TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Ngày đăng bài: 18/04/2014
Việt Nam là một quốc gia ven Biển Đông có đường bờ biển dài hơn 3.600km, tỷ lệ giữa diện tích lục địa và chiều dài bờ biển thuộc loại cao trên thế giới, khoảng 100km2/1km bờ biển (mức trung bình của thế giới là 600km2/1km bờ biển). Trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của cả nước, có 28 tỉnh, thành phố thuộc vùng biển, đảo và ven biển, với tổng diện tích tự nhiên 65.312km2, chiếm khoảng 20% diện tích cả nước; dân số khoảng 29,2 triệu người, chiếm 34,6% dân số cả nước; trong đó khoảng 16,9 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 35,5% lao động cả nước; mật độ dân số 373 người/km2, gấp 1,5 lần mức trung bình cả nước. Hiện có khoảng 6 triệu người đang làm việc trong các lĩnh vực trực tiếp liên quan đến kinh tế biển.

Vùng biển đặc quyền kinh tế nước ta rộng trên 1 triệu km2; bờ biển kéo dài từ móng cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang) dài 3.260km; có khoảng 3.000 hòn đảo, chủ yếu nằm ở vùng vịnh Bắc bộ, được chia thành 3 nhóm chính: Đảo xã bờ gồm: Quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, Nam Yết, Sinh Tồn, Bạch Long Vĩ, Côn Đảo, Thổ Chu. Đảo tuyến giữa: Cô Tô, Lý Sơn, quần đảo Nam Du, Cù Lao Thu (Phú Quý), Phú Quốc… Đảo ven bờ: Cái Bầu, Cát Bà, Cồn Cỏ, Hòn Tre, Hòn Khoai…
Vị trí địa lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Quần đảo Hoàng Sa (thuộc huyện đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng) và quần đảo Trường Sa (thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) nằm giữa Biển Đông, có vị trí chiến lược quan trọng, án ngữ từ đường hàng hải quốc tế nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương; là khu vực có nguồn tài nguyên quý giá, đa dạng và phong phú. Quần đảo gồm trên 30 đảo, đá, cồn, san hô và bãi cạn, nằm ở khu vực biển giữa vĩ độ 15045’ B đến 17015’ B và kinh độ 1110 Đ đến 1130 Đ trên vùng biển rộng khoảng 16.000 km2, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi – Việt Nam) khoảng 120 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 140 hải lý. Diện tích toàn bộ phần đất nổi của quần đảo khoảng 10km2 và đảo Phú Lâm là đảo lớn nhất (khoảng 1,5km2).
Quần đảo Trường Sa nằm phía Đông Nam của Biển Đông, gồm 100 đảo, đá, bãi cạn, cồn san hô và bãi ngầm, ở khu vực biển trong vĩ độ 6050’ B và 111030’ Đ và 117020’ Đ trên vùng biển rộng khoảng 180.000 km2, cách Cam Ranh (Khánh Hòa - Việt Nam) khoảng 248 hải lý, được chia thành 8 cụm đảo (Song Tử, Thị Tứ, Loại Ta, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm và Bình Nguyên). Diện tích toàn bộ phần đất nổi của quần đảo khoảng 10 km2, đảo Ba Bình là lớn nhất, đảo Song Tử Tây là đảo cao nhất (khoảng 4 – 6m). Địa chất của hai quần đảo chủ yếu là đá vôi, cát và san hô. Trên một số đảo có đất và nguồn nước, tuy rất hạn chế nhưng có thể trồng được cây lâu năm như dừa, bàng vuông, phong ba…
Quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn thuộc phủ Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Nam. Năm 1938 thuộc tỉnh Thừa Thiên. Năm 1961 được sát nhập xã Định Hải thuộc quận Hòa Vang cũ (Quảng Nam), năm 1968 sát nhập xã Hòa Long thuộc huyện Hòa Vang. Ngày 11/12/1982 Hội đồng Bộ trưởng (nay là chính phủ) nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định thành lập huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (theo quyết định số 194-QĐ/HĐBT, ngày 11/12/1982). Ngày 06/11/1996, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ 10 quyết định chia tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành 2 đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương là tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng, trong đó huyện đảo Hoàng Sa là đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Đà Nẵng.
Quần đảo Trường Sa trước kia thuộc tỉnh Bà Rịa, năm 1956 thuộc tỉnh Phước Tuy, năm 1975 sát nhập vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy. Năm 1982, Chính phủ ta ra quyết định về hành chính, quần đảo Trường Sa thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Đồng Nai (tại Quyết định số 194 – QĐ/HĐBT, ngày 11/12/1982). Ngày 28/12/1982 Quốc hội nước ta ra quyết định về hành chính, quần đảo Trường Sa thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Phú Khánh (nay tỉnh Khánh Hòa).
Xét về mặt chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý, quần đảo Trường Sa cũng như quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ từ lâu đời. Tuy nhiên, do có vị trí chiến lược trên Biển Đông, đồng thời là nơi được đánh giá có nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá, đa dạng và phong phú nên từ đầu thế kỷ XX, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đang bị một số quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực yêu sách, tranh chiếm về chủ quyền: Trung Quốc chiếm giữ phi pháp toàn bộ quần đảo Hoàng Sa từ tháng 01/1974. Trên quần đảo Trường Sa, cho đến nay, Việt Nam đang thực sự quản lý 21 đảo, đá và bãi đá, còn một số đảo, đá, bãi ngầm khác đang bị một số nước tranh chấp, chiếm giữ trái phép: Trung Quốc đang chiếm đóng 7 bãi cạn; Đài Loan hiện đang chiếm đảo Ba Bình; Philippin đang chiếm 7 đảo, Malaisia chiếm đóng 5 đá và bãi cạn. Việc dùng vũ lực để chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa và một vị trí trên quần đảo Trường Sa của một số bên nêu trên là hoàn toàn bất hợp pháp và không có giá trị pháp lý về mặt chủ quyền.
Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là các hòn đảo vô chủ cho đến thế kỷ XVII, việc chiếm hữu của Nhà nước Việt Nam đối với hai quần đảo thật sự rõ ràng và thiết lập được một cơ chế nhà nước thích hợp để kiểm soát, quản lý, bảo vệ và thực hiện quyền tài phán đối với hai quần đảo này.
Từ những thế kỷ trước, ông cha ta cũng đã nhận thức được tầm quan trọng chiến lược của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đối với nước ta. Năm Bính Thân, niên hiệu Minh Mạng thứ XVII (1836), Bộ Công dâng sớ lên tâu vua “Bản quốc Hải cương Hoàng Sa xứ, tối thị hiểm yếu” (xứ Hoàng Sa thuộc cương vực biển nước ta, hết sức hiểm yếu). Sách “Đại Nam nhất thống chí”, viết: “Phía Đông có bãi cát nằm ngang (đảo Hoàng Sa) liền với biển xanh làm hào bao che”. Trong sách “Hải lục” của Trung Quốc viết năm 1842 cũng nhận xét: “Vạn lý Trường Sa gồm những bãi cát nổi trên biển dài mấy ngàn dặm, làm phên dậu bên ngoài của nước An Nam”…
Trong các tài liệu lịch sử và các tập bản đồ, văn kiện chính thức của các triều đại phong kiến nước ta như: “Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư” (1686),  “Phủ biên tạp lục” (1776), “Lịch triều Hiến chương loại chí” (1821), “Đại Nam thực lục tiền biên” (1844 – 1848), “Đại Nam thực lục chính biên” (1844 – 1848), “Đại Nam nhất thống chí” (1910), Dư địa chí “Khâm định Đại Nam Hội điểu sự lệ”, “Quốc tiều chính biên toát yếu” (1910)… là cơ sở vững chắc để khẳng định từ lâu và liên tục suốt mấy trăm năm, từ triều đại này đến triều đại khác, nhà nước phong kiến Việt Nam đã làm chủ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sự có mặt của các đội Hoàng Sa, Bắc Hải do Nhà nước Việt Nam thành lập trên hai quần đảo, mỗi năm từ tháng 3 đến tháng 8 để thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao, được duy trì và hoạt động liên tục từ thời các chúa Nguyễn (1558 – 1783) đến nhà Tây Sơn (1786 – 1802) và nhà Nguyễn sau đó, là một bằng chứng đanh thép về việc Nhà nước Việt Nam thực hiện chủ quyền của mình đối với hai quần đảo.
Trong một công trình nghiên cứu, M.G.Dumontier đã đề cập đến một tập bản đồ Việt Nam vẽ vào cuối thế kỷ XV gồm 24 mảnh, trong đó có mảnh thứ 19 đã thể hiện rõ ở ngoài khơi tỉnh Quảng Ngãi có một bãi cát trải dài 500 – 600 hải lý mang tên Bãi Cát Vàng (đảo Hoàng Sa).
