TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Giải phóng thị xã Pleiku – Gia Lai (17/3/1975) góp phần vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975

Ngày đăng bài: 17/01/2021
NGUYỄN KỲ NGộ
                                      Chủ tịch Hội CCB TP Pleiku
 
Cuộc tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 của quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Để làm nên chiến thắng vĩ đại đó, quân và dân tỉnh Gia Lai nói chung và thị xã Pleiku nói riêng, đã không quản ngại khó khăn gian khổ, hy sinh, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước…

Sau những thắng lợi liên tiếp của quân, dân ta trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ buộc phải chấp nhận ký kết Hiệp định Pari (27/01/1973). Theo Hiệp định Pari, đế quốc Mỹ buộc phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền Nam, cam kết tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ, các quyền dân tộc cơ bản chủa nhân dân Việt Nam, chấm dứt dính líu quân sự và can thiệp vào nội bộ Việt Nam. Tuy nhiên với bản chất ngoan cố, Mỹ ngang nhiên vi phạm Hiệp định khi không thi hành về việc hủy bỏ các căn cứ quân sự ở miền Nam, Mỹ và các nước chư hầu tiếp tục chuyển giao lại cho quân ngụy Sài gòn với đầy đủ những cơ sở vật chất, vũ khí, phương tiện chiến tranh và trang bị kỹ thuật đã từng phục vụ cho đội quân viễn chinh Mỹ và chư hầu.
 
bai-ccb2-(1).png
Học sinh thị xã Pleiku diễu hành chào mừng giải phóng (năm 1976). Ảnh tư liệu.
 
Tại Tây Nguyên, địch dùng lực lượng quân đoàn II ngụy tiến hành kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” ngay trước khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Sau kế hoạch trên, địch tập trung lực lượng càn quét, đánh phá ác liệt các địa phương trong tỉnh Gia Lai để giành dân, lấn đất của ta. Trong 3 tháng đầu năm 1973, đích lấn chiếm các bàn đạp của Khu 9 (thành phố Pleiku ngày nay) như: Thôn An Mỹ, làng Piôm, Lôk, Trà Bá, xã Gào…Trên đường 19, địch đánh phá, xúc dân lập lại khu đồn mới là Hdrông và Bàu Cạn với 5.000 dân các xã thuộc huyện 4, huyện 5. Chúng ráo riết tuyên truyền, xuyên tạc và chống lại Hiệp định Pari, mặt khác ra sức phát triển các đảng phái phản động. Ở  thị xã Pleiku, trong một thời gian ngắn, chúng đã tập hợp được 15.000 tên phản động, dung túng bọn FULRO hoạt động chia rẽ phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Đồng thời, chúng xây dựng và củng cố các tiểu đoàn lính cộng hòa, lính bảo an, biệt động quân, đặc biệt tăng cường lực lượng cảnh sát, các trung đội dân vệ, cũng cố trang bị thêm vũ khí cho “nhân dân tực vệ”. Ngoài ra, địch liên tiếp mở các cuộc hành quân lấn chiếm vùng ta làm chủ, gây thêm nhiều tội ác đối với nhân dân ta.
 
bai-ccb1.jpg
Quân và dân Thị xã Pleiku, phối hợp với các lực lượng giải phóng tỉnh Gia Lai tháng 3/1975. Ảnh: Tư liệu.
 

 Trước tình hình trên, tháng 7/1973, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 21 (khóa III) trên cơ sở đánh giá tình hình miền Nam và ra Nghị quyết 21 khẳng định: “Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng. Bất cứ trong tình huống nào, ta cũng phải nắm vững đường lối chiến lược tiến công và chỉ đạo linh hoạt để đưa cách mạng miền Nam tiến lên”. Nghị quyết 21 của Trung ương Đảng có ý nghĩa quyết định trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ của toàn dân tộc nói chung và trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng. Quán triệt chủ trương của Đảng, từ cuối năm 1973 và cả năm 1974, quân và dân tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh các hoạt động 3 mũi giáp công tiến công quân sự, chính trị, binh vận và liên tiếp giành được những thắng lợi to lớn, từng bước làm thất bại âm mưu “Tràn ngập lãnh thổ” của địch, đẩy mạnh phá ấp, giành dân, giữ vững mở rộng vùng giải phóng.

