CHUYÊN MỤC

Bộ Thủ tục hành chính công
Công khai ngân sách phường
Nghị quyết Hội đồng nhân dân phường khóa IV
Quy hoạch - kế hoạch
Thống kê, báo cáo
Thông tin khen thưởng
Thông tin tuyên truyền
Làm theo lời Bác
Góp ý cá nhân, tổ chức
Hỏi đáp
Lịch công tác

Không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước

Ngày đăng bài: 19/10/2019
Tại Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công với thân nhân 468 Liệt sĩ diễn ra tại tỉnh Vĩnh Long sáng 22/7, đồng chí Đào Ngọc Dung, UVTƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH đã có bài phát biểu quan trọng. Cổng Thông tin điện tử Bộ LĐ-TBXH xin giới thiệu toàn văn bài phát biểu nói trên.

Trong những ngày tháng 7 này, các cơ quan Trung ương, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể và nhân dân cả nước đã và đang tổ chức nhiều hoạt động thăm và tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ, chúng ta thành kính và xúc động trong Lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công với thân nhân 468 liệt sĩ. Đây là một trọng tâm hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động lớn trong dịp kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 72 năm qua, công tác chăm sóc người có công với cách mạng đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Hệ thống pháp luật, chính sách về người có công từng bước được hoàn thiện; đối tượng chính sách và chế độ ưu đãi người có công với cách mạng từng bước được mở rộng, để cuộc sống của các thân nhân, gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn. Việc xây dựng, nâng cấp, tu bổ mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ được quan tâm đầu tư, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ được triển khai tích cực. 

Phong trào “Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng”, ủng hộ Quỹ đền ơn đáp nghĩa ngày càng phát triển sâu rộng, được xã hội đồng tình, hưởng ứng và tích cực tham gia; góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt của hàng nghìn gia đình người có công với cách mạng. Đời sống của gia đình người có công với cách mạng không ngừng được cải thiện. 

Tuy vậy, một bộ phận nhỏ gia đình người có công hoàn cảnh còn khó khăn, nỗi đau chiến tranh dường như vẫn còn đó, có nhiều đồng chí thương binh hàng ngày vẫn phải đối diện với những cơn đau mỗi khi trái gió trở trời. Nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính và chưa được quy tập về yên nghỉ với đồng đội, với quê hương, đất mẹ.

Chúng ta chưa thể yên lòng khi một bộ phận người có công chưa được công nhận, chưa được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, các cơ quan chức năng mặc dù đã hết sức nỗ lực trong việc nghiên cứu, ban hành các chính sách để xác nhận người có công không còn hồ sơ, giấy tờ gốc, không còn người giao nhiệm vụ, người làm chứng... nhưng vẫn chưa thật sự mang lại kết quả đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của người có công và thân nhân. Nhiều trường hợp hy sinh đã mấy chục năm trôi qua, gia đình và người thân vẫn thầm mong, khắc khoải đợi chờ người cha, người chồng và người con của mình được vinh danh. Đây là điều trăn trở và day dứt đối với chúng ta, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp.

Xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm, lòng biết ơn và với phương châm “không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân”, thực hiện chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với việc giải quyết thường xuyên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 408 về quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công và chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, xem xét giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh ở cấp tỉnh trên cả nước.

Qua hơn 3 năm triển khai, cả nước đã rà soát, xem xét trên 6 ngàn hồ sơ tồn đọng, qua đó đã xác nhận hơn 2.000 liệt sĩ, trên 2.600 thương binh, những hồ sơ không đủ điều kiện cũng đã kết luận và giải thích thấu tình đạt lý cho đối tượng. Dịp kỷ niệm 27/7 năm nay đã trình Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công cho 468 liệt sĩ. Việc xác nhận được tiến hành chặt chẽ, công khai, minh bạch và đảm bảo đúng quy định pháp luật.

Trong số 468 liệt sĩ được công nhận hôm nay, rất cảm động và day dứt bởi có đến 144 liệt sĩ hy sinh từ những thập niên 40, 50 của thế kỷ trước. Người hy sinh cách đây lâu nhất là cụ Nguyễn Văn Trượng, xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Cửu Long (nay là tỉnh Vĩnh Long) hy sinh năm 1940 trong hoàn cảnh bị địch bắt và tra tấn đến chết trong tù. Gần 20 trường hợp là đội viên du kích tham gia chống càn tại tỉnh Bắc Giang, Hải Dương sau nhiều năm thu thập thông tin, chứng cứ, đến nay mới xác nhận được. Cụ Nguyễn Hữu Phương huyện Thanh Hà tỉnh Hải Dương, Trung đội trưởng dân quân kiêm địch vận, đã kiên quyết chiến đấu đến cùng và bị địch bắn tại hầm bí mật do chỉ điểm và hy sinh năm 1950. Một tấm gương cao cả khác là cụ Vũ Văn Chúc, tại huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định, cụ giác ngộ cách mạng từ rất sớm, trong quá trình nuôi giấu cán bộ đã bị địch phát hiện, bắt giữ nhưng cụ vẫn kiên quyết không khai báo có hại cho cách mạng, bị địch tra tấn đến chết vào năm 1951...

Đặc biệt là gần 20 chiến sĩ dân quân nam, nữ, những tín đồ của đạo Cao Đài yêu nước đã dũng cảm hy sinh trong trận chiến đấu chống thực dân Pháp đánh vào Thánh Thất Giồng Bốm năm 1946, nay thuộc tỉnh Bạc Liêu và tỉnh Cà Mau,... Và còn rất nhiều những trường hợp cảm động khác.
 

Để có được kết quả như trên, là sự cố gắng, tập trung rất lớn của toàn thể các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, nhất là sự hưởng ứng, tham gia ủng hộ của nhân dân, của các chứng nhân lịch sử, các đồng chí lão thành cách mạng, những người đồng chí, đồng đội của người có công với cách mạng đã hết sức nỗ lực trong việc tìm kiếm, chắt lọc chứng cứ chứng minh, có trường hợp để được công nhận, chúng ta đã phải tìm tòi, xác minh chứng cứ ở các hồ sơ lưu trữ, các quân khu và các tỉnh, huyện liên quan,... để từ đó xem xét, xác nhận đối tượng người có công với cách mạng. Những trường hợp trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đều đạt sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân; các đại biểu tham dự trong tất cả các cuộc họp và công khai trên các phương tiện thông tin của địa phương và Trung ương.

Kết quả hôm nay chính là hành động thiết thực nhất, ý nghĩa nhất, bày tỏ tấm lòng thành kính, một nén tâm nhang của thế hệ đi sau, của chúng tôi - những người làm công tác thương binh liệt sĩ đối với những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Kính mong các anh linh liệt sĩ nhận của chúng tôi tình cảm và sự tri ân sâu sắc.

Đồng thời, chúng ta cũng luôn tự nhủ rằng, những kết quả đạt được trong thời gian vừa qua trong công tác xác nhận người có công với cách mạng chỉ là bước đầu. Chúng ta vẫn phải cố gắng hơn, quyết tâm hơn và đồng lòng phối hợp hơn nữa trong các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công và gia đình người có công nói chung và việc giải quyết hồ sơ tồn đọng nói riêng dù rằng việc này ngày càng khó khăn hơn.

Chúng ta tin tưởng rằng, với truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần đền ơn đáp nghĩa, công tác chăm sóc người có công với cách mạng thời gian tới sẽ tiếp tục được các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và người dân hưởng ứng, tham gia tích cực để người có công với cách mạng có cuộc sống ngày càng đầy đủ, tốt đẹp hơn.

Bộ LĐTBXH

 
 
CÁC TIN KHÁC