TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Công tác phòng chống văn hóa phẩm độc hại ở Thành phố Pleiku

Ngày đăng bài: 15/07/2014
Thành phố Pleiku là trung tâm chính trị kinh tế, văn hóa của tỉnh Gia Lai. Các hoạt động văn hóa và dịch vụ văn hóa trên địa bàn thành phố trong thời gian qua rất phong phú và đa dạng. Dịch vụ văn hóa có xu hướng phát triển nhanh với nhiều hình thức đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Tính đến nay trên địa bàn thành phố có 64 cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke, 04 quán bar, 07 cơ sở mua bán băng đĩa, 171 đại lý internet công cộng, trên 20.500 thuê bao Internet đang hoạt động… Bên cạnh những mặt tích cực, sự xâm nhập các sản phẩm văn hoá độc hại vào địa bàn thành phố trong những năm gần đây (chủ yếu dưới hình thức kinh doanh băng đĩa, mạng Internet, tờ rơi, sách báo, phim ảnh, game online…) có nội dung kích động bạo lực, nói xấu chế độ, chống lại các quan điểm của Đảng, chủ trương, pháp luật Nhà nước… vẫn còn xảy ra đã tác động xấu đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, tâm lý, hành vi của một bộ phận nhân dân, nhất là thế hệ trẻ… vì vậy, công tác quản lý các hoạt động văn hoá, kiểm tra các dịch vụ văn hóa, tăng cường chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức văn hóa trên địa bàn thành phố luôn được quan tâm chú trọng.

Để quản lý tốt các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa hiện nay, Thành uỷ, UBND thành phố đã chỉ đạo các phòng ban, các cơ quan đơn vị quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27-7-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, nhân dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hoá độc hại, nhất là đối tượng học sinh, thanh thiếu niên. Với nhiều hình thức tuyên truyền trực quan, những hình ảnh, bài viết phóng sự thực tế đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của đại đa số cán bộ, nhân dân, góp phần đẩy lùi sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại vào đời sống xã hội.
Trong những năm qua, ngành văn hóa thông tin thành phố đã phối hợp với Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” thành phố và các xã, phường vận động nhân dân thực hiện xây dựng đời sống văn hóa mới; tích cực tuyên truyền xây dựng “gia đình văn hoá”, “khu dân cư văn hoá”, “công sở văn hoá”; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước; phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; bài trừ các loại văn hóa phẩm độc hại làm hủy hoại đến lối sống, đạo đức văn hóa dân tộc. Công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình và xã hội luôn được quan tâm, gắn kết với các phong trào thi đua của các cơ quan, đơn vị; các thôn làng, tổ dân phố đã tác động tích cực đến xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân trên địa bàn.
 
Cùng với đó, việc quản lý văn hoá luôn được quan tâm; đã tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh văn hoá, các dịch vụ văn hoá góp phần ngăn chặn, hạn chế lưu hành, phát tán các sản phẩm văn hoá độc hại trên đại bàn. Từ năm 2010 đến nay, Đoàn kiểm tra liên ngành về văn hóa và phòng chống tệ nạn xã hội và đoàn kiểm tra văn hóa ở các xã phường đã tổ chức kiểm tra 804 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa - internet trên địa bàn thành phố. Trong đó có 45 cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa vi phạm đã xử phạt hành chính 96.500.000 đồng nộp ngân sách nhà nước. Tịch thu trên 1000 đĩa VCD-DVD in nhân bản lậu, có nội dung không lành mạnh, 657 đầu sách không rõ nguồn gốc. Đề nghị thu hồi, không sử dụng 5.723 cuốn sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 tập 2, một số sách tham khảo có nội dung, hình ảnh minh họa vi phạm pháp luật...
 
