lượng giáo dục, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học (tiểu học, trung học cơ sở) phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của mỗi địa bàn cụ thể. Rà soát, sắp xếp, điều chỉnh quy mô lớp học một cách khoa học, hợp lý; tinh gọn các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, địa bàn cụ thể theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương, khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Thứ tư, đẩy mạnh xã hội hóa và tăng cường tự chủ trong các cơ sở giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học. Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính giáo dục nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội đầu tư cho giáo dục; nâng cao tính tự chủ tại các cơ sở giáo dục, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm đối với Nhà nước, người học và xã hội. Tiếp tục ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng, phát triển các cơ sở giáo dục công lập để bảo đảm từng bước hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục theo quy định; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển các loại hình trường ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao, từng bước giảm gánh nặng chi ngân sách. Quy định trách nhiệm của các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng và gia đình trong việc đóng góp nguồn lực và tham gia các hoạt động giáo dục, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người, góp phần xây dựng xã hội học tập. Thực hiện các chính sách nhằm đảm bảo bình đẳng về cơ hội học tập, hỗ trợ và ưu tiên phát triển giáo dục và đào tạo nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng ven thành phố, các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo.
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png