Đảng ủy phường Hoa Lư tổ chức Hội nghị

CHUYÊN MỤC

Bộ Thủ tục hành chính công
Quy hoạch - kế hoạch
Thông tin tuyên truyền
Làm theo lời Bác
Góp ý cá nhân, tổ chức
Hỏi đáp
Lịch công tác

Bảo tồn giá trị văn hóa cồng chiêng tại làng Ốp, phường Hoa Lư, thành phố Pleiku

Ngày đăng bài: 28/11/2016
Chiều ngày 20/11/2016, tại nhà rông làng Ốp, phường Hoa Lư, Phòng Dân tộc thành phố Pleiku phối hợp với UBND phường Hoa Lư tổ chức bế giảng lớp học truyền dạy đánh cồng chiêng cho 30 thanh thiếu niên tại làng Ốp. Với kết quả 100% đạt yêu cầu, trong đó có 26,7% đạt khá và giỏi (có 02 em đạt loại giỏi và 06 em đạt khá).

Nhằm bảo tồn giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, đồng thời giúp cho đội ngũ thanh thiếu niên người dân tộc Jrai tại làng Ốp, phường Hoa Lư, thành phố Pleiku có thể sử dụng, duy trì và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc này. Được sự hỗ trợ về nguồn kinh phí của UBND thành phố Pleiku, Phòng Dân tộc đã phối hợp với UBND phường Hoa Lư để mở lớp học truyền dạy đánh cồng chiêng cho thanh thiếu niên tại làng Ốp, phường Hoa Lư. Sau một quá trình tập luyện, 30 học viên được 3 nghệ nhân của làng (ông Puih Jiâo, sinh năm 1956; ông Puih Jăch, sinh năm 1957; ông Puih Mlich, sinh năm 1962) trực tiếp truyền dạy cách đánh, cách bảo quản cồng chiêng và những bài cồng chiêng truyền thống của dân tộc Jrai, đã cơ bản nắm được những yếu tố cần thiết khi thể hiện các bài chiêng.

Nghệ nhân Puih Jiâo (đứng giữa) đang kiểm tra bài chiêng của lớp học.

Mình rất mừng vì làng Ốp, phường Hoa Lư, thành phố Pleiku đã có một đội ngũ kế thừa rất cơ bản, hôm nay anh sẽ được thưởng thức những bài chiêng do chính các em thể hiện. Nói thật, trong quá trình truyền dạy cho các em với thời gian ban đầu dự tính thì có vượt quá, bởi vì các em còn đi học và đi làm, phần nữa có những phần đánh chiêng tương đối khó nên việc tiếp thu để thành thuộc có phần kéo dài và mất công hơn; nhưng dẫu sao hôm nay cũng đã thành công lắm rồi và chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục truyền dạy thêm cho các em nhỏ trong làng nữa. Đó là lời bộc bạch, rất phấn khởi của nghệ nhân Puih Jiâo, khi trò chuyện với chúng tôi.

Đội cồng chiêng trình diễn các bài chiêng sau khóa học.

Trong số 30 học viên tham gia lớp học truyền dạy đánh cồng chiêng của làng Ốp, phường Hoa Lư cơ bản là học sinh, trong đó có 14 em từ độ tuổi 10 đến 15 tuổi, chiếm 47%. Trong số 02 em đạt loại giỏi sau khóa truyền dạy đánh cồng chiêng; tôi có dịp tiếp xúc với em Puih Thông, sinh năm 2004, em vui vẻ nói: Em đang học lớp 7/9 trường THCS Phạm Hồng Thái, thành phố Pleiku; lúc nhỏ em cũng đã thấy thích và muốn được tham gia vào đội cồng chiêng của làng. Vì thế, mỗi lần ông ngoại em (tức nghệ nhân Puih Jiâo - NV) tham gia vào đội cồng chiêng đi biểu diễn, em đều đi theo và chú ý những động tác của mọi người trong đội. Khi em được tham gia lớp học này em thấy rất thích và đã cố gắng hoàn thành tốt các bài chiêng, bây giờ em rất tự tin để đứng vào đội cồng chiêng của làng và thể hiên bất cứ bài chiêng nào của người dân tộc Jrai.

Cũng ngay trong buổi chiều bế mạc (20/11), rất tình cờ có đoàn cán bộ Ngân hàng ở tận thành phố Hải Phòng đi du lịch Tây Nguyên và được hướng dẫn viên đưa đến xem các em biểu diễn các bài chiêng sau khi kết thúc khóa học. Tôi tình cờ gặp chị Tăng Thị Liên, một thành viên trong đoàn khách, tâm sự: Đoàn chúng em có 24 anh chị em đi du lịch Tây Nguyên và đã ở đây được 2 ngày rồi, sáng mai đoàn đi sang Đăk Lăk. Thực tình mà nói thì em không có mấy khái niệm về thể loại cồng chiêng; tối hôm qua chúng em cũng đã được thưởng thức cồng chiêng tại làng Tiêng 2, xã Tân Sơn, nhưng vì trời tối nên cũng không chiêm ngưỡng được nhiều; hôm nay được xem các em thể hiện và còn có các em gái múa phụ họa thấy cũng rất hấp dẫn và dễ thương nữa! Qua đó cũng phần nào giúp cho em hiểu biết thêm về thể loại nhạc cụ độc đáo, đặc sắc và đa dạng này.   

Đội cồng chiêng chào du khách khi kết thúc các bài chiêng.
 
Hy vọng rằng, việc bổ sung thêm một đội cồng chiêng 30 thanh thiếu niên tại làng Ốp, phường Hoa Lư sẽ góp phần tích cực bảo tồn văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói chung và còn góp phần vào các dịp tổ chức  Lễ hội cồng chiêng ở Gia Lai và thành phố Pleiku nói riêng có ý nghĩa bảo tồn bản sắc văn hóa vừa là một sản phẩm Làng văn hóa đang phát triển theo hướng văn hoá du lịch đúng nghĩa.
 
Bài và ảnh: Sỹ Nhân