Thành phố Pleiku tổ chức hội nghị góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Hộ tịch
Ngày đăng bài: 06/10/2014
Thực hiện chương trình góp ý về các dự án luật, trong 02 ngày (02 và 03 tháng 10 năm 2014), thành phố Pleiku tổ chức họp các cơ quan, ban ngành của thành phố để lấy ý kiến tham gia đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Hộ tịch.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận tham gia ý kiến vào các nội dung trọng tâm đã được Đoàn Đại biểu Quốc hội gợi ý, bên cạnh đó cũng thảo luận một số nội dung bất cập trong dự thảo các luật.
1. Đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi):
Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có 13 chương 178 điều. Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được lấy ý kiến là bản dự thảo được bổ sung, chỉnh sửa mới đây nhất, vào ngày 22 tháng 9 năm 2014. Các đại biểu tham gia Hội nghị hầu hết đều cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), cũng như một số quy định mới về thời điểm chuyển quyền sở hữu, về các chính sách phát triển nhà, về việc bổ sung thêm đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, về việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội…
Tuy nhiên, các đại biểu cũng tham gia góp ý và đề nghị sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc tạo quỹ đất phát triển nhà ở nhất là nhà ở xã hội; đề nghị bổ sung thêm một số yêu cầu đối với phát triển nhà ở; đề nghị sửa đổi một số quy định về tiêu chuẩn, chất lượng nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Đồng thời các đại biểu cũng thống nhất trong việc chọn phương án thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội nhưng có đề nghị sửa đổi về đối tượng được hỗ trợ của Quỹ này.
2. Đối với dự thảo Luật Hộ tịch:
Với 7 chương, 77 điều, dự thảo Luật Hộ tịch tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như: Phạm vi điều chỉnh; việc cấp bỏ giấy khai sinh và thay thế bằng thẻ căn cước theo quy định của luật căn cước công dân; các thủ tục, thẩm quyền, lệ phí, thời hạn đăng kí hộ tịch; cơ sở dữ liệu điện tử; công chức tư pháp và các điều khoản chuyển tiếp trong quản lý thực hiện luật hộ tịch.
Trên cơ sở những vấn đề nêu ra, tại Hội nghị các đại biểu đã nhất trí việc ban hành Luật Hộ tịch là rất cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định và thống nhất cho công tác đăng ký và quản lý hộ tịch, khắc phục những tồn tại, bất cập và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho công tác này theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới, cũng như hầu hết các nội dung trong dự thảo luật.
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét bổ sung về đối tượng điều chỉnh của luật hộ tịch, về thẩm quyền đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi tại Điều 5, sửa đổi một số quy định về thẩm quyền đăng ký hộ tịch của UBND nhân dân cấp huyện; đề nghị quy định cụ thể cách thức giải quyết của UBND các cấp trong các trường hợp. Tuy nhiên vẫn có đại biểu băn khoăn về việc chuyển thẩm quyền đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài về cho UBND cấp huyện là cũng khó đáp ứng vì hiện tại đội ngũ cán bộ hộ tịch cấp huyện còn thiếu, chưa có cán bộ hộ tịch chuyên trách.
Kết thúc hội nghị, Thành phố Pleiku đánh giá cao ý kiến đóng góp của các cơ quan, ban ngành, những ý kiến đó sẽ được Thành phố tập hợp gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tổng hợp gửi đến cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem xét chỉnh sửa cho phù hợp để trình Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp thứ VIII, Quốc hội khóa XIII, dự kiến diễn ra vào tháng 11 năm 2014.
Tường Linh – Phòng Tư pháp