TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Tăng nặng mức phạt vi phạm trật tự giao thông

Ngày đăng bài: 14/03/2020
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ ngày 01/01/2020 (Nghị định số 100), thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ.

Tăng mức phạt

Theo Nghị định số 100, đã tăng cao mức xử phạt đối với nhiều hành vi, nhóm hành vi vi phạm. Đơn cử: đối với lỗi vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe; mức phạt cao nhất đối với người điều khiển phương tiện trên đường mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililit máu hoặc nồng độ cồn trong hơi thở vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở: đối với ô tô bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng, tạm giữ phương tiện tối đa đến 7 ngày; đối với mô tô, xe gắn máy bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng, tạm giữ phương tiện tối đa đến 7 ngày; đối với xe đạp, xe thô sơ bị phạt tiền từ 400.000 đến 600.000 đồng.

Trước đó, cũng với mức vi phạm trên, người vi phạm chỉ bị phạt tiền bằng nửa mức phạt trên, cụ thể: người điều khiển ô tô vi phạm bị phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng, bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 4 tháng đến 6 tháng; với xe mô tô, xe gắn máy bị phạt từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 3 tháng đến 5 tháng; đồng thời chưa quy định xử phạt hành vi vi phạm về nồng độ cồn đối với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ trên đường.

Một vấn đề liên quan đó là, trong thực tế xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định số 100, đã xảy ra trường hợp không chấp hành kiểm tra, bỏ xe, vì giá trị xe thấp hơn tiền nộp phạt, đây cũng chính là đề tài được quan tâm của nhiều người do chưa hiểu thấu đáo; thực ra trường hợp trên, sẽ bị xử lý vi phạm theo lỗi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thực thi công vụ, vẫn bị xử phạt ở mức phạt cao nhất của hành vi vi phạm nồng độ cồn đã được quy định tại Nghị định này; tức là đối với người điều khiển ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng, tương tự đối với xe máy từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.

Riêng kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Nghị định số 100 (từ 01/01/2020 đến 14/02/2020): lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt hơn 830 trường hợp, chủ yếu là mô tô, với số tiền 2,04 tỷ đồng; tạm giữ hơn 830 phương tiện, tước quyền sử dụng có thời hạn hơn 430 Giấy phép lái xe. Xử lý 19 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn.
 
tin-ht-(1).jpg
Tổ chức tập huấn tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn tại Tp. Pleiku
 
Bổ sung, sửa đổi nhiều điểm mới

Đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ mà cơ quan chức năng chưa dừng ngay được phương tiện để xử lý, cơ quan chức năng gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan (nếu có) đến trụ sở để giải quyết vụ việc vi phạm; chủ phương tiện có nghĩa vụ phải hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm. Trường hợp chủ phương tiện là cá nhân, nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không chứng minh hoặc không giải trình được mình không phải là người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt theo quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện. Trường hợp chủ phương tiện là tổ chức, nếu không hợp tác với cơ quan chức năng, không giải trình để xác định được người đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm thì bị xử phạt tiền bằng hai lần mức xử phạt quy định đối với hành vi vi phạm được phát hiện nhưng không quá mức phạt tiền tối đa, trừ trường hợp phương tiện bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép.

Bên cạnh đó, tại khoản 12, điều 80 về thủ tục xử phạt đối với chủ phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm quy định: trường hợp quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc vi phạm được ghi trong biên bản vi phạm hành chính hoặc văn bản thông báo của người có thẩm quyền xử phạt mà chủ phương tiện (xe ô tô, rơ moóc, sơ mi rơ moóc, xe máy chuyên dùng) vi phạm chưa đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết, thì người có thẩm quyền xử phạt gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để đưa vào cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình Quản lý kiểm định. Khi phương tiện đến kiểm định, cơ quan đăng kiểm thông báo cho người đưa phương tiện đến kiểm định biết về việc vi phạm, thực hiện kiểm định theo quy định đối với phương tiện, cấp Giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường có thời hạn hiệu lực là 15 ngày (Tức chứng nhận đăng kiểm chỉ có giá trị 15 ngày). Sau khi người vi phạm đã đến trụ sở của người có thẩm quyền xử phạt để giải quyết vụ việc vi phạm theo quy định, người có thẩm quyền xử phạt phải gửi thông báo ngay cho cơ quan đăng kiểm biết để xóa cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính trên Chương trình Quản lý kiểm định, thực hiện kiểm định, cấp Giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định hiện hành đối với phương tiện.

Đáng chú ý, Nghị định 100 cũng bổ sung quy định người có thẩm quyền xử phạt được sử dụng các thông tin, hình ảnh thu được từ thiết bị ghi âm, ghi hình của cá nhân, tổ chức cung cấp để làm căn cứ xác minh, phát hiện hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này. Bộ trưởng Bộ Công an hướng dẫn quy trình chuyển hóa kết quả thu được từ các phương tiện, thiết bị (không phải là phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ) do cá nhân, tổ chức cung cấp thành các chứng cứ để xác định vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Tiếp đó, bổ sung việc sử dụng kết quả thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt cung cấp làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Người có thẩm quyền xử phạt theo quy định, được sử dụng kết quả thu được từ thiết bị cân kiểm tra tải trọng xe cơ giới, máy đo tốc độ có ghi hình ảnh, thiết bị ghi âm và ghi hình, thiết bị đo tải trọng trục bánh toa xe do các tổ chức được giao quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt cung cấp làm căn cứ để xác định vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Phương tiện, thiết bị quy định trước khi đưa vào sử dụng phải bảo đảm được kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm theo quy định của pháp luật; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phải được duy trì trong suốt quá trình sử dụng và giữa hai kỳ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm (Điều 83).

Như vậy, theo quy định, thời gian đến sau khi Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải ban hành văn bản quy định về quy trình sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý; tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ. Thì việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ của các đơn vị quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt được thực thi; trong đó việc sử dụng dữ liệu phương tiện lưu thông qua các Trạm thu phí đường bộ BOT để xử lý xe quá tải, quá niên hạn sử dụng vẫn lưu hành sẽ được tăng cường xử lý vi phạm.

Phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả

Liên quan đến Nghị định 100, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg; chỉ đạo phải thực hiện nghiêm túc, hiệu quả năm 2020 và các năm tiếp theo; trong đó yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông theo quy định tại Nghị định số 100; lưu ý xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông và các hành vi có nguy cơ cao gây tai nạn giao thông, kiên quyết xử lý nghiêm minh, không nể nang (không có vùng cấm) đối với các hành vi vi phạm; phối hợp chặt chẽ công tác tuần tra, xử lý vi phạm với công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; kịp thời biểu dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân điển hình; phê bình, kỷ luật các tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy định; tuyệt đối không can thiệp hoặc để xảy ra can thiệp làm sai lệch kết quả xử lý vi phạm, dẫn đến các hành vi tiêu cực trong thực thi công vụ./.

Hoàng Thao
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png