TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyêt 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy (khóa IX) về tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh xã Gào năm 2010 và đến năm 2015

Ngày đăng bài: 06/01/2015
Là một xã có truyền thống cách mạng, vinh dự được Đảng và Nhà nước 2 lần phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Nhân dân xã Gào có truyền thống đoàn kết, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, luôn trung thành với sự nghiệp cách mạng. Dân số 4.091 người sinh sống tại 7 thôn, làng (trong đó có 4 làng đồng bào dân tộc Jrai). Đảng bộ có 88 đảng viên (đảng viên là người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 54%), sinh hoạt tại 12 chi bộ.

Gao.jpg
Đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Gào giữ gìn nét văn hóa truyền thống

 
Nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế tạo điều kiện để xã Gào vùng căn cứ địa cách mạng phát triển nhanh hơn. Ngày 22/12/2005, Ban Thường vụ Thành ủy Pleiku (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 03-NQ/TU về “Tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng-an ninh xã Gào đến năm 2010 và 2015”. Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, cùng với sự quan tâm đầu tư của Tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị phụ trách, kết nghĩa… Đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Gào đã tạo được một diện mạo mới ở một xã anh hùng có nhiều đổi thay, khởi sắc.      
Tình hình kinh tế phát triển ổn định, cơ cấu cây trồng vật nuôi đã có bước chuyển dịch tích cực. Nhân dân đã chuyển đổi diện tích lúa rẫy và hoa màu kém hiệu quả sang trồng các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: 438 ha cao su tại Đội sản xuất cao su xã Gào (thuộc Cty TNHHMTV cao su Chư Păh), đã đưa vào khai thác góp phần giải quyết việc làm ổn định cho 127 công nhân tại địa phương với nguồn thu nhập trên 4 triệu đồng/người/tháng. Diện tích hồ tiêu có 58,6 ha, diện tích cà phê có 746 ha và diện tích lúa nước Đông Xuân và vụ mùa khoảng 189 ha... Áp dụng mô hình chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao như nuôi bò lai, nuôi dê bách thảo... Do đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2014 đạt 22 triệu đồng/người, tăng gấp 9,5 lần so với năm 2005.
Hiện nay, đường liên xã, liên thôn có tổng chiều dài 17,7 km đã được nhựa hóa, bê tông hóa với tổng kinh phí 15,402 tỷ đồng. Nhờ đó tạo sự thuận tiện trong buôn bán, đi lại của nhân dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế của địa phương. Thực hiện chủ trương "Nhà nước và nhân dân cùng làm", xã đã huy động nhân dân đóng góp tổng số tiền là 530,5 triệu đồng làm 1,8 km đường giao thông nông thôn và bê tông hóa 1,131 km tại thôn 4; đóng góp 47,45 triệu đồng xây dựng 580 m2 sân bê tông tại Trường TH và THCS Anh hùng Đôn và 292 m2 sân bê tông tại Trường Mầm non Hoa Pơ Lang. Trụ sở làm việc của xã và 3 trường học, Trạm y tế đã được thành phố đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng khang trang. Tại các thôn, làng các cơ quan, đơn vị kết nghĩa, phụ trách đã xây dựng 3 phòng họp thôn, 4 nhà rông văn hóa, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng làm nơi để nhân dân hội họp và sinh hoạt cộng đồng. Hiện nay, 100% hộ dân trên địa bàn xã sử dụng điện (trong đó thôn 4 và thôn 5 có điện 3 pha phục vụ sản xuất và sinh hoạt). Từ nguồn vốn chương trình 134 của Chính phủ đã xây dựng mới và sửa chữa xong các giọt nước cho các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Xã hoàn thành việc quy hoạch Khu trung tâm cụm xã và Đề án xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã đã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
 Sự nghiệp giáo dục từng bước được phát triển cả về số lượng và chất lượng. Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác dạy và học được thành phố đầu tư, xây dựng 2 trường TH& THCS, 1 trường mầm non (5 lớp mầm non bán trú) có 34 lớp với tổng số 854 học sinh. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình bậc tiểu học và tốt nghiệp THCS hàng năm đạt trên 98%, công tác xã hội hóa giáo dục được chính quyền địa phương và nhân dân quan tâm thực hiện. Xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục ở các bậc học, phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Công tác y tế - chăm sóc sức khỏe và các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, đảm bảo cho cuộc sống ổn định và phát triển được quan tâm.
Từ năm 2006 đến nay với sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị và các tổ chức trên địa bàn cùng với sự đóng góp của cộng đồng đã xây dựng tổng cộng 42 căn nhà với tổng số tiền 762 triệu đồng, giúp các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo… ổn định cuộc sống. Đến nay, xã còn 3 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo. Tỷ lệ gia đình văn hóa tăng lên hàng năm, năm 2006 có 62,6 % số hộ gia đình văn hóa đến năm 2014 đạt tỷ lệ 92,63%.
Công tác quân sự địa phương được Đảng ủy quan tâm chỉ đạo. Đã xây dựng lực lượng dân quân đảm bảo số lượng, chất lượng (tỷ lệ dân quân đảm bảo 1,4% dân số). Tổ chức diễn tập chiến đấu trị an an toàn, hiệu quả; giao quân hàng năm đạt và vượt chỉ tiêu trên giao. Công tác phát triển đảng viên trong lực lượng dân quân được đẩy mạnh. Thường xuyên chú trọng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh cho các đối tượng. Công tác hậu phương quân đội được quan tâm, tạo điều kiện cho gia đình có thanh niên nhập ngũ và thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương được ưu tiên vay vốn phát triển kinh tế, học nghề, tạo nguồn bổ sung vào đội ngũ cán bộ thôn, làng và xã.
          Đảng bộ xã tập trung kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo số lượng và chất lượng. Thực hiện tốt Đề án số 02-ĐA/TU ngày 31/5/2013 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ là đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2013-2015 và đến năm 2020” xã đã lựa chọn cử 5 em học sinh đồng bào dân tộc thiểu số Jrai là con em gia đình cán bộ, đảng viên, gia đình chính sách theo học tại Trường THPT chuyên Hùng Vương, giới thiệu 2 sinh viên tốt nghiệp về công tác tại xã và Thành Đoàn Pleiku.
  Đảng ủy thường xuyên tập trung cho công tác xây dựng Đảng. Năm 2009, đã thành lập 04 chi bộ, năm 2013 thành lập 01 chi bộ nâng tổng số chi bộ trực thuộc Đảng bộ là 12 chi bộ, xoá 03 thôn trắng tổ chức Đảng. Qua đánh giá chất lượng hàng năm, Đảng bộ có 60% chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có chi bộ yếu kém. Công tác phát triển đảng được chú trọng và có nhiều chuyển biến tích cực, trong gần 10 năm đã kết nạp được 38 đảng viên mới. Lực lượng đảng viên trẻ hầu hết đều có trình độ học vấn từ THCS trở lên, chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì việc triển khai thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm đó là: Công tác giáo dục truyền thống, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chỉ thị, nghị quyết chưa thường xuyên. Trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương còn thấp, vẫn còn tồn tại những hủ tục lạc hậu chưa được xóa bỏ triệt để, tính trông chờ, ỷ lại của đồng bào dân tộc thiểu số còn cao. Nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng tuy lớn, nhưng địa phương chưa tận dụng khai thác hết cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội. Công tác giảm nghèo hiệu quả chưa cao, một số chỉ tiêu chưa hoàn thành theo Nghị quyết đề ra như: lai cải tạo đàn bò, xóa hết hộ nghèo. Trình độ, năng lực của một số cán bộ chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.
Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Pleiku, thời gian tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Gào quyết tâm thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy nhanh tiến độ lai cải tạo đàn bò, phấn đấu nâng tỷ lệ bò lai đạt 60% tổng đàn. Phát triển nhân rộng mô hình nuôi heo rừng, nuôi gà thả vườn trong các làng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng sản xuất hàng hóa. Phấn đấu hoàn thành 9 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trước năm 2020. Hàng năm, duy trì tỷ lệ học sinh trong độ tuổi ra lớp đạt trên 98%, giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập bậc tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS. Phối hợp chặt chẽ với các ngành của thành phố tiếp tục thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, chăm lo các đối tượng chính sách, gia đình có công cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội. Giữ vững ổn định an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống của xã Gào anh hùng. Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng cán bộ trong hệ thống chính trị đảm bảo đủ sức lãnh đạo phát triển địa phương toàn diện. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị từ xã đến khu dân cư gắn với đẩy mạnh công tác phát triển Đảng. Tăng cường việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, để thực sự là hạt nhân lãnh đạo trong các phong trào cách mạng tại địa phương./.
Trần Ngọc Thanh
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Gào
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png