TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Chuyện kể về những người “đưa đò” tri thức ở thành phố Pleiku

Ngày đăng bài: 30/10/2022
Thy Huấn
 
Những ai đã từng ngồi trên ghế nhà trường có lẽ sẽ không bao giờ quên được dáng hình thầy,- người đứng trên bục giảng  truyền dạy tri thức, đạo đức… làm hành trang giúp nhiều thế hệ học sinh bước vào đời. Những năm qua, đã có biết bao thế hệ nhà giáo đã cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cho sự nghiệp trồng người của thành phố Pleiku. Hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày ngày nhà giáo Việt Nam, sau đây, xin giới thiệu về những người đóng góp tâm sức, trí tuệ, đôi khi cả cuộc sống riêng và tuổi trẻ cho sự nghiệp “trồng người” cao quý ở thành phố Pleiku.

Thầy Hoàng Ngọc Luận - Nhà giáo ưu tú “Tâm sáng trí bền”

Được gặp nhà giáo ưu tú Hoàng Ngọc Luận trong buổi chiều thu đầy nắng, trong khuôn viên của gia đình, thầy thư thả chăm chút từng chậu hoa cây cảnh... Dù đã nghỉ hưu hơn 11 năm rồi nhưng trong câu chuyện thầy – trò nhiều năm gặp lại, thầy vẫn dõi theo từng bước đi lên của Ngành Giáo dục - Đào tạo thành phố và đâu đó vẫn chứa đựng bao tâm huyết trăn trở của người thầy tận tâm với nghề.
 
bAI-GD1.jpg
Thầy Hoàng Ngọc Luận.
 
Nhà giáo ưu tú Hoàng Ngọc Luận sinh ra và lớn lên tại Quảng Trị. Học xong Trường Sư phạm Quy Nhơn, 20 tuổi, thầy giáo Luận đã gắn bó với việc dạy học ở Pleiku. Suốt 40 năm gắn bó với Ngành Giáo dục – Đào tạo thành phố Pleiku (từ năm 1971 đến năm 2011), thầy giáo Luận có 20 năm làm hiệu trưởng, 15 năm làm lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố. Trong suốt quá trình công tác, thầy đã có nhiều sáng kiến, kinh nghiệm trong ngành, đạt chiến sĩ thi đua cơ sở, cấp thành phố và cấp tỉnh, đồng thời được tặng thưởng nhiều bằng khen, huy chương cao quí của Thủ tướng chính phủ, của Bộ Giáo dục - Đào tạo, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và của các ngành; 6 lần thầy đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Suốt một đời với nghề giáo, thầy giáo Hoàng Ngọc Luận luôn nâng tầm trí tuệ, đóng góp nhiều công sức cho Ngành Giáo dục – Đào tạo thành phố, luôn nêu cao phẩm chất, đạo đức cách mạng của người đảng viên, của nhà giáo; nhân hậu, giản dị, là tấm gương sáng của Ngành giáo dục và của thành phố chúng ta, được mọi người kính trọng, tin yêu.  

Bày tỏ về những tâm huyết của mình trong suốt 40 năm giảng dạy và lãnh đạo Ngành Giáo dục – Đào tạo thành phố, nhà giáo ưu tú Hoàng Ngọc Luận chia sẻ: “Nghề giáo là một nghề đặc biệt, bởi đối tượng lao động của chúng ta chính là nhân cách, tâm hồn và thể chất của con người; công cụ lao động của nghề dạy học chủ yếu là bằng bản thân của người thầy, là toàn bộ nhân cách của người thầy, phương pháp lao động của người thầy là phương pháp nêu gương, cảm hóa đối tượng bằng tư tưởng, tình cảm của mình để tạo ra những sản phẩm đặc biệt – là những con người có ý thức, biết vận dụng tri thức, kỹ năng và bắt nhịp với thời đại, biết độc lập tự chủ và sáng tạo. Do đó, hơn bất cứ ngành nghề nào khác là không để những tiêu cực len vào trường học, vào cơ quan quản lý giáo dục - không để Nhân dân, phụ huynh và học sinh có cái nhìn méo mó về nghề dạy học, về người thầy, về người làm công tác quản lý giáo dục... Với góc nhìn của nhà giáo về hưu, trong muôn vàn trăn trở của nhà giáo, tôi mong muốn các thầy cô giáo hãy luôn “Tâm sáng trí bề” để giáo dục thế hệ tương lai vững bước và vững tin trên con đường hội nhập và phát triển đất nước”.

Nữ hiệu trưởng tận tâm với sự nghiệp trồng người

Trong nhiều năm qua, Trường trung học phổ thông chuyên Hùng Vương luôn là lá cờ đầu của Ngành giáo dục tỉnh nhà. Để duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường như hiện nay có một phần đóng góp không nhỏ của cô giáo Lê Thị Thu – Hiệu trưởng nhà trường.

Gắn bó với trường trung học phổ thông chuyên Hùng Vương từ năm 1994, đến nay cô giáo Lê Thị Thu đã có 28 công tác tại trường. Những ngày qua, nhiều lớp cựu học sinh của trường trở lại trường sinh hoạt hội khóa kỷ niệm 10 năm -20 năm ra trường, rất nhiều cựu học sinh vẫn nhớ như in giọng nói trầm ấm, truyền cảm và những kỷ niệm thân thương về cô giáo dạy văn Lê Thị Thu. Được giảng dạy trong môi trường chuyên nghiệp, cô Thu đã không ngừng nỗ lực cố gắng nâng cao trình độ chuyên môn (là thạc sĩ văn học Việt Nam) và sáng tạo trong giảng dạy nên các tiết văn học của cô luôn tạo được nguồn hứng khởi cho học sinh. Khó có thể kể hết những thành tích cô đạt được trong nhiều năm qua, nhưng với sự tín nhiệm của cấp trên và của đồng nghiệp, năm 2015 cô được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng và đến năm 2018, cô được bầu giữ chức Hiệu trưởng nhà trường. Với cương vị là Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường, cô Thu Luôn chú trọng đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục hướng đến phát triển toàn diện cho học sinh. Vì vậy, cô đã cùng tập thể Ban Giám hiệu nhà trường đề ra các giải pháp phù hợp, nhằm nâng cao toàn diện chất lượng dạy và học. Trong đó, nhà trường tạo điều kiện để cán bộ, giáo viên được tham gia các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
 
BAI-GD-2.jpg
Cô Lê Thị Thu (bên trái).

Hiện nay, trường có 116 cán bộ giáo viên và nhân viên, 100% giáo viên đạt chuẩn trong đó có 01 tiến sĩ, 76 thạc sĩ và 01 giáo viên đang học sau đại học… Cùng với đó, nhà trường còn quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giỏi. Trong 5 năm qua, nhà trường đã có hàng trăm lượt giáo viên đạt giáo viên giỏi các cấp. Năm học 2021-2022, có 100% cán bộ giáo viên có đề tài nghiên cứu khoa học và được hội đồng khoa học trường đánh giá đạt từ loại khá trở lên; có 34 đề tài và bài báo khoa học được Hội đồng đánh giá sáng kiến kinh nghiệm Ngành Giáo dục và Đào tạo đánh giáo cao, có 22 sáng kiến kinh nghiệm xếp loại đạt khá có mức độ ảnh hưởng toàn tỉnh, có 12 sáng kiến kinh nghiệm xếp loại có mức độ ảnh hưởng toàn quốc. Đây chính là nền tảng vững chắc để nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường theo hướng thực chất. Bên cạnh đó, cô Thu  cùng tập thể Ban Giám hiệu nhà trường tập trung quan tâm đẩy mạnh giáo dục toàn diện cho học sinh, đa dạng hóa các loại hình học tập, xây dựng môi trường học tập thân thiện, trong đó giáo dục văn hóa là trung tâm, phát triển năng khiếu cho học sinh là mũi nhọn đào tạo. Mặt khác, nhà trường cũng đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với các phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo”... Nhờ đó, chất lượng giáo dục của nhà trường không ngừng được nâng cao qua các năm học. Chất lượng giáo dục mũi nhọn của nhà trường luôn đứng trong tốp đầu của ngành giáo dục tỉnh. Năm học 2020 – 2021 và năm học 2021 - 2022, số học sinh đạt hạnh kiểm tốt của nhà trường xấp xỉ 100%, tỷ lệ học sinh đạt học lực giỏi trên 92%. Cùng với đó, học sinh nhà trường đạt 298 giải học sinh giỏi cấp tỉnh; 57 giải học sinh giỏi cấp quốc gia, 39 huy chương các loại tại Olimpic 30-4 và 4 giải sáng tạo khoa học kỹ thuật quốc gia... Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp luôn đạt 99 – 100%. Tỷ lệ học sinh đỗ đại học, cao đẳng hàng năm lên đến 85% và nhiều thành tích đáng kể khác trong nhiều lĩnh vực như văn hóa, văn nghệ thể dục thể thao...

Bày tỏ về những mong muốn của mình, cô giáo Lê Thị Thu – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông chuyên Hùng Vương bày tỏ: “Nghề  giáo là một nghề vô cùng cao quý, đào tạo nên nguồn nhân lực quyết định tới sự phát triển của đất nước. Vì vậy, trong thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu và mục tiêu giáo dục trong giai đoạn mới, nhà trường sẽ tiếp tục chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên có phẩm chất đạo đức tốt, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời có chiến lược phát triển mũi nhọn và đào tạo nhân lực chất lượng cao, xây dựng nhà trường thành đơn vị điển hình về ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý giáo dục, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, giữ vững danh hiệu  lá cờ đầu của ngành giáo dục đào tạo tỉnh nhà”.

Thầy giáo khuyết tật giàu nghị lực – 10 năm liền đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở

Nhắc đến thầy giáo Nguyễn Văn Thành – giáo viên Toán – Lý Trường trung học cơ sở Nguyễn Du, thành phố Pleiku, không chỉ các đồng nghiệp mà các em học sinh giành cho thầy những tình cảm thân thương, lòng kính trọng về một người thầy mẫu mực vượt lên chính mình. Năm 1977, khi vừa tròn 11 tuổi, sau buổi đến trường, cậu bé Nguyễn Văn Thành lại theo cha mẹ đi làm rẫy, một lần không may đã đụng phải mìn và mất cánh tay. Khó khăn, vất vả và cả mặc cảm nhưng Nguyễn Văn Thành vẫn nuôi dưỡng ước mơ trở thành thầy giáo.

Năm 1987 sau khi tốt nghiệp trường sư phạm Quy Nhơn, thầy Thành về công tác tại huyện Chư Prông, năm 1996 chuyển về trường trung học cơ sở Nguyễn Du TP. Pleiku. Trong nhiều năm qua, thầy Thành luôn khắc phục khó khăn, gương mẫu, yêu nghề, có nhiều nhiều sáng tạo, đổi mới về phương pháp và kỹ năng truyền thụ kiến thức đến học sinh, thường xuyên áp dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và công tác nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Thầy Thành luôn tìm tòi, nghiên cứu, biên soạn giáo trình, biến những con số khô khan thành những câu chuyện, những tình huống, những bài học bổ ích giúp học sinh dễ hiểu, tiếp thu bài nhanh. Để mã hóa được những con số khó hiểu, cứng nhắc, thầy suy nghĩ, tìm tòi để đặt mỗi bài giảng vào một tình huống cụ thể, dễ hiểu trong cuộc sống hoặc gắn bài giảng với những câu chuyện về những danh nhân toán học, những tấm gương vượt khó. Vì thế, mỗi tiết học toán của thầy là một giờ học bổ ích, được học sinh yêu thích, chờ đợi… Bên cạnh đó, thầy cũng tích cực tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi bộ môn Vật lý 9 thi cấp tỉnh, bộ môn Giải toán bằng máy tính nhiều năm đạt giải tỉnh, quốc gia; hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp tỉnh đạt giải ba năm học 2015-2016, giải nhì năm học 2018-2019. Tuy bị khuyết tật nhưng thầy luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, là giáo viên dạy giỏi nhiều năm liên tiếp; 10 năm liền (từ năm 2006 đến năm 2015) là chiến sỹ thi đua cơ sở, trong đó có 3 năm đạt danh hiệu chiễn sỹ thi đua cấp tỉnh; từ năm 2016 đến nay thầy luôn đạt giáo viên dạy giỏi và là lao động tiên tiến.
 
BIA-GD3.jpg
Thầy Nguyễn Văn Thành.

Chia sẻ về những nỗ lực vươn lên trong giảng dạy, thầy giáo Thành bày tỏ: “Những ngày đầu đứng lớp tôi đã không khỏi tự ti và mặc cảm bởi khiếm khuyết trên cơ thể mình, nhưng bằng tình yêu nghề, tình cảm yêu thương của các em học sinh, sự động viên chia sẻ của đồng nghiệp đã giúp tôi vượt qua. Hơn 25 năm đứng trên bục giảng, tôi đã vượt qua những khó khăn của nghề dạy học, bởi đây là một công việc đặc thù và đòi hỏi người giáo viên phải không ngừng rèn luyện và phấn đấu. Tôi cũng đã vượt qua chính mình, tự tin đứng trên bục giảng với lòng say nghề đem tri thức và truyền cảm hứng đến cho học sinh. Mong rằng các em cũng hãy nỗ lực vươn lên trong học tập để sánh vai cùng bè bạn năm châu như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn”.

Cô giáo Trương Thị Tường Thi – là nhà giáo, “nhà tâm lí”

Nhắc đến cô giáo Trương Thị Tường Thi - giáo viên Trường trung học phổ thông Phan Bội Châu, mọi người đều khen ngợi sự nỗ lực cố gắng hết mình của cô. Năm 2019, cô chuyển công tác về trường trung học phổ thông Phan Bội Châu và được phân công giảng dạy môn Văn học khối 11, 12, rồi giáo viên chủ nhiệm lớp.

 Ngay từ những ngày đầu về trường, cô Thi luôn nhiệt tình, nêu cao tinh thần trách nhiệm với học sinh, cẩn thận, chu đáo trong soạn bài, chấm bài và coi đó là sứ mệnh cao cả của người giáo viên. Với học sinh, cô Thi luôn tận tình và tâm huyết, vừa là "nhà giáo", vừa là "nhà tâm lí", là người truyền cảm hứng qua từng tiết dạy được chuẩn bị công phu. Trong quá trình giảng dạy, cô chú trọng đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, rèn luyện kỹ năng làm bài cho các em theo dạng bài để các em viết đúng kiểu bài và trúng trọng tâm yêu cầu đề ra trong các bài tập và để kiểm tra thường xuyên, định kỳ. Đặc biệt cô tích hợp giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn tác phẩm văn học với thực tiễn cuộc sống, giáo dục môi trường và kỹ năng sống vào nội dung của bài học để học sinh được giáo dục toàn diện. Vì vậy, trong 3 năm qua, chất lượng giảng dạy của cô luôn đạt cao nhất trong tổ, chất lượng học sinh  giỏi và khá bộ môn Ngữ văn ở các lớp cô dạy đạt 100%, tỷ lệ học sinh giỏi văn tại các lớp cô giảng đạt trên 37%; 2 năm liền cô đạt giáo viên dạy giỏi của trường, giáo viên chủ nhiệm xuất sắc, chiễn sỹ thi đua cơ sở.
 
BAI-GD4.jpg
Cô Trương Thị Tường Thi (thứ 2 từ phải sang).
 
Bên cạnh đó, cô tích cực tham gia vào các phong trào hoạt động của nhà trường, là thành viên tích cực của “Tổ tư vấn tâm lý học sinh”, “Tổ truyền thông nhà trường”. Cô Thi đã rất tích cực giúp nhà trường trong việc hỗ trợ tư vấn tâm lí cho một số em học sinh gặp khó khăn về mặt tâm lí, bị áp lực trong cuộc sống.  Với sự ân cần tận tụy, gần gũi yêu thương học sinh... cô Thi không chỉ là người thầy, mà còn là người thân, người bạn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và giúp các em vượt qua những khó khăn, khúc mắc và trở ngại tâm lý trong học tập cũng như cuộc sống. Trong năm học cô 2020- 2021, cô Thi đã thành công giúp đỡ một học sinh lớp 12 thoát khỏi trầm cảm và áp lực trước các kỳ thi, vượt lên bệnh tật hoàn thành chương trình học và tốt nghiệp trung học phổ thông; đây cũng là nội dung đề tài sáng kiến kinh nghiệm “Giáo viên chủ nhiệm với công tác hình thành phẩm chất trách nhiệm cho học sinh”, được Hội đồng Khoa học Sở Giáo dục và Đào tạo Gia Lai công nhận đạt phạm vi ảnh hưởng cấp tỉnh. Cũng trong năm học này cô Thi tham gia hướng dẫn học sinh làm đề tài Khoa học kĩ thuật: “Chứng rối loạn lo âu xã hội ở học sinh trường trung học phổ thông Phan Bội Châu: Thực trạng và giải pháp” đạt giải Ba.