Trước các hoạt động vũ trang sự đấu tranh của quân và dân ta, cục diện chiến trường những tháng cuối năm 1974 chuyển biến nhanh chóng, ngày càng có lợi cho ta. Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, từ khi chuyển sang phản công, lực lượng vũ trang Khu 9 chặn đứng hoạt động “Bình định lấn chiếm” của địch trên địa bàn, giành lại thế chủ động, củng cố bàn đạp tiến công trên các hướng, tạo thế áp sát thị xã, các căn cứ của địch, các đường giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cùng quân dân tỉnh Gia Lai sẵn sàng bước vào những chiến dịch quy mô lớn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Đầu năm 1975, thế và lực của cách mạng Miền Nam phát triển mạnh mẽ đi vào giai đoạn cuối, tạo nên sức mạnh vượt trội. Quân và dân ta liên tiếp giành những thắng lợi to lớn trên khắp các chiến trường, phá vỡ từng mảng lớn kế hoạch “Tràn ngập lãnh thổ” của địch. Ngày 06/01/1975, tỉnh Phước Long được giải phóng, quân ngụy không còn khả năng đánh chiếm trở lại. Bộ Chính trị Trung ương Đảng nhận định điều kiện, thời cơ chiến lược để giải phóng hoàn toàn miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước đã đến, từ đó, quyết định tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân năm 1975 trên toàn miền Nam với ba đòn tiến công chiến lược, đó là Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế, Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Các lực lượng vũ trang tỉnh Gia Lai được Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên giao nhiệm vụ thu hút địch về giữ Bắc Tây Nguyên; phối hợp với quân chủ lực đánh cắt đường 19, chia cắt chiến lược giữa Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung; tiến đánh đường 14, thực hiện đòn chia cắt chiến dịch giữa cụm phòng ngự Pleiku và Kon Tum; tranh thủ thời cơ phát động quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược, giải phóng toàn bộ nông thôn. Chủ trương kế hoạch tiến công và nổi dậy năm 1975 được Thường vụ Tỉnh ủy thông qua với phương châm chỉ đạo là: Táo bạo, vững chắc, chủ động, linh hoạt, kiên quyết và kịp thời. An Khê được chọn làm điểm tiến công và giải phóng trước. Các huyện 3, 6 và 4, 5 là diện hoạt động phối hợp. Ban chỉ đạo trọng điểm An Khê được thành lập.

Ở hướng An Khê, lực lượng tỉnh, bộ đội địa phương huyện 2, huyện 7 và một bộ phân chủ lực Quân khu đã sẵn sàng triển khai nhiệm vụ đánh cắt giao thông đường 19. Ở hướng Cheo Reo, lực lượng của huyện H2, H3 và tỉnh Đăk Lăk, cùng lực lượng huyện 11 (Gia Lai) dưới sự chỉ huy của đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Đăk Lăk cũng đã chuẩn bị các phương án phối hợp chiến trường, tấn công tiêu diệt địch. Ở khu vực thị xã Pleiku, các huyện 3, 6, 4, 5 đã triển khai kế hoạch phối hợp hành động và đón thời cơ.

 Lúc này trên địa bàn Gia Lai, địch tăng cường lực lượng chốt giữ các vị trí trọng yếu trên trục đường 19, 19 tây, đường 14, dọc tỉnh lộ 21 và các khu dồn, ấp chiến lược…Thực hiện nhiệm vụ nhử kéo địch về hướng Bắc Tây Nguyên, các lực lượng của tỉnh triển khai áp sát ven thị xã, các quận lỵ và trên các trục đường giao thông. Bộ đội huyện 4, 5 huy động hàng ngàn dân công làm đường hướng về hai thị xã Pleiku và Kon Tum, làm trận địa pháo để nghi binh.

Từ ngày 01/3/1975, bộ đội chủ lực của ta đã liên tiếp nổ súng tấn công quận lỵ An Khê và các cứ điểm trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch. Các hoạt động nghi binh trên hướng phía tây thị xã, khiến địch phải điều trung đoàn 45 ngụy đang lùng sục ở Cẩm Ga, Thuần Mẫn về phòng giữ quận Thanh An. Ngày 4/3/1975, chiến dịch Tây Nguyên mở màn. Bằng trận mở đầu tấn công vào thị xã Buôn Ma Thuột, lực lượng ta đã đánh “Đòn điểm trúng huyệt”, làm đảo lộn thế trận phòng thủ của Mỹ-ngụy ở Tây Nguyên.

Ở Gia Lai, phối hợp với mặt trận Buôn Ma Thuột, các lực lượng vũ trang tỉnh cùng bộ đội địa phương các huyện đồng loạt tiến công vào các khu dồn, ấp chiến lược, tiến công các chốt, đồn bảo an, dân vệ, tiêu diệt địch, hỗ trợ quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ.

Phía Nam Pleiku, ngày 8/3/1975, một đơn vị của Sư đoàn 320 tấn công tiêu diệt quận lỵ Thuần Mẫn, cắt đường số 14 đoạn bắc Cẩm Ga. Các chốt bảo an, dân vệ trên đường số 7 từ Chư Drê đến Mỹ Thạch bị tê liệt. Trên địa bàn thị xã Pleiku, lực lượng vũ trang tỉnh tấn công phá hủy sân bay Cù Hanh, Arêa. Quá trình mở màn chiến dịch, quân và dân thị xã ta đã thực hiện đánh chia cắt địch, hoạt động nghi binh, giữ bí mật bất ngờ hướng tấn công, đã kìm giữ và thu hút được lực lượng chủ lực quân ngụy về phòng thủ ở Pleiku và Kon Tum. Phối hợp với lực lượng chủ lực, bộ đội, du kích và các đội công tác huyện 3, 6, và 4, 5 đã đồng loạt tiến công vào các chốt bảo an, các ấp chiến lược trên địa bàn bắt tề, giải tán dân vệ, thu vũ khí, giải phóng dân.

