TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế trên địa bàn thành phố

Ngày đăng bài: 18/04/2014
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, cùng với sự với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Sở Y tế tỉnh Gia Lai; Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, Ngành y tế thành phố đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể thành phố, cấp ủy, chính quyền các xã, phường tham mưu chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả công tác thông tin, truyền thông giáo dục sức khỏe, vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách dân số-KHHGĐ; phòng, chống dịch bệnh. Triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và dân số-KHHGĐ, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân đạt được nhiều kết quả quan trọng, quy mô dân số ổn định, chất lượng dân số và cuộc sống được cải thiện đã góp phần tích cực vào việc đảm bảo an sinh xã hội và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Những kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế trên địa bàn thành phố trong thời gian qua.
Các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ngày càng phát huy vai trò trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và dân số-KHHGĐ ở cơ sở; nhận thức của đa số nhân dân về phòng bệnh, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ngày càng được nâng lên, từ đó đã tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích của chương trình mục tiêu y tế quốc gia mang lại, Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai thường xuyên, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng các loại văccin phòng bệnh hàng năm đạt trên 99%; Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được uống vi ta min A và uống thuốc tẩy giun hàng năm đạt trên 98%; công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ - KHHGĐ; chăm sóc trẻ em - phòng chống suy dinh dưỡng được chú trọng, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 05 tuổi giảm từ 6,53% năm 2010 xuống 5,32% năm 2013 (giảm 1,21%); tỷ lệ phụ nữ được khám thai và tiêm văccin phòng bệnh uốn ván sơ sinh hàng năm đạt trên 85%; phụ nữ được cán bộ y tế chăm sóc khi sinh và sau sinh gần 100%.
(Tuyên truyền chăm sóc sức khoẻ sinh sản)

Thành phố đã xây dựng và duy trì hoạt động 47 câu lạc bộ không sinh con thứ 3 với trên 3.500 hội viên tham gia; triển khai các chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản-KHHGĐ hàng năm đạt được nhiều kết quả, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 87%; tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 giảm từ 9,38% năm 2010 xuống 9,17% năm 2013 (giảm 0,21%), tỷ lệ tăng dân số tự nhiên được duy trì ở mức 1,11%. Bước đầu triển khai tuyên truyền thực hiện đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh, đề án chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân trên địa bàn thành phố. Công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng hiệu quả, trong 3 năm qua không có các vụ ngộ độc tập thể xảy ra trên địa bàn thành phố.
 Triển khai tốt công tác phòng chống các bệnh xã hội, bệnh truyền nhiễm: Sốt xuất huyết, Lao, Phong, Bướu cổ, Sốt rét, chăm sóc sức khoẻ tâm thần cộng đồng: hầu hết người dân thành phố dùng muối Iode phòng bệnh Bướu cổ, tỷ lệ ký sinh trùng Sốt rét giảm từ 0,22% năm 2010 xuống 0,09% năm 2013, quản lý điều trị 100% bệnh nhân Lao được phát hiện, 185 bệnh nhân tâm thần, 13 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Bước đầu triển khai khám sàng lọc, phát hiện, quản lý và điều trị các bệnh không lây (tăng huyết áp, đái tháo đường) ở một số phường, xã (Yên đỗ, Hội Thương, Ia Kring, Thắng Lợi, Chư Ă) đạt được một số kết quả đáng khích lệ.
 Một số khó khăn, thách thức trong việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế trên địa bàn thành phố trong giai đoạn hiện nay.
