TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác tuyên truyền

Ngày đăng bài: 26/02/2014
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm lý luận chính trị toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta; kế thừa và phát triển các truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại. Tuyên truyền là một bộ phận, một tác nghiệp của công tác tư tưởng có vị trí hết sức quan trọng, bởi vậy, Người định nghĩa và xác định rõ mục đích của tuyên truyền: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm. Nếu không đạt được mục đích đó, là tuyên truyền thất bại

Trong công tác tuyên truyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng phải nắm được phương pháp tuyên truyền mới đạt được kết quả tốt, “Muốn thành công phải biết cách tuyên truyền[1] . Phương pháp tuyên truyền theo Hồ Chí Minh phải mang tính đại chúng, tính nghệ thuật, diễn đạt ngắn gọn nhưng sâu sắc, giản dị, dễ hiểu, sử dụng linh hoạt sáng tạo các thành ngữ, dân ca…trong hoạt động thực tiễn. Trong hoạt động tuyên truyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện phương châm kết hợp giữa lời nói và hành động, lý luận gắn liền với thực tiễn. Người chủ trương nói ít, làm nhiều; chỉ nói khi thật cần thiết, nói đúng để làm đúng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện nhuần nhuyễn sự kết hợp giữa lời nói và hành động, làm chủ lý luận, thực tiễn hóa lý luận và lý luận hoá thực tiễn. Từ những hành động tuyên truyền của Người đã tạo sức cuốn hút, cảm hoá mọi người. Theo Hồ Chí Minh: “Người tuyên truyền bao giờ cũng phải tự hỏi viết cho ai xem, nói cho ai nghe. Nếu không vậy, thì cũng như cố ý không muốn cho người ta nghe, không muốn cho người ta xem.”[2]. “Người tuyên truyền không điều tra, không phân tách, không nghiên cứu, không hiểu biết quần chúng, chỉ gặp sao nói vậy, bạ gì viết nấy, nhất định thất bại[3]. Người còn chỉ ra rằng: “Tuyên truyền không cần phải nói tràng giang đại hải. Mà nói ngắn gọn, nói những vấn đề thiết thực, chắc chắn làm được, để cho mọi người hiểu rõ và quyết tâm làm bằng được[4]. Theo Hồ Chí Minh, khi tuyên truyền phải: Nói đơn giản, có đầu, có đuôi, có nội dung…Nói ít nhưng nói cho chắc chắn thì quần chúng thích hơn. Muốn nói gì thì phải chuẩn bị trước. Và “bao giờ ta cũng tôn trọng sự thực. Sự chân thực thì việc tuyên truyền của mình mới có người nghe[5].
Trong tuyên truyền, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc tìm hiểu đặc điểm người nghe (đối tượng tuyên truyền), Người nói: “Công tác tuyên truyền phải cụ thể, thiết thực. Tuyên truyền cái gì? Tuyên truyền cho ai? Tuyên truyền để làm gì? Tuyên truyền cách thế nào? Đó là những vấn đề các chú phải tự hỏi và tự trả lời. Chứ không phải ngồi chờ trên gửi tài liệu xuống, rồi theo một, hai, ba, bốn mà làm; “Phải làm sao dễ hiểu, nói sao để người ta hiểu được, hiểu để làm. Vì thế tuyên truyền phải thiết thực. Không phải tuyên truyền để mà tuyên truyền, huấn luyện để mà huấn luyện”.[6]
Nói đến lực lượng làm công tác tuyên truyền, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tất cả cán bộ, đảng viên, hễ những người tiếp xúc với dân chúng đều là người tuyên truyền của Đảng. Vì vậy, ai cũng phải học nói, nhất là học nói cho quần chúng hiểu[7], hơn lúc nào hết người làm công tác tuyên truyền “Phải có lòng tự tin, tin vào mình, tin Đảng, tin giai cấp, tin nhân dân mình[8], thiếu nó thì khó có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Xuất phát từ vai trò, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền nên Người luôn mong muốn “Người tuyên truyền cần phải chịu khó, chịu khổ, khéo ở, siêng làm…[9], “Thấy dân làm việc gì, bất kỳ to nhỏ, ta cũng ra tay làm giúp. Đó là cách gây cảm tình tốt nhất, nó sẽ giúp cho việc tuyên truyền kết quả gấp bội[10]. Người làm công tác tuyên truyền cần phải chủ động học tập nâng cao trình độ, kiến thức, nếu không sẽ lạc hậu, thoái bộ; luôn nắm vững chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tập quán, sinh hoạt của nhân dân. Chú trọng “nâng cao trình độ lý luận, gắn liền công tác lý luận với thực tiễn cách mạng; phải đi sát thực tế, phải liên hệ mật thiết với quần chúng[11].
Đối với công tác tuyên truyền trên mặt trận báo chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rất rõ quan điểm tư tưởng của mình. Đó là cách viết. Vì ai mà viết? Mục đích viết làm gì? Viết cho ai? Viết cái gì? Cách viết thế nào? Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “mình viết ra cốt là để giáo dục, cổ động; nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích. Mà muốn cho người xem hiểu được, nhớ được, làm được, thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng nhiều chữ. Viết phải gọn gàng, vắn tắt, nhưng phải có đầu có đuôi, viết phải thiết thực, chớ ham dùng chữ. Bác còn căn dặn “để làm trọn nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn, thì các báo chí ta cần phải gần gũi quần chúng hơn nữa, đi sâu vào công việc thực tế hơn nữa, cách làm việc của báo chí phải cải thiện hơn nữa[12]. Bác xác định rõ mục đích của báo chí. “Báo chí phải phục vụ ai? Báo chí của ta thì cần phải phục vụ nhân dân lao động, phục vụ chủ nghĩa xã hội…Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu[13]. “Về trách nhiệm báo chí, Lênin có nói: báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung. Vì vậy nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang[14].
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà tuyên truyền lớn của Đảng ta, là tấm gương mẫu mực về công tác tuyên truyền. Học tập và làm theo Bác về công tác tuyên truyền là thấm nhuần những chỉ dẫn của Người để từ điều kiện thực tế, lựa chọn cách thức tuyên truyền cho phù hợp, nhằm đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống. Từ đó, góp phần nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, tạo sự thống nhất trong ý chí và hành động, tạo sự đồng thuận và quyết tâm trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội./.
Ban Biên tập
 

[1] HCM: Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, 2002, tr 162
[2] HCM: Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, HN 1995, tr 300-301
[3] Sđd, tập 5, tr 300-301.
[4] Sđd, tập11, Nxb CTQG, Hà Nội 1995, tr 137-138
[5] HCM Toàn tập, tập 4(1945-1946), NxbCTQG, 2002, tr 151.
[6] HCM Toàn Tập, tập 11, Nxb CTQG, Hà Nội 2001, tr 128
[7] Sđd, tập 5, tr 300-301.
[8] HCM toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 8, tr.385; tr.157
[9] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 5,  tr.163
[10] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 5,  tr.163
[11] Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb CTQG, H, 2000, tập 8, tr.157
[12] Sđd, tập 7, 2000, tr 271.
[13] Sđd, tập 9, 2000, tr 412.
[14] Sđd, tập 9, 2000, tr 412.
 
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png