CHUYÊN MỤC

Bộ Thủ tục hành chính công
Quy hoạch - kế hoạch
Thông tin tuyên truyền
Làm theo lời Bác
Góp ý cá nhân, tổ chức
Hỏi đáp
Lịch công tác

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng bộ thành phố Pleiku (15/9/1954 - 15/9/2024) và 95 năm ngày thành lập đô thị Pleiku (03/12/1929 - 03/12/2024)

Ngày đăng bài: 05/05/2024
I- THỊ XÃ PLEIKU RA ĐỜI, TRỞ THÀNH THỦ PHỦ CỦA “ĐẠI LÝ HÀNH CHÍNH PLEIKU”
Pleiku trước đây có các làng đồng bào dân tộc Jrai sinh sống (làng gốc là làng Pleiku). Để chuẩn bị cho việc xâm chiếm Tây Nguyên, năm 1838 Pháp cử giám mục Taberd lên xâm nhập Tây Nguyên, vẽ bản đồ địa hình, thổ nhưỡng và dân cư; cùng với đó là cử các đoàn thám sát dân sự kết hợp với các giáo sĩ Hội Thừa sai Pari để nghiên cứu chuẩn bị cho việc bình định, chiếm đóng, khai thác vùng này.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tiến công xâm lược Việt Nam, từng bước thiết lập bộ máy thống trị ở Việt Nam, biến một quốc gia phong kiến thành thuộc địa nửa phong kiến. Để khẳng định quyền thống trị ở Tây Nguyên, thực dân Pháp đặt ở Kon Tum một “đại lý hành chính” do giám mục quản lý làm đại diện chính thức cho Chính phủ Pháp. Sau mấy lần chia tách, sáp nhập, Nghị định toàn quyền Đông Dương ngày 24/5/1925 thành lập “đại lý hành chính” Pleiku đặt dưới quyền cai trị của công sứ Kon Tum. Nghị định khâm sứ Trung Kỳ, ngày 3/12/1929 thành lập thị xã Pleiku, đây là cột mốc quan trọng đánh dấu sự ra đời của thị xã Pleiku về mặt pháp lý, thị xã Pleiku đã trở thành thủ phủ của “đại lý hành chính” Pleiku.
Tuy thành lập thị xã từ năm 1929 nhưng đến năm 1945, thực dân Pháp vẫn không tổ chức bộ máy chính quyền cấp thị xã. Viên Công sứ người Pháp và viên Quản Đạo trực tiếp điều hành công việc của hai xã trung tâm nội thị là Hội Phú và Hội Thương (sau có thêm xã Trà Bá).
Sau cách mạng tháng Tám 1945, chính quyền cách mạng lập xã "Trà Phú Thương" gồm ba làng: Trà Bá, Hội Phú, Hội Thương ở nội thị, trực thuộc sự chỉ đạo của Tỉnh, chứ ta cũng chưa lập cấp hành chính thị xã.
Sau ký kết hiệp định Giơnevơ (7/1954), ngụy quyền Sài Gòn vẫn lấy Pleiku làm thị xã tỉnh lỵ tỉnh Pleiku, nhưng cũng không lập bộ máy hành chính cấp thị xã, chỉ giữ liên xã Hội Phú - Hội Thương trực thuộc quận Lệ Trung.
Từ năm 1962 trở đi, ngụy quyền mở rộng thị xã, từ đường Lê Lai về phía tây đến sát Hồ Ia Be, từ đường Hai Bà Trưng về phía bắc sát làng Pleiku Roh và từ đường Hùng Vương (trước là đường Hoàng Diệu) mở rộng về phía nam.
Đến năm 1972, quy mô thị xã có thay đổi. Thị xã Pleiku ngoài xã Hội Phú - Hội Thương ở nội thị, còn có xã Biển Hồ ở ngoại vi. Xã được chia thành ấp, dưới ấp có khu phố và các liên gia. Tuy vẫn còn trực thuộc quận Lệ Trung nhưng thị xã được xem như một đơn vị hành chính ngang cấp quận. Các làng dân tộc quanh thị xã được họp thành tổng như tổng Plei Roh, tổng Plei Tel. Dưới cấp tổng có xã gồm các làng.
Sau ngày giải phóng thị xã Pleiku và toàn tỉnh Gia Lai (17/3/1975), Pleiku thành lập chính quyền cấp thị xã. Ban đầu dưới cấp thị xã có cấp vùng, sau một thời gian ngắn đổi thành xã, phường.
Qua một quá trình đổi thay, theo Nghị định số: 29/1999/NĐ-CP ngày 24/4/1999 của Chính phủ, thị xã Pleiku được nâng cấp lên thành thành phố Pleiku là đô thị loại III trực thuộc tỉnh; theo Quyết định số: 249/QĐ-TTg ngày 25/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Pleiku được công nhận là đô thị loại II; theo Quyết định số: 146/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Pleiku được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Gia Lai.
Thành phố Pleiku hiện nay có diện tích tự nhiên là 26.076,85 ha, với 22 đơn vị hành chính cấp xã (14 phường và 8 xã), với 175 thôn, làng, tổ dân phố (trong đó có 37 làng đồng bào dân tộc thiểu số). Dân số khoảng 269.000 người, bao gồm 27 dân tộc đang sinh sống, trong đó người đồng bào DTTS chiếm khoảng 12,6%, phần lớn người đồng bào DTTS là dân tộc Jrai, Bahnar sinh sống tập trung([1]). Cộng đồng cư dân từ nhiều miền hội tụ về đây đã tạo nên Pleiku một cộng đồng đa dân tộc, đoàn kết, gắn bó với nhau vượt qua mọi gian nan, thử thách cùng nhau đoàn kết bảo vệ quê hương và xây dựng thành phố Pleiku văn minh, giàu đẹp.
II- TỪ CÁC PHONG TRÀO YÊU NƯỚC ĐẾN KHỞI NGHĨA GIÀNH CHÍNH QUYỀN, KHÁNG CHIẾN CHỐNG THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC (1930-1954)
Từ năm 1925, khi Pleiku được nâng lên thành “đại lý hành chính”, quy mô thị xã lớn dần. Pháp mở rộng đồn bót, bố phòng rộng ra vùng phụ cận, từng bước thiết lập bộ máy cai trị ở vùng người Kinh và vùng dân tộc thiểu số. Thực dân Pháp đã áp dụng các biện pháp rất hà khắc đối với dân ta, bóp nghẹt đời sống mọi mặt từ kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội làm cho Nhân dân ta sống trong cảnh lầm than cùng cực và tột cùng đau đớn. Chính sách bóc lột và khai thác thuộc địa của Pháp chủ yếu là khai thác đồn điền, bóc lột công nhân và sưu thuế, sử dụng tôn giáo ngoại lai kết hợp duy trì tập quán lạc hậu, mê tín của đồng bào nhằm tăng hiệu lực chế độ thống trị của thực dân Pháp. Ở các đồn điền, công nhân bị bóc lột thậm tệ, hạ lương, đánh đập, cúp phạt, con em công nhân bị bắt đi bắt dế, nhổ cỏ, làm vệ sinh…
Dưới sự xâm lược của thực dân Pháp, trước năm 1930 các phong trào đấu tranh tự phát xuất hiện. Cùng với Nhân dân các huyện, đồng bào Jrai vùng phía nam và đông nam Pleiku nổi dậy chống các đoàn thám sát của Pháp, tấn công nhiều đồn bót của địch. Nhân dân người Kinh ở nội thị đấu tranh chống các loại thuế, đòi được đi lại buôn bán với đồng bào các dân tộc. Nhân dân thị xã nổi dậy chống Pháp với nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Từ khi Đảng ta ra đời (1930), tuy trên địa bàn Pleiku chưa có một tổ chức cách mạng lãnh đạo thống nhất, nhưng từng giai đoạn đã có những đảng viên đi “vô sản hoá”, lên các đồn điền làm ăn, hoạt động hợp pháp, “gieo mầm cách mạng” trong công nhân như: Hà Thế Hạnh, Lê Đức Mỹ, Trần Ren, Phan Thuỷ Tú (Bàu Cạn); Nguyễn Lượng, Nguyễn Bá Hoè (Biển Hồ); Trần Như Tích, Nguyễn Ngọc Bích (Đak Đoa)… Những chiến sĩ cách mạng đã nhanh chóng thu phục được tình cảm trong công nhân lao động, tạo được nòng cốt tiến tới thành lập tổ chức Công hội đỏ đầu tiên trong công nhân vào năm 1930; tiếp đến là các hội ái hữu, tương tế, bóng đá, truyền bá quốc ngữ được thành lập đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh giành thắng lợi. Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của công nhân, “nhóm đảng viên cộng sản” trong đồn điền chủ trương thành lập “Hội cứu tế đỏ” lãnh đạo phong trào quần chúng gây tiếng vang ở một số nơi. Ảnh hưởng của các cuộc đấu tranh của công nhân đồn điền, công nhân lục lộ có tác động đến toàn vùng. Phong trào đã có sự liên kết giữa các đồn điền, thị xã và vùng ven, cả đồng bào người Kinh và đồng bào các dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi cho thời kỳ tiền khởi nghĩa... Đêm 9/3/1945, phát xít Nhật đảo chính lật đổ Pháp, độc chiếm toàn bộ Đông Dương. Toàn thị xã tuy chưa có một đồng chí chỉ huy lãnh đạo thống nhất, nhưng phong trào đã diễn ra hầu khắp, hình thành một thế liên hoàn, hỗ trợ nhau, áp đảo mạnh mẽ bộ máy cai trị tay sai thân Nhật; tổ chức cuộc biểu dương lực lượng ở sân vận động thị xã thu hút một vạn quần chúng tuyên bố xoá bỏ hệ thống cai trị, tay sai thực dân phong kiến, thành lập chính quyền cách mạng vào ngày 23/8/1945, toàn bộ cơ quan quân sự, hành chính, các công sở thuộc về tay Nhân dân. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã chấm dứt sự thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Đất nước được độc lập nhưng chúng ta phải đối mặt với thách thức mới. Tiếp nhận Chỉ thị của Trung ương, nhiệm vụ của toàn tỉnh và thị xã Pleiku lúc này là củng cố chính quyền, chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống Nhân dân, gấp rút phát triển và xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng. Do vậy, ngày 01/10/1945 chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập tại thị xã có 9 đảng viên, bao gồm các đồng chí: Nguyễn Đường (Xin),...(Thề)([2]), Nguyễn Bá Hòe (Hy), Trần Ren (Sinh), Lý Tú (Tất), Phan Thêm (Cả), Phạm Thuần (Vì), Trương Trợ (Đảng), Nguyễn Xuân (Ta). Đồng chí Nguyễn Đường làm Bí thư chi bộ. Mỗi đồng chí lấy một chữ trong khẩu hiệu: “Xin - Thề - Hy - Sinh - Tất - Cả - Vì - Đảng - Ta” làm bí danh. Đây là tổ chức đầu tiên của tỉnh, thị xã, cũng là tổ chức tiền thân của Đảng bộ thành phố Pleiku.
Ngày 10/12/1945, Đảng bộ tỉnh Gia Lai chính thức thành lập lấy tên là Đảng bộ Tây Sơn và cử Ban Chấp hành lâm thời do đồng chí Phan Thêm làm Bí thư. Do tình hình còn phức tạp sau khi giành chính quyền và đang gấp rút chuẩn bị chống thực dân Pháp tái chiếm tỉnh nhà, do vậy tỉnh chưa có chủ trương thành lập cấp thị xã, Tỉnh uỷ lâm thời trực tiếp chỉ đạo mọi công việc của thị xã và các đơn vị hành chính phụ cận. Ta chấn chỉnh lại các Uỷ ban Nhân dân lâm thời và Ban Chấp hành Việt Minh ở các xã, phát triển các đoàn thể cứu quốc như thanh niên, nông dân, công nhân tập hợp rộng rãi mọi tầng lớp Nhân dân vào tổ chức sinh hoạt. Sau khi giành được chính quyền, chính quyền và mặt trận Việt Minh đã mở lại trường Tiểu học và trường Dân tộc nội trú cho con em đi học, chấn chỉnh lại cơ sở y tế để phục vụ Nhân dân; tuyên truyền, giáo dục Nhân dân hạn chế dần những tập tục lạc hậu; tăng gia sản xuất, tiết kiệm, mở rộng diện tích trồng lúa và nhiều hoa màu khác để chống đói. Chính quyền vận động Nhân dân lập các hợp tác xã tiếp tế, tiêu thụ để phục vụ sản xuất và đời sống, tích luỹ lương thực, thực phẩm phục vụ kháng chiến. Cùng với đó, ta thực hiện chủ trương vũ trang toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang Nhân dân, tổ chức dân quân tự vệ, từ đó phong trào toàn dân cầm vũ khí sẵn sàng giết giặc, bảo vệ Tổ quốc được phát động sôi nổi.
Song song với việc chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu. Tỉnh chủ trương xây dựng các tổ chức cơ sở Đảng. Tháng 02/1946, trên địa bàn thị xã và các vùng phụ cận thành lập các chi bộ: chi bộ Bàu Cạn (do đồng chí Phan Bình làm Bí thư); Chi bộ Biển Hồ (đồng chí Nguyễn Bá Hoè làm Bí thư); Chi bộ cơ quan (Đồng chí Nguyễn Đường làm Bí thư); Chi bộ trong Chi đội Tây Sơn, đồng thời quan tâm đến xây dựng cơ sở cách mạng trong đồng bào các dân tộc.
Ngày 22/6/1946, Pháp mở đợt tấn công bằng hai hướng vào các mặt trận Tây và Nam Pleiku. Chiếm được Pleiku, thực dân Pháp lập xứ “Tây Kỳ tự trị” tìm mọi cách chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, hòng lôi kéo đồng bào chống lại kháng chiến. Thực hiện chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, thực dân Pháp khôi phục lại tất cả các thứ thuế, bắt đóng góp cao hơn trước nhiều, kết hợp các chiêu bài vừa lừa mị, vừa mua chuộc, vừa kiểm soát, khủng bố khi phát hiện có hiện tượng hoạt động của Việt Minh.
Trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ta chưa có bộ máy chuyên trách công tác tại thị xã. Tỉnh uỷ trực tiếp nắm các đội vũ trang tuyên truyền, các đội công tác và đoàn vận động chính quyền xây dựng hành lang tiến lên mở rộng cơ sở về phía Tây, tiếp cận thị xã, vùng ven và các đồn điền. Khi cơ sở vùng bàn đạp phát triển mạnh, Ban Cán sự Đảng tỉnh chủ trương chấn chỉnh công tác địch hậu, đẩy mạnh việc gây dựng cơ sở, các vùng xung yếu, đặc biệt chú trọng công tác đô thị và đồn điền. Với ưu thế quân sự và thủ đoạn nham hiểm của địch, trong giai đoạn 1947-1954, ở nội thị thành lập Liên chi 1000 nhà lao, chi bộ thị xã, chi bộ Bàu Cạn, đây là những tổ chức tiền thân của Đảng bộ, góp phần xây dựng tổ chức cơ sở chính trị và phong trào đô thị và đồn điền.
Qua 09 năm chiến đấu trong lòng địch, tuy cơ sở chính trị của thị xã còn nhỏ bé, cán bộ đảng viên chưa có kinh nghiệm công tác đô thị, nhưng đã tích cực gây dựng, phát triển cơ sở, lãnh đạo các đội vũ trang tuyên truyền, các đoàn công tác vận động chính quyền phát triển mạnh phối hợp với lực lượng quân sự, tiêu diệt một số cứ điểm của địch. Từ năm 1953, hoạt động quân sự của ta trên các chiến trường theo sự chỉ đạo của Trung ương, Liên khu uỷ khu V chủ động tấn công lên Tây Nguyên. Ngày 17/7/1954, ta bao vây uy hiếp thị xã Pleiku và tiến công đánh địch, ta đã phá hủy 62 xe cơ giới, giết tại trận 300 tên, bắt sống 200 tên. Ngày 20/7/1954, trước thắng lợi to lớn của Nhân dân ta trên khắp các chiến trường buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán ký Hiệp định Giơnevơ.
III- ĐẢNG BỘ THỊ XÃ PLEIKU RA ĐỜI - LÃNH ĐẠO NHÂN DÂN THỊ XÃ ĐẤU TRANH CHỐNG MỸ (1954-1975)
1. Giai đoạn tháng 7/1954 đến năm 1965: Đảng bộ khu 9 ra đời lãnh đạo các cuộc đấu tranh làm thất bại bước đầu thực hiện chủ nghĩa thực dân của đế quốc Mỹ
Sau Hiệp định Giơnevơ, đế quốc Mỹ tìm mọi cách hất cẳng Pháp để độc chiếm Việt Nam. Đối với Tây Nguyên, âm mưu lâu dài của Mỹ - Diệm là biến vùng này thành trung tâm căn cứ quân sự của chúng ở miền Nam Đông Dương, cố giành cho được địa bàn chiến lược Tây Nguyên nhằm chuẩn bị mở rộng chiến tranh. Trong âm mưu lâu dài đó, đế quốc Mỹ và tay sai rất coi trọng vấn đề nắm các dân tộc thiểu số ở vùng nông thôn, rừng núi, ra sức khống chế, kiểm soát chặt chẽ các đô thị, đồn điền và vùng người Kinh phụ cận tỉnh lỵ.
Pleiku là thị xã nằm trong vùng tạm chiếm lâu năm, nên Mỹ - Diệm tiến hành quốc sách “tố cộng, diệt cộng” ở đây có mức độ và biện pháp khác với vùng căn cứ du kích cũ và các tỉnh đồng bằng miền Trung. Lúc này tỉnh Gia Lai được sắp xếp chia thành 9 khu cho phù hợp với tình hình mới, khu 9 là thị xã Pleiku, các đồn điền, 3 dinh điền và vùng phụ cận. Ngày 15/9/1954, Đảng bộ khu 9 (tức thị xã Pleiku) được thành lập, gồm một bộ phận công tác có 3 đồng chí: Nguyễn Văn Lưu (Biêu), Bùi Dự và Nguyễn Đàn, do đồng chí Nguyễn Văn Lưu phụ trách chung. Sau một thời gian sắp xếp nhân sự, đến 15/2/1956, Tỉnh uỷ chỉ định Ban Cán sự khu 9 gồm 3 đồng chí do đồng chí Đỗ Hằng (Tỉnh uỷ viên) làm Bí thư. So sánh lực lượng giữa địch và ta, Ban Cán sự khu 9 sau khi được thành lập đã đề ra các nhiệm vụ công tác đó là: đẩy mạnh công tác chính trị, tư tưởng nhằm trang bị lý lẽ cho cơ sở và quần chúng vận dụng trong các cuộc đấu tranh hợp pháp với địch. Tranh thủ khôi phục lại cơ sở còn tốt; củng cố lại cơ sở nòng cốt trong các làng dân tộc. Ở các xã bàn đạp (xã Gào, Ia Sao), đã tạo điều kiện phát triển đoàn viên, đảng viên. Bằng các hình thức hợp pháp và nửa hợp pháp, lãnh đạo quần chúng chống tố cộng, chống khủng bố, đàn áp, đấu tranh giành quyền lợi dân sinh, chống bóc lột, xâu thuế, đòi cải thiện đời sống. Từ năm 1955-1957, khu 9 đã phát triển được các tổ chức cơ sở chính trị vững mạnh ngay nội thị và các vùng ven thị: đồn điền Bàu Cạn, đồn điền Biển Hồ, bàn đạp xã Ia Sao và đã có những cuộc đấu tranh cổ vũ cho phong trào đấu tranh trên địa bàn nội thị. Đảng bộ khu 9 ra đời kịp thời lãnh đạo toàn diện các phong trào, công tác chính trị tư tưởng trên một địa bàn rất nhiều khó khăn. Với tình cảm và trách nhiệm trước Nhân dân, trước Đảng, cán bộ khu 9 thường xuyên sống trong lòng địch, ngày đêm kiên trì bám dân, biết lấy sức mạnh từ Nhân dân để tồn tại, hoạt động ngay trên đầu não của kẻ thù, tạo cơ sở tốt cho thời kỳ chống “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ.
2. Giai đoạn 1961-1965: xây dựng thực lực chính trị, đẩy mạnh đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, phá rã ấp chiến lược của đế quốc Mỹ
Để chống chiến dịch “bình định” và “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ (1961 – 1965), Nhân dân các vùng ven và nội thị đấu tranh không chịu tập trung và phá các ấp chiến lược của Mỹ. Ở căn cứ bàn đạp xã Gào, ta củng cố vững chắc địa bàn, giáo dục tề ngụy, phong trào du kích chiến tranh phát triển mạnh. Trên các đường lớn vào làng, Nhân dân xây dựng chướng ngại vật, cắm trụ giữa đường, đào hầm sâu hai bên đồi ngụy trang để chặn xe tăng. Bằng cách này, du kích B6 đã làm xe tăng Mỹ kẹt hầm, bộ binh phải bỏ dở cuộc càn quét vào căn cứ của ta. Các xã Gào, B6, B7 vận động binh lính và người dân tộc đào ngũ; đồng thời, nổi dậy đấu tranh chống càn quét, gom dân lập ấp chiến lược của địch. Song song với công tác đấu tranh chính trị, đánh địch và binh tề vận, Ban Cán sự khu 9 có những bước phát triển mới, mở rộng địa bàn hoạt động, xây dựng lực lượng cách mạng đều khắp ở nội thị, dinh điền và vùng phụ cận. Ngày 01/5/1964 Mặt trận Tây Nguyên được thành lập (Mặt trận B3) có nhiệm vụ đấu tranh tiêu diệt địch giải phóng Tây Nguyên. Khu 9 nhận được sự chi viện của lực lượng trên, đẩy mạnh xây dựng thực lực vũ trang chính trị; phong trào công nhân đứng lên đấu tranh bọn địa điểm trưởng, xã trưởng đòi cải thiện đời sống. Khi có cơ sở khá mạnh, Ban Cán sự khu 9 quyết định phá ấp Nhơn Thọ là một thành công về chính trị và vũ trang. Năm 1964-1965, cơ sở Bàu Cạn và vùng ven đồn điền phát triển khá mạnh, ta phối hợp bên trong cùng bộ đội địa phương huyện 4 và tiểu đoàn 407, du kích xã Gào và đặc công khu 9 lập nên trận đánh ngày 18/6/1964 đem lại kết quả vang dội. Quân và dân ta phấn khởi tin tưởng trong bầu không khí chiến thắng và giải phóng. Đêm 31/5/1965, tiểu đoàn 952 phối hợp cùng một bộ phận trung đoàn 320 (B3), tiêu diệt quận lỵ Lệ Thanh, thu thắng lợi giòn dã, ta làm chủ đồn điền Bàu Cạn. Đến giữa năm 1965, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ bị phá sản. Hầu hết các ấp chiến lược và dinh điền bị phá rã. Vùng giải phóng tỉnh Gia Lai được mở rộng, ta làm chủ hơn 20 vạn dân, xây dựng được thế trận chiến tranh Nhân dân rộng khắp, tấn công liên tục bằng “3 mũi giáp công”. Tinh thần cán bộ, quân, dân vô cùng phấn khởi, tin tưởng vào thắng lợi tất yếu của cách mạng.
3. Giai đoạn từ giữa năm 1965 đến năm 1968: Ban Cán sự khu 9 phát động toàn dân chống Mỹ cứu nước, đánh bại “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ
Sau khi thất bại ở “chiến tranh đặc biệt”, Mỹ tiếp tục mở “chiến tranh cục bộ” khốc liệt ở miền Nam, nhưng Ban cán sự khu 9 đã lãnh đạo Nhân dân vùng bàn đạp phụ cận thị xã đấu tranh; lựa chọn, bố trí những đội trưởng gan dạ, năng nổ để đứng vững trên các địa bàn phức tạp và ác liệt. Nhờ thế mà trong bất cứ tình huống nào, các đội cũng luôn có mặt ở cơ sở. Các bàn đạp như: Bàu Cạn – Gia Tường, vùng ven Lệ Cần – An Mỹ, đồn điền Biển Hồ phát triển khá vững, có nhiều phong trào đóng góp cho phong trào thị xã. Đến giữa năm 1966, đế quốc Mỹ mở cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai. Nhận lệnh của Tỉnh uỷ, Ban Cán sự khu 9 chỉ đạo triển khai đánh địch trên nhiều mặt. Các cuộc đấu tranh diễn ra giằng co quyết liệt nhưng Nhân dân thị xã cũng như vùng ven quyết tâm bám trụ trên mảnh đất quê hương, cán bộ công tác của ta bám đất, bám dân xây dựng cơ sở, xây dựng lực lượng chuẩn bị cho kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy trong Tết Mậu Thân 1968.
Tháng 12/1967, Tỉnh uỷ Gia Lai tổ chức Hội nghị quán triệt chủ trương của Bộ Chính trị và đề ra kế hoạch  tổ chức thực hiện tổng tiến công và nổi dậy trong toàn tỉnh và quyết định lấy thị xã Pleiku làm trọng điểm. Mặt trận Tây Nguyên và Gia Lai chủ trương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tập trung sức cùng Ban Cán sự khu 9 vừa đẩy mạnh tiến công địch vừa nỗ lực chuẩn bị mọi mặt để đảm bảo thắng lợi. Ban Cán sự khu 9 đã họp, đề ra kế hoạch 3 bước để thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy trên địa bàn. Đúng 0 giờ 55 phút ngày 31/11/1968 (tức rạng ngày mùng Một Tết) Tiểu đoàn 408 (đặc công) nổ súng đầu tiên, mở màn chiến dịch lịch sử: Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn tỉnh. Pháo binh ta dồn dập đánh vào các sân bay Aréa, Cù Hanh... và khu vực Quân đoàn II. Hai tiểu đoàn đặc công C90, C21 là 2 đơn vị được lọt vào trung tâm đầu não của địch, trực tiếp chiến đấu độc lập, thể hiện tinh thần kiên cường dũng cảm tuyệt vời, chấp hành mệnh lệnh tuyệt đối, bám trụ trận địa đến giờ phút cuối cùng.
Đợt tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân kết thúc, quân và dân tỉnh ta trước và trong chiến dịch Mậu Thân (chủ yếu là mặt trận thị xã Pleiku) đã diệt gần 3.500 tên địch, phá hủy 500 xe quân sự, 35 pháo và một số máy bay các loại, đốt cháy hàng triệu lít xăng dầu của địch. Phối hợp với tiến công quân sự, 11.000 quần chúng đã xuống đường biểu tình đấu tranh chính trị. Chính quyền cách mạng ở một số ấp 3,4,5,6 được thành lập. Hơn 14.000 đồng bào phá ấp chiến lược trở về làng cũ, 11 làng ven thị được giải phóng. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân có ý nghĩa chính trị to lớn đối với thị xã Pleiku. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong hai cuộc kháng chiến chống xâm lược, quân dân thị xã đã vươn mình lên tầm cao, cùng toàn tỉnh phối hợp nhịp nhàng với chiến trường chung, thực hiện quyết định của Đảng một cách kiên quyết, đồng loạt tiến công quyết liệt vào tận hang ổ của kẻ thù, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của Mỹ và lung lay ý chí xâm lược của chúng, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh.
4. Giai đoạn 1969-1975: Phát triển lực lượng, chống chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, tiến công và nổi dậy giải phóng thị xã Pleiku
Sau Tết Mậu Thân, địch phản kích ác liệt, Đảng bộ chẳng những giữ vững được phong trào mà lực lượng còn tiếp tục phát triển sâu rộng, chống lại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ. Quân Mỹ tiếp tục bình định dồn dân, đánh phá ác liệt đã gây cho ta rất nhiều khó khăn, nhưng quân dân khu 9 cùng toàn tỉnh nêu cao ý chí chiến đấu, quyết tâm chống kế hoạch “bình định cấp tốc” của địch. Tháng 10/1969, địch lấn chiếm địa bàn đứng chân làng Dut, Văn phòng Ban Cán sự khu 9 cũng rút về Kon Gang (huyện 3). Từ khi Mỹ đổ quân vào chiến trường, Ban Cán sự Khu 9 đã chỉ đạo xây dựng hầm bí mật để cán bộ bám sát dân, du kích bám sát địch. Ban cán sự bám được địa bàn là nhờ xây dựng được trận địa lòng dân, gắn bó với dân, được Nhân dân nuôi dưỡng, che dấu. Cùng với hoạt động sôi nổi của lực lượng vũ trang, phong trào đấu tranh chính trị và binh tề vận trong hai năm 1971-1972 cũng có những bước tiến khá. Đến cuối năm 1973, Ban Cán sự khu 9 đã tổ chức chỉ đạo chặt chẽ và kịp thời phối hợp với bộ đội chủ lực, các lực lượng huyện, phát động được phong trào quần chúng đánh địch lấn chiếm, đánh bại kế hoạch tràn ngập lãnh thổ và làm thất bại một bước âm mưu bình định, lấn chiếm của địch.
Gần hai năm tiến hành kế hoạch bình định lấn chiếm, quân địch bị ta giáng những đòn nặng nề. Trong chiến dịch hè thu 1974, quân chủ lực của địch bị tiêu diệt và tiêu hao một bộ phận lớn phải lui về thế phòng ngự bị động giữ phần đất chúng còn tạm thời kiểm soát, nhất là đô thị. Đảng bộ, quân và dân khu 9 nỗ lực vươn lên về mọi mặt, đấu tranh củng cố và phát triển thực lực.
Từ ngày 18/12/1974 đến 08/1/1975: Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp, phân tích thời cơ chiến lược và hạ quyết tâm lịch sử hoàn thành giải phóng miền Nam. Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương chọn Tây Nguyên làm hướng tiến công chiến lược có ý nghĩa chiến lược trong năm 1975, chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu để đánh trận then chốt đầu tiên và quyết định của chiến dịch. Ban Cán sự khu 9 và các huyện phụ cận huy động toàn bộ lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích đồng loạt nổ súng đánh địch khắp nơi ở làng ven thị, cùng các đội công tác tấn công vào các khu dồn dân, các ấp chiến lược, giải phóng vùng nông thôn và huy động hàng chục ngàn dân công cùng bộ đội mở đường từ Trường Sơn Tây xuyên thẳng vào hai thị xã Kon Tum và Pleiku để thực hiện kế hoạch nghi binh.
Ngày 04/3/1975, chiến dịch Tây Nguyên mở màn. Ngày 05/3/1975 ta tiêu diệt hai cứ điểm trên đồi Kon Dơng, giải phóng Hà Ra và Lệ Cần. Ngày 13/3/1975: Giải phóng quận lỵ Lệ Trung. Trước tình hình mới Ban Cán sự khu 9 họp đề ra nhiệm vụ: “Phát động toàn Đảng bộ và quân dân thị xã khẩn trương cùng quân chủ lực ra sức tấn công địch và nổi dậy giành quyền làm chủ từng phần ở cơ sở trong nội thị, giải phóng toàn bộ vùng ven thị, tiến tới giải phóng hoàn toàn thị xã”. Ngày 16/3, ở cánh Tây, bộ đội địa phương khu 9 phối hợp quân chủ lực giải phóng Bàu Cạn và quận lỵ Thanh An. Sáng 16/3, toàn bộ lực lượng khu 9 cùng các đơn vị bộ đội chia nhiều cánh tiến vào thị xã. Ngày 17/3/1975, thị xã Pleiku hoàn toàn giải phóng, cùng cả tỉnh, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
IV- ĐẢNG BỘ THỊ XÃ PLEIKU XÂY DỰNG VÀ CẢI TẠO THỊ XÃ THEO ĐƯỜNG LỐI XÃ HỘI CHỦ NGHĨA; LÃNH ĐẠO THỰC HIỆN ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI CỦA ĐẢNG, ĐƯA THỊ XÃ TRỞ THÀNH ĐÔ THỊ LOẠI III TRỰC THUỘC TỈNH GIA LAI (1975 – 2000)
Từ năm 1975-1976, Đảng bộ đã lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tiếp quản thị xã, kịp thời giải quyết những vấn đề nóng bỏng như giáo dục, cải tạo hàng vạn ngụy quân, ngụy quyền; giải quyết đời sống cho 2 vạn đồng bào bị cưỡng ép di tản trở về; giải quyết công ăn việc làm và đời sống cho đồng bào toàn thị xã; giải quyết những tệ nạn xã hội, từng bước ổn định tình hình, bước đầu giữ được an ninh trật tự, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ xây dựng, cải tạo thị xã đi lên chủ nghĩa xã hội.
Từ năm 1976 đến 1985, Đảng bộ và Chính quyền thị xã Pleiku đã tập trung lãnh đạo Nhân dân các dân tộc thị xã vượt qua những khó khăn, thách thức, vừa khôi phục kinh tế, vừa khắc phục hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh để lại; đồng thời đối phó với những âm mưu thủ đoạn bao vây tiến công từ nhiều phía của các thế lực thù địch, tập trung sức xây dựng thị xã, khôi phục và cải tạo, phát triển sản xuất nông nghiệp sau chiến tranh. Qua 10 năm xây dựng, cải tạo, từ một thị xã giải phóng vốn là căn cứ quân sự và là thị trường tiêu thụ hàng hóa, Pleiku đã trở thành thị xã mới, sản xuất nông, công nghiệp (bao gồm cả tiểu thủ công nghiệp) phát triển, giải quyết được căn bản nạn đói, nạn thất nghiệp, nạn mù chữ và khắc phục căn bản hậu quả của chủ nghĩa thực dân mới về văn hóa và lối sống trong Nhân dân, đời sống của người dân dần ổn định và được cải thiện từng bước.
Đến năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, Đảng bộ thành phố Pleiku đã đề ra nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh với những bước đi cụ thể vững chắc và đúng hướng. Trong giai đoạn này, tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp nhất là sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô sụp đổ (năm 1991), nhiều Đảng mất vai trò lãnh đạo, tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên lo lắng, hoang mang, dao động... tình hình khó khăn do khủng hoảng kinh tế - xã hội nên đời sống Nhân dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên, Đảng bộ thành phố đã làm tốt công tác tư tưởng, giữ vững nguyên tắc tư tưởng của Đảng, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; đấu tranh khắc phục những tư tưởng hoài nghi, dao động, góp phần ổn định tình hình tư tưởng trong Đảng bộ, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và ra sức khắc phục khó khăn, khôi phục kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân... đã đạt được nhiều kết quả. Kinh tế tăng trưởng bình quân trên 10%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ, du lịch, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, bà con nông dân đã tập trung thâm canh tăng năng suất, đã đưa các loại giống cây con có giá trị kinh tế cao và áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của Nhân dân ngày càng được cải thiện, toàn bộ các xã có đường ôtô đi vào các thôn làng, 90% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sạch, 70% số hộ có nhà kiên cố và bán kiên cố, thu nhập bình quân đầu người năm 1991 là 271USD đến năm 2000 là 540USD, tỷ lệ hộ nghèo năm 1991 là 12% đến năm 2000 giảm còn 2,72%. Với những kết quả đạt được, năm 1999, thị xã Pleiku được nâng cấp lên thành phố, là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Gia Lai.
  V- ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ PLEIKU LÃNH ĐẠO XÂY DỰNG ĐÔ THỊ LOẠI I TRỰC THUỘC TỈNH GIA LAI (TỪ NĂM 2000 ĐẾN NAY)
  Sau khi được nâng cấp lên thành phố, là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Gia Lai; Đảng bộ thành phố Pleiku tập trung lãnh đạo thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển toàn diện về mọi mặt; thực hiện các phong trào thi đua yêu nước gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Vì vậy, vào năm 2001, năm 2004 xảy ra cuộc bạo loạn chính trị, Đảng bộ thành phố Pleiku đã chỉ đạo giải quyết dứt điểm, giữ vững an ninh chính trị, ổn định phát triển kinh tế - xã hội. Đến năm 2009, thành phố Pleiku được công nhận là đô thị loại II trực thuộc tỉnh và chỉ hơn 10 năm sau đó, thành phố Pleiku đã được Thủ tướng công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh tại Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 22/01/2020.
Kinh tế của thành phố Pleiku có những bước phát triển vượt bậc, kinh tế của thành phố phát triển khá nhanh, tốc độ tốc độ giá trị sản xuất tăng bình quân gần 9,41%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Thu nhập bình quân đầu người tính đến cuối năm 2023 đạt 110,47 triệu đồng/người/năm (gấp 8,3 lần so với năm 2000). Thương mại và dịch vụ có mức tăng trưởng khá. Các dịch vụ vận tải, ngân hàng, bưu chính, viễn thông, bảo hiểm... tiếp tục mở rộng về quy mô, chất lượng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu  cầu của người dân. Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội và cộng đồng chung tay xây dựng, từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn. Hiện nay, thành phố có 8/8 số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, 11 làng đạt chuẩn làng nông thôn mới, thành phố Pleiku được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018.
Văn hóa, xã hội có nhiều bước tiến. Năm 2000, thành phố Pleiku hoàn thành phổ cập trung học cơ sở; đến năm 2008, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Ngoài hệ thống trường công lập, trong những năm qua thành phố khuyến khích, tạo điều kiện thành lập các trường ngoài công lập trên địa bàn thành phố([3]). Hiện nay, toàn thành phố Pleiku có 83 trường học, trong đó có 51 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 61,4%. Mạng lưới cơ sở y tế trên địa bàn đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân; 100% số trạm y tế xã, phường có bác sĩ khám, chữa bệnh; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên được duy trì 1,1%/năm; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế tăng từ 53,15% năm 2009 lên 93,56% năm 2023; bên cạnh đó, hệ thống tư nhân trên địa bàn thành phố phát triển khá mạnh như Bệnh viện Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai, Bệnh viện Hùng Vương... Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo hướng bền vững, đến nay thành phố không còn hộ đói, số hộ nghèo còn 149 hộ, tỷ lệ 0,24% (so với năm 2000 là 2,72%). 100% số làng đồng bào dân tộc thiểu số có sân tập thể thao, nhà sinh hoạt cộng đồng; hơn 98% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu thành phố Pleiku lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, thành phố đã bố trí ngân sách 111,6 tỷ đồng với 13 dự án đang triển khai, góp phần đưa vị thế của ngành du lịch thành phố tăng về số lượng khách và doanh thu. Trong năm 2023, trên địa bàn thành phố đón trên 825.000 lượt khách thăm quan, trong đó, khách quốc tế đạt 8.836 lượt. Doanh thu đạt 625,18 tỷ đồng tăng 39,6%. Từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng phúc lợi xã hội gắn với hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhiều dự án quy mô lớn đã được khởi công xây dựng tạo đột phá cho sự phát triển của thành phố và tạo điểm nhấn đô thị như: Khu đô thị Hội Phú, đường Nguyễn Văn Linh, đường Quyết Tiến nối dài... Phối hợp tổ chức thành công các sự kiện văn hóa, thể thao, lễ, hội diễn ra trên địa bàn như Ngày Hội quảng bá du lịch Pleiku và kết nối du lịch các thành phố ở Tây Nguyên với thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên; Giải chạy bộ “Gia Lai City Trail 2023 - Giấc mơ đại ngàn”, Giải Việt dã truyền thống Kpă KLơng, Tuần lễ văn hóa - du lịch, Festival cồng chiêng tỉnh Gia Lai,… Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Pleiku đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên cơ sở phát huy bản sắc văn hóa, tiềm năng, thế mạnh và điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường, hướng đến xây dựng “Đô thị thông minh, thành phố cao nguyên xanh vì sức khỏe”.
Trải qua 70 năm đấu tranh, xây dựng và trưởng thành Đảng bộ thành phố Pleiku (15/9/1954 - 15/9/2024) qua 12 kỳ Đại hội, Đảng bộ thành phố Pleiku đã có những quyết sách lớn, đề ra những chủ trương đúng đắn để lãnh đạo chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cũng như trong hòa bình xây dựng Đảng đã tập hợp và phát huy vai trò của quần chúng, luôn quán triệt tinh thần sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng Nhân dân, tập hợp các lực lượng trong toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, hăng hái thi đua kháng chiến cứu quốc lập nên những chiến công hiển hách đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, hoà cùng khí thế thi đua sôi nổi của cả nước, vận dụng linh hoạt và sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng vào tình hình thực tiễn của địa phương trong từng giai đoạn, từng thời kỳ cách mạng. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào tình hình thực tiễn của địa phương, tập trung chỉ đạo đồng bộ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; gắn giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ công bằng xã hội. Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị, có chuyên môn nghiệp vụ và năng lực thực tiễn, tâm huyết với công việc là điều kiện quan trọng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao. Chính vì vậy, từ một thị xã hoang tàn đỗ nát sau chiến tranh, Đảng bộ quân và dân thị xã Pleiku bắt tay xây dựng lại từ đầu, đoàn kết một lòng, để hôm nay trở thành một thành phố trẻ năng động, sáng tạo và giàu tiềm năng kinh tế - xã hội.
Với những kết quả đạt được sau 70 năm đấu tranh, xây dựng Đảng bộ thành phố và 95 năm kể từ ngày thành lập đô thị Pleiku, Đảng bộ và Nhân dân thành phố Pleiku được Nhà nước tặng thưởng Huân chương độc lập Hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác... Tự hào với những kết quả đạt được, phát huy truyền thống đoàn kết và ý chí tự lực, tự cường, trong thời gian tới, Đảng bộ thành phố Pleiku lãnh đạo Nhân dân tranh thủ tiếp tục thời cơ, tận dụng nguồn lực, vượt qua khó khăn, thách thức; xác định rõ các vấn đề trọng tâm, trọng điểm, các khâu đột phá, sáng tạo và giải quyết những vấn đề bức thiết của thực tiễn địa phương nhằm biến khát vọng xây dựng “Đô thị thông minh, thành phố cao nguyên xanh vì sức khỏe” trở thành hiện thực trong tương lai.
                                           BAN TUYÊN GIÁO THÀNH ỦY PLEIKU
 
 
([1]) Thống kê đến tháng 12 năm 2023.
([2]) Chưa xác định được tên đồng chí đảng viên mang bí danh “Thề” của Chi bộ (theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Gia Lai (1945 – 2005), trang 134).
([3]) Hiện nay, trên địa bàn thành phố có có 20 trường ngoài công lập (17 trường Mầm non, 03 trường phổ thông).