Bày tỏ về những tâm huyết của mình, cô giáo Trương Thị Tường Thi cho biết: “Khi chọn nghề giáo tôi đã gửi gắm rất nhiều tâm huyết của mình, nếu đứng trên bục giảng mà không có tâm huyết gửi vào các trang giáo án, vào các bài giảng của mình thì làm sao học sinh có thể hiểu được bài và tiếp nhận được kiến thức...; và hơn thế nữa chúng ta không chỉ giáo dục cho học sinh ở mặt tri thức, mà còn phải giáo dục các em về mặt nhân cách, đạo đức và đặc biệt là những kỹ năng cho học sinh. Với xu thế phát triển như hiện nay, mỗi một con người cần phải có đạo đức, trí tuệ và kỹ năng vì vậy trongbản thân mỗi giáo viên cần phải cố gắng, nỗ lực là tấm gương sáng, có những bài giảng thật sự xuất sắc để đào tạo ra thế hệ học sinh có đầy đủ đạo đức, trí tuệ và kỹ năng để  các em có thể hội nhập” .

Tài năng, nhiệt huyết và đam mê

Với lòng yêu nghề sâu sắc, qua những năm tháng trực tiếp làm công tác giảng dạy, cô giáo Dương Hoàng Thảo – giáo viên giảng dạy âm nhạc Trường tiểu học Võ Thị Sáu luôn tâm huyết, nỗ lực hết mình đem để cho học sinh những giờ lên lớp vui tươi, hứng khởi. Ngay từ nhỏ cô Thảo đã có một niềm đam mê với âm nhạc. Năm 2008 sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng sự phạm Gia lai, cô giáo Dương Hoàng Thảo đã mang ngọn lửa tình yêu và kiến thức âm nhạc về truyền dạy cho các em học sinh, gắn bó với Trường tiểu học Võ Thị Sáu. Trong suốt 14 năm qua, cô Hoàng Thảo không ngừng tìm tòi, học hỏi phương pháp dạy học mới, góp phần vào những thành công và những dấu ấn nổi bật của nhà trường.
 
baigd5.jpg
Cô Dương Hoàng Thảo (mặc áo khoắc màu đỏ) chụp hình cùng với các em học sinh.
 
Ngay từ khi mới về trường, cô đã nhanh chóng bắt nhịp với các hoạt động giảng dạy và các phong trào văn nghệ của nhà trường. Nhiệt tình, sáng tạo, năng động, vui vẻ, thân thiện, cô Dương Hoàng Thảo bày tỏ: “Mặc dù là giáo viên dạy môn âm nhạc, nhưng tôi cũng thường xuyên quan tâm đến tình hình học sinh của từng lớp thông qua các giáo viên chủ nhiệm. Bởi có hiểu rõ được hoàn cảnh, năng lực của từng học sinh thì người giáo viên mới có thể đưa ra các biện pháp cụ thể để nâng cao chất lượng giảng dạy của mình”. Bản thân cô Thảo không ngừng nghiên cứu tài liệu, dự giờ thăm lớp, học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp, thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn; đặc biệt những sáng kiến kinh nghiệm về “Một số biện pháp nâng cao kĩ năng vận động theo nhạc cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 trong giờ học môn âm nhạc” của cô đã giúp các em mạnh dạn, tự tin thể hiện khả năng của bản thân cũng như năng lực trong học tập. Đến với mỗi tiết học của cô, học sinh được trải nghiệm những giai điệu mượt mà, ngôn ngữ trong sáng, dễ hiểu đã giúp các em không chỉ vui vẻ, năng động mà còn có thêm nhiều vốn từ Tiếng Việt phong phú. Từ đó, các em cũng yêu thích môn học hơn và mạnh dạn tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ trong và ngoài trường. 

Cô giáo Võ Thị Thương yêu nghề, mến trẻ

Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Cô giáo mầm non tức là mẹ hiền thứ hai của trẻ, muốn làm được thế thì trước hết cô giáo phải yêu trẻ” và xác định rõ giáo viên mầm non là người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho sự phát triển nhân cách của trẻ, dạy trẻ nhỏ tốt thì sau này các cháu thành người tốt. Chính vì thế trong suốt nhiều năm qua, cô giáo Võ Thị Thương, Trường mầm non Hoa Hồng, thành phố Pleiku đã nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, gửi trọn tình yêu, nhiệt huyết của mình với nghề nuôi dạy trẻ.

Kể về những ngày đầu tiên khi mới ra trường, mặc dù có nhiều khó khăn vất vả, song cô Võ Thị Thương luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm cũng như những yêu cầu về đạo đức cần có của một nhà giáo. Ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ thì điều quan trọng nhất mà một giáo viên mầm non phải có đó là tình thương yêu, lòng nhân ái, tính chịu khó, kiên trì, sự bền bỉ...; bởi trẻ ở lứa tuổi mầm non là lứa tuổi các cháu rất hiếu động, tinh nghịch và rất dễ bắt chước người lớn. Vì vậy, để hình thành nên những thói quen, nhân cách tốt cho trẻ thì cô giáo cũng phải có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, trung thực, giàu lòng nhân ái, lời nói, sự giao tiếp, thái độ, cách đi đứng, cách ứng xử với đồng nghiệp, với phụ huynh, đặc biệt là với trẻ sao cho chuẩn mực; đó cũng là “kim chỉ nam” xuyên suốt trong quá trình hơn 10 năm giảng dạy của cô. Bên cạnh đó, cô không ngừng nỗ lực tìm tòi phương pháp mới sinh động, có hiệu quả để vận dụng vào việc giảng dạy sao cho các cháu có sự thích thú và tiếp thu bài một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch Covid 19 diễn biến phức tạp, các cháu học sinh phải nghỉ học và thực hiện giãn cách xã hội, cô Thương đã tìm tòi, nghiên cứu biện pháp giúp trẻ mẫu giáo học tốt hoạt động qua video. Và đề tài: “Một số biện pháp giúp trẻ mẫu giáo học tốt môn giáo dục âm nhạc trong thời gian nghỉ dịch covid19 qua video” của cô Thương đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Ban giám hiệu nhà trường, phụ huynh học sinh; qua đó, giúp các em phát huy được khả năng cảm thụ âm nhạc và phát hiện tài năng, rèn luyện năng khiếu cho các em.
 
bai-gd6-(1).jpg
Cô Võ Thị Thương đang dạy các bé.
 
Mặt khác, cô Thương không ngừng học tập trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm từ các đồng nghiệp đi trước, tích cực tham gia các cuộc thao giảng, dự giờ để vận dụng vào công tác chăm sóc và giáo dục và nuôi dưỡng trẻ. Nhờ đó, mà lớp do cô chủ nhiệm 100% các cháu phát triển bình thường, 100% các cháu đạt danh hiệu “Bé khỏe - Bé ngoan”, sĩ số học sinh được duy trì, trẻ đi học chuyên cần, ngoan ngoãn, tích cực, chủ động tham gia các hoạt động, mạnh dạn, hứng thú, tự tin… Các giờ dạy của cô luôn được bộ phận chuyên môn đánh giá xếp loại tốt, vệ sinh lớp sạch đẹp, vệ sinh cá nhân trẻ sạch sẽ, trang trí lớp đẹp đúng chủ đề. Đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các cháu khi ở trường lớp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm 100% cho trẻ. Khi được hỏi về những khó khăn vất vả trong công tác nuôi dạy trẻ, cô Thương mỉm cười chia sẻ: “Nghề nào cũng có những khó khăn vất vả, nuôi dạy trẻ mầm non là một công việc đòi hỏi người giáo viên không chỉ nhẫn nại, giàu nghị lực và lòng yêu thương vô bờ mà còn phải luôn lạc quan vui vẻ. Trong cuộc sống có nhiều lúc căng thẳng và mệt mỏi nhưng nhìn những khuôn mặt ngây thơ và nụ cười trong trẻo của các em, đã giúp tôi quên đi mọi khó khăn vất vả. Trẻ em như búp trên cành, cô giáo mầm non càng phải quan tâm yêu thương các cháu nhiều hơn để bù đắp những thiếu thốn tình cảm của bố mẹ khi các cháu ở trường. Tôi luôn coi học sinh như những đứa con do mình sinh ra nên tôi luôn cố gắng đem đến cho các cháu những gì tốt đẹp nhất”.

Trong xã hội Việt Nam, người thầy luôn có một vị trí đặc biệt. Không gì có thể sánh bằng công lao vất vả của những người thầy. Bao nhiêu thế hệ học sinh đi qua, cùng với phấn trắng, bảng đen, mái tóc thầy, cô càng trở nên bạc trắng theo năm tháng, nhưng sự tâm huyết mong muốn đem tri thức và những bài học quý giá đến với các học trò của mình thì mãi sẽ không thay đổi trong mỗi người thầy, họ xứng đáng với lời Bác Hồ đã dạy: “…Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không có trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh…”.
 
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png