TIN TỨC

CHUYÊN MỤC

Những hành vi có thể bị xử phạt khi kinh doanh khẩu trang y tế trong phòng chống dịch Covid – 19

Ngày đăng bài: 25/02/2020
Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Cô-rô-na (nCoV) gây ra đã xảy ra tại Trung Quốc, đã lây lan ra nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là dịch bệnh mới, nguy hiểm, lây lan nhanh. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, cả hệ thống chính trị Việt Nam đã vào cuộc với nhiều biện pháp phòng ngừa cũng như chữa trị tích cực. Lợi dụng tình hình bệnh dịch, nhiều tổ chức, cá nhân đã có hành vi kinh doanh, buôn bán khẩu trang y tế bất hợp pháp.

Hiện nay dịch bệnh Corona hay còn gọi là Covid19 chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu, tình dịch đang diễn biến phức tạp, khả năng lan rộng và bùng phát rất cao. Do đó, nhiều biện pháp để chủ động phòng, chống dịch đã được các cấp quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện. Một trong những biện pháp được Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo là “đeo khẩu trang khi tới chỗ đông người hoặc khi tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh”.
Lợi dụng dịch bệnh, một số tổ chức, cá nhân đã có hành vi đẩy giá bán khẩu trang lên gấp nhiều lần nhằm thu lợi bất chính, găm hàng, hoặc bán hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng dẫn đến tình trạng khan hiếm khẩu trang y tế và gây bất an cho người dân. Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo “Thay mặt Thủ tướng, tôi chỉ đạo, không được phép tăng giá khẩu trang, phải giữ nguyên giá, yêu cầu rút giấy phép bất kể hiệu thuốc nào tăng giá bán khẩu trang”(1). Thực tế những ngày qua rất nhiều hiệu thuốc đã bị xử phạt với số tiền hàng chục triệu đồng, rút giấy phép hoạt động vì hành vi vi phạm pháp luật do bán khẩu trang bất hợp pháp trong thời điểm dịch bệnh.

Bài viết này nêu lên một số hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh, buôn bán khẩu trang y tế trong tình hình dịch bệnh Corona cũng như những căn cứ pháp lý xử lý đối với những hành vi đó.

Thứ nhất, hành vi “đẩy giá” khẩu trang lên gấp nhiều lần

Về nguyên tắc, các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá và phải thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết theo quy định (Khoản 1 điều 11 Luật Giá 2012).

Tuy nhiên, tại điểm c Khoản 2 Điều 10 Luật Giá 2012 nghiêm cấm các hành vi: “Lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác; lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý”.

Đây là cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc xử lý hành vi đẩy giá hàng hóa lên cao một cách bất hợp lý tại một số cửa hiệu thuốc, có những nơi định giá bán gấp 22 lần so với giá thông thường(2). Đồng thời, đây cũng là một trong những hành vi bị cấm khi tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ép buộc người tiêu dùng thông qua việc “Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để ép buộc giao dịch” được quy định tại điểm b Khoản 3 Điều 10 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2011. Biểu hiện rõ nét nhất của hành vi này chính là việc tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng khẩu trang y tế biết rõ về tình trạng khan hiếm hàng hóa, cũng như nhu cầu mua của người tiêu dùng là rất lớn, dẫn đến việc định giá quá cao gây bất lợi cho người tiêu dùng.

Khoản 1 Điều 17 Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn xác định hình thức thức xử phạt đối với hành vi định giá bất hợp lý hay còn gọi là "thổi giá" hàng hóa như sau: "Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý".
 
Thứ hai, hành vi “găm” hàng

Trong thời gian qua, nhiều cửa hàng thuốc thông báo không bán khẩu trang y tế cho người dân. Trong lúc nhu cầu mua hàng của người dân là rất lớn, và hành vi trên được xác định là biểu hiện của “găm” hàng, thuộc một trong những trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể:
 
Hành vi găm hàng khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác được biểu hiện như sau: a) Cắt giảm địa điểm bán hàng; b) Cắt giảm phương thức bán hàng (từ bán buôn sang bán lẻ) khác với thời gian trước đó; c) Quy định, niêm yết, bán hàng theo định lượng, đối tượng mua hàng khác với thời gian trước đó; d) Cắt giảm thời gian bán hàng, thời gian cung ứng hàng hóa khác với thời gian trước đó (Khoản 1 Điều 47 Nghị định 185/2013/NĐ-CP về vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng).
 
 
Khi các tổ chức, cá nhân có một trong các hành vi trên và chưa có dấu hiệu  của hành vi đầu cơ thì có thể bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến tối đa 30.000.000 đồng tùy thuộc vào lượng hàng hóa găm không bán. Mặt khác, còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu hàng hóa vi phạm hoặc tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Thứ ba, hành vi “đầu cơ” hàng hóa

 
Nếu như hàng vi “găm” hàng hóa chỉ mới tạo sự khan hiếm nhất định trên thị trường thì hành vi “đầu cơ” hàng hóa có mức độ nguy hiểm hơn rất nhiều. Theo đó, hành vi này là sự lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng nhằm bán lại thu lợi bất chính (Điều 46 Nghị định 185/2013/NĐ-CP).

Mặc dù khẩu trang y tế không thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá, tuy nhiên việc đầu cơ mặt hàng này khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác cũng là hành vi vi phạm pháp luật có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Mặt khác, người nào “đầu cơ” hàng hóa là khẩu trang y tế trong thời gian dịch bệnh corona diễn ra còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây này mà không có lý do chính đáng: (a) Cắt giảm lượng hàng hóa bán ra thị trường; (b) Ngừng bán hàng hóa ra thị trường; (c) Không mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh để bán hàng; (d) Mở cửa hàng, địa điểm giao dịch kinh doanh nhưng không bán hàng (Khoản 2 Điều 46 Nghị định 185/2013/NĐ-CP).

Ngoài ra, người nào có hành vi đầu cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cộng đồng, đến việc phòng ngừa dịch bệnh sẽ bị xử lý hình sự về tội đầu cơ, theo điều 196 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017, theo đó:
 
1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
d) Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên;
b) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Pháp nhân thương mại có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 dồng đến 3000.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.


Thứ tư, hành vi kinh doanh khẩu trang y tế là “hàng giả”, “hàng nhái”

Với tình trạng khan hiếm mặt hàng này, nhiều tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận đã buôn bán, kinh doanh khẩu trang y tế kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, theo đó nếu có căn cứ để xác định hàng hóa là hàng giả thì hành vi buôn bán hàng giả sẽ bị xử lý theo các quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ. 
Hiện nay tiêu chuẩn chất lượng của khẩu trang y tế đã được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tại Bộ TCVN 8389:2010 khẩu trang y tế. Do đó, nếu có căn cứ để xác định tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh khẩu trang y tế không bảo đảm chất lượng thì tổ chức, cá nhân sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 1/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa./.
 
        Trịnh Thị Thu Hiền- Trường Chính trị tỉnh
 
customer-service.png THÔNG TIN LIÊN HỆ:

1478004194_map-icon.png Địa chỉ: 58 Tăng Bạt Hổ - T
hành phố Pleiku - Gia Lai
1490597482_Phone.png Điện thoại: (0269).3830 155
1478004801_fax-(1).png  Fax: (0269).3828414
1478004004_Mail.png  Email: ubndpleiku@gialai.gov.vn
 
contract-(4).png THÔNG TIN BẢN QUYỀN:

Bản quyền thuộc về UBND thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Hữu Sung - UVBTV Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku.
Giấy phép số: 01/GP-TTĐT ngày 24/02/2015 của Sở Thông tin và Truyền thông

Chung nhan Tin Nhiem Mang
ĐĂNG KÝ NHẬN TIN

   Copyright © 2018 
Trang chủ | Tin tức Liên hệ | Mobile | Site map icontop.png