TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Đô thị Pleiku – Tầm nhìn kiến trúc và quy hoạch đến năm 2020

Ngày đăng bài: 21/09/2014
Phố núi Pleiku đang từng ngày đổi thay và phát triển toàn diện, để xứng tầm là Đô thị loại I trước năm 2020, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Đảng bộ thành phố Pleiku (15-9) và 85 năm ngày thành lập đô thị Pleiku (3-12), xin giới thiệu một số ý kiến trao đổi của các nhà chuyên môn bàn về lĩnh vực kiến trúc và quy hoạch xây dựng đô thị Pleiku.

Ông Nguyễn Hồng Hà – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Gia Lai:  Đi tìm một phong cách kiến trúc của thành phố Pleiku có nghĩa là chúng ta cần nghiên cứu một cách toàn diện về kiến trúc lâu đời của các dân tộc bản địa.  Theo giới chuyên môn thì bản sắc của Pleiku có thể quy về ba đặc trưng, đó là Quy hoạch - kiến trúc, thiên nhiên - cảnh quan và đặc trưng văn hóa. Do vậy, khi quy hoạch và xây dựng TP.Pleiku, chúng ta phải triệt để khai thác và vận dụng kế thừa các đặc trưng này, không san ủi mặt bằng, hạn chế tối đa việc chặt cây, tạo khuôn viên cảnh quan cho từng công trình, tạo các khoảng xanh thoáng cho từng khu phố, các khu dân cư, giữ mật độ xây dựng các công trình công cộng không quá 50% diện tích khu đất, xây dựng đường, vỉa hè bám theo độ dốc địa hình tự nhiên, nghiên cứu trồng các loại cây xanh trong đô thị phù hợp (thông, kơnia, sao, dầu nước, long não, ngân hoa…), ưu tiên nhất vẫn là cây thông để trả lại đặc trưng vốn có cho Phố Núi. Các khu đất còn trống nên giữ lại để tạo các khoảng không gian công cộng cho thành phố. Các khu ven trung tâm, các khu dân cư mới tập trung phát triển hình thức nhà vườn, biệt thự; phải tận dụng tối đa các con suối, các điểm tụ thủy tự nhiên để tạo mặt nước với tác dụng giữ nước và cải tạo vi khí hậu.
 
Ong-Nguyen-Hong-Ha.jpg
Ông Nguyễn Hồng Hà
 
Trong quy hoạch xây dựng đô thị ở Tây Nguyên không thể không có những không gian đặc trưng riêng của đô thị. Đó là không gian sinh hoạt lễ hội, phục vụ các phong tục, tập quán lành mạnh, không gian tín ngưỡng, các không gian này có thể bố trí tập trung hay phân tán, xen kẽ, dành để thể hiện những giá trị phi vật thể tiêu biểu của địa phương. Những không gian đặc trưng này có thể kết hợp trong các khu trung tâm đô thị, buôn làng, khu ở, các trục phố hoặc các khu vui chơi giải trí. Trong điều chỉnh quy hoạch chung sắp tới của Thành phố,  nên kế thừa những định hướng cơ bản này, có thể phát triển quy hoạch thêm về phía Tây… Pleiku hiện có rất nhiều cánh đồng trong khu vực trung tâm, cần xác định cụ thể cánh đồng nào giữ lại và cánh đồng nào chuyển đổi sang đất đô thị, riêng cánh đồng Ia Xí và Ia Be thành hồ nước để tạo cảnh quan cho đô thị…
Ông Lê Vinh -  Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai:  Trải qua gần 24 năm phát triển (kể từ sau khi tách tỉnh Gia Lai - Kon Tum năm 1991) đến nay, đô thị Pleiku đã có những bước phát triển quan trọng. Pleiku được công nhận là đô thị loại II năm 2009, với diện tích 26.199 ha, dân số 219.451 người,  gồm 23 xã, phường, trong đó có 42 làng đồng bào dân tộc thiểu số, 2 trục giao thông xương sống là Quốc lộ 14 theo hướng Bắc Nam và Quốc lộ 19 theo hướng Đông Tây, 1 sân bay nội địa tiêu chuẩn 3C.
Ong-Le-Vinh.jpg
Ông Lê Vinh
 
Lõi trung tâm với địa hình cao tập trung chủ yếu các công trình cơ quan hành chính, thương mại dịch vụ quan trọng của đô thị, giãn dần ra phía ngoài địa hình thấp hơn là các khu dân cư xen kẽ làng đồng bào. Tính đến nay, ngoài lõi trung tâm và các khu dân cư đã hình thành trước đây, một số khu dân cư mới, chỉnh trang lại đang tạo đà cho bộ mặt Pleiku. Bên cạnh đó, 2 khu công nghiệp Trà Đa quy mô 124,3 ha phía Đông Bắc với 40 dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đầy trên 90%; khu công nghiệp Diên Phú quy mô 40 ha phía Tây Nam đã đầu tư xong hạ tầng, tỷ lệ lấp đầy 6,78%  đang hỗ trợ cho phát triển đô thị. Sau khi hoàn thành một số công trình điểm nhấn như Quảng trường Đại Đoàn Kết, Trụ sở UBND tỉnh…, thời gian tới TP.Pleiku chủ trương thực hiện điều chỉnh quy hoạch với mục tiêu dài hạn hơn đến năm 2030, tầm nhìn 2050, các dự án chỉnh trang đô thị và dự án trọng điểm sẽ được tỉnh ưu tiên đầu tư gồm cải tạo, mở rộng nhà thi đấu đường Trần Hưng Đạo, vỉa hè đường Hai Bà Trưng, Hoàng Hoa Thám, Quang Trung; cải tạo, mở rộng đường Lê Lợi đoạn Ngã 3 Diệp Kính đến ngã 3 Hoa Lư, xây dựng trụ sở Liên cơ 2, nâng cấp và mở rộng sân bay Pleiku từ cấp 3C lên cấp 4C, cải tạo Quốc lộ 14 và 19 đoạn qua đô thị đạt tiêu chuẩn cấp III miền núi, kêu gọi đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác thải phía Tây Pleiku..., đồng thời tổ chức hệ thống giao thông chính kết hợp giao thông thứ cấp giảm tải áp lực giao thông ngày một lớn của đô thị. Ngoài ra, cần tận dụng hơn 6.000 ha đất ruộng lúa, đất nông nghiệp như một phần không thể thiếu trong dấu ấn tạo lập đô thị, tạo không gian cảnh quan đặc trưng, phát triển nông nghiệp đô thị với mục tiêu là các sản phẩm có giá trị cao như dược liệu, chăn nuôi và sản xuất, chế biến sữa…Song song với định hướng trên, hệ thống các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ và du lịch, các hoạt động văn hoá của cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn cũng cần được đẩy mạnh để bảo tồn và phát huy thế mạnh đang có của thành phố.
Ông Nguyễn An Trường - Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Kiểm định xây dựng (Thuộc Sở Xây dựng):  Pleiku có lợi thế để phát triển thành đô thị xanh, thân thiện môi trường. Trong đó yếu tố mặt nước nói chung được kết hợp bời nhiều suối, hồ nước tự nhiên và nhân tạo nằm giữa đô thị, ấn tượng cho việc tạo điểm nhấn cho đô thị… Tiêu biểu nhất là Biển Hồ chỉ cách trung tâm thành phố Pleiku 8 km về phía Bắc. Đây là một hồ nước tự nhiên có diện tích khoảng 220 ha (Hồ A), với sức chứa được đánh giá là khoảng 23triệu m3, Nguồn  nước Biển Hồ được đánh giá là có chất lượng tốt nhất trong tất cả các thuỷ vực mặt nước lớn tại Tây Nguyên. Với các đặc điểm về chất lượng và trữ lượng lớn và ổn định có thể nói Biển Hồ là một tài nguyên nước mặt dồi dào có ý nghĩa chiến lược trong quá trình phát triển TP.Pleiku.
 
Ong-Nguyen-An-Tuong-(1).jpg
Ông Nguyễn An Trường
 
Biển Hồ đã và sẽ được sử dụng, khai thác với nhiều mục tiêu khác nhau. Do vậy trong quy hoạch phát triển TP.Pleiku, Biển bồ được khẳng định là nguồn nước cấp cho thành phố trong tất cả các giai đoạn, nên việc khoanh vùng quy hoạch cho lưu vực giữ nước, quy hoạch vành đai sinh thái môi trường, quy hoạch các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch cảnh quan cho Biển Hồ là một việc cấp thiết mà chúng ta cần bắt tay làm ngay. Những cơ sở này cũng nhằm giúp các nhà quy hoạch xem xét để có các quyết định cuối cùng cho các dự kiến bố trí các cơ sở công nghiệp Biển Hồ, các cụm dân cư và công trình dân dụng trong vùng lưu vực Biển Hồ. Các đặc điểm tự nhiên, các công trình nhân tạo và tính đa mục tiêu của Biển Hồ như nêu ở trên làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp đe doạ các giá trị của Biển Hồ. Những tác động xấu đến Biển Hồ có thể nảy sinh do nhiều yếu tố liên quan trọng đó có cả công tác quản lý, khai thác, xây dựng các công trình nhân tạo, hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trong các vùng ảnh hưởng cộng với các đặc thù của điều kiện tự nhiên của hệ thống Biển Hồ.
Dưới tác động của hoạt động sống của con người hôm nay làm thay đổi lớn về môi trường, trong đó môi trường nước là yếu tố quan trọng không thể thiếu trong cơ cấu đô thị. Việc xác định cơ cấu phân bổ nguồn nước, mức độ ưu tiên đối với từng mục tiêu và sử dụng đất trong lưu vực Biển Hồ một cách hợp lý là tiền đề quan trọng cho việc quản lý, bảo vệ nguồn nước Biển Hồ cả về phương diện trữ lượng lẫn chất lượng nước. Cần sớm tiếp tục đề ra các giải pháp phù hợp để bảo vệ nguồn nước Biển Hồ trong thời gian tới, đáp ứng được nhu cầu cấp nước sinh hoạt  ổn định và bền vững cho thành phố Pleiku.
Ông Nguyễn Kim Đại - Chủ tịch Hội Xây dựng tỉnh Gia Lai: Nằm trên độ cao trung bình 750 đến 800m, với đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa, mùa hè mát dịu, mùa đông khô và lạnh, quanh năm sương mù bao phủ, dạng địa hình chủ yếu là lượn sóng, thành phố cao nguyên Pleiku từ lâu được biết đến với tên gọi rất đỗi thân thương và gần gũi “phố núi Pleiku”. Thành phố Pleiku ngày nay là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh Gia Lai, với diện tích tự nhiên 26.199,34 ha, dân số khoảng trên 200 nghìn người, bao gồm 28 dân tộc đang sinh sống, người Kinh chiếm đa số (khoảng 87,5%), còn lại là các dân tộc khác, chủ yếu là các dân tộc Jrai và Bahnar (chiếm khoảng 12,5%), có 39 làng của dân tộc Jrai và 3 làng của dân tộc Bahnar.
Ong-Nguyen-Kim-Dai.jpg
Ông Nguyễn Kim Đại
 
Trên địa bàn Thành phố hiện nay có 46 đồ án quy hoạch, trong đó có 33 đồ án quy hoạch chi tiết các khu đô thị, khu dân cư trên với tổng diện tích đất quy hoạch là 3.380,462ha và 13 khu tái định cư với tổng diện tích đất quy hoạch là 311,0843ha. Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Pleiku được phê duyệt vào năm 2005 thì đến nay công tác xây dựng đô thị theo quy hoạch cơ bản thực hiện theo đúng với quy hoạch chung.
Công tác xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xây dựng hạ tầng phúc lợi xã hội và chỉnh trang đô thị luôn được chính quyền thành phố quan tâm. Không chỉ các công sở, công trình công cộng được xây dựng khang trang mà người dân địa phương cũng rất quan tâm xây dựng nhà ở quy mô, kiến trúc đẹp và hiện đại (số lượng nhà ở riêng lẽ xin phép xây dựng tăng đều 15 đến 20% trong 3 năm gần đây), ngành công nghiệp - xây dựng tăng trưởng trung bình 15,23% trong 3 năm gần đây). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên 7.400 tỷ đồng, vốn đầu tư tăng nhanh qua các năm, rất nhiều dự án đã và đang triển khai hoàn thành như Hội sở tập đoàn Hoàng Anh- Gia Lai, các khu chung cư cao tầng, bến xe Đức Long, Khu Phố mới Hoa Lư - Phù Đổng, Trung tâm Thương mại Hội Phú, dự án Khu Đô thị mới Cầu Sắt, Sân bay Pleiku, đặc biệt những công trình do tỉnh và Trung ương đầu tư như Quảng trường Đại Đoàn Kết, đoạn Quốc lộ 14 và 19 ngang qua thành phố… đã làm Phố núi hoàn toàn “lột xác”, góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt không gian kiến trúc đô thị Pleiku theo chiều hướng tích cực.
Định hướng phát triển không gian đô thị Pleiku trong tương lai phải triệt để tận dụng địa hình, cảnh quang tự nhiên để phát triển hạ tầng, cần tạo các tuyến cong tự nhiên chạy theo đồi núi, thung lũng. Khai thác hiệu quả các lớp cảnh quan xen giữa khu dân cư với suối, hồ…, cùng những cảnh quan có giá trị độc đáo và nổi bậc của hệ thống cảnh quan tự nhiên như Biển hồ, núi Hàm rồng…Tạo ra các khu đô thị mới với hệ thống cơ sở hạ tầng đảm bảo, tiện ích đô thị đầy đủ, thuận tiện kinh doanh để thu hút người dân không ra các trục đường quốc lộ vừa để ở vừa kiếm sồng nhờ “hiệu ứng mặt tiền”. Đối với tất cả các làng đồng bào thiểu số trong thành phố Pleiku cần được bảo tồn, tôn tạo phát triển theo quan điểm giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống Tây Nguyên gắn với việc xây dựng phát triển đô thị và du lịch một cách hài hòa. Cần nhanh chóng điều chỉnh đồ án quy hoạch chung, lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị trên toàn địa bàn thành phố để có kế hoạch đầu tư và quản lý xây dựng, nhằm phát triển đô thị Pleiku hợp lý, hài hoà, đồng bộ, phù hợp với đặc điểm tự nhiên và bản sắc văn hoá dân tộc của vùng Tây Nguyên, có kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị và phúc lợi xã hội theo hướng hiện đại và phấn đấu để trở thành đô thị loại I trước năm 2020 là vấn đề hướng tới./.
                                                                                                                         T.N
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png