Trong những năm đầu thập kỷ 30 của thế kỷ XX, các đơn vị hải quân của chính quyền Pháp đã lần lượt đến đóng quân trên các đảo chính thuộc quần đảo Trường Sa. Hành động này đã được công bố và ghi nhận trong công báo nước Cộng hòa Pháp, ngày 26/7/1933. Năm 1933, quần đảo Trường Sa đã được quy thuộc vào tỉnh Bà Rịa theo Nghị định của Thống đốc Nam Kỳ J.Krautheimer. Ngày 15/6/1938, toàn quyền Đông Dương Brésvie ban bố xác lập đơn vị hành chính trên quần đảo Hoàng Sa. Cũng trong năm 1938, Pháp đã cho dựng bia chủ quyền, xây dựng đèn biển, trạm khí tượng, đài vô tuyến điện ở quần đảo Hoàng Sa.
Thời kỳ pháp xâm lược Việt Nam, trên cơ sở đại diện cho triều đình phong kiến An Nam, Pháp đã có nhiều hành động củng cố chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa bằng việc tiến hành tuần tra, kiểm soát và đưa quân ra chiếm đóng trên các đảo. Để quản lý hành chính, chính quyền lúc đó đã sát nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa và thành lập đơn vị hành chính ở quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên, cho xây dựng nhiều công trình trên cả hai quần đảo. Trong suốt các năm 1931 – 1932, Pháp liên tục phản đối việc Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ II, Pháp quay lại Hoàng Sa và Trường Sa. Ngày 08/03/1949, Pháp công nhận độc lập thống nhất của Việt Nam và ngày 14/10/1950, Pháp chính thức trao việc phòng thủ quần đảo Hoàng Sa cho Việt Nam. Ngày 06/9/1951, tại Hội nghị San Fancisco, ông Trần Văn Hữu, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Chính phủ miền Nam Việt Nam trong phát biểu của mình, đã chính thức tuyên bố và khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo: “Và cũng vì cần phải lợi dụng tất cả mọi cơ hội để dập tắt những mầm mống các tranh chấp sau này, chúng tôi xác nhận chủ quyền đã có từ lâu đời của chúng tôi trên quần đảo Spratlys và Paracels, tạo thành một phần của Việt Nam”. Tiếp đó, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã đóng quân trên hai quần đảo, đảm nhiệm việc quản lý hai quần đảo theo đúng trách nhiệm mà Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam trao cho quản lý tạm thời nửa nước Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở vào trong khi chờ đợi thống nhất đất nước bằng tổng tuyển cử. Chính quyền Sài Gòn đã quyết định sát nhập quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên vào xã Định Hải thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam và quyết định quần đảo Trường Sa được sát nhập vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ, tỉnh Phước Tuy. Tháng 4/1956, Chính quyền Việt Nam cộng hòa đã đưa quân ra thay thế quân Pháp trên các đảo thuộc nhóm phía Tây của quần đảo Hoàng Sa và trong khi chưa kịp triển khai trên các đảo thuộc nhóm phía Đông của quần đảo Hoàng Sa, quân Trung Quốc đã bí mật ra chiếm đóng nhóm đảo này.
Tháng 01/1974, khi Trung Quốc dùng không quân và hải quân đóng chiếm nhóm phía Tây quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, chính quyền Sài Gòn đã tố cáo Bắc Kinh vi phạm chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa. Ngày 20/01/1974, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã ra bản Tuyên bố phản đối hành động này của phía Trung Quốc. Ngày 14/02/1975, Bộ ngoại giao chính quyền Sài Gòn công bố Sách Trắng về các quyền lịch sử và pháp lý của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tháng 4/1975, Hải quân nhân dân Việt Nam giải phóng các đảo Trường Sa, Sơn Ca, Nam Yết, Song Tử Tây, Sinh Tồn và An Bang do quân đội Sài Gòn đóng giữ. Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và tuyên bố giành cho mình quyền bảo vệ chủ quyền đó.
Ngày 02/7/1976, nước Việt Nam thống nhất dưới tên gọi mới Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ đó, với tư cách kế thừa quyền sở hữu các quần đảo từ chính quyền trước, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có trách nhiệm duy trì việc bảo vệ chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và đã ban hành nhiều văn bản pháp lý quan trọng liên quan trực tiếp đến hai quần đảo.
Xuất phát từ nhu cầu quản lý hai quần đảo, ngày 9/12/1982, Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra Nghị định tổ chức quần đảo Hoàng Sa thành huyện đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam (Đà Nẵng) và tổ chức quần đảo Trường Sa thành huyện đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai; ngày 28/12/1982, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa VII đã ra Nghị quyết tách huyện đảo Trường Sa ra khỏi tỉnh Đồng Nai và sát nhập vào tỉnh Phú Khánh (nay là tỉnh Khánh Hòa). Nghị quyết ngày 06/11/1996, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tách huyện đảo Hoàng Sa khỏi tỉnh Quảng Nam (Đà Nẵng) cũ, sát nhập vào thành phố trực thuộc Trung ương. Chính quyền hai huyện đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam hiện đang thực hiện nhiệm vụ quản lý của mình.
Hiến pháp các năm 1980, 1992, Luật Biên giới quốc gia năm 2003, Luật Biển Việt Nam năm 2012, Tuyên bố của Chính phủ ngày 12/11/1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Tuyên bố của Chính phủ ngày 12/11/1982 về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam đều khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận của lãnh thổ Việt Nam, có các vùng biển riêng lẽ được quy định cụ thể trong các văn bản tiếp theo. Trong các năm 1979, 1981 và 1988, Bộ ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam công bố các Sách Trắng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa. Các tài liệu này đã chứng minh một cách rõ ràng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo trên tất cả các khía cạnh: lịch sử - pháp lý và thực tiễn quốc tế.
Nghị quyết của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ 5, ngày 23/6/1994 phê chuẩn Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 nêu: “Quốc hội một lần nữa khẳng định chủ quyền Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các bất đồng liên quan đến Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền và quyền tài phán của các nước ven biển đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, trong khi nổ lực thúc đẩy đàm phán để tìm giải pháp cơ sở lâu dài, các bên liên quan cần duy trì ổn định trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng, không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Quốc hội nhấn mạnh: “Cần phân biệt vấn đề giải quyết tranh chấp quần đảo Trường Sa với các vấn đề bảo vệ các vùng biển và thềm lục địa thuộc chủ quyền, chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, căn cứ vào những nguyên tắc và những tiêu chuẩn của Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982”.
Luật Biên giới quốc gia được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 17/6/2003 khẳng định: “Biên giới quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội, tăng cường quốc phòng và an ninh của đất nước”.
Luật Biển Việt Nam được kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa III thông qua ngày 21/6/2012. Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương, 55 điều. Điều 1, chương I của Luật nêu rõ phạm vi điều chỉnh của Luật: “Luật này quy định về đường cơ sở, nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, các đảo, quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và quần đảo khác thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam; hoạt động trong vùng biển Việt Nam; phát triển kinh tế biển; quản lý và bảo vệ biển, đảo”. Điều 4 của Luật Biển Việt Nam nêu rõ nguyên tắc và chính sách quản lý, bảo vệ biển của Việt nam: “(1) Quản lý và bảo vệ biển được thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật Việt Nam, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp quốc và các điều ước quốc tế khác mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt nam là thành viên. (2) Các cơ quan, tổ chức và mọi công dân Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển, đảo và quần đảo, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển. (3) Nhà nước giải quyết các tranh chấp liên quan đến biển, đảo với các nước khác bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, pháp luật và thực tiễn quốc tế”.
Lập trường của Việt Nam là chiếm hữu thật sự hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ít nhất từ thế kỷ XVII khi nó chưa thuộc chủ quyền của bất kỳ quốc gia nào và Nhà nước Việt Nam đã thực hiện chủ quyền của mình một cách liên tục và hòa bình cho đến khi bị nước ngoài dùng vũ lực xâm chiếm. Đến nay, việt Nam đang thực sự quản lý 21 đảo, đá và bãi cạn thuộc quần đảo Trường Sa, không ngừng củng cố và phát triển cơ sở vật chất và đời sống kinh tế xã hội nhằm từng bước xây dựng huyện đảo trở thành đơn vị hành chính ngang tầm với vị trí, vai trò của nó trong tổ chức hành chính của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong những năm gần đây, đời sống vật chất và tinh thần của huyện đảo được nâng lên rõ rệt.
Tuy nhiên, do có vị trí cực kỳ quan trọng về kinh tế và quốc phòng, Hoàng Sa và Trường Sa đã trở thành yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển không những đối với Việt Nam và các nước xung quanh Biển Đông mà còn đối với nhiều cường quốc khác như Mỹ, Nga, Nhật, Ấn Độ…, đặc biệt là Trung Quốc. Những năm gần đây, Biển Đông luôn là điểm nóng chứa đựng nhiều nguy cơ bùng nổ xung đột. Hiện nay, Biển Đông vừa là môi trường thuận lợi cho phát triển và giao lưu kinh tế, đồng thời cũng là thách thức đối với Việt Nam.
Vấn đề bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là hết sức thiêng liêng và cũng hết sức khó khăn phức tạp, lâu dài. Việc làm này đòi hỏi trí tuệ, công sức và sự đóng góp, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, của nhiều người và nhiều thế hệ việt Nam. Với những nổ lực bền bỉ và quyết tâm bảo vệ chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam đã và đang góp phần tích cực vào việc duy trì và cũng cố hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trong khu vực và trên toàn thế giới./.
Ban Biên Tập
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png