TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Nhìn lại 5 năm xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số ở thành phố Pleiku

Ngày đăng bài: 20/01/2024
Phan Thị Thu Trang
Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố
 
Thành phố Pleiku là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh Gia Lai, có diện tích tự nhiên khoảng 26.076 ha, gồm 22 đơn vị hành chính cấp xã (14 phường và 8 xã) với 175 thôn, làng, tổ dân phố, trong đó có 37 làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Dân số khoảng 260.000 người với 36 dân tộc đang sinh sống, trong đó DTTS chiếm tỷ lệ 12,6%, chủ yếu là dân tộc Jrai và Bahnar. Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13 tháng 02 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”, đã làm thay đổi diện mạo và đời sống người đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố. Đến nay, thành phố đã có 9 làng đồng bào DTTS được công nhận làng nông thôn mới, bao gồm: Bông Phrao (xã An Phú), Wâu, Choét Ngol, Mơ Nú (Chư Á), Ia Nueng, Phung (xã Biển Hồ), Têng 2 (xã Tân Sơn), Nhao I, Nhao II (xã Ia Kênh).

ntm1.jpg
Con đường hoa Làng Ia Nueng, xã Biển Hồ, thành phố Pleiku (nguồn:moitruongdulich.vn).
 
Với mục đích nâng cao chất lượng các xã đạt chuẩn nông thôn mới, xây dựng các làng đồng bào DTTS thành các khu dân cư có cảnh quan, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; có hàng rào, vườn rau, nhà vệ sinh, khu chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường... gìn giữ được bản sắc và cốt cách của làng đồng bào DTTS, Thành phố đã triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu đã xác định rõ trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các đồng chí trong cấp ủy phụ trách công tác xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Tổ chức quán triệt, tuyên truyền sâu rộng, đầy đủ nội dung Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13 tháng 02 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”, Kế hoạch số 76-KH/TU, ngày 26 tháng 4 năm 2018 của Ban Thường vụ Thành ủy về triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13 tháng 02 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
 
Các địa phương, cơ quan, đơn vị đã bám sát nhiệm vụ chính trị, tổ chức các hoạt động tuyên truyền sinh động, phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố đã có nhiều tin, bài phản ánh về chủ trương, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS. Huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhằm hỗ trợ đồng bào DTTS nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương, các làng thực hiện thí điểm xây dựng làng nông thôn mới, chủ động phát huy nội lực phát triển kinh tế - xã hội vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, tuyên truyền các gương điển hình trong áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất làm giàu ở vùng nông thôn, vùng đồng bào DTTS. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân về chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là người dân trong các thôn, làng đồng bào DTTS nhằm phát huy tối đa vai trò chủ thể của từng hộ gia đình trong xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS để xây dựng khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp, kinh tế , văn hóa - xã hội phát triển, an ninh trật tự được bảo đảm, đáp ứng nguyện vọng của người dân.

Trong 05 năm (2018 - 2022), tổng kinh phí huy động thực hiện khoảng hơn 75 tỷ đồng. Trong đó, vốn trực tiếp từ chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới là 1,347 tỷ đồng; ngân sách thành phố 3,5 tỷ đồng; ngân sách xã 38,532 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án: 24,690 tỷ đồng; vốn Nhân dân đóng góp 7,537 tỷ đồng. Huy động được 1.534 ngày công để tu sửa, nâng cấp đường giao thông nông thôn, làm nhà rông văn hóa, nhà ở, các công trình phụ trợ như nhà tắm, nhà tiêu, làm chuồng trại chăn nuôi, hàng rào. Người dân đã hiến 22.473 m2 đất ở, đất vườn để làm nhà sinh hoạt cộng đồng, hội trường thôn, làng, đường giao thông nông thôn, đào hố rác, di chuyển nhà ở, chuồng trại, trồng cây xanh, trồng hoa trên các tuyến đường.

Việc lồng ghép các chương trình đầu tư để thực hiện xây dựng làng nông thôn mới với các phong trào, các cuộc vận động của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” đã huy động được nguồn lực tổng hợp của các cấp, các ngành, các xã và sức mạnh nội lực của Nhân dân chung sức, chung lòng xây dụng nông thôn mới trên địa bàn khu dân cư.

Qua 05 năm triển khai thực hiện mô hình làng nông thôn mới trên địa bàn thành phố đã đạt được một số kết quả tích cực như nhận thức của người dân đã thay đổi, từ trông chờ, ỷ lại sang chủ động, tự tin tham gia vào xây dựng nông thôn mới và trở thành phong trào sâu rộng trong làng; hệ thống hạ tầng nông thôn được đầu tư làm thay đổi bộ mặt của làng; đời sống vật chất, thu nhập của người dân đã từng bước được nâng lên, bộ mặt thôn, làng ngày càng khang trang; sinh hoạt, tập quán của người dân trong làng từng bước được thay đổi theo hướng văn minh, đặc biệt là tập quán chăn nuôi thả rông, nuôi gia súc dưới sàn nhà; an ninh trật tự được giữ ổn định, các hoạt động văn hóa truyền thống được duy trì và phát huy; nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng làng nông thôn mới bước đầu đã được hình thành và mang lại hiệu quả thiết thực, thể hiện ý thức làm chủ của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới. Đến nay, có 09 làng đã đạt chuẩn nông thôn mới. Trong năm 2023, có 02 làng đăng ký làng đạt chuẩn nông thôn mới là làng C - xã Gào và làng Têng 1 - xã Tân Sơn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như thu nhập bình quân đầu người đạt thấp; người dân vẫn thiếu kiến thức về phát triển kinh tế; việc huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS còn hạn chế; một bộ phận người dân vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước; công tác kiểm tra, giám sát về việc xây dựng làng nông thôn mới chưa được thực hiện thường xuyên; việc thực hiện Quyết định số 826/QĐ-UBND năm 2022 của UBND tỉnh về ban hành Bộ tiêu chí mới về làng nông thôn mới với nhiều chỉ tiêu tăng cao hơn so với bộ tiêu chí cũ.

Để tiếp tục xây dựng các làng đồng bào DTTS còn lại trên địa bàn thành phố Pleiku đạt chuẩn làng nông thôn mới, đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí của các làng đã được công nhận làng đạt chuẩn nông thôn mới, thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm sau:
 
ntm2-(1).jpg
Làng Têng 2, xã Tân Sơn, thành phố Pleiku (nguồn:moitruongdulich.vn).
 
Một là,tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 12 tháng 4 năm 2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về giảm nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025; Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13 tháng 02 năm 2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch số 76-KH/TU, ngày 26/4/2018 của Thành ủy Pleiku về triển khai thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13/02/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Pleiku chung sức xây dựng nông thôn mới” đến các cấp, các ngành và toàn thể cán bộ, Nhân dân trên địa bàn thành phố để huy động đóng góp vào xây dựng nông thôn mới. Tăng cường vận động, tuyên truyền phát huy tối đa vai trò chủ thể của từng hộ gia đình trong xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS để xây dựng khu dân cư xanh, sạch đẹp, có kinh tế - xã hội phát triển, an ninh trật tự được đảm bảo, đáp ứng nguyện vọng của người dân.Triển khai thực hiện hiệu quả công tác đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới ở thôn, làng.

Ba là, tập trung huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để việc xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS trở thành một phong trào toàn dân. Từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm đã phân công phụ trách từng phần việc trong triển khai xây dựng làng nông thôn mới; việc phân công nhiệm vụ phụ trách từng phần việc trong triển khai xây dựng làng nông thôn mới, gắn với công tác thi đua khen thường và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên.

Bốn là, cấp ủy, chính quyền các xã, đặc biệt là người đứng đầu cần xác định rõ trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện và phân công cụ thể các đồng chí ủy viên Ban thường vụ phụ trách công tác xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên. 

Năm là, tiến hành rà soát đánh giá đúng thực trạng, có phương án chi tiết xây dựng khu dân cư, có lộ trình, giải pháp lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, cân đối, bố trí các nguồn lực triển khai hiệu quả cao nhất; chú trọng, khuyến khích xã hội hóa theo phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm.

Sáu là, thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các làng, kịp thời đánh giá, rút kinh nghiệm và đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể khắc phục những tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng nông thôn mới của làng. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị, ban, ngành cùng cấp tăng cường giám sát, tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia thực hiện xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào DTTS gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Cuộc vận động“Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, chủ động lựa chọn những nội dung thiết thực để phối hợp vận động, khích lệ, động viên các tổ chức, cá nhân chung sức, đồng lòng xây dựng làng nông thôn mới trong vùng đồng bào DTTS, trong đó trọng tâm là giám sát việc bảo vệ môi trường, đẩy mạnh triển khai xây dựng và nhân rộng mô hình phát triển sản xuất tăng thu nhập; xây dựng cảnh quan môi trường; đảm bảo an ninh trật tự xã hội; xây dựng đời sống văn hóa trong cộng đồng dân cư.

 
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png