TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Phát triển Du lịch xanh, gắn với khai thác giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn thành phố Pleiku

Ngày đăng bài: 30/04/2023
Thành phố Pleiku là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Gia Lai; dân số trên 264 nghìn người; nơi cư trú của trên 30 dân tộc anh em, trong đó dân tộc Jrai và Banar chiếm khoảng 12% dân số; mỗi dân tộc có một bản sắc văn hóa phong phú và độc đáo riêng, góp phần tạo nên bức tranh sắc thái văn hóa đa dạng, muôn màu.

Bên cạnh sự hấp dẫn của thiên nhiên hùng vĩ, ở Pleiku còn có nền văn hóa lâu đời “đậm đà bản sắc dân tộc”. Đặc biệt Pleiku, Gia Lai còn được biết đến với các dấu tích của miệng núi lửa âm (Biển Hồ) và miệng núi lửa dương (núi Hàm Rồng) đã tắt từ hàng triệu năm.

Sự đa dạng, độc đáo về hệ thống văn hóa vật thể, phi vật thể, cùng với một nền khí hậu ôn hòa mát mẻ quanh năm; và sự đổi thay từng ngày của đô thị trẻ đã tạo cho phố núi Pleiku một lợi thế để khai thác trị bản sắc văn hóa dân tộc phát triển du lịch.

Để phát triển Du lịch có nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư phát triển du lịch; tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách trên địa bàn; tạo các sản phẩm du lịch... Nhưng với Pleiku thì việc phát huy các giá trị văn hoá dân tộc để phát triển Du lịch là phù hợp. Bởi lẽ xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh để phát triển Du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững, thân thiện với môi trường đang được mọi người quan tâm và là xu hướng phát triển chung của ngành Du lịch.
 
anh-DTC1-(1).jpg
(Ảnh: Bá Bính)
 
Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XII, phần nhiệm vụ và giải pháp phát triển Kinh tế đã nêu rõ: “Triển khai các giải pháp cụ thể để liên kết, phát huy có hiệu quả tiềm năng du lịch của thành phố, kết nối với các địa phương trong tỉnh, khu vực Tây Nguyên để hình thành các điểm du lịch có chất lượng, thu hút khách du lịch đến thành phố. Phấn đấu xây dựng thành phố Pleiku là điểm đến du lịch trọng tâm của tỉnh, đảm bảo các điều kiện tốt nhất về môi trường xanh - sạch - đẹp, an ninh - an toàn và thân thiện để thu hút du khách trong và ngoài nước”.

Việc bảo tồn và phát huy vốn văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc để phát triển Du lịch hiện nay là việc làm rất cần thiết, có ý nghĩa rất quan trọng bởi nó sẽ tạo cho kinh tế phát triển mạnh mẽ và vững chắc; nhất là trong thời kỳ đất nước mở cửa và hội nhập.

Quán triệt đường lối của Đảng “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã khẳng định, phát triển văn hóa gắn liền với phát triển kinh tế và xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị; đảm bảo thực hiện tốt 3 lĩnh vực trên là điều kiện đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Thành ủy Pleiku đã ban hành Chương trình số 45 – CTr/TU ngày 24/5/2017 về việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 16-8-2021 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của TP. Pleiku giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030; Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các Chương trình, kế hoạch thực hiện, chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của thành phố, ủy ban nhân dân các xã, phường cụ thể hóa nội dung nghị quyết bằng các chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm, bám sát với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị. Với quan điểm “Tạo hình ảnh điểm đến, thương hiệu du lịch mang đặc trưng riêng của Pleiku; phát triển du lịch theo hướng xanh sạch, đẹp, an ninh – an toàn và thân thiện, gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống”.

Trong những năm qua hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thành phố đã có sự quan tâm của các cấp, các ngành và Trung ương. Các nguồn vốn đầu tư phát triển di sản văn hóa của Chính phủ từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, Chương trình Mục tiêu Quốc gia đã và đang được triển khai hiệu quả và đúng mục đích, góp phần đảm bảo tính bền vững của hệ thống di tích trên địa bàn. Hiện nay các công trình di tích tiêu biểu trên địa bàn phần lớn đã hoàn thiện, làm cho diện mạo của Thành phố có nhiều thay đổi, đặc biệt nhiều di tích đã trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh, thu hút đông đảo khách tham quan, phát huy hiệu quả giá trị văn hóa, gắn với kinh tế xã hội và phát triển du lịch tại địa phương.

Thành phố thường xuyên tổ chức giao lưu cồng chiêng, múa xoang cùng du khách tại cộng đồng khu dân cư, tại các hoạt động lễ hội, hội nghị... và các chương trình nghệ thuật chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, của Tỉnh và Thành phố như 17/3; 30/4; 2/9 tại Quảng trường Đại đoàn kết nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố. Thành lập các Đội cồng chiêng và tiến hành tập luyện để phục vụ du khách khi có yêu cầu. Tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng, dệt thổ cẩm tại phường Hoa Lư, phường Thắng lợi, Trà Bá, Biển Hồ, hàng năm tổ chức Tuần Văn hóa – du lịch trong đó phục dựng các lễ hội truyền thống như Lễ cúng nhà Rông mới, Lễ bỏ mả, Lễ cưới, trình diễn cồng chiêng đường phố ...; đồng thời thành lập câu lạc bộ cồng chiêng, múa xoang phường Yên Thế và câu lạc bộ cồng chiêng của Thành đoàn Pleiku.

Ngoài việc giữ gìn và phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, các làng nghề truyền thống, các nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số được duy trì và phát triển. Một số hộ dân ở làng Phung, xã Biển Hồ thành lập câu lạc bộ dệt thổ cẩm góp phần lưu giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, đồng thời tạo việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống kinh tế; Thành phố phối hợp với Hiệp hội du lịch Gia Lai xây dựng những tour du lịch cộng đồng (homestay) đưa du khách trải nghiệm cuộc sống văn hóa, phong tục của người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Pleiku.

Các cá nhân, doanh nghiệp đã đầu tư các khu ẩm thực truyền thống như Cơm lam gà nướng Bazan, Cơm lam gà nướng nghệ nhân Ksor Hnao - của nghệ nhân Ksor Hnao ở phường Đống Đa, Cơm lam gà nướng Plei - Tiêng xã Tân Sơn,... nhằm giới thiệu ẩm thực và văn hóa cồng chiêng đến du khách và nhân dân trên địa bàn.
Công tác sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn, bảo tàng văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc được giữ gìn và phát huy. Hiện nay trên địa bàn thành phố có 7 Di tích lịch sử, đã xếp hạng 06 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 2 di tích cấp Quốc gia (Thắng cảnh Biển Hồ và di tích lịch sử Nhà lao Pleiku), 4 di tích lịch sử cấp tỉnh (Khu 9 xã Gào, Đền tưởng niệm Mộ liệt sỹ Hội Phú, Địa điểm đón Thư Bác Hồ gửi ĐH các dân tộc thiểu số Miền Nam 1946, Quảng trường ĐĐK), 01 di tích đang làm hồ sơ đề nghị công nhận. Đến nay, một số di tích đã được đưa vào khai thác sử dụng phục vụ giáo dục truyền thống cách mạng, tiêu biểu như: Di tích lịch sử Nhà lao Pleiku, di tích Đền tưởng niệm mộ Liệt sỹ tại phường Hội Phú và Quảng Trường Đại đoàn kết...

Chúng ta biết rằng, văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số rất phong phú, độc đáo và đa dạng, là cái làm nên bản sắc dân tộc, nhưng đã và đang có nguy cơ cao bị phai nhạt, mất mát. Vì vậy, cùng với công tác bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số để phát triển Du lịch, việc quản lý các hoạt động văn hóa cũng có một vai trò hết sức quan trọng, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Xác định Văn hóa là mục tiêu, đồng thời là nền tảng và động lực của phát triển. Văn hóa góp phần phát triển tiềm năng “con người” và tiềm năng trí tuệ của con người; chính vì vậy, nhiều năm qua, Thành ủy, Ủy ban nhân dân đã rất quan tâm chỉ đạo ngành Văn hóa – Thông tin tăng cường công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, nhằm đảm bảo mọi hoạt động văn hóa phát triển phù hợp với định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thông qua phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, và cuộc vân động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” kịp thời phát hiện ngăn chặn và đẩy lùi các hành vi xấu, phản văn hóa, góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc.

Để Phát huy hiệu quả giá trị bản sắc văn hóa dân tộc góp phần phát triển Du lịch, trong thời gian tới các cấp các ngành, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ sau đây:

Một là, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Gắn trách nhiệm của chính quyền, các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân, đề cao vai trò của nhân dân trong việc tham gia quản lý di tích, di sản văn hóa.

Hai là, đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa không chỉ là trách nhiệm của ngành văn hóa mà là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức kinh tế, xã hội và các tầng lớp nhân dân.

Ba là, tăng cường đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Kết hợp giữa đầu tư, tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh với khai thác phát triển du lịch.

Bốn là, khôi phục và duy trì các lễ hội văn hóa truyền thống. Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể.

Tiếp tục thực hiện công tác xã hội hóa sự nghiệp văn hóa – thể thao để đẩy mạnh và củng cố xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa ngày càng phát triển. Quan tâm đến đời sống văn hóa của nhân dân, đặc biệt là nhân dân ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số.
                                                                                                                                                                              Xuân Hà
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png