TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Tin thế giới

Ngày đăng bài: 15/07/2014
Tác động từ cuộc đảo chính ở Thái Lan
Từ ngày 13/1/2014, cuộc khủng hoảng chính trị mới ở Thái Lan bắt đầu bùng nổ. Phe đối lập đã sử dụng phương thức tổ chức biểu tình chiếm lĩnh Băng Cốc, ép chính phủ ngừng hoạt động, đồng thời gây trở ngại cho hoạt động bầu cử nhằm ép Thủ tướng Zing-lúc Si-na-oa-tra từ chức. Phe “áo đỏ” ủng hộ chính phủ cũng tiến hành biểu tình nhiều nơi ở Băng Cốc. Ngày 22/5/2014, Đại tướng Pờ-ra-út Chan-ô-cha, Tư lệnh lục quân Thái Lan đã bất ngờ tuyên bố thực hiện một cuộc đảo chính quân sự, chiếm quyền của chính phủ và bắt giữ các nhà lãnh đạo chính trị then chốt. Cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan thực chất là cuộc đối đầu giữa phe bảo hoàng với phe ủng hộ tỉ phú lưu vong Thạc Xỉn Si-na-oa-tra, người đã bị phế truất trong cuộc đảo chính năm 2006.

Nguyên nhân cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan, là do sự đối lập về lợi ích giai cấp khủng hoảng chính trị ở Thái Lan, là biểu hiện về mặt xã hội của mâu thuẫn gay gắt về lợi ích giữa tầng lớp tinh hoa mà chủ yếu là các nhóm chính trị, quan chức; một bộ phận giai cấp trung lưu thành phố với tầng lớp nông dân, dân nghèo thành thị (chiếm đa số).
Trên chính trường Thái Lan, có hai Đảng chính trị đại diện cho lợi ích của hai tầng lớp dân cư trên, đó là “Đảng vì nước Thái” (Phak Phuea Thai), đại diện cho lợi ích của nông dân và dân nghèo thành thị (chủ yếu ở miền Bắc và Đông Bắc Thái Lan) thông qua chính sách dân túy và Đảng Dân chủ (Phak Prachatipat) của ông A-bị-xịt và Xu-thép, đại diện cho tầng lớp tinh hoa và trung lưu ở Băng Cốc và các đô thị phía Nam. 
Về thể chế, Nhà nước Thái Lan theo chế độ quân chủ lập hiến. Nguyên thủ quốc gia là nhà vua, được coi là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Nhà vua là người đứng đầu nhà nước, Tổng Tư lệnh quân đội và là người bảo trợ quốc đạo Phật giáo. Về chính trị, Thái Lan thực hiện thể chế đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập theo mô hình phương Tây. Tuy theo chế độ quân chủ lập hiến, song đức vua Thái Lan Bhumibol có thực quyền và chi phối chính trường Băng Cốc. Quân đội Thái Lan, nhất là lục quân, có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị Thái Lan. Khi nhà vua và quân đội còn có vai trò to lớn trên sân khấu chính trị đất nước thì chưa thể có thể chế chính trị tam quyền phân lập. Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật của Thái Lan cũng chưa hoàn chỉnh và đa số người dân chưa có ý thức tôn trọng luật pháp. Trong bối cảnh như vậy, bùng phát xung đột chính trị - xã hội rất dễ xảy ra.
Trong hơn 80 năm qua, ảnh hưởng của quân đội đã được thể hiện qua 18 cuộc đảo chính và hơn 10 âm mưu đảo chính trực tiếp và gián tiếp. Cuộc đảo chính ngày 22/5 là cuộc đảo chính thứ 19 của Quân đội Thái Lan kể từ năm 1932, Quân đội Thái Lan được cho là có xu hướng “chính trị hóa” cao và đứng về phe những người biểu tình phản đối chính phủ hiện nay.