Mặc dù đã có nhiều giải pháp, biện pháp nhằm quản lý các loại hình văn hóa, chống sự xâm nhập của văn hóa phẩm độc hại, song với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin như hiện nay, đặc biệt là ảnh hưởng của lối sống thực dụng, vô cảm, sở thích “kỳ quái” của một bộ phận thanh thiếu niên, công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hoá và dịch vụ văn hoá chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội. Môi trường đạo đức, văn hóa lành mạnh đang bị đe dọa nghiêm trọng. Lối sống thực dụng, vụ lợi, vị kỷ và tệ nạn xã hội, giết người, cướp của, gây rối trật tự công cộng có biểu hiện tăng, phức tạp. Một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân có biểu hiện suy thoái về đạo đức, tư cách, phẩm chất. Nhiều trò chơi mang tính bạo lực, độc hại trên Internet, các xu hướng thời trang đi ngược lại truyền thống của dân tộc chưa được ngăn chặn kịp thời, đã ảnh hưởng đến nhận thức và hành động tiêu cực trong một bộ phận thanh thiếu niên. Một số giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình đang bị mai một dần như: con cái coi thường, ngược đãi cha mẹ, vợ chồng mâu thuẫn, gây gổ, giết nhau, bạo lực gia đình tăng. Một số vụ án hiếp dâm trẻ em, do tiếp xúc với văn hóa độc hại, đã xảy ra trên địa bàn đã làm ảnh hưởng đến lối sống, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa dân tộc, đạo đức xã hội.
 
Sở dĩ còn những tồn tại nêu trên, là do công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong các cơ quan, đơn vị, trong các tầng lớp nhân dân và đặc biệt với đối tượng là học sinh, sinh viên còn có những hạn chế. Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực văn hoá và dịch vụ văn hoá có lúc, có nơi còn buông lỏng, chưa đáp ứng với sự phát triển của xã hội. Công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm còn nhiều bất cập, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng.
Để thực hiện tốt Chỉ thị 46-CT/TW ngày 27-7-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”, trong thời gian tới cần làm tốt những vấn đề sau:
 
Một là, Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của tổ chức Đảng, chính quyền các cấp thực hiện Chỉ thị 46-CT/TW của Trung ương Đảng về công tác “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đưa nội dung này vào chương trình công tác thường xuyên hàng tháng, hàng năm của các địa phương, đơn vị. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; chỉ đạo các cơ quan chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là chế tài xử lý, quản lý văn hóa, truyền bá sản phẩm văn hóa được thực hiện trên địa bàn.
 
Hai là, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh nhận thức rõ về sự tác hại của các sản phẩm văn hóa độc hại đối với đạo đức lối sống và truyền thống văn hóa dân tộc. Tiếp tục tuyên truyền các văn bản quản lý văn hóa; tập trung nâng cao nhận thức của người tham gia các hoạt động văn hóa (người chủ cơ sở kinh doanh văn hóa, dịch vụ văn hóa). Phát huy vai trò của mỗi gia đình, thôn làng, tổ dân phố văn hóa trong việc phòng chống văn hóa độc hại. Từ đó không sử dụng, lưu truyền, phát tán các sản phẩm văn hóa độc hại, đồi trụy.
 
Ba là, Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn thành phố trong tổ chức tuyên truyền và thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về văn hóa. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, từng bước đẩy lùi sự xâm nhập, tác động của các sản phẩm văn hóa độc hại trên địa bàn. Thực hiện hiệu quả các phong trào, danh hiệu văn hóa, như xây dựng gia đình văn hóa, thôn, làng văn hóa, xã, phường văn hóa, tạo phong trào thi đua sôi nổi trong dân.
 
Bốn là, Chú trọng quan tâm xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa; tăng cường đầu tư cơ sở, vật chất, trang thiết bị kỹ thuật để ngăn chặn sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài vàonhằm đáp ứng tốt hơn đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng thành phố ngày càng văn minh giàu đẹp./.
 
Nguyễn Xuân Hà
                      Phó phòng VHTT thành phố
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png