TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Nâng cao chất lượng công tác kết nghĩa với các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Pleiku

Ngày đăng bài: 24/02/2014
Thành phố Pleiku hiện có 23 xã, phường, với 254 thôn, làng, tổ dân phố. Trong đó có 43 làng đồng bào dân tộc thiểu số với 5.892 hộ. Nhằm đẩy mạnh việc củng cố thực lực chính trị ở cơ sở trong tình hình mới, nhất là tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đồng thời chủ động trong việc ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, xây dựng hệ thống chính trị ở thôn, làng vững mạnh, đáp ứng được với yêu cầu nhiệm vụ. Ngày 18/01/2013, Thành ủy Pleiku đã ban hành Đề án số 01-ĐA/TU, “Về công tác kết nghĩa với các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố Pleiku”, và tiếp tục phân công các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể cùng các phường (nội thành) kết nghĩa với các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Với mục tiêu là giúp cho các làng đồng bào DTTS trên địa bàn Thành phố Pleiku phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Thành ủy Pleiku đã phân công 44 cơ quan, đơn vị, Mặt trận và các đoàn thể kết nghĩa với 34 làng theo Đề án số 01-ĐA/TU ngày 18/01/2013; còn 9 làng (thuộc xã Gào và các phường nội thành) giao cho các địa phương tự chịu trách nhiệm. Đồng thời, phân công 11 phường (nội thành) kết nghĩa với các xã, phường có làng đồng bào DTTS.
Cấp ủy Đảng các xã, phường, các cơ quan, đơn vị được phân công kết nghĩa đã chỉ đạo làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền, vận động giúp nhân dân trong các làng nâng cao nhận thức về quan điểm, chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta là nhất quán, luôn tôn trọng, bảo đảm quyền tín ngưỡng tôn giáo và không tín ngưỡng tôn giáo; không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng trong mọi sinh hoạt xã hội; tất cả đều được bảo đảm sinh hoạt tôn giáo bình thường trong khuôn khổ pháp luật của Nhà nước; phối hợp tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Luật bảo vệ rừng, Luật đất đai; phối hợp tổ chức phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để phản bác lại các luận điệu xuyên tạc của địch, như vụ nhận chỉ đạo của FULRO nhóm họp “Tin lành Đêga” và lập danh sách những người theo Tin lành Đêga tại làng Dò, xã Chư Ă (do đối tượng H'Sanh cầm đầu); tin đồn Ma lai, thuốc thư tại làng Wâu và làng Ktu, xã Chư Ă; vụ lấn chiếm đất tại làng Fung 1, xã Biển Hồ, đã vận động cá biệt 59 hộ trọng điểm, tổ chức phát động đưa 19 đối tượng ra kiểm điểm trước dân và có gần 700 người tham dự, có 17 ý kiến tham gia; tổ chức 2 đợt phát động phòng chống trốn tại 18 làng trên địa bàn các làng, có 3.041 lượt người tham dự, có 73 ý kiến tham gia và đưa 6 đối tượng liên quan đến hoạt động trốn ra kiểm điểm trước dân.
Về giúp nhân dân phát triển kinh tế gia đình, đã phối hợp với các cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương, tập trung vào lĩnh vực phát triển sản xuất, thay đổi tư duy về nếp nghĩ, cách làm theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng địa phương như: tạo điều kiện giúp đỡ các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bằng hình thức hỗ trợ con giống như bò, heo, phân bón; vận động nhân dân tham gia cải tạo vườn tạp, trồng lúa lai, xây dựng mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình; tham gia các lớp khuyến nông, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường và biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Hỗ trợ cho các hộ gia đình chính sách, gia đình nghèo về con giống và cây giống các loại nhằm góp phần phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho bà con, với tổng số tiền là 158.800.000 đồng, bao gồm: hỗ trợ heo giống, bê giống; hỗ trợ phân bón chăm sóc cà phê và trồng lúa nước. Ngoài ra, một số cơ quan còn vận động, kêu gọi từ nhiều nguồn khác của các tập thể, doanh nghiệp hỗ trợ để xây dựng được 2 căn nhà tình nghĩa trị giá 90 triệu đồng.
Các hoạt động văn hóa, xã hội luôn có sự phối hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới hỏi, tang lễ, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ tại các làng; vận động bà con tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; năm 2013 có 32/43 làng đạt “Làng văn hóa”, trong đó có 02 làng đạt 9 năm liên tục, có 03 làng đạt 7 năm, có 03 làng đạt 6 năm, có 03 làng đạt 5 năm, có 06 làng đạt 4 năm, có 02 làng đạt 3 năm và 13 làng đạt từ 1 đến 2 năm làng văn hóa. Vận động bà con đưa con em trong độ tuổi ra lớp, tham gia các lớp bổ túc văn hóa, thực hiện tốt công tác tuyên truyền vệ sinh môi trường, phòng chống các dịch bệnh, ăn ở hợp vệ sinh, khi ốm đau đến cơ sở y tế khám chữa bệnh, tham gia tích cực các chiến dịch truyền thông chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, có nhiều chị em là hội viên của các tổ chức đoàn thể còn tham gia Câu lạc bộ gia đình không sinh con thứ 3; các phong trào thể dục thể thao như: bóng chuyền, bóng đá, đẩy gậy, bắn nỏ, chạy việt dã…thường xuyên được duy trì và phát triển; là lực lượng chủ yếu tham gia Đại hội thể dục thể thao Thành phố Pleiku lần thứ VII. Giúp đỡ, hỗ trợ sách vở, bút viết cho các cháu học sinh, hỗ trợ bóng, lưới, quần áo thể thao, quần áo cũ, hỗ trợ trang trí phòng họp, xây lớp học mẫu giáo, sửa chữa hệ thống điện, sửa chữa giọt nước, thăm tặng quà cho các gia đình chính sách, gia đình khó khăn, hộ nghèo, tặng quà cho thanh niên lên đường nhập ngũ, với số tiền 154.130.000 đồng. Thăm và tặng quà vào dịp lễ, tết với số tiền 165.000.000 đồng.
Công tác kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở các làng đồng DTTS, đã có sự phối hợp với địa phương bồi dưỡng để từng bước nâng cao năng lực làm việc cho đội ngũ cán bộ quân dân chính ở các làng; giúp đỡ, hướng dẫn đi vào hoạt động có nề nếp, biết cách làm việc, chuẩn bị nội dung điều hành các buổi sinh hoạt trong nhân dân nói chung và các đoàn thể nói riêng; hướng dẫn các đoàn thể từng bước lồng ghép công tác tuyên truyền vận động của đoàn, hội mình trên các lĩnh vực. Đồng thời, phối hợp với địa phương đẩy mạnh việc triển khai thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở; vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc hương ước, qui ước của làng đề ra, phát huy được vai trò của già làng, những người có uy tín trong làng, các chức sắc tôn giáo ngay tại địa bàn; đã từng bước xây dựng được lực lượng đoàn, hội viên nòng cốt tại làng. Năm 2013 đã kết nạp được 14 đảng viên là người DTTS, đến nay trong tổng số 42 làng đồng bào DTTS đều đã xóa làng trắng đảng viên (trừ làng xã hội Ngol Tăh).
Các phường được phân công kết nghĩa với các xã, phường có làng đồng bào dân tộc thiểu số đã phân công các tổ chức đoàn thể, các tổ dân phố kết nghĩa với các làng đồng bào dân tộc thiểu số; trong năm 2013, cấp ủy Đảng, chính quyền giữa các xã, phường đã xây dựng được mối quan hệ tốt, duy trì gặp gỡ trao đổi nắm tình hình, xây dựng kế hoạch thực hiện công tác kết nghĩa. Hiện có 85 tổ dân phố và 10 tổ chức đoàn thể của các phường được phân công kết nghĩa đã tổ chức xây dựng kế hoạch và ký kết nghĩa với các làng. Các đơn vị đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ hướng dẫn sản xuất, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, gia đình khó khăn, gia đình nghèo và tặng sách vở cho các cháu học sinh vào đầu năm học mới, vào các dịp lễ, tết, tặng quà cho thanh niên lên đường nhập ngũ, với số tiền 162.957.000 đồng. Thông qua các hoạt động đã thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, nhất là lực lượng đoàn viên, thanh niên, phụ nữ, qua đó tạo được sự gần gũi, hiểu biết lẫn nhau giữa người Kinh với người đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, các xã, phường tự đảm nhiệm như (xã Gào, phường Yên Đỗ, Hoa Lư, Đống Đa, Yên Thế, Chi Lăng) cũng phân công các tổ chức đoàn thể, các tổ dân phố ngay tại địa bàn có điều kiện để kết nghĩa với các làng. Đã hỗ trợ, giúp đỡ, thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình chính sách, gia đình khó khăn, gia đình nghèo và tặng sách vở cho các cháu học sinh vào đầu năm học mới, vào các dịp lễ, tết, tặng quà cho thanh niên lên đường nhập ngũ, với số tiền 58.950.000 đồng.
Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Thành ủy Pleiku và sự phối hợp thống nhất cao từ Thành phố đến các cơ sở có làng đồng bào DTTS đã mang lại những kết quả thiết thực như: tiếp tục nâng cao được chất lượng thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 18/01/2013 của Thành ủy “Về công tác kết nghĩa với các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thành phố Pleiku” và nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức đối với công tác kết nghĩa, thường xuyên tiếp cận thực tiễn và sát dân hơn; tạo được sự chuyển biến về cách làm việc của đội ngũ cán bộ quân dân chính ở các làng; từng bước đã giúp bà con nâng cao nhận thức, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu và tư tưởng trông chờ - ỷ lại, tích cực lao động sản xuất nâng cao đời sống, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, không nghe và làm theo những lời xúi dục của kẻ xấu để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở cũng như thực lực chính trị ở từng địa bàn khu dân cư các làng đồng bào DTTS ngày càng vững mạnh hơn./.              
Nguyễn Sỹ Nhân
Ban Dân vận Thành ủy
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png