TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Xây dựng nông thôn mới ở thành phố Pleiku: Kết quả và một số bài học kinh nghiệm

Ngày đăng bài: 14/08/2020
Bùi Hồng Quang
Trưởng Phòng kinh tế thành phố
 
Trong những năm qua, thành phố Pleiku đã huy động hiệu quả các nguồn lực và cộng đồng xã hội chung tay xây dựng nông thôn mới. Từ đó, cơ sở hạ tầng ở các xã được đầu tư nâng cấp, diện mạo ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng lên. Ghi nhận kết quả đạt được, cuối năm 2017, có 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; ngày 17 tháng 10 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số: 1415/QĐ-TTg về việc công nhận thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018.

Thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai (khóa XIV), Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Pleiku (khóa X) đã ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 15/02/2012 về thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Gia Lai (khóa XIV) về “Xây dựng nông thôn mới tỉnh Gia Lai đến năm 2020”. Chương trình nêu rõ quyết tâm của cả hệ thống chính trị và mục tiêu cụ thể của từng giai đoạn trong xây dựng nông thôn mới. Theo đó, thành phố đã chỉ đạo thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo các cấp, Ban quản lý xã, tạo được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở cùng chung tay xây dựng nông thôn mới và đạt được nhiều kết quả quan trọng.
hn-(1).jpg
Hội nghị sơ kết Chương trình nông thôn mới
 

Kết quả đạt được

Việc thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến. Công tác huy động nguồn vốn đầu tư cho khu vực nông thôn đạt nhiều kết quả và không ngừng tăng hàng năm. Đến nay, tổng nguồn vốn đã đầu tư cho các xã là 1.847,8 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách đầu tư trực tiếp 131,8 tỷ đồng, vốn lồng nghép từ các chương trình khác 463,5 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp đầu tư 291 tỷ đồng, vốn tín dụng 95,9 tỷ đồng, vốn Nhân dân đóng góp 860 tỷ đồng và vốn từ nguồn khác 5,6 tỷ đồng.

Cùng với việc phát huy hiệu quả các công trình được đầu tư và các công trình đầu tư cho nông thôn qua hàng năm, các địa phương, đơn vị đã chủ động huy động nguồn lực từ các đơn vị quân đội, doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn, nguồn vốn từ trong dân để đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” làm cho diện mạo ở các xã có nhiều thay đổi và khởi sắc. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật và phúc lợi xã hội như điện, đường, trường, trạm không ngừng được đầu tư, nâng cấp. Việc tự nguyện hiến đất, đóng góp tiền bạc, công sức làm đường, điện chiếu sáng của người dân đã hình thành phong trào mạnh mẽ trong từng khu dân cư. Qua 10 năm xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn thành phố 100% đường trục xã, liên xã được đường bê tông, nhựa hóa; 93,6% đường trục thôn, làng được bê tông; 75,4% đường ngõ xóm được cứng hóa; 83,6% đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận lợi; hệ thống thủy lợi đáp ứng cho 92,4% diện tích gieo trồng; 100% hộ dân tại các xã sử dụng điện.

Bên cạnh đó, việc chăm lo đời sống tinh thần của người dân được chú trọng. Thành phố đã chỉ đạo các cấp các ngành đẩy mạnh việc thực hiện và lồng ghép có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia vào Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhất là chương trình xóa đói giảm nghèo, giáo dục - đào tạo, y tế, giải quyết việc làm, hỗ trợ nhà ở, nước sạch..., từng bước nâng cao đời sống văn hóa và tinh thần cho dân cư khu vực các xã, ven thành phố. Với sự đầu tư cho các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo cùng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành công tác giảm nghèo đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố năm 2011 chiếm 8,06%, đến nay còn 1,42% (182 hộ). Chương trình hỗ trợ nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách, xóa nhà tạm ở nông thôn cũng được quan tâm; trong thời gian qua, thành phố đã hỗ trợ, tu sửa, nâng cấp nhà, xây mới 454 nhà tình thương cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách tại các xã đảm bảo an toàn, bền vững...

Các phong trào, cuộc vận động do Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều phong trào khẳng định được tính bền vững, đi vào cuộc sống và trở thành nhu cầu tình cảm và trách nhiệm của Nhân dân như Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo”, “Thực hiện nếp sống văn minh đô thị”,… Từ đó, cộng đồng dân cư các thôn, làng thực hiện đầy đủ và đúng quy chế dân chủ, hương ước đã được xây dựng, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp, tương thân, tương ái, tình làng nghĩa xóm, bài trừ các hủ tục, thực hiện nếp sống mới ở nông thôn. Tỷ lệ thôn, làng văn hóa tăng dần qua hàng năm, năm 2010 đạt 59,6%, đến nay đạt 96,3%, góp phần giữ vững an ninh chính trị, an ninh trên địa bàn.

Hạn chế cần khắc phục

Việc triển khai thực hiện một số nội dung, kế hoạch đề ra nhưng chưa đảm bảo kịp thời nguồn lực, chưa có nhiều giải pháp hay, sáng tạo trong quá trình tổ chức thực hiện.

Việc đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Tiến độ triển khai một số công trình, dự án đầu tư phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt ở các xã còn chậm.

Một số cán bộ, công chức cơ sở phải kiêm nhiệm, chưa phát huy được năng lực chuyên môn trong công tác xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới là một chương trình lớn, với nhiều mục tiêu đề ra là rất cao; một số văn bản hướng dẫn ban hành chậm, thiếu đồng bộ, gây lúng túng cho địa phương trong thực hiện Chương trình.

Một số cán bộ và một bộ phận người dân chưa xác định rõ xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, còn có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Chưa nhận thức đúng về quan điểm: “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” và vai trò trách nhiệm của người hưởng lợi trong xây dựng nông thôn mới.

Một số bài học kinh nghiệm

Từ những kết quả trên, thành phố rút ra một số bài học kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới để thời gian tới thực hiện một cách hiệu quả hơn, nhất là xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Một là, phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp Đảng ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong quá trình triển khai thực hiện.

Hai là, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới thành phố phải tăng cường kiểm tra giám sát việc triển khai thực hiện của các xã. Định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả triển khai thực hiện và kịp thời đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở.

Ba là, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng, ý nghĩa, nhiệm vụ của Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bốn là, kế hoạch triển khai xây dựng nông thôn mới phải cụ thể, chi tiết, xác định rõ nguồn lực, đảm bảo tính khả thi; phân công rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân nhất là người đứng đầu của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, vai trò của bí thư, trưởng thôn, tinh thần gương mẫu của gia đình cán bộ, đảng viên.

Năm là, đa dạng hóa việc huy động nguồn lực để xây dưng nông thôn mới theo phương châm “Huy động nguồn lực từ cộng đồng là quyết định, sự tham gia của doanh nghiệp và xã hội là quan trọng, sự hỗ trợ từ ngân sách là cần thiết”. Việc sử dụng nguồn lực vào các công trình công cộng phải được người dân bàn bạc dân chủ và thống nhất, có giám sát cộng đồng đảm bảo công khai, minh bạch; qua đó đã thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ” được thực hiện một cách thiết thực và hiệu quả. Chú trọng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng nông thôn mới.

Sáu là, động viên, khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình nhằm khuyến khích, thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể; xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc; các tiêu chí nông thôn mới phải không ngừng được củng cố, nâng cao về chất và đảm bảo tính bền vững. Thời gian tới, thành phố Pleiku tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả xây dựng nông thôn mới; thực hiện các nội dung Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, góp phần xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh.
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png