CHUYÊN MỤC

Quảng bá du lịch xã
Bộ Thủ tục hành chính công
Quy hoạch - kế hoạch
Làm theo lời Bác
Thông tin tuyên truyền
Góp ý cá nhân, tổ chức
Hỏi đáp
Lịch công tác

MỘT SỐ NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN ĐẤT CỘNG ĐỒNG

Ngày đăng bài: 28/06/2024
Theo Luật đất đai năm 2013

Anh-đat-CĐ-1.jpg
 

1. Cộng đồng dân cư gồm :

Theo khoản 3 Điều 5 Luật Đất đai 2013 thì cộng đồng dân cư gồm: cộng đồng người Việt Nam sinh sống trên cùng địa bàn thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và điểm dân cư tương tự có cùng phong tục, tập quán hoặc có chung dòng họ.

2. Người đại diện cho cộng đồng dân cư:

Theo khoản 3 Điều 7 Luật Đất đai 2013 thì người đại diện cho cộng đồng dân cư là trưởng thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố hoặc người được cộng đồng dân cư thỏa thuận cử ra đối với việc sử dụng đất đã giao, công nhận cho cộng đồng dân cư.

3. Người chịu trách nhiệm trước Nhà nước với đất được giao cho cộng đồng dân cư để quản lý:

Theo Điều 8 Luật Đất đai 2013 quy định về người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với đất được giao để quản lý như sau:
- Người đứng đầu của tổ chức chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất trong các trường hợp sau đây:
+ Tổ chức được giao quản lý công trình công cộng, gồm công trình đường giao thông, cầu, cống, vỉa hè, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, hệ thống công trình thủy lợi, đê, đập; quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm;
+ Tổ chức kinh tế được giao quản lý diện tích đất để thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) và các hình thức khác theo quy định của pháp luật về đầu tư;
+ Tổ chức được giao quản lý đất có mặt nước của các sông và đất có mặt nước chuyên dùng;
+ Tổ chức được giao quản lý quỹ đất đã thu hồi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất sử dụng vào mục đích công cộng được giao để quản lý, đất chưa giao, đất chưa cho thuê tại địa phương.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm đối với việc quản lý đất chưa sử dụng tại các đảo chưa có người ở thuộc địa phương.
- Người đại diện cho cộng đồng dân cư là người chịu trách nhiệm đối với đất được giao cho cộng đồng dân cư quản lý.
Như vậy, đối với đất được giao cho cộng đồng dân cư để quản lý thì người đại diện cho cộng đồng dân cư là người chịu trách nhiệm trước Nhà nước.

4. Quy định về sử dụng đất nông nghiệp với cộng đồng dân cư: 

Theo Điều 131 Luật Đất đai 2013 quy định về đất nông nghiệp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng như sau:
- Đất nông nghiệp hộ gia đình, cá nhân sử dụng gồm đất nông nghiệp được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; do thuê quyền sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác; do nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
- Việc sử dụng đất nông nghiệp do Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân được quy định như sau:
+ Hộ gia đình, cá nhân đã được Nhà nước giao đất trước ngày 01/7/2014 thì được tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật Đất đai 2013;
+ Đối với những địa phương chưa thực hiện việc giao đất cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật về đất đai thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất lập phương án giao đất và đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao đất;
+ Đối với những địa phương mà Ủy ban nhân dân các cấp đã hướng dẫn hộ gia đình, cá nhân thương lượng điều chỉnh đất cho nhau trong quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật về đất đai trước ngày 15/10/1993 và đang sử dụng ổn định thì được tiếp tục sử dụng.
- Đất nông nghiệp do cộng đồng dân cư sử dụng được quy định như sau:
+ Cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất để bảo tồn bản sắc dân tộc gắn với phong tục, tập quán của các dân tộc;
+ Cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất, công nhận quyền sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ đất được giao, được sử dụng đất kết hợp với mục đích sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, không được chuyển sang sử dụng vào mục đích khác.
5. Điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư sử dụng đất nông nghiệp được quy định theo Khoản 5 điều 100 Luật Đất đai 2013 quy định:
- Cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ; đất nông nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 131 của Luật này và đất đó không có tranh chấp, được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là đất sử dụng chung cho cộng đồng thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Theo quy định của Luật Đất đai 2013, Cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, không được chuyển sang sử dụng vào mục đích khác và phải có trách nhiệm bảo vệ đất được giao; được công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp nếu đất đó không có tranh chấp và được UBND cấp xã xác nhận đất sử dụng chung cho cộng đồng.
Do đó, cộng đồng dân cư sử dụng đất bị hạn chế một số quyền như không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất căn cứ khoản 2 điều 181 Luật Đất đai 2013.

6. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho cộng đồng dân cư sử dụng đất nông nghiệp:

Điều 70 nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn trình tự thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư như sau:
Bước 1: Người đại diện cho cộng đồng dân cư sử dụng đất nộp hồ sơ tại UBND cấp xã hoặc văn phòng đăng ký đất đai theo quy định để làm thủ tục đăng ký. Hồ sơ bao gồm:
- Đơn đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo mẫu;
- Một trong các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất như giấy tờ được Nhà nước chế độ cũ giao đất nông nghiệp (nếu có);
Bước 2: UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và thực hiện các công việc như sau:
- Xác nhận hiện trạng sử dụng đất so với nội dung kê khai đăng ký; trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì xác nhận nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp sử dụng đất, sự phù hợp với quy hoạch.
- Trường hợp chưa có bản đồ địa chính thì trước khi xác minh nguồn gốc sử dụng đất, UBND cấp xã phải thông báo cho văn phòng đăng ký đất đai thực hiện trích đo địa chính thửa đất hoặc kiểm tra bản trích đo địa chính thửa đất do người sử dụng đất nộp (nếu có);
- Niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ, xác nhận hiện trạng, tình trạng tranh chấp, nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất tại trụ sở UBND cấp xã và khu dân cư nơi có đất trong thời hạn 15 ngày.
Bước 3: văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc như sau:
- Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại văn phòng đăng ký đất đai thì gửi hồ sơ đến UBND cấp xã để lấy ý kiến xác nhận và công khai kết quả;
- Trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất
- Kiểm tra hồ sơ đăng ký; xác minh thực địa trong trường hợp cần thiết; xác nhận đủ điều kiện hay không đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào đơn đăng ký;
- Cập nhật thông tin thửa đất, đăng ký vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai (nếu có);
- Gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính; chuẩn bị hồ sơ để Phòng tài nguyên và môi trường trình ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; cập nhật bổ sung việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
Bước 4: Phòng tài nguyên và môi trường thực hiện các công việc sau:
- Kiểm tra hồ sơ và trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Chuyển hồ sơ đã giải quyết cho văn phòng đăng ký đất đai
Bước 5: Trao Giấy chứng nhận cho đại diện cộng đồng dân cư sử dụng đất nông nghiệp.
7.Việc tự ý chuyển nhượng đất giao cho cộng đồng sử dụng vào mục đích nông nghiệp:
* Theo quy định tại Khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013, điều kiện được thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất là:
- Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gằn liền với đất;
- Đất chuyển nhượng không có tranh chấp;
- Quyền sử dụng đất của chủ sở hữu không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
- Đất được chuyển nhượng đang trong thời hạn sử dụng đất.
* Như vậy, việc tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi không đủ điều kiện là việc người sử dụng đất tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác khi chưa đảm bảo đủ các điều kiện theo như luật định tại Điều 188 và các quy định tại Điều 180, 190, 191,192,193 và 194 Luật đất đai 2013.
Hành vi vi phạm nêu trên thì cơ quan có thẩm quyền lập biên bản xác định hành vi vi phạm và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
“Trường hợp chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng quyền sử dụng đất không đủ điều kiện thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với khu vực nông thôn, từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với khu vực đô thị trong trường hợp không đủ một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 188 của Luật đất đai;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với khu vực nông thôn, từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với khu vực đô thị trong trường hợp không đủ từ hai điều kiện trở lên quy định tại khoản 1 Điều 188 của Luật đất đai”.
* Biện pháp khắc phục hậu quả:
Quy định tại Khoản 4 Điều 18 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, theo đó biện pháp khắc phục hậu quả việc tự ý chuyển nhượng quyền sử dụng đất như sau:
a) Buộc bên nhận chuyển quyền sử dụng đất, bên thuê đất phải trả lại đất cho người sử dụng đất trước khi nhận chuyển quyền, thuê đất; trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này;
b) Buộc bên nhận chuyển quyền sử dụng đất phải làm thủ tục đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp nhận chuyển quyền sử dụng đất chưa có Giấy chứng nhận nhưng có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 1 Điều 82 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung tại khoản 54 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP;
c) Buộc bên nhận chuyển quyền sử dụng đất phải làm thủ tục đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp nhận chuyển quyền sử dụng đất mà bên chuyển quyền là tổ chức đã giải thể, phá sản, là cá nhân đã chuyển đi nơi khác được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm không xác định được địa chỉ hoặc cá nhân đã chết hoặc được tòa án tuyên bố là đã chết mà không có người thừa kế hợp pháp;
d) Buộc hoàn trả tiền chuyển nhượng, tiền cho thuê, cho thuê lại đất đã thu trong thời gian sử dụng đất còn lại;
đ) Buộc bên chuyển nhượng, bên cho thuê, cho thuê lại đất, bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải nộp số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi chuyển quyền sử dụng đất, cho thuê đất không đủ điều kiện trong thời gian vi phạm; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại các khoản 3 và 4 Điều 7 của Nghị định này;
e) Thu hồi đất đối với trường hợp nhận chuyển quyền sử dụng đất, thuê đất được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất nhưng đã hết hạn sử dụng đất mà không được gia hạn theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 65 của Luật Đất đai;
g) Buộc chấm dứt hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này."