TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Pleiku: Hành trình về nguồn

Ngày đăng bài: 23/04/2019
                                            Nguyễn Thị Hồng Vân
                                                TUV, Chủ tịch Hội LHPN thành phố
 
Thực hiện Kế hoạch số 264/KH-BCH ngày 04/7/2018 của Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh Gia Lai về việc tổ chức hoạt động “về nguồn” tại khu căn cứ các mạng xã Krong, huyện Kbang, Ban Chấp hành Hội LHPN thành phố Pleiku tổ chức hành trình “về nguồn”. Hành trình có 40 đồng chí là cán bộ trong Ban Chấp hành Hội LHPN thành phố, cán bộ Hội các xã, phường và những hội viên tiêu biểu tham gia. Chuyến hành trình về nguồn, Đoàn đã dâng hương tưởng niệm, tham quan Khu di tích lịch sử tại xã Krong và Nhà lưu niệm anh hùng Núp tại làng kháng chiến Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang. Hoạt động “về nguồn” nhằm thắt chặt tình đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ, tương trợ giữa các địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh.

Vượt qua chặng đường dài hơn 150 km mới đến với Khu căn cứ cách mạng xã Krong. Khi xe chúng tôi đến tại thị trấn Kbang, cùng với hai đoàn của Hội LHPN huyện Ia Grai và huyện Chư Pah; chúng tôi được đồng chí Đinh Thị Phiên, Huyện ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Kbang, dẫn đường vào Khu Căn cứ từ Trung tâm huyện Kbang với quãng đường 50 km.

Điểm dừng chân đầu tiên là tại trụ sở UBND xã Krong. Tại đây Hội LHPN thành phố cùng với Hội LHPN huyện Ia Grai và Hội LHPN huyện Chư Pah tổ chức trao tặng 03 cặp heo giống, trao sinh kế cho 03 hộ phụ nữ nghèo và 150 kg gạo cho 15 hộ phụ nữ khó khăn tại xã Krong với tổng giá trị gần 10 triệu đồng. Đồng chí Đỗ Công Trúc, Chủ tịch UBND xã Krong, cho chúng tôi biết: “Xã Krong có 1.306 hộ với hơn 5.400 khẩu, trong đó dân tộc Bahnar chiếm đến 85% dân số; trước kia xã Krong có 23 làng, thì chỉ có 02 làng người Kinh; hiện nay đã sát nhập xã Krong chỉ còn 10 làng; địa bàn rộng, bà con nơi đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, cuộc sống còn gặp không ít khó khăn”.

bai-pn-(1).jpg
Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Pleiku tổ chức hoạt động “về nguồn” tại khu căn cứ các mạng xã Krong, huyện Kbang.

Đi tiếp chặng đường 5 km nữa là điểm đến Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh Gia Lai tại xã Krong (trước đây được gọi là Căn cứ địa cách mạng Khu 10) - một địa điểm quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh. Sau khi tổ chức Dâng hương tưởng niệm các Anh hùng, liệt sỹ, chúng tôi được nghe đồng chí Võ Thị Quỳnh Như, chuyên viên, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Kbang, thuyết trình: Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh Gia Lai tại xã Krong trước đây được gọi là Căn cứ địa cách mạng Khu 10 - một địa điểm quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh. Nơi đây, các cơ quan đầu não của tỉnh đã đứng chân trong suốt 20 năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt (1955-1975). Mặc dù bị quân thù huy động nhiều phương tiện, lực lượng và dùng đủ mọi cách đánh phá nhưng Căn cứ địa cách mạng Khu 10 luôn đứng vững. Từng tập thể cấp ủy, cán bộ, đảng viên đã bám trụ, dựa vào dân, gây dựng phong trào, phát động và tổ chức nhân dân đứng lên đấu tranh cách mạng. Biết bao đồng bào, cán bộ, đảng viên, chiến sỹ đã kiên cường vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách ác liệt, chiến đấu anh dũng, cống hiến xương máu, tuổi thanh xuân trên mảnh đất này. Không chỉ là nơi diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng của Tỉnh ủy và Chính quyền tỉnh Gia Lai giai đoạn 1955-1975, Căn cứ địa cách mạng Khu 10 còn là nơi thể hiện “Tình quân dân cá nước” sâu sắc với tinh thần “dốc tất cả” để đánh thắng quân thù.

Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và sự tri ân của nhân dân trong tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai đã quyết định đầu tư xây dựng Khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh tại xã Krong với kinh phí gần 10 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương và huy động sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp. Công trình được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 17-3-2017 và khánh thành đưa vào sử dụng nhân dịp Kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890-19-5-2018)”. Công trình với các hạng mục chính được thiết kế theo kiểu mô phỏng các công trình trong khu di tích lịch sử cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước gồm: Lán Bí thư, Lán Phó Bí thư, Lán cơ yếu, Lán văn phòng, Hầm chữ A, Nhà ăn, bếp Hoàng Cầm, Nhà tưởng niệm, Nhà bia ghi sự kiện”.

Căn cứ địa cách mạng Khu 10 tại xã Krong, huyện Kbang luôn đứng vững, bảo đảm an toàn cho các cơ quan đầu não của tỉnh, góp phần vào giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Nơi đây thực sự là một “Địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, ý thức tự lực, tự cường, lòng yêu quê hương đất nước cho thế hệ hôm nay.

Buổi chiều Đoàn đến tham quan Nhà lưu niệm anh hùng Núp tại làng Stơr, xã Tơ Tung. Khi vừa đến, chúng tôi được chiêm ngưỡng ngôi nhà với quy mô hai tầng mọc lên sừng sững giữa làng như một biểu tượng hào hùng cho tinh thần yêu nước của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng. Trong kháng chiến, Căn cứ cách mạng làng kháng chiến Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang phải hứng chịu bom đạn của kẻ thù, song vẫn một lòng kiên trung theo Đảng, theo Bác Hồ. Tại đây Đoàn được nghe đồng chí Đinh Mơi, cán bộ (người dân tộc Bahnar), Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Kbang, thuyết trình: “Ngày 24-3-1993, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH-TT và DL) ban hành Quyết định số: 381/QĐ-BT về việc công nhận địa điểm làng kháng chiến SơTơr là di tích văn hóa cấp Quốc gia; huyện Kbang đã triển khai các bước trong công tác quy hoạch tổng thể mặt bằng khu lưu niệm Anh hùng Núp. Ngày 19-5-2009, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số: 246/QQĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu lưu niệm Anh hùng Núp có diện tích 5,25 ha tại trung tâm làng SơTơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang, với 16 hạng mục công trình, tổng kinh phí 19 tỷ đồng và được khánh thành ngày 6/5/2011”. 

Nhà lưu niệm Anh hùng Núp đã trở thành biểu tượng của “Đất nước đứng lên” và có tiếng vang tới tận Tây Bán Cầu; công trình được xây dựng theo kiến trúc nhà sàn truyền thống Bahnar với quy mô cấp IV, 2 tầng, diện tích xây dựng 450 m2; công trình có ý nghĩa hết sức to lớn về mặt chính trị, văn hóa- xã hội của địa phương nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và sự tri ân của nhân dân trong tỉnh về những công lao to lớn của Anh hùng Núp đã cống hiến sức lực, trí tuệ, xương máu vì độc lập dân tộc.

Chuyến hành trình “về nguồn” mang lại nhiều cung bậc cảm xúc và ấn tượng đặc biệt trong lòng mỗi người. Tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại rất nhiều kỷ niệm đẹp đối với các thành viên của Đoàn, giúp cho các thành viên trong Đoàn hiểu biết sâu sắc hơn về giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng của tỉnh; về tình yêu quê hương, đất nước. Qua đó, góp phần nâng cao hơn nữa ý thức, tinh thần trách nhiệm; tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái của cán bộ, hội viên và thúc đẩy các hoạt động, phong trào của Hội LHPN thành phố phát triển.
 
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png