CHUYÊN MỤC

Bộ Thủ tục hành chính công
Cơ cấu tổ chức
Hỏi đáp - Góp ý
Quy hoạch - Kế hoạch
Phổ biến pháp luật
Thủ tục hành chính mức độ 2
TRACUU.png

HOP-THU-DIEN-TU1-(1).jpg

HOP-THU-DIEN-TU1-(1).jpg

HOP-THU-DIEN-TU1-(1).jpg

HOP-THU-DIEN-TU1-(1).jpg
 

(Phần 7/2019) Tuyên truyền pháp luật

Ngày đăng bài: 11/07/2019

Tiếp theo phần 6 chủ đề tìm hiểu luật Hộ tịch dưới hình thức hỏi - trả lời hôm nay gồm các nội dung dưới đây:

Hỏi: Thẩm quyền đăng ký khai tử của Ủy ban nhân dân cấp xã được quy định như thế nào?
Trả lời:
Điều 32 Luật Hộ tịch quy định thẩm quyền đăng ký khai tử của Ủy ban nhân dân cấp xã như sau:
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người chết thực hiện việc đăng ký khai tử. Trường hợp không xác định được nơi cư trú cuối cùng của người chết thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết thực hiện việc đăng ký khai tử.
 
Hỏi: Thời hạn đăng ký khai tử là bao nhiêu ngày? Cá nhân, tổ chức nào có trách nhiệm đăng ký khai tử?
Trả lời:
Điều 33 Luật Hộ tịch quy định về thời hạn và trách nhiệm đăng ký khai tử cụ thể như sau:
1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có người chết thì vợ, chồng hoặc con, cha, mẹ hoặc người thân thích khác của người chết có trách nhiệm đi đăng ký khai tử; trường hợp người chết không có người thân thích thì đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm đi khai tử.
2. Công chức tư pháp - hộ tịch thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc khai tử cho người chết; trường hợp không xác định được người có trách nhiệm đi khai tử thì công chức tư pháp - hộ tịch thực hiện đăng ký khai tử.
 
Hỏi: Người có trách nhiệm đi đăng ký khai tử phải thực hiện theo những thủ tục nào?
Trả lời:
Điều 34 Luật Hộ tịch quy định thủ tục đăng ký khai tử, cụ thể như sau:
1. Người có trách nhiệm đi đăng ký khai tử nộp tờ khai theo mẫu quy định và Giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay giấy báo tử cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
2. Ngay sau khi nhận giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc khai tử đúng thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung khai tử vào Sổ hộ tịch, cùng người đi khai tử ký tên vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người đi khai tử.
Công chức tư pháp - hộ tịch khóa thông tin hộ tịch của người chết trong Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
  
Hỏi: Khi thực hiện yêu cầu đăng ký khai tử cần phải xác định những nội dung nào?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ thì:
Khi đăng ký khai tử theo quy định của Luật Hộ tịch, nội dung khai tử phải bao gồm các thông tin: Họ, chữ đệm, tên, năm sinh của người chết; số định danh cá nhân của người chết, nếu có; nơi chết; nguyên nhân chết; giờ, ngày, tháng, năm chết theo dương lịch; quốc tịch nếu người chết là người nước ngoài.
Nội dung đăng ký khai tử được xác định theo Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử do cơ quan có thẩm quyền sau đây cấp:
a) Đối với người chết tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế cấp Giấy báo tử;
b) Đối với người chết do thi hành án tử hình thì Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình cấp giấy xác nhận việc thi hành án tử hình thay Giấy báo tử;
c) Đối với người bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì Bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thay Giấy báo tử;
d) Đối với người chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn, bị giết, chết đột ngột hoặc chết có nghi vấn thì văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y thay Giấy báo tử;
đ) Đối với người chết không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d của khoản này thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết có trách nhiệm cấp Giấy báo tử.
 
Hỏi: Trong trường hợp nào thì được đăng ký lại khai tử? thẩm quyền đăng ký lại khai tử được quy định như thế nào?
Trả lời:
1. Tại Điều 24 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định điều kiện đăng ký khai tử như sau:
a) Việc khai tử đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01 tháng 01 năm 2016 nhưng Sổ bộ đăng ký khai tử và bản chính Giấy chứng tử đều bị mất thì được đăng ký lại.
b) Người yêu cầu đăng ký lại khai tử có trách nhiệm nộp đầy đủ bản sao giấy tờ, tài liệu có nội dung liên quan đến việc đăng ký lại.
2. Tại khoản 2 Điều 25 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định thẩm quyền đăng ký lại khai tử, như sau:
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký khai tử trước đây thực hiện đăng ký lại khai tử.
 
Hỏi: Việc đăng ký lại khai tử được thực hiện theo thủ tục như thế nào?
Trả lời:
Điều 28 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định thủ tục đăng ký lại khai tử, như sau:
1. Hồ sơ đăng ký lại khai tử gồm các giấy tờ sau đây:
a) Tờ khai theo mẫu quy định;
b) Bản sao Giấy chứng tử trước đây được cấp hợp lệ. Nếu không có bản sao Giấy chứng tử hợp lệ thì nộp bản sao hồ sơ, giấy tờ liên quan có nội dung chứng minh sự kiện chết.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, công chức tư pháp - hộ tịch kiểm tra hồ sơ. Nếu xét thấy các thông tin là đầy đủ, chính xác và việc đăng ký lại khai tử là đúng pháp luật thì báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký cấp bản chính trích lục hộ tịch cho người có yêu cầu; ghi nội dung đăng ký lại khai tử vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu khai tử ký, ghi rõ họ tên vào Sổ hộ tịch.
Trường hợp cần xác minh thì thời hạn giải quyết không quá 10 ngày làm việc.
 
Hỏi: Cách ghi Trích lục khai tử, Sổ đăng ký khai tử được hướng dẫn thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Điều 23 Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn cách ghi Trích lục khai tử, Sổ đăng ký khai tử, cụ thể như sau:
1. Họ, chữ đệm, tên người chết phải viết bằng chữ in hoa, có dấu.
2. Mục “Đã chết vào lúc” được ghi theo Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử quy định tại khoản 2 Điều 4 của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP (Giấy báo tử do Thủ trưởng cơ sở y tế cấp; giấy xác nhận việc thi hành án tử hình thay Giấy báo tử do Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình cấp; Bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố một người là đã chết thay Giấy báo tử; văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y thay Giấy báo tử đối với người chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn, bị giết, chết đột ngột hoặc chết có nghi vấn; có trách nhiệm cấp Giấy báo tử do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết cấp cho trường hợp người chết không thuộc một trong các trường hợp như vừa nêu), trong đó ghi rõ giờ, phút, ngày, tháng, năm chết bằng số và bằng chữ; trường hợp không rõ giờ, phút chết thì bỏ trống.
3. Mục “Nơi chết” ghi rõ tên cơ sở y tế và địa danh hành chính nơi có trụ sở của cơ sở y tế trong trường hợp chết tại cơ sở y tế.
Trường hợp chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn, chết tại trại giam, trại tạm giam, nơi thi hành án tử hình, tại trụ sở cơ quan, tổ chức hoặc không xác định được nơi chết thì ghi địa danh hành chính đủ 3 cấp (xã, huyện, tỉnh) nơi người đó chết hoặc nơi phát hiện thi thể người chết.
4. Mục “Nguyên nhân chết” được ghi theo Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử quy định tại khoản 2 Điều 4 của Nghị định số 123/2015/NĐ-CP; trường hợp chưa xác định được nguyên nhân chết thì để trống.
5. Phần ghi về Giấy báo tử/giấy tờ thay Giấy báo tử phải ghi rõ tên giấy tờ; số, ngày, tháng, năm cấp; cơ quan, tổ chức cấp.
Ví dụ: Giấy báo tử số 05/UBND-GBT, Ủy ban nhân dân phường Lam Sơn, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng cấp ngày 05/01/2016.
Trang chủ     |     Tin tức     |     Liên hệ     |     Mobile     |     Site map

Copyright © 2013 Bản quyền thuộc về UBND TP Pleiku
Chịu trách nhiệm chính: ...  
Địa chỉ: Xã Chư Á,  TP. Pleiku, Gia Lai - Điện thoại:0593 830 155  - Fax: 059. 3828 414 - Email: chua.pleiku@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai