CHUYÊN MỤC

Bộ Thủ tục hành chính công
Cơ cấu tổ chức
Hỏi đáp - Góp ý
Quy hoạch - Kế hoạch
Phổ biến pháp luật
Thủ tục hành chính mức độ 2
TRACUU.png

HOP-THU-DIEN-TU1-(1).jpg

HOP-THU-DIEN-TU1-(1).jpg

HOP-THU-DIEN-TU1-(1).jpg

HOP-THU-DIEN-TU1-(1).jpg
 

(Phần 2/2019) Tuyên truyền pháp luật

Ngày đăng bài: 12/02/2019

Tiếp theo phần 1 chủ đề tìm hiểu luật Hộ tịch dưới hình thức hỏi - trả lời hôm nay gồm các nội dung dưới đây:

Hỏi: Việc xuất trình, nộp giấy tờ khi đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch được quy định như thế nào?
Trả lời:
Tại Điều 2 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định về xuất trình, nộp giấy tờ khi đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch, cụ thể như sau:
1. Người yêu cầu đăng ký hộ tịch, cấp bản sao trích lục hộ tịch xuất trình bản chính một trong các giấy tờ là hộ chiếu, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh và thông tin cá nhân do cơ quan có thẩm quyền cấp, còn giá trị sử dụng (sau đây gọi là giấy tờ tùy thân) để chứng minh về nhân thân. Trong giai đoạn chuyển tiếp, người yêu cầu đăng ký hộ tịch phải xuất trình giấy tờ chứng minh nơi cư trú.
2. Đối với đăng ký khai sinh: phải nộp bản chính Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ thay Giấy chứng sinh (như văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh); trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật.
3. Đối với đăng ký khai tử: phải nộp bản chính Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử, gồm:
a) Đối với người chết tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế cấp Giấy báo tử;
b) Đối với người chết do thi hành án tử hình thì Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình cấp giấy xác nhận việc thi hành án tử hình thay Giấy báo tử;
c) Đối với người bị Tòa án tuyên bố là đã chết thì Bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án thay Giấy báo tử;
d) Đối với người chết trên phương tiện giao thông, chết do tai nạn, bị giết, chết đột ngột hoặc chết có nghi vấn thì văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y thay Giấy báo tử;
đ) Đối với người chết không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d của khoản 3 này thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết có trách nhiệm cấp Giấy báo tử.
4. Đối với đăng ký kết hôn: phải nộp bản chính Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
5. Giấy tờ bằng tiếng nước ngoài sử dụng để đăng ký hộ tịch tại Việt Nam phải được dịch ra tiếng Việt và công chứng bản dịch hoặc chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật.
6. Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước có chung đường biên giới với Việt Nam (nước láng giềng) lập, cấp, xác nhận sử dụng để đăng ký hộ tịch theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 7 của Luật Hộ tịch (đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra tại Việt Nam có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới, còn người kia là công dân của nước láng giềng thường trú tại khu vực biên giới với Việt Nam; kết hôn, nhận cha, mẹ, con của công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam; khai tử cho người nước ngoài cư trú ổn định lâu dài tại khu vực biên giới của Việt Nam) được miễn hợp pháp hóa lãnh sự; dịch ra tiếng Việt và có cam kết của người dịch về việc dịch đúng nội dung.
7. Bản sao giấy tờ trong hồ sơ đăng ký hộ tịch là bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc chứng thực từ bản chính theo quy định của pháp luật; trường hợp người yêu cầu nộp bản sao không được chứng thực thì phải xuất trình bản chính để đối chiếu.
 
Hỏi: Cách thức nộp và tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ tịch được quy định như thế nào?
Trả lời:
Điều 3 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định cách thức nộp và tiếp nhận hồ sơ đăng ký hộ tịch, cụ thể như sau:
1. Người yêu cầu đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con, đăng ký lại kết hôn trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch; người yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch khác có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch, gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc gửi hồ sơ theo hệ thống đăng ký hộ tịch trực tuyến.
Hồ sơ đăng ký hộ tịch chỉ cần lập một (01) bộ.
2. Người tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra các giấy tờ để đối chiếu thông tin trong Tờ khai và tính hợp lệ của giấy tờ trong hồ sơ do người yêu cầu nộp, xuất trình; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người yêu cầu bổ sung hoàn thiện. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, người tiếp nhận hồ sơ viết giấy tiếp nhận, trong đó ghi rõ ngày, giờ trả kết quả.
Trường hợp người yêu cầu nộp giấy tờ là bản sao được cấp từ sổ gốc hoặc bản sao được chứng thực từ bản chính thì người tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu xuất trình bản chính; nếu người yêu cầu chỉ nộp bản chụp và xuất trình bản chính thì người tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, đối chiếu bản chụp với bản chính và ký vào bản chụp xác nhận về việc đã đối chiếu nội dung giấy tờ đó.
Trường hợp pháp luật quy định giấy tờ xuất trình thì người tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu nộp thêm bản sao hoặc bản chụp của giấy tờ xuất trình.
3. Trường hợp người yêu cầu gửi hồ sơ qua hệ thống bưu chính hoặc muốn nhận kết quả qua hệ thống bưu chính thì phải gửi nộp lệ phí đăng ký hộ tịch, lệ phí cấp bản sao trích lục hộ tịch nếu không thuộc diện được miễn lệ phí và chi phí trả kết quả qua hệ thống bưu chính. Người tiếp nhận hồ sơ ghi rõ phương thức trả kết quả trong giấy tiếp nhận.
Được trả kết quả qua hệ thống bưu chính đối với yêu cầu ghi vào sổ hộ tịch các việc hộ tịch do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài giải quyết, bao gồm khai sinh; kết hôn; giám hộ; nhận cha, mẹ, con; xác định cha, mẹ, con; nuôi con nuôi; thay đổi hộ tịch; khai tử; ly hôn; hủy hôn nhân trái pháp luật và yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch theo quy định tại Điều 63 của Luật Hộ tịch.
4. Đối với việc đăng ký hộ tịch phải tiến hành xác minh theo quy định của Luật Hộ tịch và Nghị định này thì thời gian gửi văn bản yêu cầu và thời gian trả lời kết quả không tính vào thời hạn giải quyết việc hộ tịch cụ thể.
 
Hỏi: Cá nhân có quyền, nghĩa vụ như thế nào trong đăng ký hộ tịch?
Trả lời:
Điều 6 Luật Hộ tịch quy định quyền, nghĩa vụ trong đăng ký hộ tịch của cá nhân, cụ thể như sau:
1. Công dân Việt Nam, người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam có quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch. Quy định này cũng được áp dụng đối với công dân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
2. Trường hợp kết hôn, nhận cha, mẹ, con thì các bên phải trực tiếp thực hiện tại cơ quan đăng ký hộ tịch. Đối với các việc đăng ký hộ tịch khác hoặc cấp bản sao trích lục hộ tịch thì người có yêu cầu trực tiếp hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện.
3. Người chưa thành niên, người đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự yêu cầu đăng ký hộ tịch hoặc cấp bản sao trích lục hộ tịch thông qua người đại diện theo pháp luật.
 
Hỏi: Khi người có yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, đăng ký các việc hộ tịch mà không trực tiếp thực hiện thì có được ủy quyền cho người khác thực hiện thay không? Việc ủy quyền được thực hiện như thế nào?
Trả lời:
Điều 2 Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc ủy quyền yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch, cụ thể như sau:
1. Người yêu cầu cấp bản sao trích lục hộ tịch, yêu cầu đăng ký các việc hộ tịch theo quy định tại Điều 3 của Luật Hộ tịch được ủy quyền cho người khác thực hiện thay, trừ trường hợp đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con. 
2. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản, được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật; phạm vi ủy quyền có thể gồm toàn bộ công việc theo trình tự, thủ tục đăng ký hộ tịch từ khi nộp hồ sơ đến khi nhận kết quả đăng ký hộ tịch.
Trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải công chứng, chứng thực, nhưng phải có giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người ủy quyền.
3. Khi nộp hồ sơ đăng ký kết hôn, đăng ký lại việc kết hôn, đăng ký nhận cha, mẹ, con, một bên có yêu cầu có thể trực tiếp nộp hồ sơ tại cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền mà không cần có văn bản ủy quyền của bên còn lại.
Hết phần 2. Mời quý bạn đọc đón xem tiếp phần 3 vào tháng sau.
Trang chủ     |     Tin tức     |     Liên hệ     |     Mobile     |     Site map

Copyright © 2013 Bản quyền thuộc về UBND TP Pleiku
Chịu trách nhiệm chính: ...  
Địa chỉ: Xã Chư Á,  TP. Pleiku, Gia Lai - Điện thoại:0593 830 155  - Fax: 059. 3828 414 - Email: chua.pleiku@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai