CHUYÊN MỤC

Bộ Thủ tục hành chính công
Nghị quyết kỳ họp
Thông tin tuyên truyền
Quy hoạch - kế hoạch
Làm theo lời Bác
Góp ý cá nhân, tổ chức
Lịch công tác
Hỏi đáp

Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6-1-1946: Thắng lợi của nền Dân chủ Việt Nam

Ngày đăng bài: 10/01/2016
Cách đây 70 năm, lịch sử dân tộc Việt Nam đã chứng kiến sự kiện trọng đại.  Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, dưới sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, cả nước đã tiến hành thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu đại biểu Quốc hội Việt Nam vào ngày 6-1-1946. Tất cả công dân không phân biệt nam, nữ, giàu, nghèo, dân tộc, tôn giáo, chính kiến…, từ 18 tuổi trở lên đều được tham gia cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam.

Tháng 8-1945, khi Chính quyền Cách mạng của nhân dân Việt Nam mới thành lập, cũng là thời điểm mà Chính quyền cách mạng đứng trước tình thế “Nghìn cân treo sợi tóc”, với những khó khăn chồng chất như tài chính kiệt quệ, nạn đói đe doạ trầm trọng, hơn 90% dân số mù chữ, tệ nạn xã hội, thù trong giặc ngoài… Trước thực trạng ấy, Đảng ta và Bác Hồ đã xác định: Khẩu hiệu cách mạng của nhân dân lúc này vẫn là “Dân tộc trên hết”, “Tổ quốc trên hết”. Cách mạng chủ trương phải tăng cường khối đoàn kết toàn dân, hoà hợp dân tộc, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng về mọi mặt, thực hiện kháng chiến đi đôi với kiến quốc, chống thù trong giặc ngoài, gắn với chống giặc đói và giặc dốt. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chủ trương tập hợp, sử dụng nhân sĩ, trí thức, nhân tài phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.

Cử tri bầu cử Đại biểu Quốc hội.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để củng cố và tăng cường chính quyền là phải thực hiện quyền dân chủ cho quần chúng, phải xúc tiến việc đi đến Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức.  Vì vậy, ngày 3-9-1945 (một ngày sau khi Nhà nước cách mạng ra đời), trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ… Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu, nghèo, tôn giáo…”.

Tiếp đó, ngày 8-9-1945 Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam dân chủ Cộng hoà đã ra Sắc lệnh số 14-SL về cuộc Tổng tuyển cử để bầu Quốc hội. Bản sắc lệnh ghi rõ: Theo Nghị quyết của Quốc dân đại biểu Đại hội, nước Việt Nam sẽ theo chính thể Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ nhân dân toàn quốc sẽ do một Quốc dân đại hội bầu theo lối phổ thông đầu phiếu cử lên… Đồng thời, Bản Sắc lệnh đã khẳng định yêu cầu bức thiết của Tổng tuyển cử và nêu rõ chúng ta có đủ cơ sở pháp lý, điều kiện khách quan và chủ quan để tiến hành cuộc Tổng tuyển cử đó. Để mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh quyết định mời tất cả những người ngoài Mặt trận Việt Minh cùng đứng chung danh sách ứng cử. Người đã khẳng định: Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức, để gánh vác công việc nước nhà… Chính phủ lâm thời đã nhanh chóng tổ chức soạn thảo Hiến pháp và triển khai sâu rộng công tác chuẩn bị Tổng tuyển cử trong cả nước, coi đó là một cuộc vận động chính trị hết sức rộng lớn của toàn dân. Bản dự thảo Hiến pháp đã được Hội đồng Chính Phủ thảo luận, bổ sung và sửa đổi.

Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Cường trao đổi với cử tri Gia Lai.

Trong không khí phấn khởi của toàn dân tộc sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân cả nước đã chuẩn bị Tổng tuyển cử như ngày hội lớn của mình. Tin Chủ tịch Hồ Chí Minh ra ứng cử ở Thủ đô đã làm nức lòng nhân dân Hà nội và cả nước. Tại các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, họ đã kéo về các tỉnh lỵ, châu lỵ và trụ sở chính quyền mít tinh hoan nghênh tổng tuyển cử và bày tỏ sự tin tưởng tuyệt đối ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh. Những cuộc mít tinh đó thường biến thành những cuộc tuần hành kéo về các thôn xóm cổ động cho Tổng tuyển cử.

Ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu. Trong đó nêu rõ: Ngày mai mồng 6 tháng giêng năm 1946. Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng quyền dân chủ của mình. Ngày mai, Quốc dân ta sẽ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã kiên quyết đoàn kết chặt chẽ, chống bọn thực dân, giành quyền độc lập. Dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước… Người còn căn dặn rằng: Những người trúng cử, sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào; phải thực hành câu: vì lợi nước, quên lợi nhà, vì lợi chung, quên lợi riêng, phải làm cho xứng đáng với đồng bào, xứng đáng với Tổ quốc…  Người không trúng cử cũng không nên ngã lòng. Mình đã tỏ lòng hăng hái với nước, với dân, thì luôn luôn phải giữ lòng hăng hái đó. Ở trong Quốc hội hay ở ngoài Quốc hội, mình cũng cứ ra sức giúp ích nước nhà. Lần này không được cử, ta cứ gắng làm cho quốc dân nhận rõ tài đức của ta, thì lần sau quốc dân nhất định cử ta.

Tại Hà Nội - nơi có Chủ tịch Hồ Chí Minh ra ứng cử, nhân dân thủ đô đã hăng hái tham gia Tổng tuyển cử bất chấp sự phá hoại của kẻ thù. Cuộc bỏ phiếu diễn ra rất nhanh. Ở các địa phương khác, cuộc Tổng tuyển cử cũng được tiến hành sôi nổi. Cả nước có 89% tổng cử tri đã đi bỏ phiếu, nhiều nơi đạt 95%. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó, có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% không đảng phái, 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng…  Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở Việt Nam đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam ra đời. Người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ trở thành công dân của một nước độc lập, tự do, tự mình quyết định vận mệnh lịch sử của mình, dựng xây chế độ Cộng hoà Dân chủ và xây dựng Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Đến nay, nhìn lại chặng đường 70 năm với 13 nhiệm kỳ hoạt động, Quốc hội Việt Nam đã phát triển vững mạnh toàn diện trên mọi lĩnh vực.  Nhưng, thành quả thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 đầu tiên ấy, đã đánh dấu về mốc son phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam, khẳng định với thế giới bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ. Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có tính chất hợp pháp, dân chủ - nhà nước của dân, do dân và vì dân – như ước nguyện của Bác Hồ...  
                                                                                            
Bài, ảnh:  THANH NHẬT