TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố với công tác giám sát và phản biện xã hội

Ngày đăng bài: 06/01/2015
Công tác giám sát và phản biện xã hội là việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã thực hiện trong nhiều năm qua. Ngày 12-12-2013, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Quyết định số 217-QĐ/TW về  Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội và Quyết định số 218-QĐ/TW Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đây là cơ sở quan trọng để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội của mình trong thời gian tới.

Những năm qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam thành phố và xã, phường tiến hành nhiều hoạt động giám sát. Hoạt động giám sát tập trung vào các nội dung như giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, giám sát thực hiện Pháp lệnh về dân chủ ở xã, phường, thị trấn; giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư; giám sát đầu tư của cộng đồng; lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ chủ chốt do hội đồng nhân dân cấp xã bầu; giám sát thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...
Để tham gia giám sát có hiệu quả, hàng năm Mặt trận thành phố đều xây dựng chương trình giám sát cụ thể. Đồng thời, ở mỗi lĩnh vực giám sát, cán bộ chuyên môn của các ngành liên quan đều được mời tham gia với tư cách tham vấn cho mặt trận. Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố mở nhiều lớp tập huấn về công tác mặt trận trong đó có chuyên đề về giám sát của mặt trận cho đội ngũ cán bộ làm mặt trận ở cơ sở…Các Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng là nòng cốt giúp mặt trận cơ sở thực hiện chức năng giám sát việc quản lý xã hội, đầu tư ở địa bàn xã, phường. Đến nay, toàn thành phố có 23 Ban giám sát đầu tư cộng đồng và 23 Ban Thanh tra nhân dân ở các xã, phường với 443 thành viên.
 
HNQT.jpg
Hội nghị triển khai quán triệt, triển khai Quyết định số 217-QĐ/TW, số 218-QĐ/TW
của Bộ Chính trị
 
Hoạt động giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam là giám sát mang tính nhân dân, hỗ trợ cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra của Nhà nước, nhằm góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội liên quan đến mọi mặt hoạt động đời sống trên địa bàn khu dân cư; của cơ quan Nhà nước theo quy định của pháp luật. Thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức thành viên đã tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước và vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã chủ động tổ chức nhiều hoạt động giám sát như: giám sát giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư, giám sát đầu tư của cộng đồng; việc giải tỏa đền bù đất đai; thu chi các loại quỹ; đại biểu dân cử; cán bộ, công chức… để các chương trình, dự án đạt hiệu quả theo yêu cầu đề ra, tránh tình trạng tham nhũng, lãng phí, đầu tư không có hiệu quả.
Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố đã trực tiếp tham gia các chương trình giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND), các ban của HĐND thành phố trước và sau mỗi kỳ họp, góp phần thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đưa nghị quyết HĐND đến với khu dân cư và động viên các tầng lớp nhân dân tham gia công tác giám sát. Trong và sau các cuộc giám sát, Mặt trận đã thống nhất ý kiến với Đoàn Giám sát để cùng có ý kiến, kiến nghị với Đảng, chính quyền về những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện nhằm điều chỉnh, giải quyết những vướng mắc do thực tiễn phát sinh.
Cùng với hoạt động giám sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã tiến hành các hoạt động mang tính chất phản biện xã hội, như hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; tham gia góp ý văn kiện đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng; góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992... Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Thành phố đã làm tốt công tác hiệp thương, giới thiệu nhân sự tham gia ứng cử đại biểu HĐND thành phố và xã, phường được tiến hành các bước theo đúng qui định. Phối hợp với Tòa án nhân dân chuẩn bị nhân sự chọn và giới thiệu để kỳ họp thứ nhất HĐND thành phố xem xét bầu 30 vị làm Hội thẩm Tòa án nhân dân thành phố (nhiệm kỳ 2011- 2016).
Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố làm tốt công tác phối hợp với HĐND, Ủy ban nhân dân (UBND) tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp gặp gỡ, tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội, HĐND các cấp để các vị đại biểu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của cử tri đối với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành từ Trung ương đến xã, phường về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Tham gia vào dự thảo các văn bản Luật của Quốc hội, của HĐND, UBND thành phố như: Nghị quyết, quyết định, chỉ thị...
Tuy nhiên, thời gian qua hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc còn hạn chế, tồn tại, đó là: Nhiều lĩnh vực hoạt động giám sát của Mặt trận tập trung ở xã, phường, nhưng hiện nay, Mặt trận xã, phường chỉ có Chủ tịch và Phó Chủ tịch Mặt trận là cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách nên quá trình thực hiện còn hạn chế. Đội ngũ chuyên gia tư vấn cho cán bộ mặt trận trên các lĩnh vực còn thiếu, do đó việc triển khai công tác giám sát và phản biện xã hội gặp không ít khó khăn. Trước khi Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội được ban hành thì hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức này được quy định ở rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau nhưng chưa có quy định cụ thể về phản biện xã hội. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến việc phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thời gian qua.
Để công tác giám sát và phản biện xã hội đạt hiệu quả, trong thời gian đến Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và xã, phường cần thực hiện những nội dung sau:
Một là, Hàng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và xã, phường phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội cần xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai công tác giám sát ở các lĩnh vực, nội dung nào đáp ứng nhu cầu của nhân dân và sự phát triển của địa phương. Việc thực hiện giám sát và phản biện xã hội phải gắn với việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Tăng cường đồng thuận xã hội và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
 Hai là, Công tác giám sát và phản biện xã hội bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Điều lệ của các đoàn thể chính trị - xã hội cũng như quy chế phối hợp và thống nhất hành động của các tổ chức thành viên Mặt trận; đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ với Thường trực HĐND và UBND.
Ba là, Việc tổ chức thực hiện giám sát và phản biện xã hội cần có lộ trình thích hợp, phù hợp với năng lực tổ chức thực hiện của Ủy ban MTTQVN xã, phường và điều kiện thực tế ở địa phương. Cần tiến hành thí điểm, sau đó rút kinh nghiệm để triển khai diện rộng. Định kỳ sơ kết, tổng kết nhằm nhân rộng các cách làm tốt, rút kinh nghiệm cách làm chưa hiệu quả, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ hiệu quả, thiết thực.
Bốn là, Cần lấy ý kiến tham gia, góp ý kiến của các chuyên gia, cố vấn trên các lĩnh vực để công tác giám sát và phản biện có chất lượng và đạt hiệu quả cao hơn. Triển khai có hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước trong sạch, vững mạnh, xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vì mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
Dương Thị Thu Phương
                                      UVTV, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam thành phố
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png