CHUYÊN MỤC

Bộ Thủ tục hành chính công
Cơ cấu tổ chức
Hỏi đáp - Góp ý
Quy hoạch - Kế hoạch
Phổ biến pháp luật
Thủ tục hành chính xã
TRACUU.png

HOP-THU-DIEN-TU1-(1).jpg

HOP-THU-DIEN-TU1-(1).jpg

HOP-THU-DIEN-TU1-(1).jpg

HOP-THU-DIEN-TU1-(1).jpg
 

Công tác tuyên truyền Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Pleiku

Ngày đăng bài: 03/11/2014
Từ những văn bản của cấp trên, các cơ quan, ban, ngành đã tham mưu cho Thành ủy tập trung xây dựng kế hoạch và tích cực tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ về mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, cơ chế chính sách của Đảng, Nhà nước, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đạt được kết quả nhất định.

Công tác tuyên truyền, vận động

Các cấp, các ngành đã đẩy mạnh quán triệt, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phổ biến mục tiêu, ý nghĩa, nội dung của chương trình, quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền triển khai các tiêu chí theo thứ tự. Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến đã có nhiều đổi mới về nội dung, hình thức, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, đem lại hiệu quả thiết thực.

Nhằm thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương có hiệu quả, các cơ quan tuyên truyền thành phố, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể đã vận dụng các phương pháp tuyên truyền phù hợp và kêu gọi, huy động được các nguồn lực của các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn chung tay xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, đã gắn kết chặt chẽ giữa tuyên truyền với vận động, làm cho nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc và xác định rõ trách nhiệm vai trò chủ thể trực tiếp thực hiện xây dựng nông thôn mới của người dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Một lớp tập huấn về xây dựng nông thôn mới.

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của cấp trên, Đảng ủy các xã đã ban hành Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 và đã tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới gắn với tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa X) về "đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị đến năm 2020" và hưởng ứng cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư". Tập trung chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới trong các tầng lớp nhân dân thông qua nhiều hình thức khác nhau như: thông qua các lớp tập huấn; lồng ghép trong các cuộc họp lớn, hội nghị đến các cuộc họp dân hàng tháng, hàng quý; trên hệ thống loa truyền thanh xã, thôn,... Từ năm 2011 - 2014, các xã đã triển khai tổ chức 6 lớp tập huấn thu hút hơn 300 lượt người tham gia; tổ chức hơn 450 buổi họp thu hút 30.720 lượt người tham gia; in ấn và phát 1.900 tờ rơi; tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh của xã trên 105 lần, được phát sóng vào buổi sáng và tối hàng ngày.

Các cơ quan tuyên truyền thành phố đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng bằng panô, khẩu hiệu; nêu gương người tốt, việc tốt... Trong hơn 3 năm (2011 - 2014), Ban đã chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền thành phố cùng với Ban văn hóa các xã thực hiện các hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan như: tuyên truyền bằng xe loa với số lượng 145 buổi, thực hiện 920 băng rôn (1.840 khẩu hiệu); xây dựng 09 cụm panô lớn và hơn 870 lượt panô nhỏ tuyên truyền trên địa bàn 9 xã. Đội thông tin lưu động của Trung tâm văn hóa thông tin - thể thao thành phố từ năm 2011 - 2014 đã tổ chức 96 buổi đi cơ sở  tuyên truyền các chủ trương xây dựng nông thôn mới kết hợp biểu diễn các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở các xã, đặc biệt là tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, thành phố cũng đã triển khai lắp đặt 09 Panô tuyên truyền (rộng 7m x cao 3m) tại các xã An Phú, Biển Hồ, Diên Phú, IaKênh, ChưHDrông, Tân Sơn, xã Gào.

Bên cạnh đó, còn chú trọng nâng cao tính nhạy bén của loại hình truyền thông đại chúng, tính sâu sắc bền vững của công tác tuyên truyền, nhằm giúp các tầng lớp nhân dân thấy rõ được vai trò vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả của Chương trình xây dựng nông thôn mới. Mặt khác, cũng thông qua công tác tuyên truyền, đã biểu dương kịp thời những tấm gương tiêu biểu những tập thể, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện tốt việc triển khai xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đài truyền thanh - truyền hình thành phố đã phát sóng 799 tin, bài, phóng sự và 395 gương, bài, phóng sự tuyên truyền về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Mặt trận và các đoàn thể thành phố tuyên truyền, vận động thông qua các hoạt động và sinh hoạt, trực báo cơ sở hội và chi hội gắn tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên về thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với các phong trào, cuộc vận động. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, chủ động phối kết hợp và làm nòng cốt trong việc vận động nhân dân đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cộng đồng, chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới và phát động phong trào thi đua "chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới" và phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"; phối hợp tổ chức 02 lớp tập huấn với 150 lượt người tham gia. Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố hưởng ứng phong trào "Phụ nữ Gia Lai tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới" gắn với cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" với 142.750 lượt chị em tham gia. Hội Cựu chiến binh thành phố gắn phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" với cuộc vận động "Hội Cựu chiến binh thành phố chung tay xây dựng nông thôn mới". Hội Nông dân thành phố đã cấp phát 300 cuốn Thông tin công tác Hội đến các chi hội làm tài liệu tuyên truyền tới cán bộ, hội viên về nội dung tiêu chí và vận động cán bộ, hội viên ký cam kết thi đua tham gia xây dựng nông thôn mới trên cơ sở các tiêu chí cần được thực hiện ở từng địa bàn. Thành đoàn Pleiku hưởng ứng phong trào "Tuổi trẻ Gia Lai chung tay xây dựng nông thôn mới", đã phát động phong trào "Tuổi trẻ Pleiku chung tay xây dựng nông thôn mới" và tổ chức được 160 hoạt động tuyên truyền, tọa đàm nói chuyện, các hoạt động tình nguyện, giao lưu văn hóa, văn nghệ... với hơn 80.00 lượt đoàn viên thanh niên tham gia,...

Những chuyển biến về nhận thức

 Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới thành phố, công tác tuyên truyền về Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố Pleiku đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các tổ chức cơ sở Đảng, các cơ quan, ban, ngành, mặt trận và các đoàn thể thành phố đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới và đã tạo được sự đồng tình, hưởng ứng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng chung sức tham gia, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới tạo diện mạo mới cho thành phố phát triển. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới được nâng lên rõ rệt. Nhân dân tích cực đóng góp cùng với Nhà nước xây dựng đường giao thông nông thôn, đường liên thôn, xóm, hệ thống thủy lợi, trường học, trạm y tế, các công trình văn hóa và các công trình phúc lợi khác; chuyển đổi cây trồng vật nuôi,...

Nhân dân thôn 1, xã Diên Phú chung sức xây dựng hội trường.

Theo đó, việc huy động các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào “Chung tay xây dựng nông thôn mới” gắn với xây dựng đường giao thông nông thôn được đẩy mạnh. Việc vận động nhân dân hiến đất, giải phóng mặt bằng, phóng tuyến chuẩn bị mặt bằng để tổ chức thi công; phát triển sản xuất; ăn ở hợp vệ sinh,... đã được tăng cường; tích cực tham gia chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, xây dựng tường rào, xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Kết quả, trong hơn 3 năm (tính đến ngày 30/9/2014), nhân dân đã đóng góp cùng với nhà nước xây dựng nông thôn mới với tổng số tiền khoảng 55,13 tỷ đồng. 

Đến nay, thành phố có 3 xã đạt 19/19 tiêu chí về nông thôn mới, và 6 xã chưa đạt các tiêu chí đang tiếp tục củng cố và đầu tư nâng cấp, hoàn thiện nội dung của các tiêu chí đã đạt, huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng các tiêu chí chưa đạt vào những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại như: Một bộ phận nhân dân nhận thức về xây dựng nông thôn mới còn chung chung, chưa hiểu được vai trò chủ thể khi trực tiếp thực hiện xây dựng nông thôn mới, những giá trị và lợi ích của bản thân họ khi tham gia phong trào. Bên cạnh đó, một bộ phận nhận thức của người dân cho rằng xây dựng nông thôn mới là do nhà nước đầu tư nên có tư tưởng trông chờ, ỷ lại chưa chủ động hưởng ứng tham gia, nhất là việc vận động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Công tác xã hội hóa trong việc đóng góp tiền, bạc, công sức để xây dựng các hạng mục đạt tiêu chuẩn nông thôn mới còn gặp nhiều khó khăn.

Để Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả đúng theo kế hoạch, thời gian tới công tác tuyên truyền của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể thành phố Pleiku cần chú trọng các nội dung sau:

Một là, Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban, ngành có liên quan để việc tuyên truyền diễn ra thông suốt và đạt kết quả cao. Tiếp tục đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng phong phú, dễ hiểu, mục tiêu là làm cho người dân ở các thôn, làng ở các xã hiểu rõ về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới nhằm phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của người dân, của cộng đồng dân cư trong tổ chức thực hiện chương trình, chung tay xây dựng nông thôn mới.

Hai là, Tiếp tục chỉ đạo tuyên truyền và kịp thời nêu gương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến đã có nhiều thành tích đóng góp chung tay xây dựng nông thôn mới và các mô hình làm hay, hiệu quả; chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, phát triển giao thông nông thôn, xây dựng và phát triển hệ thống giáo dục, xóa bỏ các tập quán lạc hậu… gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị, đảm bảo an ninh nông thôn.

Ba là, Tổ chức các lớp tập huấn nghề cho nhân dân, đặc biệt là tập huấn kỹ thuật canh tác, tạo điều kiện cho người áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất và đời sống.

Bốn là, Đối với các xã chưa đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, cần tiếp tục tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao nhận thức về lợi ích của chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, củng cố và đầu tư nâng cấp, hoàn thiện nội dung của các tiêu chí đã đạt, huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng các tiêu chí chưa đạt vào những năm tiếp theo.
                                                                            
     Bài, ảnh: Bảo Trân
Trang chủ     |     Tin tức     |     Liên hệ     |     Mobile     |     Site map

Copyright © 2013 Bản quyền thuộc về UBND TP Pleiku
Chịu trách nhiệm chính: ...  
Địa chỉ: Xã Ia Kênh, TP. Pleiku, Gia Lai - Điện thoại:0593 830 155  - Fax: 059. 3828 414 - Email: iakenh.pleiku@gialai.gov.vn
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai