CHUYÊN MỤC

Quảng bá du lịch xã
Bộ Thủ tục hành chính công
Quy hoạch - kế hoạch
Làm theo lời Bác
Thông tin tuyên truyền
Góp ý cá nhân, tổ chức
Hỏi đáp
Lịch công tác

TÀI LIỆU GIỚI THIỆU LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI

Ngày đăng bài: 28/07/2021
Ngày 19/6/2020, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021.
I. CÁC NỘI DUNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CỤ THỂ
1. Về đại biểu Quốc hội:
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội cơ bản giữ nguyên các quy định về vị trí, vai trò và nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội như Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành. Theo đó, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội. Để tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các nội dung liên quan đến đại biểu Quốc hội, Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định cụ thể như sau:
a) Về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội:
Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành quy định tiêu chuẩn về quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội còn chưa thật cụ thể nên qua công tác bầu cử và xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIV cho thấy, đã có trường hợp người ứng cử có đồng thời quốc tịch Việt Nam và quốc tịch 01 nước khác. 
Vì vậy, để bảo đảm tính chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tránh xảy ra vi phạm trong quá trình bầu cử đại biểu Quốc hội như nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Luật đã bổ sung một khoản quy định về tiêu chuẩn quốc tịch đối với đại biểu Quốc hội. Theo đó, ngoài những tiêu chuẩn chung bao gồm: (1) Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn Minh; (2) Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác; (3) Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội; (4) Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm; (5) Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội còn phải đáp ứng tiêu chuẩn về quốc tịch, đó là có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam (khoản 1a Điều 22). 
b) Về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách:
Thực hiện chủ trương của Đảng về tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội đã tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội (khoản 2 Điều 23). Quy định này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho công tác quy hoạch, chuẩn bị nguồn nhân sự để giới thiệu tham gia ứng cử làm đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách từ Quốc hội khóa XV sắp tới, từ đó tăng cường tính chuyên nghiệp, góp phần quan trọng cho việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Trong quá trình Quốc hội thảo luận, cũng có ý kiến đề nghị giữ quy định về tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ít nhất là 35% tổng số đại biểu Quốc hội như Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành để bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với khả năng sắp xếp bố trí nhân sự và tình hình thực tiễn hiện nay. Tuy nhiên, sau khi thảo luận, cân nhắc kỹ, Quốc hội đã quyết định nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội nhằm thể hiện quyết tâm cao trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội nói chung và đại biểu Quốc hội chuyên trách nói riêng. Để bảo đảm tính khả thi của quy định này, trong thời gian tới, Đề án bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV sẽ cụ thể hóa các nội dung liên quan cũng như xem xét việc bố trí hợp lý số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở từng địa phương.
c) Về công tác quản lý cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách:
Hiện nay, việc phân cấp quản lý cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương đang được thực hiện theo Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 353/2017/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, công tác quản lý cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách ở địa phương bao gồm nhiều nội dung và có nhiều điểm đặc thù, đòi hỏi có sự phân công, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ ở trung ương và địa phương, đặc biệt là trong việc đánh giá hoạt động, thi đua, khen thưởng, điều động, luân chuyển... đối với đại biểu Quốc hội.
Vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội đã bổ sung quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc quản lý công tác cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách của địa phương mình (khoản 3a Điều 43); đồng thời giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về việc thực hiện công tác cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu, chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm khác đối với đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (khoản 1 Điều 54). Theo đó, những nội dung liên quan đến đại biểu Quốc hội như quản lý biên chế, nội dung, tiêu chí, cách thức đánh giá hoạt động của đại biểu Quốc hội, việc tiếp xúc cử tri, việc chuyển công tác, chuyển sinh hoạt đến Đoàn đại biểu Quốc hội khác, việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu, thi đua, khen thưởng... sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định, hướng dẫn để phù hợp với phạm vi phân cấp, gắn với trách nhiệm của chính quyền địa phương và tình hình thực tế trong từng giai đoạn.
Bên cạnh đó, kế thừa quy định của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành, Luật tiếp tục quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách phải tham gia hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các hội nghị khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập (khoản 3 Điều 26); bổ sung quy định đại biểu Quốc hội hoạt động không chuyên trách có quyền đăng ký tham dự hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận về những nội dung mà đại biểu quan tâm. Việc quy định như vậy nhằm tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm cũng có thể tham dự hoặc được cung cấp thông tin về các hội nghị do Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập, từ đó nâng cao chất lượng các nội dung được thảo luận, cho ý kiến tại hội trường của mỗi kỳ họp Quốc hội.
2. Về Đoàn đại biểu Quốc hội
Từ khi được ghi nhận trong Luật Tổ chức Quốc hội năm 1960 đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội đã phát huy vai trò tổ chức, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội thực hiện nhiệm vụ đại biểu tại địa phương, đồng thời giúp duy trì mối quan hệ gắn kết giữa Quốc hội với địa phương, là nơi tập hợp kiến nghị, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cả chính quyền và cử tri địa phương đến với Quốc hội.
Vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội tiếp tục giữ quy định về địa vị pháp lý của Đoàn đại biểu Quốc hội là tổ chức của các đại biểu Quốc hội được bầu tại một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc được chuyển đến công tác tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như Luật hiện hành và tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định sau đây:
a)Về kinh phí hoạt động của Đoàn:
Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành quy định kinh phí hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội là một khoản trong ngân sách nhà nước do Quốc hội quyết định. Trong quá trình thực hiện thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo yêu cầu của Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tại 12 địa phương thực hiện thí điểm[1] được quy định do ngân sách địa phương bảo đảm theo phân bổ dự toán do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định. Quy định này đã làm phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động của Đoàn. Vì vậy, để bảo đảm cho Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chủ động trong kế hoạch hoạt động, Luật đã quy định nội dung về kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội do ngân sách trung ương bảo đảm. Theo đó, tại khoản 1 Điều 101 của Luật Tổ chức Quốc hội được sửa đổi như sau: Kinh phí hoạt động của Quốc hội là một khoản trong ngân sách nhà nước do Quốc hội quyết định, bao gồm kinh phí hoạt động chung của Quốc hội, kinh phí hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, kinh phí hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, lương của đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, hoạt động phí, thù lao tham gia hoạt động Quốc hội, các khoản phụ cấp và các chế độ của đại biểu Quốc hội gắn với hoạt động của Quốc hội.
Đối với kinh phí bảo đảm hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện thí điểm Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ được hợp nhất với cơ quan khác và thuộc quyền quản lý của địa phương. Vì vậy, Luật quy định kinh phí hoạt động của bộ máy giúp việc Đoàn đại biểu Quốc hội do ngân sách địa phương bảo đảm để phù hợp với thực tiễn bố trí, sử dụng, tránh việc có nhiều chế độ, nhiều nguồn kinh phí trong một cơ quan, khó cho công tác quản lý, kiểm soát chung.
b) Về bộ máy giúp việc của Đoàn:
Theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành thì Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương. Để thực hiện Nghị quyết số  18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) và Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội, ngày 04/10/2018, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tuy nhiên, theo Báo cáo tổng kết số 232/BC-CP ngày 18/5/2020 của Chính phủ sau hơn một năm thực hiện thí điểm cho thấy, việc tổ chức một Văn phòng giúp việc chung cho 03 cơ quan theo mô hình thí điểm quy định tại Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 chưa thực sự đáp ứng được mục tiêu đề ra là nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc cho Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chưa rõ được vai trò tham mưu trong hoạt động giám sát và quản lý, điều hành giữa cơ quan đại diện với cơ quan quản lý. Vì vậy, trên cơ sở kết quả thực hiện thí điểm và theo đề nghị của Chính phủ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội đã quy định: Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của các đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tại địa phương. Đồng thời, Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm hợp nhất 03 Văn phòng theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quyết định sẽ tổ chức Văn phòng tham mưu, giúp việc, phục vụ chung cho Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng tham mưu, giúp việc, phục vụ riêng cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Để bảo đảm cơ cở pháp lý cho việc triển khai thực hiện, Luật đã bổ sung quy định chuyển tiếp để xác định lộ trình hoàn thành việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Theo đó, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội được thành lập theo Nghị quyết số 1097/2015/UBTVQH13 ngày 22/12/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 tiếp tục hoạt động cho đến khiVăn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được thành lập để tham mưu, giúp việc, phục vụ chung hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải hoàn thành trước ngày 01/7/2021.
3. Về Ủy ban Thường vụ Quốc hội
So với quy định của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội đã bổ sung một số quy định sau đây:
a) Về nguyên tắc hoạt động và chế độ báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
Luật đã bổ sung quy định về nguyên tắc hoạt động và chế độ báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm tương thích với các quy định về nguyên tắc hoạt động và chế độ báo cáo của Quốc hội, các cơ quan Quốc hội. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số. Pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thông qua khi có quá nửa tổng số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành.Tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi báo cáo công táccủa mình đến đại biểu Quốc hội. Tại kỳ họp cuối năm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình báo cáo công tác nhiệm kỳ để Quốc hội xem xét, thảo luận (khoản 4, 5 Điều 44). Việc bổ sung các quy định này sẽ làm rõ chế độ báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước Quốc hội, đồng thời bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
b) Về việc triệu tập hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách:
Luật đã bổ sung quy định về trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc triệu tập, tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách căn cứ vào yêu cầu, tình hình thực tiễn để tăng cường hiệu quả hoạt động của đội ngũ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (khoản 7 Điều 47). Việc tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách là cần thiết nhằm phát huy vai trò, trí tuệ tập thể của các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong việc tham gia ý kiến về các dự án luật. Tuy nhiên, thực tế vừa qua cho thấy, không phải kỳ họp nào cũng có thể và cần thiết phải tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (như trước kỳ họp thứ nhất của Quốc hội hoặc do tình hình dịch bệnh Covid –19 diễn biến phức tạp nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không tổ chức được hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trước kỳ họp thứ 9 như đã dự kiến). Do đó, việc quy định căn cứ vào yêu cầu, tình hình thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trước mỗi kỳ họp Quốc hội giúp bảo đảm tính khả thi của quy định này.
c) Về một số nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: 
Để khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện công tác quản lý cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách trong thời gian qua, Luật đã bổ sung quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, phê chuẩn số lượng và danh sách đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại Đoàn đại biểu Quốc hội để bảo đảm tính linh hoạt và phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương(khoản 3a Điều 43). Đồng thời, bổ sung thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc quy định cụ thể việc thực hiện công tác quản lý cán bộ đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại địa phương, việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu, chế độ, chính sách và các điều kiện bảo đảm khác đối với đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách (khoản 1 Điều 54).
Về trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức trưng cầu ý dân, cùng với Luật Tổ chức Quốc hội, một vài luật chuyên ngành khác như: Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Trưng cầu ý dân... đều có quy định cụ thể về thẩm quyền, trách nhiệm và quy trình, thủ tục thực hiện để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể thuộc chức năng của Quốc hội. Điều này dẫn đến việc quy định trùng lắp, có khi còn thiếu thống nhất về cùng một nội dung giữa các luật[2], nếu tiếp tục duy trì cách quy định một nội dung ở cả hai luật như hiện nay sẽ gây khó khăn trong quá trình thực hiện và sửa đổi luật. Vì vậy, Luật đã sửa đổi theo hướng quy định khái quát về trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức trưng cầu ý dân theo hướng viện dẫn đến Luật Trưng cầu ý dân. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức trưng cầu ý dân theo quyết định của Quốc hội và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong việc trưng cầu ý dân theo quy định của Luật Trưng cầu ý dân (Điều 59).
4. Về Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội
So với quy định của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tổ chức Quốc hội đã bổ sung một số quy định sau đây:
a) Về tên gọi của một số Ủy ban:
Một trong những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội là đổi tên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thành Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và đổi tên Ủy ban về các vấn đề Xã hội thành Ủy ban Xã hội để bắt đầu thực hiện từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Việc đổi tên gọi của 02 Ủy ban là để bảo đảm ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, thể hiện được lĩnh vực hoạt động chủ yếu của cơ quan.
b) Về cơ cấu của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội:
Luật hiện hành quy định Hội đồng Dân tộc gồm có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách và các Ủy viên khác; Ủy ban của Quốc hội gồm có Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách và các Ủy viên khác. Qua thực tiễn hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội cho thấy mặc dù Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban đã được bổ sung nhiều về mặt số lượng nhưng hiệu quả làm việc, mức độ đóng góp của từng thành viên, nhất là các đồng chí Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách còn chưa thực sự rõ rệt do trách nhiệm, quyền hạn, cơ chế làm việc của các chức danh này chưa được luật xác định rõ; việc tham gia hoạt động của các thành viên là đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm cũng còn hạn chế.
Vì vậy, để bảo đảm tính ổn định, kế thừa quy định hiện hành, xác định rõ từng loại chức danh (vị trí việc làm), gắn với tiêu chuẩn, điều kiện, chế độ đãi ngộ cụ thể, tạo bước đệm, chuẩn bị nhân sự kế cận để có thể thu hút cán bộ về Quốc hội cũng như có thêm thời gian để đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách được trau dồi, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm hoạt động, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội vẫn tiếp tục giữ cơ cấu Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội như Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành nhưng mở rộng cơ cấu của Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban. Theo đó, trong cơ cấu của Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban của Quốc hội, ngoài Chủ tịch/Chủ nhiệm, Phó Chủ tịch/Phó Chủ nhiệm và Ủy viên Thường trực còn bổ sung chức danh Ủy viên Chuyên trách (khoản 3 Điều 67). Với quy định này, một mặt sẽ tạo điều kiện để thực hiện được yêu cầu của Nghị quyết Trung ương; mặt khác, giúp tăng cường chất lượng, hiệu quả hoạt động của Thường trực Hội đồng, Thường trực Ủy ban khi có tất cả đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách làm việc thường xuyên.
c) Về trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội:
Luật đã bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong việc tham gia thẩm tra nội dung liên quan đến lĩnh vực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban phụ trách trong dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết do cơ quan khác của Quốc hội chủ trì thẩm tra (khoản 1 Điều 79); trong quá trình thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban có trách nhiệm bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết với hệ thống pháp luật (khoản 1 Điều 80). Với quy định này, việc thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh thuộc các lĩnh vực sẽ được đánh giá toàn diện, khách quan hơn, bảo đảm tính chặt chẽ, nâng cao hiệu quả thi hành trong thực tiễn đồng thời cũng phù hợp với thực tế hiện nay, các cơ quan của Quốc hội luôn tích cực tham gia thẩm tra, góp ý kiến đối với dự thảo luật, pháp lệnh thuộc phạm vi, lĩnh vực phụ trách.
d) Về phiên họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban:
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là thành viên Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban tham dự phiên họp toàn thể của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban còn chưa cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng và giá trị pháp lý của các quyết định được thông qua tại Hội đồng, Ủy ban.
Vì vậy, Luật sửa đổi, bổ sung đã quy định cụ thể hơn về phiên họp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, trách nhiệm tham gia phiên họp của các thành viên. Theo đó, phiên họp toàn thể của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban phải có quá nửa tổng số thành viên của Hội đồng, Ủy ban tham dự. Báo cáo, nghị quyết, kiến nghị, các nội dung khác thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban được thông qua khi cóquá nửa tổng số thành viên của Hội đồng, Ủy ban biểu quyết tán thành. Thành viên của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban có trách nhiệm tham dự phiên họp của Hội đồng, Ủy ban theo triệu tập của Chủ tịch Hội đồng, Chủ nhiệm Ủy ban; thảo luận và biểu quyết các vấn đề được đưa ra xem xét tại phiên họp. Trường hợp không tham dự phiên họp thì phải có lý do chính đáng, phải báo cáo và được sự đồng ý của Chủ tịch Hội đồng, Chủ nhiệm Ủy ban (Điều 87).
 

Bao gồm: Bắc Kạn, Đà Nẵng, Hà Giang, Hà Tĩnh, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Tây Ninh, Thái Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Yên Bái và Long An.
Ví dụ như quy định về các trường hợp cần trưng cầu ý dân trong Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Trưng cầu ý dân, quy định về trách nhiệm báo cáo công tác của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân...