Đảng ủy phường Hoa Lư tổ chức Hội nghị

CHUYÊN MỤC

Bộ Thủ tục hành chính công
Quy hoạch - kế hoạch
Thông tin tuyên truyền
Làm theo lời Bác
Góp ý cá nhân, tổ chức
Hỏi đáp
Lịch công tác

BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG ĐUỐI NƯỚC

Ngày đăng bài: 25/03/2024
     Theo báo cáo của ngành Y tế nước ta, trung bình mỗi ngày có hàng chục trẻ em bị đuối nước. Đuối nước không chỉ xảy ra ở sông, suối, ao hồ... mà còn có thể xảy ra ngay tại nhà ở, trường học, nơi làm việc... Vì vậy, mỗi người cần trang bị thêm cho mình kiến thức về cách phòng tránh và kỹ năng xử trí tai nạn đuối nước để vận dụng vào thực tế khi gặp các tình huống này xảy ra.

Một số biện pháp phòng ngừa đuối nước
1. Tránh xa những nơi sông nước nguy hiểm như: Không nên rủ nhau đi tắm ao, hồ, sông suối… trong khi không biết bơi. Không nên đi lại, chơi gần những nơi như: ao, hồ, sông suối hoặc bể nước, cống rãnh, miệng giếng… không có nắp đậy. Các hố ao sâu gây nguy hiểm cho trẻ em như hố vôi tôi, hố lấy đất làm gạch ngói, hố lấy cát, hố lấy nước tưới hoa màu… cần phải tránh xa.
2. Luôn theo dõi trẻ em khi trẻ xuống nước hoặc chơi gần ao, hồ, bồn tắm…
3. Chỉ cho trẻ bơi ở những khu vực có nhân viên cứu hộ
4. Nếu nhà có hồ bơi, nên lắp rào chắn xung quanh hồ bơi
5. Không để con bơi một mình
6. Người lớn, trẻ nhỏ luôn đeo áo phao khi đi thuyền
7. Cho trẻ học bơi (trẻ trên 4 tuổi) ở các lớp học về an toàn dưới nước
8. Người chăm sóc nên biết cách hồi sức tim phổi (kết hợp ấn ngực và hô hấp nhân tạo bằng miệng)
Lưu ý khi trẻ đi tắm biển và bể bơi
- Phải có phao bơi an toàn
- Không được cho trẻ tắm một mình, xa tầm mắt người lớn, không rời mắt khỏi trẻ
- Không để đồ chơi ở bể bơi khiến trẻ cố với
- Chọn độ sâu phù hợp cho trẻ
- Không cho trẻ nhai kẹo cao su trong lúc bơi
Cách sơ cứu khi bị ngạt nước
Bước 1: Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao hoặc chèo thuyền vớt nạn nhân lên. Tuyệt đối không nên nhảy xuống nước cứu người khi không biết bơi.
Bước 2: Đặt nạn nhân nằm chỗ khô ráo, thoáng khí.
Bước 3: Nếu nạn nhân bất tỉnh, hãy kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không.
- Nếu lồng ngực không di động, tức là nạn nhân ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo (thổi ngạt bằng miệng) ngay lập tức. Sau khi thổi ngạt 2 cái, cần kiểm tra xem tim nạn nhân còn đập hay không bằng cách bắt mạch cảnh, bẹn, hoặc áp tai vào lồng ngực bên trái xem có tiếng tim đập không.
- Nếu không bắt được mạch chứng tỏ tim nạn nhân đã ngừng đập, cần phải hô hấp nhân tạo kèm theo ép tim ngoài lồng ngực (ép ở 1/2 dưới xương ức bên trái) theo tỷ lệ 15/2 (nghĩa là ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người, hoặc 30/2 nếu có 1 người. Sau đó vừa làm vừa đưa nạn nhân đi bệnh viện.
- Nếu nạn nhân còn tự thở, cho nạn nhân nằm nghiêng sang một bên. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến bệnh viện gần nhất vì có thể sẽ xảy ra khó thở tái diễn (khó thở thứ phát) vài giờ sau ngạt nước.
Những việc làm không đúng cần tránh khi sơ cứu nạn nhân đuối nước
- Nhiều người thường có thói quen dốc ngược nạn nhân, vác lên vai rồi chạy, đây là hành động hoàn toàn sai vì nó làm mất thời gian quý giá để hô hấp nhân tạo cứu sống bệnh nhân. Do khi ngạt nước, nước ở trong phổi không nhiều như mọi người nghĩ, nó sẽ được tống ra ngoài khi ta hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực và khi bệnh nhân thở trở lại.
- Phải cấp cứu thổi ngạt ngay khi đưa nạn nhân lên khỏi mặt nước. Các nạn nhân ngưng thở ngưng tim, nếu không được cấp cứu thổi ngạt và ấn tim tại nơi xảy ra tai nạn hoặc trong lúc vận chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế dễ khiến cho não và các cơ quan thiếu oxy kéo dài, chết tế bào não dẫn tới tử vong và di chứng não nặng nề.
“Không để xảy ra đuối nước là hạnh phúc của mỗi gia đình, trường học và xã hội”. Hãy chung tay trong công tác phòng, chống đuối nước ngay hôm nay, góp cho tươi sáng ngày mai.

z5282581347508_b8921f15c043a93892c88c4f5d173873-(1).jpg