CHUYÊN MỤC

Cơ cấu tổ chức
Bộ Thủ tục hành chính công
Hỏi đáp - Góp ý
Lịch công tác
Quy hoạch - Kế hoạch
Phổ biến pháp luật

Kết quả giám sát về tình hình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới

Ngày đăng bài: 14/11/2013
Thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-HĐND ngày 21/ 12/ 2012 kỳ họp thứ Tư -  Hội đồng nhân dân thành phố về chương trình hoạt động giám sát HĐND thành phố năm 2013 và căn cứ vào chương trình giám sát của Thường trực HĐND thành phố khóa X đã được thông qua tại cuộc họp liên tịch ngày 04/03/2013. Thường trực HĐND thành phố đã thành lập Đoàn giám sát tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố, thời điểm từ ngày 01/ 01/2012 đến ngày 31/ 8/2013 tại phòng Kinh tế, phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố và UBND các xã: An Phú, Biển Hồ, Trà Đa, Diên Phú. Đối với UBND các xã: ChưHDrông, Tân Sơn, Chư Á, Xã Gào, IaKênh đoàn đã giám sát trên cơ sở báo cáo của địa phương.

Đoàn giám sát chủ yếu đi sâu vào việc thực hiện giám sát các mục tiêu sau: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn;  Tình hình, kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; Vốn và nguồn vốn được cấp để thực hiện chương trình; Những kết quả đạt được, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc;   Những kiến nghị, đề xuất của cơ quan, đơn vị đối với các cấp.

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành thực hiện chương trình.

Qua giám sát cho thấy: năm 2012 và 8 tháng đầu năm 2013, các cấp ủy Đảng đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; hàng năm UBND thành phố và các xã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chương trình, đã kiện toàn Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách các xã và phụ trách các tiêu chí, có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện các nội dung được phân công. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện ở cơ sở. Năm 2012 UBND thành phố tham gia cùng với Ban chỉ đạo của tỉnh kiểm tra việc thực hiện chương trình tại 2 xã Diên Phú, An Phú và trong 8 tháng năm 2013 đã kiểm tra về tiến độ xây dựng nông thôn mới tại 04 xã: An Phú, Biển Hồ, Trà Đa, Diên Phú. Đối với HĐND thành phố năm 2012, 2013 đã tổ chức giám sát về tình hình triển khai thực hiện tại 9 xã trên địa bàn của thành phố.  Qua các cuộc kiểm tra, giám sát đã phát hiện những tồn tại, khó khăn, và giúp các xã giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.  

2. Công tác tuyên truyền, vận động, tập huấn.

Công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới tiếp tục được tập trung đẩy mạnh để mọi người dân hiểu, tự giác tham gia thực hiện chương trình. Nội dung tuyên truyền được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng: trạm truyền thanh ở các xã; hệ thống loa đài ở các thôn, làng; Đài truyền thanh truyền hình thành phố, chuyên mục trên trang thông tin điện tử thành phố; bản tin sinh hoạt chi bộ của Ban Tuyên giáo; các cuộc sinh hoạt của thôn … Ngoài ra, nội dung tuyên truyền còn được thể hiện qua nhiều panô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu treo trên các trục đường chính, khu trung tâm của thành phố và các xã. Đồng thời, mỗi Đảng ủy đều ra Nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chủ trương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn để quyết tâm thực hiện và huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia. Từ đó, kêu gọi mỗi cán bộ, đảng viên là tấm gương sáng, đi đầu trong việc hưởng ứng và thực hiện các phong trào ở khu dân cư như phong trào “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới. 

Năm 2012 và 8 tháng đầu năm 2013, thành phố đã mở 01 lớp tập huấn với 60 cán bộ Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của thành phố và các xã tham gia. Ngoài ra, thành phố đã cử cán bộ của thành phố và các xã tham gia các lớp tập huấn do tỉnh tổ chức. Chương trình đào tạo, tập huấn đã giúp cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp có thêm kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, phương pháp về xây dựng nông thôn mới.

3. Kết quả đạt được.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế, tiếp tục củng cố và đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho dân cư nông thôn

Trong những năm qua, công tác sản xuất nông nghiệp có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là sau khi có Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Gía trị sản xuất tăng bình quân 4,95%/năm (năm 2010 là 195 tỷ đồng, ước thực hiện năm 2013 là 231 tỷ đồng); cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, diện tích cây công nghiệp dài ngày ổn định, diện tích lúa nước thường xuyên bị khô hạn đã chuyển sang những loại cây trồng khác có khả năng chịu hạn tốt hơn như tại xã An Phú, Chư Á, IaKênh, xã Gào … Đồng thời, thành phố chỉ đạo các ngành chuyên môn triển khai, hướng dẫn nhân dân ứng dụng một số giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao và có giá trị kinh tế đưa vào sản xuất như: giống lúa nguyên chủng chất lượng cao HT1 (hương thơm 1), Q5, giống ngô CP888, Bioseet 9698; giống hoa cao cấp, heo rừng, bò lai …

Cùng với đó, số lao động được giải quyết việc làm, năm 2012 là 4.250 người; 8 tháng đầu năm 2013 là 4.400 người, đã góp phần nâng cao chất lượng, khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật của người dân trên địa bàn, người dân từng bước có nghề ổn định.

Các Đề án phát triển sản xuất đã được lập để triển khai như: Dự án ứng dụng khoa học công nghệ cấp tỉnh “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cho đồng bào dân tộc thiểu số xã Tân Sơn, thành phố Pleiku” triển khai từ năm 2012 – 2014; dự án nuôi cá chình và cá rô đầu vuông năm 2012; dự án nuôi bồ câu Pháp năm 2013; mô hình trồng rau theo hướng VIETGAP năm 2013 … Các mô hình phát huy được hiệu quả từ các năm trước như mô hình nuôi dê bách thảo, mô hình cá rô đầu vuông, mô hình trồng hoa thương phẩm…

Năm 2012: xã Biển Hồ và An Phú được đầu tư 150 triệu đồng/ xã từ nguồn vốn của trung ương và của tỉnh để nuôi bò lai, bò thịt và bò cái sinh sản.

Trong 8 tháng đầu năm 2013: xã Biển Hồ và An Phú được đầu tư 300 triệu đồng/ xã tiếp tục thực hiện dự án nuôi bò lai, bò thịt và bò cái sinh sản.

* Đánh giá theo bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới:

- Thu nhập bình quân đầu người/năm khu vực nông thôn điều chỉnh theo Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 20/04/2013 của Thủ tướng Chính phủ (16 triệu đồng/người/năm). Có 6 xã đạt tiêu chí 10: thu nhập (Biển Hồ, An Phú, Diên Phú, Trà Đa, ChưHDrông, Chư Á).
- Có 9/9 xã đạt tiêu chí 11: hộ nghèo.
- Có 9/9 xã đạt tiêu chí 13: hình thức tổ chức sản xuất.
- Về tỷ lệ người làm việc trên dân số trong độ tuổi lao động ở các xã có việc làm thường xuyên. Có 7/9 xã đạt tiêu chí 12: cơ cấu lao động (Biển Hồ, An Phú, Diên Phú, Trà Đa, ChưHDrông, xã Gào, Tân Sơn).

Xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại

Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm, đầu tư nâng cấp, nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân. Cùng với việc huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, đơn vị quân đội và trong nhân dân với phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”. Hàng năm, thành phố ưu tiên dành một phần ngân sách khá lớn để đầu tư. Trong năm 2012 và 8 tháng đầu năm 2013, đường trục xã được bê tông hóa, nhựa hóa đạt chuẩn được 4,32 km; đường thôn, làng cứng hóa đạt chuẩn được 38,52 km; đường ngõ xóm đạt chuẩn không lầy lội vào mùa mưa được 78,81km. Hệ thống thủy lợi từng bước được củng cố, các công trình thủy lợi như: trạm bơm, hồ, đập và kênh mương được tu sửa, cải tạo, nâng cấp, duy trì được năng lực tưới tiêu theo thiết kế đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất.

* Đánh giá theo bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới:

- Có 6/9 xã đạt tiêu chí 2: giao thông (Biển Hồ, Diên Phú, Trà Đa, ChưHDrông, IaKênh, xã Gào);
- Có 6/9 xã đạt tiêu chí 3: thủy lợi (Biển Hồ, Diên Phú, Trà Đa, IaKênh, xã Gào, Tân Sơn);
- Có 2/9 xã đạt tiêu chí 5: trường học (Trà Đa, Tân Sơn);
- Về Nhà văn hóa và khu thể thao xã; nhà văn hóa và khu thể thao thôn đạt chuẩn của Bộ Văn hóa - TT- DL: Chưa có xã nào đạt tiêu chí 6: cơ sở vật chất văn hóa.
- Có 7/9 xã đạt tiêu chí 7: Chợ nông thôn (Biển Hồ, An Phú, Diên Phú, Trà Đa, ChưHDrông, IaKênh, xã Gào);
- Có 9/9 xã đạt tiêu chí 8: Bưu điện.
- Có 5/9 xã đạt tiêu chí 9: nhà ở dân cư (Biển Hồ, An Phú, Diên Phú, Trà Đa, Tân Sơn).
duong-ntm.jpg
Đường nông thôn mới.(Ảnh: Đài TP)


 
Phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và tăng cường bảo vệ môi trường sinh thái khu vực nông thôn

Các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa được tăng cường, các phong trào văn nghệ, thể thao quần chúng được các cấp, các ngành và đông đảo nhân dân quan tâm tham gia hoạt động, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội và các hủ tục lạc hậu. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư “ gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ngày càng được nâng cao chất lượng, đi vào thực tiễn. Tăng cường các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường.

* Đánh giá theo bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới:

- Có 8/9 xã đạt tiêu chí 14: giáo dục (Biển Hồ, An Phú, Diên Phú, Trà Đa, ChưHDrông, xã Gào, Chư Á, Tân Sơn).
- Có 6/9 xã đạt tiêu chí 15: y tế (Biển Hồ, An Phú, Diên Phú,  ChưHDrông, xã Gào, Chư Á).
- Có 7/9 xã đạt tiêu chí 16: văn hóa (Biển Hồ, Diên Phú, ChưHDrông, IaKênh, xã Gào, Chư Á, Tân Sơn).
- Có 4/9 xã đạt tiêu chí 17: môi trường (Biển Hồ, Diên Phú,  Trà Đa, IaKênh).

Giữ vững an ninh, trật tự xã hội khu vực nông thôn, tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh

An ninh, trật tự xã hội được giữ vững, ổn định; phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới được đẩy mạnh; các hộ gia đình chấp hành nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xây dựng gia đình văn hóa, phát triển sản xuất kinh doanh làm giàu chính đáng.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã được chú trọng; thành phố đã quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ công chức cấp xã để xây dựng và củng cố chính quyền cơ sở. Trong gần 2 năm qua, thành phố đã cử nhiều công chức cấp xã đi bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị và trình độ chuyên môn.   
- Có 5/9 xã đạt tiêu chí 18: hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh (Biển Hồ, An Phú, Trà Đa, Tân Sơn, Chư Á).
- Có 9/9 xã đạt tiêu chí 19: an ninh, trật tự xã hội.

Huy động nguồn vốn

Qua báo cáo của các xã thì tổng các nguồn vốn đã huy động và đầu tư năm 2012 là 245.289,24 triệu đồng, trong đó: đầu tư từ nguồn vốn ngân sách là 69.400 triệu đồng (trong đó vốn đầu tư trực tiếp thực hiện chương trình là 3.667 triệu đồng, bao gồm ngân sách tỉnh 2.767 triệu đồng và ngân sách thành phố đầu tư 900 triệu đồng). Vốn doanh nghiệp đầu tư là 51.709,55 triệu đồng. Vốn tín dụng 13.839,8 triệu đồng và vốn do nhân dân đóng góp là 110.339,83 triệu đồng.

Trong 8 tháng đầu năm 2013: Tổng nguồn vốn huy động và đầu tư là: 92.694 triệu đồng, trong đó:Vốn trực tiếp từ nguồn vốn của tỉnh là 1.209 triệu đồng (Quyết định số 629/QĐ-UBND): Hỗ trợ 2 xã điểm (Biển Hồ, An Phú) vốn đầu tư phát triển và phát triển sản xuất: 600 triệu đồng/xã. Kinh phí quản lý hỗ trợ Ban chỉ đạo các cấp: Ban chỉ đạo xã điểm là 4 triệu đồng/2xã (Biển Hồ, An Phú); Ban chỉ đạo cấp thành phố 5 triệu đồng. Từ nguồn vốn của thành phố: 400 triệu đồng: Xã Diên Phú 200 triệu đồng để nâng cấp, sửa chữa nhà văn hóa thôn 1 và thôn 5. Xã Trà Đa 125.000.000 đồng đầu tư bổ sung một số hạng mục còn thiếu của chợ. Kinh phí quản lý hỗ trợ Ban chỉ đạo các cấp: Ban chỉ đạo xã điểm: 4 triệu đồng; Ban chỉ đạo thành phố 39 triệu đồng.

Vốn đầu tư ngân sách Nhà nước lồng ghép 22.927,2 triệu đồng, vốn doanh nghiệp đầu tư 6.635 triệu đồng, vốn tín dụng 2.827,3 triệu đồng, vốn nhân dân đóng góp là 58.695,9 triệu đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới còn những hạn chế, tồn tại nhất định như: Công tác tuyên truyền, phổ biến Chương trình ở các xã chủ yếu tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, công chức (lồng ghép trong các cuộc họp), việc tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân ở một số xã chưa thường xuyên và liên tục. Tin, bài về xây dựng nông thôn mới còn chưa nhiều, nội dung trên một số lĩnh vực chưa sâu, chưa phong phú, chậm đổi mới; Một số xã còn trông chờ nguồn vốn của Nhà nước, chưa tập trung còn lúng túng trong triển khai những phần việc từ nguồn lực ở cơ sở. Mặt khác, chưa quyết liệt trong triển khai thực hiện để đạt một số tiêu chí thuộc nội lực của xã như: văn hóa (vi phạm sinh con thứ 3), hệ thống chính trị … Việc huy động vốn đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn vốn hỗ trợ từ trung ương, tỉnh, thành phố còn ít chưa đáp ứng nhu cầu của các địa phương trong đề án đã xây dựng.

Việc chấp hành chế độ thông tin, báo cáo của một số địa phương chưa đáp ứng yêu cầu của Ban chỉ đạo và các cơ quan có thẩm quyền, cá biệt có đơn vị thường xuyên chậm, chất lượng thấp và số liệu thiếu đồng nhất đã ảnh hưởng đến cơ quan tổng hợp báo cáo. Mặt khác, các phòng, ban và thành viên Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới thành phố được phân công phụ trách các tiêu chí chưa thường xuyên theo dõi, hướng dẫn cho các xã, cũng như phối hợp với cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình.

Qua chương trình giám sát, Hội đồng nhân dân thành phố cũng đã đề nghị UBND thành phố có ý kiến với tỉnh hàng năm có kế hoạch và phân bổ nguồn vốn thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới ngay từ đầu năm để thành phố chủ động hơn trong việc thực hiện các nội dung của chương trình; Chỉ đạo các cơ quan thông tin, đại chúng tăng thời lượng các chuyên mục về xây dựng nông thôn mới, đặt biệt chú ý tăng nội dung phổ biến những kinh nghiệm làm tốt, mô hình hay, các điển hình tiên tiến để khuyến khích người dân và cộng đồng tham gia, hưởng ứng thực hiện Chương trình; Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố; duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo đúng quy chế. Thành viên Ban Chỉ đạo tăng cường sâu sát cơ sở, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, có giải pháp thiết thực chỉ đạo thực hiện các tiêu chí thuộc lĩnh vực được phân công, phụ trách ở từng xã.

Đối với các xã tỉnh chỉ đạo điểm hoàn thành các tiêu chí cuối năm 2013 (An Phú, Biển Hồ, Diên Phú, Trà Đa), đề nghị tỉnh cần có kế hoạch bổ sung kinh phí để đầu tư cho các hạng mục cần sự đầu tư 100% hoặc 70%, 50% của Nhà nước theo đúng quy định; Đồng thời, ưu tiên bố trí kinh phí thêm từ ngân sách thành phố cho chương trình để đẩy nhanh đầu tư các tiêu chí có phần đầu tư của Nhà nước. 

Phòng Kinh tế là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thành phố nên phải nghiên cứu kỹ để tham mưu UBND thành phố ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, sát thực tế để các xã dễ thực hiện và đánh giá chính xác cụ thể kết quả thực hiện từng chỉ tiêu, tiêu chí theo quy định; nhất là các xã làm điểm và 04 xã được tỉnh chỉ đạo phải đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2013. Thường xuyên có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan được phân công phụ trách từng tiêu chí, để có sự hướng dẫn kịp thời cho các xã, nhằm tạo sự đồng nhất trong quá trình đánh giá một số tiêu chí như: trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường (nghĩa trang), chợ, thủy lợi. Tăng cường kiểm tra nắm bắt tình hình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, thường xuyên bố trí cán bộ giúp địa phương triển khai thực hiện chương trình.
Nguyễn Đình Phương
 
Trang chủ     |     Tin tức     |     Liên hệ     |     Mobile     |     Site map

Copyright © 2013 Bản quyền thuộc về UBND TP Pleiku
Chịu trách nhiệm chính: ...  
Địa chỉ: 81 Hùng Vương, phường Tây Sơn, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai - Điện thoại:0593 830 155  - Fax: 059. 3828 414 - Email: vpubpleiku@gmail.com
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông Gia Lai.
Phát triển bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Gia Lai