Năm 2010, quân đội đã thực hiện một cuộc đàn áp thẳng tay người biểu tình phe “áo đỏ” bằng cách cho xe tăng tiến vào các khu vực trung tâm thủ đô Băng Cốc và triển khai lực lượng bắn tỉa, làm 6 người bị chết trong khi trú ẩn trong một ngôi chùa. Chính quyền khi đó cũng bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm về cái chết của ít nhất 16 trong số 92 người biểu tình bị chết. Hành động của quân đội đã gây phẫn nộ trong nhân dân, vì thế, từ đó trở đi, quân đội có xu hướng lùi về phía sau.
Trong 4 tháng qua, khi Thủ tưởng Zing-lúc Si-na-oa-tra phải đối mặt với làn sóng biểu tình rầm rộ đòi phải từ chức, quân đội tuyên bố, họ đã học được bài học trong quá khứ nên sẽ giữ lập trường trung lập và sẽ không phát động thêm một cuộc đảo chính quân sự mới. Trước khi lật đổ chính quyền của Thủ tướng Zing-lúc Si-na-oa-tra, Quân đội Thái Lan đã ban bố tình trạnh thiết quân luật. Theo đó, mục tiêu của sắc lệnh ban bố tình trạng thiết quân luật là nhằm “vãn hồi hòa bình và trật tự cho tất cả mọi người” và hành động này không phải là “một cuộc đảo chính”.
Trong những năm qua, nhất là từ đầu năm đến nay, nền kinh tế Thái Lan phải chịu tác động lớn của tình trạng bất ổn trong nước. Tăng trưởng kinh tế năm 2012-2013 giảm một nửa; Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm từ 6,5% (2012) xuống còn 2,9% (2013). Năm 2014, tình hình kinh tế Thái Lan tiếp tục diễn biến theo chiều hướng xấu.
Khủng hoảng chính trị đã có tác động xấu đến đầu tư nước ngoài tại Thái Lan. Tình hình bất ổn khiến xã hội và các thể chế của Thái Lan không hoạt động bình thường. Các nhà đầu tư nước ngoài cảnh báo nếu tình hình an ninh không được cải thiện, họ sẽ xem xét lại các dự án đầu tư tại Thái Lan.
Một trong số các ngành kinh tế quan trọng của Thái Lan là ngành du lịch và vận tải (chiếm 7-8%GDP, tạo việc làm trực tiếp hay gián tiếp cho hơn 5 triệu người, thu hút hơn 22 triệu khách du lịch nước ngoài năm 2013), đang phải chịu tác động nặng nề do tình hình bất ổn hiện nay. Các cuộc biểu tình chống chính phủ của phe “áo đỏ” liên tiếp diễn ra ở thủ đô Băng Cốc trong những ngày vừa qua và việc ban bố tình trạng thiết quân luật sẽ làm giảm số lượng lớn khách du lịch vào Thái Lan. Năm 2014, số lượng khách nước ngoài dự kiến giảm 10%, chỉ đạt từ 12,7-14,1 triệu lượt. Số du khách nước ngoài đến Thái Lan dự kiến giảm tới 20% trong quý II và quý III năm 2014. Dự báo, thiệt hại về kinh tế của ngành du lịch của Thái Lan sẽ lên tới 120 tỉ Bạt (3,71 tỉ đô la Mỹ).
Ảnh hưởng của các cuộc biểu tình, chỉ tính riêng vụ bạo động trong ngày 19/5, đã có 36 mục tiêu ở Băng Cốc bị phóng hỏa, trong đó có Central World, trung tâm thương mại, vốn là biểu tượng của đất nước Thái Lan mới, thịnh vượng và mở của. Đây cũng là một trong những trung tâm thương mại lớn nhất ở châu Á. Thiệt hại về kinh tế ở Central World ước tính khoảng 1 tỉ Bạt (30,922 triệu đô la Mỹ), với 300 quầy hàng bị thiêu rụi và hơn 1.000 lao động mất việc làm. Thiệt hại lớn cũng xảy ra ở sàn giao dịch chứng khoán, đài truyền hình, nhiều ngân hàng và 1 trung tâm thương mại ở Băng Cốc./.
BBT
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png