Một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thường xuyên quan tâm chỉ đạo sâu sát việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; vai trò tham mưu của y tế cơ sở xã, phường có lúc, có nơi chưa tích cực; kiến thức và năng lực thực hiện chương trình của một số cán bộ, viên chức y tế ở cơ sở còn hạn chế; sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương có lúc chưa kịp thời; một bộ phận nhân dân, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số chưa nhận thức đầy đủ lợi ích của việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế nên chưa tích cực tham gia hưởng ứng nên chất lượng, hiệu quả chương trình chưa bền vững. Bên cạnh đó, một số tai biến, phản ứng xảy ra trong chương trình tiêm chủng mở rộng có liên quan đến chất lượng và độ an toàn của văccin trong chương trình tiêm chủng mở rộng; một số sai sót chuyên môn trong quy trình bảo quản, vận chuyển, sử dụng vật tư y tế, văccin tiêm chủng; vấn đề tiêu cực, vi phạm y đức của một số cán bộ, viên chức y tế ở một số địa phương gần đây thực hiện nhiệm vụ tiêm chủng  ở một số địa phương trong nước gần đây gây không ít hoang mang lo lắng trong nhân dân. Vấn đề buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm; thực phẩm chứa hóa chất độc hại, không rõ nguồn gốc, thực phẩm bẩn, có tồn dư hóa chất kích thích tăng trưởng.... gây ảnh hưởng đến sức khỏe trước mắt cũng như lâu dài đối với sức khỏe nhân dân đang rất bức xúc. Tình hình biến đổi phức tạp của thời tiết, khí hậu và diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình dịch bệnh và mô hình bệnh tật tác động đến hiệu lực, hiệu quả của một chương trình mục tiêu như Tiêm chủng mở rộng, phòng chống sốt xuất huyết; phòng, chống sốt rét.v.v..
 Nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và dân số-KHHGĐ trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.
Một là, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và dân số-KHHGĐ nhất là triển khai thực hiện các chiến lược, các chương trình, kế hoạch dài hạn, ngắn hạn của Trung ương, của địa phương trong từng chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và dân số-KHHGĐ.
Hai là, tăng cường và nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến xã, phường; vai trò chủ đạo trong công tác tham mưu mưu chỉ đạo, tổ chức thực hiện của ngành y tế; sự phối hợp tích cực của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến xã, phường; tranh thủ sự chỉ đạo hướng dẫn về chuyên môn, sự đầu tư, hỗ các nguồn lực của Trung ương, của địa phương để triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và dân số-KHHGĐ. Huy động toàn thể hệ thống chính trị và toàn thể người dân tiếp cận tham gia thực hiện và thụ hưởng kết quả của các chương trình.
Ba là, Thường xuyên đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông giáo dục, vận động và phổ biến đầy đủ, kịp thời đến tận người dân về hiệu quả và lợi ích của các chương trình đối với sức khỏe người dân bằng các hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực để cộng đồng tích cực tham gia triển khai thực hiện các chương trình.
Bốn là, Tổ chức triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và dân số-KHHGĐ mà trọng tâm là tổ chức thực hiện tốt công tác tiêm chủng mở rộng, đảm bảo an toàn tiêm chủng và nâng cao hiệu lực hiệu quả của các loại văccin trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Đồng thời, khuyến khích người dân tích cực tham gia tiêm chủng dịch vụ các loại văccin phòng bệnh truyền nhiễm theo phương thức xã hội hóa (để phòng các bệnh tuyền nhiễm nguy hiểm mà chương trình tiêm chủng chưa triển khai tiêm miễn phí) nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng bệnh nhất là cho bà mẹ và trẻ em.
Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, chăm sóc sức khỏe sinh sản-KHHGĐ, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em gắn với phòng chống bệnh béo phì, phòng chống thiếu vitamin A, phòng chống bệnh nhiễm giun, phòng chống các bệnh không lây như tăng huyết áp, tim mạch và đái tháo đường... Nâng cao hơn nữa công tác quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm mà trước hết là tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao nhận thức làm thay đổi hành vi của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng về việc đảm bảo an toàn thực phẩm vì sức khỏe cộng đồng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý công khai, minh mạch, chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm. Triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa chương trình phòng chống bệnh sốt xuất huyết, bệnh sốt rét và các bệnh lao, phong, bướu cổ, tâm thần, HIV/AIDS. Nhân rộng và triển khai hiệu quả các đề án sàng lọc trước sinh và sơ sinh, đề án chăm sóc sức khỏe vị thành niên, sức khỏe tiền hôn nhân.v.v..
 Năm là, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đi đôi với công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng tập huấn nâng cao kiến thức, năng lực quản lý và chuyên môn của cán bộ, viên chức thực hiện các chương trình gắn với củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động y tế cơ sở, xã, phường; đội ngũ cộng tác viên y tế và nhân viên y tế thôn làng, công tác viên các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và dân số-KHHGĐ, đồng thời quan tâm đảm bảo đầy đủ chế độ chính sách của Nhà nước cho đội ngũ này để họ yên tâm làm việc, tích cực tuyên truyền vận động nhân dân tham gia thực hiện tốt các chương trình./.
Nguyễn Thanh Bình
                                                                                Trưởng phòng Y tế thành phố
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png