Trước diễn biến nhanh chóng của tình hình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất kế hoạch chuyển trọng tâm chỉ đạo, tập trung toàn lực cho việc tiến công tiêu diệt địch, giải phóng và tiếp quản thị xã Pleiku.

Thực hiện kế hoạch, các lực lượng vũ trang khu 9 cùng các đội công tác tấn công các chốt địch ở vùng ven, khu vực xã Gào, phối hợp với chủ lực B3 giải phóng Bàu Cạn và quận lỵ Thanh An. Một đơn vị bộ binh và xe tăng, thiết giáp của Trung đoàn 95A tiến vào hướng thị xã. Quân và dân thị xã phối hợp cùng quân chủ lực, bộ đội tỉnh tấn công địch và nổi dậy giành quyền làm chủ từng phần ở cơ sở trong nội thị, giải phóng vùng ven, tiến đến giải phóng toàn thị xã.

Trước sự thất thủ nhanh chóng của  địch tại thị xã Buôn Ma Thuột và khí thế tiến công như vũ bão của quân dân trong tỉnh đã làm cho chính quyền và quân đội tay sai Sài gòn phạm sai lầm ra lệnh cho lực lượng Quân đoàn II ngụy rút khỏi Pleiku theo đường số 7 về đồng bằng, Duyên hải Miền Trung.

 Trước sự phát triển của tình hình, Bộ Chính trị đã nhận định “Khả năng địch rút chạy khỏi Pleiku và Kon Tum”. Ngày 16/3, nhận được chỉ thị của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh: “Địch đã rút chạy theo đường số 7, tổ chức truy kích ngay”, Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên đã nhanh chóng điều Sư đoàn 320, Trung đoàn 95 và tiểu đoàn xe tăng, trung đoàn pháo cao xạ, pháo binh và lực lượng bộ đội địa phương, tỉnh và các huyện dọc đường số 7 tham gia truy kích, chốt chặn và tiêu diệt tàn quân địch. Ở phía tây đường 14, Sư đoàn 986 tấn công tiêu diệt địch ở quận lỵ Thanh An. Một bộ phận của Sư đoàn tiến nhanh về thị xã Pleiku, cùng lúc Trung đoàn 95A từ phía đông tiến lên giải phóng Lệ Cần, phát động quần chúng giành quyền làm chủ toàn bộ khu vực phía đông thị xã. Ngày 17/3/1975, lãnh đạo Ban cán sự Khu 9, Trung đoàn 95A, Tiểu đoàn 29 của Sư đoàn 968 chia làm nhiều hướng tiến vào tiếp quản thị xã Pleiku. Lúc này, ở hướng Cheo Reo, các lực lượng tiếp tục tổ chức bao vây địch ở tiểu khu Cheo Reo, chiếm lĩnh toàn thị xã Phú Bổn (18/3). Ngày 21/3, ta làm chủ quận lỵ Phú Túc. Ở phía đông tỉnh, từ ngày 17/3, bộ đội ta liên tục tấn công các cứ điểm, đồn chốt của địch, giải phóng các xã phía bắc, phía nam và tây nam quận lỵ An Khê. Cuộc tiến công và nổi dậy của quân dân trong tỉnh phối hợp cùng bộ đội chủ lực Tây Nguyên giải phóng toàn tỉnh Gia Lai nói chung và thị xã Pleiku nói riêng đã diễn ra nhanh chóng và giành thắng lợi to lớn, góp phần thúc đẩy sự sụp đổ nhanh chóng của ngụy quân, ngụy quyền, tạo thuận lợi để quân dân ta nổi dậy, tấn công tiêu diệt địch, giải phóng các tỉnh đồng bằng miền Trung, Đông Nam Bộ và Sài Gòn-Gia Định, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam vào ngày 30/4/1975…

46 năm nhìn lại thời khắc lịch sử thị xã Pleiku – tỉnh Gia Lai được giải phóng góp phần làm nên chiến Thắng lịch sử mùa xuân năm1975; chúng ta tự hào có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đường soi sáng; tưởng nhớ và biết ơn  hy sinh to lớn của quân và dân các dân tộc cả nước, vì độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc; tự hào trước sự đổi thay, phát triển toàn diện của quê hương đất nước; vị thế, tiềm lực, uy tín được khẳng định và nâng cao trên trường quốc tế, được bạn bè năm châu khâm phục, vị nể. Các thế hệ Cựu chiến binh Thành phố Pleiku tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội cụ Hồ” gương mẫu tham gia góp ý xây dựng, bảo vệ Đảng, Chính quyền, chế độ XHCN và nhân dân, đóng góp tích cực trong việc thực hiện chủ trương, nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh và xây dựng hệ thống chính trị theo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025./.
 
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png