TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm ở thành phố Pleiku - Kết quả và giải pháp

Ngày đăng bài: 02/08/2022
                                     Bùi Hồng Quang
                                  Trưởng phòng Kinh tế thành phố
 
Trọng tâm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, các làng nghề, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh làm chủ thể thực hiện. Thông qua chương trình góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp ở thành phố Pleiku.

bai-kt1-(1).jpg
Các sản phẩm được trưng bày (tại khu vực đường Anh Hùng Núp - Quảng trường Đại Đoàn Kết) trong tuần lễ các sự kiện chào mừng kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập tỉnh Gia Lai (24/5/1932 - 24/5/2022).
 
Thực hiện Quyết định số 34/QĐ-UBND ngày 23/01/2019 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030, năm 2019 thành phố Pleiku triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Để thực hiện tốt và phù hợp với điều kiện thực tế, hằng năm, thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai và bố trí kinh phí thực hiện Chương trình OCOP; ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể; thành lập Hội đồng đánh giá sản phẩm thuộc Chương trình OCOP, trong đó phân công cụ thể chức năng, nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị, ủy ban nhân dân các xã, phường để triển khai theo kế hoạch đề ra.

Trước tiên, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và tổ chức hội nghị tập huấn nhằm nhằm giúp cán bộ và chủ thể (các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh) hiểu được mục đích, ý nghĩa mà chương trình OCOP muốn hướng đến. Thời gian qua, thành phố đã tiến hành lắp đặt 44 bảng pano tuyên truyền trên địa bàn 08 xã nông thôn mới; tổ chức 02 hội nghị tập huấn cho 370 lượt người là công chức tham gia triển khai thực hiện Chương trình OCOP và các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn 22 xã, phường; tổ chức trưng bày các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
 
bai-kt2.jpg
Du khách tham quan điểm giới thiệu và quảng bá sản sản phẩm OCOP tại Khu du lịch Biển Hồ. Nguồn ảnh: Tỉnh ủy Gia Lai.
 
Bên cạnh đó, thành phố đã hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và cơ sở sản xuất kinh doanh có sản phẩm đặc trưng tham gia 06 chương trình hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh (năm 2019 hỗ trợ 03 chương trình; năm 2020 hỗ trợ 02 chương trình; năm 2021 đã tổ chức thành công Hội chợ gian hàng ẩm thực và bán hàng lưu niệm tại giải vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 62 năm 2021 tỉnh Gia Lai trong 4 ngày từ 25/3-28/3/2021; với 35 gian hàng nhằm Giới thiệu những nét đẹp văn hóa về ẩm thực và hàng lưu niệm, sản phẩm OCOP đặc trưng của Gia Lai và thành phố Pleiku đến các vận động viên và du khách tham quan giải vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 62 năm 2021).

Đến nay, thành phố đã có 33 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 03 sao trở lên, gồm thực phẩm, đồ uống, thảo dược, vật dụng như cà phê (DALASA COFFF, GAUC…), dầu lạc, dầu đậu nành ép, cao đẳng sâm, cao mật nhân, cà gai leo, hạt điều rang củi, viêm tinh nghệ mật ong, thịt bò khô, mít sấy, chuối sấy, thanh long sấy, nước lau sàn sả chanh An An, Nước lau sàn thảo dược tinh dầu sả… Năm 2019, thành phố Pleiku có 06 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh với 09 sản phẩm đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh (trong đó có 08 sản phẩm đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh và 01 sản phẩm đạt 4 sao OCOP cấp tỉnh). Năm 2020 thành phố Pleiku có 08 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh với 22 sản phẩm đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh trở lên (trong đó 09 sản phẩm đạt 4 sao và 13 sản phẩm đạt 3 sao). Năm 2021, thành phố Pleiku có 02 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh với 02 sản phẩm đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tiêu biểu như công ty cổ phần hạt điều Hải Bình Gia Lai, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phương Di, công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thùy Dung Gia Lai, hợp tác xã Nông nghiệp Liên hiệp Gia Lai, hộ kinh doanh Trần Thị Bé, cơ sở sản xuất Lê Đức Nam...

Trong quá trình triển khai, Chương trình OCOP đã được cấp ủy, chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị và người dân đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia. Các xã, phường triển khai Chương trình OCOP theo quy mô khác nhau, đã xây dựng và phát triển nhiều chủng loại sản phẩm hàng hóa đa dạng, thể hiện sự sáng tạo của người dân. Các hoạt động hỗ trợ được tổ chức thực hiện chuyên nghiệp, có chiều sâu, việc lựa chọn đăng ký sản phẩm, đơn vị tham gia đáp ứng yêu cầu, nội dung của Chương trình. Các sản phẩm, dịch vụ, đặc biệt sản phẩm nông nghiệp rất đa dạng về chủng loại và đều có khả năng phát triển, được chuẩn hóa, nên rất thuận lợi cho việc đánh giá phân hạng sản phẩm. Chủ thể là hợp tác xã tham gia chiếm tỷ lệ cao, phù hợp với mục tiêu quan trọng của Chương trình OCOP là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh và có nhiều thanh niên trẻ có trình độ, nhiệt huyết khởi nghiệp từ nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm để tham gia Chương trình.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Chương trình OCOP vẫn còn tồn tại, hạn chế như khả năng tiếp cận và tiến độ triển khai Chương trình OCOP chậm so với kế hoạch; một số địa phương chưa triển khai hoạt động cụ thể, chưa bám sát đúng chu trình OCOP đã được quy định do vậy tiến độ và chất lượng triển khai Chương trình của nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Một số địa phương chủ yếu tập trung lựa chọn các sản phẩm sẵn có, đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm của một số chủ thể đơn lẻ, có tính cộng đồng chưa cao để đưa vào tham gia Chương trình OCOP và phân hạng sản phẩm, chưa chú trọng đến phát triển các sản phẩm có tiềm năng theo hướng nâng cao chất lượng; chưa xác định được các sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Trong thời gian tới, nhằm phát huy ý nghĩa của Chương trình OCOP, thành phố Pleiku thực hiện các giải pháp trọng tâm sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền Chương trình OCOP, quảng bá thường xuyên, đa dạng về hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Cổng thông tin điện tử thành phố, bản tin, chuyên đề, câu chuyện gắn với hình ảnh như pano, phóng sự...; lồng ghép hoạt động của cơ quan, đơn vị để thực hiện tuyên truyền các nội dung, hoạt động về Chương trình OCOP.

Thứ hai, tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ cấp xã triển khai Chương trình  OCOP giai đoạn 2021 - 2025 như đăng ý tưởng sản phẩm; phương án sản xuất kinh doanh; quy trình, các bước thực hiện nội dung Chương trình cho cán bộ quản lý và chủ thể tham gia Chương trình; Bộ tiêu chí OCOP tại Quyết định 1048/QĐ-TTg, Quyết định 781/QĐ-TTg, công tác quản lý và cách thức tổ chức đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện... Tập huấn, hướng dẫn các quy trình: đăng ký xây dựng mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc; hồ sơ về chứng nhận sở hữu trí tuệ; xây dựng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến; chuẩn hóa nhãn hiệu sản phẩm và chuẩn hóa tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo quy định hiện hành; quy chuẩn, quy trình sản xuất và thực hiện các điều kiện để xúc tiến thị trường tiêu thụ cho các chủ thể, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, cơ sở xản xuất… để nâng cấp sản phẩm 03 sao lên 04 sao.

Thứ ba, tiếp tục hướng dẫn các xã, phường có sản phẩm đặc trưng, đăng ký tham gia để phát triển sản phẩm thành sản phẩm OCOP; tăng cường, tuyên truyền, phát động, khuyến khích các thành phần kinh tế, hộ gia đình tham gia Chương trình OCOP; hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc củng cố nâng cao chất lượng hoạt động các chủ thể tham gia Chương trình OCOP; đồng thời triển khai tuyên truyền các chính sách hỗ trợ liên quan Chương trình OCOP.

Thứ tư, hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm đã đạt từ 03 sao cấp tỉnh trở lên nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm để thúc đẩy phát triển kinh tế. Xây dựng phương án triển khai hỗ trợ các hạng mục đối với sản phẩm đã đạt 03 sao cấp tỉnh theo đúng chu kỳ và các văn bản hướng dẫn theo quy định đã được công nhận và các sản phẩm mới tham gia chu trình OCOP hàng năm đạt sao cấp tỉnh sau khi được cấp có thẩm quyền phân bổ nguồn vốn hỗ trợ cho chương trình./.
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png