TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Phát huy vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố pleiku trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Ngày đăng bài: 05/07/2024
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ vừa mang tính thường xuyên, vừa mang tính cấp bách, cần quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Để phát huy sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, cần phải tăng cường huy động sự tham gia của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Vì đây là một trong những lĩnh vực trọng yếu mà các thế lực thù địch triệt để lợi dụng nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện chiến lược “diễn biến hoà bình” chống phá Việt Nam.

Sự cần thiết phải phát huy vai trò của đồng bào DTTS trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó người Kinh chiếm đa số, 53 dân tộc còn lại là dân tộc thiểu số (DTTS) với 14,123 triệu người (chiếm 14,7% dân số cả nước)([1]). Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã cho thấy, bất kỳ ở đâu và trong thời điểm nào, đồng bào các DTTS cũng kề vai, sát cánh cùng đồng bào Kinh chống thiên tai, địch họa...

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến đồng bào các DTTS. Theo Người, sự đoàn kết, kề vai sát cánh của đồng bào DTTS với đồng bào Kinh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc luôn quan trọng, cần phải được củng cố, giữ gìn và phát huy. Trong “Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Pleiku” (19/4/1946), Người đã chỉ rõ: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau...”([2]).

Thực hiện lời dặn của Người, Đảng và Nhà nước ta luôn thực hiện nhất quán chính sách dân tộc theo nguyên tắc “Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ nhau cùng phát triển”. Các Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, XI, XII, XIII luôn xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ của Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị. Nhiều chính sách lớn lớn đối với vùng đồng bào DTTS và người DTTS đã được ban hành. Nhờ đó, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS đã có bước phát triển rõ rệt, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú, thu nhập được cải thiện, an ninh trật tự được giữ vững, khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường.
 
bai1.jpg
Đồng bào DTTS thành phố Pleiku trình diễn cồng chiêng đường phố với chủ đề “Vũ điệu cồng chiêng” năm 2022.
 
Tuy nhiên, do lịch sử để lại, ở một số vùng DTTS, đời sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao so với bình quân chung cả nước; trình độ dân trí chưa đồng đều, các tập tục lạc hậu, mê tín, dị doan đã ăn sâu, bám rễ, trở thành nếp sống trong sinh hoạt hằng ngày. Lợi dụng điều đó, cùng những thiếu sót trong thực hiện chính sách của cấp ủy, chính quyền, các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, lôi kéo đồng bào gây áp lực đối với cấp ủy, chính quyền nhằm chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nguy hiểm hơn, chúng lợi dụng một số vấn đề nhạy cảm, như: Dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo... làm mất ổn định an ninh chính trị ở nhiều nơi, thực hiện âm mưu bạo loạn về chính trị, điển hình là các vụ bạo loạn vào năm 2001, 2004, 2008 tại Tây Nguyên và mới đây nhất là tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk (11/6/2023). Âm mưu cơ bản, lâu dài của chúng là kích động ly khai, tự trị, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị, xã hội, chia rẽ các đồng bào DTTS với người Kinh; chia rẽ Nhân dân các dân tộc với Đảng, Nhà nước; cao nhất là thành lập “Nhà nước Đề ga tự trị” trong vùng Tây Nguyên nhằm chống lại cách mạng và sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Do đó, cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS cả nước nói chung và vùng Tây Nguyên nói riêng đoàn kết cùng Nhân dân cả nước thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần phải vận động và tạo điều kiện để đồng bào DTTS phát huy quyền làm chủ của mình trong các tiến trình kinh tế - xã hội của địa phương, lấy thực tiễn những thành tựu, kết quả trên mọi mặt để làm cơ sở vững chắc phản bác lại các thông tin xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch.

Phát huy vai trò của đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố Pleiku trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Thành phố Pleiku là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Gia Lai, có diện tích tự nhiên 26.076,85 ha gồm 22 đơn vị hành chính cấp xã, phường với 175 thôn, làng, tổ dân phố (trong đó có 37 làng đồng bào DTTS); dân số trên 269.000 người, đồng bào DTTS chiếm 13,25% dân số, phần lớn là dân tộc Jrai chiếm 10,9% (29.302 người), Bahnar chiếm 1,28% (3.474 người).
 
bai2.jpg
Đồng chí Nguyễn Hữu Sung - Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku trao giấy khen của Chủ tịch UBND thành phố Pleiku cho già làng, người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2022.
 
Trong những năm qua, Thành ủy Pleiku đã chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố thực hiện tốt các giải pháp phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc tạo sự chuyển biến nhận thức, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân tại các làng đồng bào DTTS. Vì vậy, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS không ngừng được cải thiện, cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo thuộc đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố Pleiku giảm còn 1,29% (năm 2019 là 3,3%); các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Đồng bào DTTS ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của  Đảng và Nhà nước, tích cực lao động sản xuất và tham gia các phong trào, cuộc vận động của địa phương.

Tuy nhiên, đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn do kinh tế chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, lao động phổ thông, làm thuê, một số hộ làm nghề truyền thống (đan lát, dệt thổ cẩm…); trình độ nhận thức vẫn còn hạn chế, một mặt đồng bào có cách suy nghĩ đơn giản, trong sáng nhưng mặt khác lại dễ bị lừa phỉnh, lợi dụng. Trong khi đó, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn vẫn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, tình trạng tranh chấp đất đai, khiếu nại tập thể liên quan đến giải phóng mặt bằng kéo dài, sinh hoạt tôn giáo trái phép vẫn xảy ra... Một số đối tượng lợi dụng các vụ tranh chấp đất đai, những bất cập, thiếu sót trong việc thực hiện chính sách kinh tế-xã hội, triển khai một số chương trình, dự án để đăng tải, phát tán tin bài bôi nhọ, xuyên tạc nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của cấp ủy và quản lý điều hành của chính quyền.

Để ngăn chặn từ sớm, từ xa âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, đồng thời tăng cường sự tham gia của đồng bào DTTS trên địa bàn thành phố Pleiku đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình hiện nay, cần thực hiện một số nội dung sau:

Thứ nhất, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung thực hiện tốt các chính sách về phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giảm nghèo vùng đồng bào DTTS một cách bền vững. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 08/8/2016 của BCH Đảng bộ thành phố khóa XI về nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố Pleiku giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030 gắn với Chương trình số 31-CT/TU của BCH Đảng bộ thành phố khóa XII về tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, nhất là tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025.  

Thứ hai, định kỳ tổ chức gặp gỡ, đối thoại để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, giải quyết tốt các phản ánh, kiến nghị của người dân; giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện ngay từ cơ sở, không để hình thành “điểm nóng”, không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá.

Thứ ba, tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, đảm bảo đội ngũ cán bộ cơ sở có đủ trình độ, năng lực, có uy tín với Nhân dân, có khả năng tập hợp đồng bào DTTS. Nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên người DTTS; phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể trong công tác tuyên truyền, vận động; tranh thủ và phát huy vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, chức sắc tôn giáo trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Thứ tư, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở tại các làng đồng bào DTTS nhằm nâng cao nhận thức của người dân trước những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các phần tử xấu, phòng chống “diễn biến hòa bình”; phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn hoạt động biểu tình, bạo loạn, tổ chức vượt biên trái...

Thứ năm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo và âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch cho quần chúng, đặc biệt là các chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng thôn, người có uy tín... Tiếp tục đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động theo hướng ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu, phù hợp với đặc điểm tâm lý, phong tục, tập quán, sinh hoạt cộng đồng của đồng bào DTTS; tổ chức tốt các hoạt động sáng tác, biểu diễn nghệ thuật có nội dung phòng ngừa, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đồng bào DTTS.

Thứ sáu, Ban Chỉ đạo 35 thành phố, các tổ chức cơ sở đảng, cơ quan, ban ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội từ thành phố tới cơ sở tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động các trang Fanpage, Facebook, nhóm mạng xã hội do đơn vị quản lý. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên có năng lực phản biện, kỹ năng viết tin, bài, có trình độ, am hiểu về tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, sử dụng thành thạo mạng xã hội, trong đó chú trọng lực lượng cộng tác viên tại cơ sở.

Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng là nhiệm vụ vừa mang tính thường xuyên, vừa mang tính cấp bách, cần quyết tâm chính trị cao và sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Nếu huy động tốt sự tham gia của đồng bào DTTS trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, sẽ góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, phát huy được sức mạnh tổng hợp, nâng cao khả năng tự phòng, chống của đồng bào DTTS, từ đó làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trong tình hình mới.
Bài, ảnh: Phương Thúy
 

([1])Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 01/4/2019
(([2])Hồ Chí Minh: Toàn tập, NxbChính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập4, tr.249
 
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png