TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Kết quả sau 10 năm thực hiện công tác kết nghĩa với các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Pleiku

Ngày đăng bài: 01/05/2023
Y KHUM
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy,
Trưởng Ban Dân vận Thành ủy kiêm
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố

Thành phố Pleiku là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Gia Lai. Hiện nay, thành phố Pleiku có 22 đơn vị hành chính cấp xã (14 phường và 8 xã), 175 thôn, làng, tổ dân phố (trong đó có 37 làng đồng bào dân tộc thiểu số); dân số thành phố là trên 269.000 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 13,25% dân số, phần lớn là dân tộc Jrai chiếm 10,9% (29.302 người), Bahnar chiếm 1,28% (3.474 người); các dân tộc thiểu số khác khoảng 1,07% (2.907 người); chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, lao động phổ thông, làm thuê, một số hộ làm nghề truyền thống như: đan lát, dệt thổ cẩm…

Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức cơ sở đảng, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết giữa các dân tộc; Ban Thường vụ Thành ủy Pleiku đã ban hành Quyết định số 563-QĐ/TU và Quy định số 562-QĐ/TU, ngày 16 tháng 7 năm 2004 về việc phân công các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố phụ trách các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác phụ trách làng đã góp phần giúp bà con từng bước phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đội ngũ cán bộ quân dân chính đã từng bước đi vào hoạt động ổn định… Phát huy các kết quả đạt được, nhằm tạo điều kiện gắn bó giữa các cơ quan, đơn vị được phân công kết nghĩa với các làng đồng bào dân tộc thiểu số, ngày 18 tháng 01 năm 2013, Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục ban hành Đề án số 01 - ĐA/TU về công tác kết nghĩa với các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Pleiku (sau đây gọi là Đề án số 01 - ĐA/TU).
 
bai-dv2.jpg
Chi bộ 1 và Chi bộ 3, Đảng ủy phường Chi Lăng tổ chức lễ ký kết công tác kết nghĩa và tặng quà cho hộ nghèo làng Ia Lang, phường Chi Lăng. Ảnh: Bá Bính
 
Thực hiện số 01 - ĐA/TU, đến nay đã có 38 cơ quan, đơn vị thành phố ký kết với các làng đồng bào dân tộc thiểu số và các phường, xã đã phân công các tổ dân phổ, thôn kết nghĩa với làng. Hằng năm, các cơ quan, đơn vị được phân công kết nghĩa phối hợp với Đảng ủy các xã, phường có làng đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên đối với việc phối hợp thực hiện công tác kết nghĩa với các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Trước hết, các đơn vị kết nghĩa phối hợp với làng vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, bọn phản động FULRO lưu vong, không tin, không nghe theo lời kẻ xấu để tái phục hồi tổ chức “Tin lành Đêgar”, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Với tình cảm và trách nhiệm gắn bó với làng kết nghĩa trong 10 năm qua các cơ quan, đơn vị, các phường, xã đã triển khai các biện pháp, việc làm cụ thể nhằm giúp đỡ, hỗ trợ Nhân dân trong làng giảm nghèo bằng nhiều hình thức như: phối hợp hướng dẫn, vận động Nhân dân áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tổ chức tập huấn bồi dưỡng hướng dẫn cho 14.750 lượt người đồng bào dân tộc thiểu số áp dụng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả; chuyển giao kỹ thuật các mô hình kinh tế cho người dân, đào tạo, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu; một số cơ quan, đơn vị còn hỗ trợ các làng kết nghĩa về nhà ở, mua bảo hiểm y tế, trao mô hình sinh kế... Các cơ quan, đơn vị thành phố, các xã, phường đã vận động doanh nghiệp, mạnh thường quân hỗ trợ xây nhà, sửa chữa nhà cho 98 hộ nghèo, hộ cận nghèo (xây mới 65 nhà, sửa 33 nhà); hỗ trợ trên 179 triệu đồng mua bảo hiểm y tế cho người dân; hỗ trợ 51 con bò giống, 114 con heo giống và hàng ngàn giống các loại cây trồng khác... Qua đó, giúp cho Nhân dân ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao đời sống vật chất, tinh thần  và sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập cho gia đình; nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Đến cuối năm 2022 trên địa bàn thành phố còn 248 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 0,40%, 522 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 0,84%, trong đó số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số là 157 hộ, chiếm tỷ lệ 2,16% (157/7.262 hộ), số hộ cận nghèo 243 hộ, chiếm tỷ lệ 3,35% (243/7.262 hộ).
 
bai-dv1.jpg
Thành đoàn Pleiku tặng cây giống cho người dân làng Têng 2 (làng kết nghĩa), xã Tân Sơn.
 
Ngoài việc giúp Nhân dân giảm nghèo bền vững, các cơ quan, đơn vị đã phối hợp hỗ trợ làng xây dựng đời sống văn hóa - xã hội như: hỗ trợ, thăm hỏi và tặng quà cho các gia đình chính sách, khó khăn và học sinh nghèo, thanh niên lên đường nhập ngũ tại các làng vào dịp lễ, tết, đầu năm học... Trong 10 năm, các cơ quan, đơn vị và các phường, xã đã hỗ trợ, thăm tặng quà bằng hiện vật và tiền với tổng trị giá trên 4,5 tỷ đồng. Triển khai thực hiện hiệu quả công tác thông tin, truyền thông giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, vệ sinh nơi ở, ăn chín, uống chín, tiêm chủng phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, khi đau ốm phải đến cơ sở y tế để khám chữa bệnh, Vận động, khuyến khích nhân dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện; phối hợp tổ chức các đợt khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân... Trong đợt dịch Covid-19, các cơ quan, đơn vị phối hợp hỗ trợ hàng ngàn khẩu trang y tế, dung dịch sát khuẩn và nhu yếu phẩm với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng, đồng thời, cử cán bộ, đoàn viên, hội tham gia chốt chặn bảo vệ các khu cách ly y tế phòng, chống dịch.

Công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân ở các làng đồng dân tộc thiểu số, các đơn vị kết nghĩa cũng quan tuyên truyền, vận động Nhân dân hưởng ứng phong trào tập luyện thể dục thể thao tiếp tục được khơi dậy và phát triển; duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao nhằm tăng cường sức khỏe và giao lưu, đoàn kết cộng đồng các dân tộc; vận động đưa trẻ đến trường, hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học... Duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, phát triển cơ sở sản xuất nhạc cụ dân tộc, duy trì các lớp dạy cồng chiêng, múa xoang; các lễ, hội văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc được thực hiện giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, các cuộc vận động tại địa phương Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số như: vận động Nhân dân góp công làm đường giao thông nông thôn, khơi thông cống rãnh, làm nhà tiêu hợp vệ sinh, xây dựng đường tự quản, tuyến đường hoa... Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội và thực hiện tiêu chí xây dựng cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng nông thôn mới; các cơ quan, đơn vị kết nghĩa hỗ trợ cơ sở vật chất thiết yếu tại các hội trường, nhà rông văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng như: ti vi, âm thanh, bàn, ghế, làm sân và tặng bóng, lưới…; thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”...

Bên cạnh đó, các đơn vị được phân công kết nghĩa phối hợp với các xã, phường có làng đồng bào dân tộc thiểu số tổ chức nhiều đợt phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm trong tình hình mới, đưa một số đối tượng vi phạm pháp luật ra kiểm điểm trước cộng đồng; đồng thời tuyên truyền, phản bác lại những luận điệu phản động, xuyên tạc của các thế lực thù địch với hàng ngàn lượt quần chúng tham gia. Qua các đợt phát động, đồng bào dân tộc thiểu số ở các làng đã nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để hoạt động chống phá sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại đa số người dân luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, không tin, không nghe, không làm theo kẻ xấu và sẵn sàng giúp đỡ các đối tượng lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng, góp phần thực hiện tốt thế trận an ninh nhân dân; xây dựng, củng cố thực lực chính trị cơ sở.

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Đề án số 01- ĐA/TU vẫn còn một số tồn tại, đó là: việc phối hợp khảo sát nội dung, xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án số 01- ĐA/TU hằng năm của một số cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ; một số đơn vị triển khai, thực hiện nội dung phối hợp chưa tốt. Cán bộ lãnh đạo một số cơ quan được phân công kết nghĩa chưa thường xuyên bám nắm địa bàn. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương có làng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu chủ động trong công tác phối hợp với cơ quan, đơn vị kết nghĩa để xây dựng kế hoạch kết nghĩa hàng năm cho phù hợp với tình hình của từng làng. Thông tin hai chiều giữa cơ quan thực hiện công tác kết nghĩa với đơn vị được kết nghĩa có lúc chưa thường xuyên, nhất là các thông tin về các hoạt động móc nối liên quan đến FULRO và “Tin lành Đêgar” của các thế lực thù địch, các vụ việc phát sinh liên quan đến dân tộc, tôn giáo...

Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại, trong thời gian tới, Ban Dân vận Thành ủy tiếp tục tham mưu chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, ban ngành, Mặt trận và tổ chức  chính trị - xã hội thành phố và các xã, phường tăng cường công tác quán triệt cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng các nội dung của Đề án số 01-ĐA/TU. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơ vị và các phường, xã kết nghĩa với các xã, phường có làng; xây dựng nội dung chương trình, kế hoạch kết nghĩa hằng năm sát với tình hình điều kiện thực tế của từng làng.

Hai là, thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động tại địa phương như Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”,“Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, phong trào“Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng nông thôn mới... Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giúp Nhân dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 08 tháng 8 năm 2016 của Thành ủy khóa XI về nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Pleiku giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030 gắn với Chương trình số 31-CT/TU của Thành ủy khóa XII về tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân, nhất là tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025.

Ba là, đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố và các phường, xã được phân công kết nghĩa tham gia xây dựng hệ thống chính trị các làng vững mạnh, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, hội viên nòng cốt, phát hiện bồi dưỡng, giới thiệu các quần chúng ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp. Thường xuyên cử cán bộ phối hợp với địa phương bám, nắm địa bàn theo dõi tình hình hoạt động của làng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Duy trì tốt chế độ giao ban giữa các cơ quan, đơn vị thành phố, các phường, xã được phân công kết nghĩa với các xã, phường có làng đồng bào dân tộc thiểu số hằng quý; tiến hành sơ kết, tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương, khen thưởng động viên những đơn vị thực hiện có hiệu quả để nhân rộng.

 
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png