CHUYÊN MỤC

Bộ Thủ tục hành chính công
Nghị quyết kỳ họp
Thông tin tuyên truyền
Quy hoạch - kế hoạch
Làm theo lời Bác
Góp ý cá nhân, tổ chức
Lịch công tác
Hỏi đáp

Tiếp tục thực hiện quan điểm “Dân vận khéo” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày đăng bài: 03/10/2019
Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho… Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ quần chúng nhân dân là chủ thể của mọi cuộc cách mạng, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Nhưng, để nhân dân nhận thức rõ vai trò, sứ mệnh của mình, Đảng phải tiến hành công tác tuyên truyền, vận động để người dân giác ngộ, tự nguyện làm tốt bổn phận và trách nhiệm của mình. Đó chính là công tác dân vận, “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Trong bài báo “Dân vận” đăng trên báo Sự thật ngày 15/10/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho… Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Bác đưa ra quan điểm “Dân vận khéo”, đó là những lý luận cơ bản về phương pháp dân vận cho mọi cán bộ, đảng viên khi tiến hành công tác vận động quần chúng. Theo Bác: “Bất cứ việc to, việc nhỏ, chúng ta phải xét rõ và làm cho hợp trình độ văn hóa, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng. Do đó mà định ra cách làm việc, cách tổ chức. Có như thế, mới có thể kéo được quần chúng”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: Công tác dân vận là một bộ phận quan trọng trong công tác của Đảng, để tập hợp được đông đảo quần chúng tự giác làm cách mạng. Làm cách mạng đòi hỏi phải huy động sức mạnh của toàn dân tộc bởi “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân”. Do đó, cần phải nhận thức rõ công tác vận động, giác ngộ quần chúng là công tác quan trọng quyết định thành bại của cách mạng. Với khẳng định đó, Bác đã đưa vị trí của nhân dân lên đúng tầm, với sức mạnh vô địch trong lịch sử cách mạng Việt Nam.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thực hiện “Dân vận khéo” phải có cán bộ “dân vận khéo”, đó phải là những người có: “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Nghĩa là phải hiểu rõ thực tế, nói phải đi đôi với làm. Phải có óc nghiên cứu để nắm vững bản chất của con người, của sự việc. Bên cạnh đó, Bác Hồ còn nhắc nhở: “Dân vận khéo” là phải tránh bệnh chủ quan, phải phát huy dân chủ. Bởi theo Bác: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”  và “Có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên”
“Dân vận khéo” theo Bác còn bao hàm cả việc thành thạo quy trình dân vận, Bác đã chỉ rõ quy trình đó là:
“Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được.
Điểm thứ hai là bất cứ việc gì cũng phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành.
Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân.
Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”.
Việc quán triệt và thực hiện tốt các quan điểm về công tác dân vận, nhất là quan điểm “Dân vận khéo” của Bác đã góp phần quan trọng trong vận động, tập hợp, tạo ra sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc - nhân tố cơ bản để giành thắng lợi trong đấu tranh giải phóng dân tộc. Để tiếp tục vận dụng quan điểm “Dân vận khéo” của Bác vào quá trình công tác dân vận trong sự nghiệp đổi mới hiện nay, cần thực hiện tốt các giải pháp cơ bản sau:
Một là, Công tác dân vận phải bám sát nhiệm vụ chính trị, nhất là nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của từng thời kỳ các mạng để vận động nhân dân tham gia tích cực, chủ động vào phát triển kinh tế - xã hội. Nội dung công tác dân vận phải thiết thực, cụ thể, tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân. Công tác dân vận phải tham gia tích cực đẩy mạnh các chương trình xóa đói giảm nghèo, gắn với xây dựng nông thôn mới. Kết quả này  không chỉ thể hiện ở số lượng và tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm mà còn thể hiện ở chất lượng cuộc sống, an sinh xã hội như y tế, chăm sóc sức khỏe, nước sạch, xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, chợ… Đây chính là mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của công tác dân vận, là làm sao cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Hai là, Đổi mới nội dung, phương thức, phương pháp dân vận phù hợp với từng đối tượng cụ thể, kịp thời. Tăng cường giáo dục, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Công tác dân vận là một khoa học và nghệ thuật là công tác lâu dài, kiên nhẫn. Do đó, phải coi trọng đổi mới nội dung, phương pháp dân vận cho phù hợp. Cùng với việc giáo dục, tuyên truyền vận động, thuyết phục, cung cấp thông tin cho nhân dân, để họ hiểu đúng, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của các địa phương thì cần tăng cường đối thoại với nhân dân, khắc phục bệnh quan liêu, xa rời quần chúng, không nắm chắc thực tiễn. Đồng thời chú trọng phương thức nêu gương, để “nói dân hiểu”, “làm dân tin” thì mỗi một cán bộ, đảng viên phải là những tấm gương mẫu mực.
Ba là, Tăng cường và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận, hướng mạnh về cơ sở, quan tâm đến những vấn đề thiết thực trong đời sống nhân dân, nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; Xây dựng Nhà nước thực sự là của dân, do dân, vì dân; Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; Thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bốn là, Xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận có phẩm chất, năng lực, tận tụy phục vụ nhân dân. Đây là giải pháp hết sức quan trọng mà sinh thời Hồ Chí Minh luôn quan tâm chỉ giáo, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; bởi cán bộ là cái gốc của mọi công việc; muôn việc thành công hoặc thất bại là do cán bộ tốt hay kém.
Quan điểm của Bác về công tác dân vận nói chung, “Dân vận khéo” nói riêng có ý nghĩa lý luận sâu sắc và thực tiễn thiết thực đối với mỗi người cán bộ làm công tác dân vận. Sự nghiệp dân vận là của cả hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, đó là công tác phức tạp, lâu dài, nối tiếp suốt tiến trình cách mạng. Vì vậy, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nhận thức sâu sắc vai trò của công tác dân vận và những quan điểm lý luận về công tác dân vận. Kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ viết tác phẩm Dân vận là dịp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn nữa những giá trị lý luận của Bác về công tác dân vận để vận dụng vào thực tiễn hiệu quả hơn. Để “hiểu thấu” và “làm đúng” hơn theo lời Bác dặn./.
Theo: Phan Thị Lệ Thủy, Trường Chính trị tỉnh Gia Lai