TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Tình hình thực hiện việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố Pleiku

Ngày đăng bài: 21/03/2021
Giáo dục tại xã, phường, thị trấn là biện pháp xử lý hành chính được quy định tại Điều 89 Luật Xử lý vi phạm hành chính, được coi là một biện pháp xử lý hành chính hiệu quả áp dụng đối với trường hợp vi phạm pháp luật nhưng chưa đến mức phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa cần thiết phải cách ly ra khỏi xã hội, mục đích nhằm giám sát, ngăn ngừa những đối tượng này tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm, đồng thời giáo dục và giúp họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh tại nơi cư trú.

Qua 08 năm triển khai thực hiện các quy định về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố theo Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngay 30/9/2013 của Chính phủ, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 56/2016/NĐ-CP, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trong thời gian qua, các cấp, các ngành trên địa bàn thành phố đã tập trung triển khai thi hành các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói chung và áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn nói riêng, góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật hành chính. 

Trong 8 năm triển khai thực hiện Nghị định số 111/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 56/2016/NĐ-CP) trên địa bàn thành phố, tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường là 382 đối tượng và đã có 382 đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường.
 
tp1.jpg

Trong các trường hợp bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường trên địa bàn thành phố Pleiku thì phần lớn là trường hợp người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú tại địa phương, một số trường hợp đối tượng là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, trong thời hạn 06 tháng đã hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà lại tiếp tục thực hiện một trong các hành vi vi phạm nêu trên đến lần thứ ba nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và đã bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm này. Trong các trường hợp bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường trên địa bàn thành phố Pleiku không có đối tượng là người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ Luật Hình sự, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ Luật Hình sự, người từ đủ 18 tuổi trở lên, trong thời hạn 06 tháng đã hai lần bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội mà lại tiếp tục thực hiện một trong các hành vi vi phạm nêu trên đến lần thứ ba nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và đã bị lập biên bản vi phạm hành chính đối với lần vi phạm này.

Việc lập hồ sơ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường thực hiện đúng quy định của pháp luật, không  xảy ra tình trạng khiếu nại, khiếu kiện đối với việc lập hồ sơ đề nghị và ra quyết định áp dụng các biện pháp giáo dục tại xã, phường. Việc xác định đúng đối tượng, lập hồ sơ đề nghị đúng quy định nên 100% hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường đều đủ điều kiện để áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 111/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 56/2016/NĐ-CP) để áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường trên địa bàn thành phố còn có một số khó khăn, vướng mắc gây ảnh hưởng đến hiệu quả của việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường như sau:

Một là, về quy định “Nơi cư trú ổn định”, theo quy định tại Khoản 1, Điều 13 Nghị định số 111/NĐ-CP quy định: “Nơi cư trú ổn định là nơi đối tượng thường trú hoặc tạm trú, nhưng phải là nơi người đó hiện đang thường xuyên sinh sống.”

Khái niệm này tại Khoản 1, Điều 5 Nghị định 56/2016/NĐ-CP quy định sửa đổi theo hướng làm rõ thêm trường hợp “không có nơi cư trú ổn định” nhưng khái niệm “nơi cư trú ổn định” vẫn kế thừa nội dung Nghị định số 111/2013/NĐ-CP như sau: “…Nơi cư trú ổn định là nơi đối tượng thường trú hoặc tạm trú, nhưng phải là nơi người đó hiện đang thường xuyên sinh sống hoặc phần lớn thời gian sinh sống.

Không có nơi cư trú ổn định là trường hợp không xác định được nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú của người vi phạm và người đó thường xuyên đi lang thang, không ở một nơi cố định hoặc trường hợp xác định được nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú của người vi phạm nhưng người đó thường xuyên đi lang thang, không ở một nơi cố định”.

Vì vậy, cho đến nay, theo quy định tại Nghị định số 111/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định số 56/2016/NĐ-CP quy định nơi cư trú ổn định là nơi đối tượng thường trú hoặc tạm trú, nhưng phải là nơi người đó hiện đang thường xuyên sinh sống hoặc phần lớn thời gian sinh sống.
 
tp2-(1).jpg

Khái niệm “thường xuyên sinh sống” mang tính chất định tính, chung chung, không thể hiểu thống nhất như thế nào là thường xuyên sinh sống, thời gian sinh sống tại một nơi trong thời gian bao lâu thì được xem là thường xuyên sinh sống hay phần lớn thời gian sinh sống. Đa số các đối tượng cần phải áp dụng biện pháp giáo dục xã, phường sinh hoạt khá phức tạp, có trường hợp đối tượng không đi khỏi nơi cư trú hẳn, vẫn sống trong cùng 1 địa bàn thành phố nhưng một tuần về nhà 3 đến 4 lần hoặc mỗi ngày đều về nhà nhưng thời gian ở nhà rất ít sau đó đến chỗ khác để ở và sinh hoạt…Vì vậy, việc không định lượng được như thế nào là thường xuyên sinh sống hay phần lớn thời gian sinh sống thì việc xác định đối tượng có nơi cư trú ổn định gặp khó khăn và áp dụng không thống nhất.

  Hai là, theo quy định tại Khoản 16, Điều 1 Nghị định số 56/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP thì “ người được giáo dục sau khi đã chấp hành ít nhất 1/2 thời gian giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc thì sẽ bị chấm dứt việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc”.

Trên thực tế, việc áp dụng quy định này cũng có nhiều bất cập vì có đối tượng đang được áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường tuy chưa được ½ thời gian vẫn không tiến bộ và tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có thể nguy hiểm cho bản thân, gia đình và xã hội đặc biệt là các đối tượng nghiện ma túy nhưng không thể chấm dứt việc áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường để đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc do đối tượng chưa chấp hành biện giáo dục tại xã phường được ½ thời gian.
 
Vì vậy, để khắc phục những vướng mắc, bất cập từ quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng, cần phải có những sửa đổi nhằm hoàn thiện thể chế về biện pháp XLHC giáo dục tại xã, phường, thị trấn như sau:
- Xuất phát từ ý nghĩa và vai trò quan trọng của biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong cộng đồng, nhà trường và gia đình trong việc giúp đỡ, giáo dục người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện để họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và phải bảo đảm lợi ích tốt nhất cho họ thì cần sửa đổi quy định về “nơi cư trú ổn định” theo hướng mang tính định lượng cụ thể, được quy định để áp dụng riêng trong Nghị định quy định về chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Bởi vì người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải có thời gian sinh sống tại địa phương thường xuyên thì cơ quan, tổ chức, cộng đồng, gia đình mới có thể giúp đỡ, giáo dục người vi phạm, đem lại hiệu quả của việc giáo dục tại xã phường, cho nên việc quy định “cư trú ổn định” là phải đáp ứng việc có mặt tại nơi sinh sống trong một khoảng thời gian tối thiểu trong 1 tháng, mà khoảng thời gian đó là bao nhiêu là thích hợp thì cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động của quy định này một cách nghiêm túc.

- Trường hợp người đang chấp hành biện pháp giáo dục tại xã phường thị trấn mà tiếp tục có hành vi vi phạm thì trong trường hợp đã chấp hành được ½ thời gian mà vẫn không tiến bộ và tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm thì đã được quy định tại Điều 35a Nghị định số 111/2013/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định số 56/2016/NĐ-CP. Trường hợp chưa chấp hành được ½ thời gian mà không tiến bộ, tiếp tục có hành vi vi phạm mức độ, số lần vi phạm nhiều thì cũng cần phải được quy định cách xử lý, không thể cứ chờ chấp hành đủ ½ thời gian mới xử lý.

Việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường trong thời gian qua cho thấy đã góp phần quan trọng trong công tác phòng ngừa tội phạm, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Từ thực tiễn áp dụng cho thấy, để biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn giữ được vai trò đặc biệt trong đấu tranh phòng, chống các hành vi sai lệch chuẩn mực đạo đức, văn hoá, pháp luật, góp phần phòng ngừa và đấu tranh kiềm chế tội phạm, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; thường xuyên tuyên truyền về chủ trương của Nhà nước trong công tác quản lý, giáo dục người vi phạm tại cơ sở nhằm nâng cao nhận thức của cá nhân, tổ chức về tầm quan trọng và tác dụng của biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhằm phát huy trong nhân dân truyền thống đoàn kết, giúp đỡ, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi, giúp họ tiến bộ; xác định trách nhiệm của chính quyền địa phương, tổ chức xã hội trong việc quản lý, giáo dục, cảm hoá người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; vận động đối tượng và gia đình có con em vi phạm đang bị áp dụng biện pháp này để hạn chế tình trạng đối tượng tiếp tục có hành vi vi phạm.

Ngọc Huyền
Phòng Tư pháp thành phố Pleiku
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png