Kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2-9: Thành quả đạt được nhờ vận dụng tốt bài học về đại đoàn kết
ĐOÀN KẾT ĐỂ GIÀNH ĐỘC LẬP, TỰ DO
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Đảng chỉ có thể hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình nếu biết tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận Dân tộc thống nhất rộng rãi chống kẻ thù chung và xây dựng đất nước”. Ngay từ khi Đảng ra đời, Người đã tập trung xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất để quy tụ mọi tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tùy giai đoạn cách mạng, Đảng ta đã xây dựng các tổ chức như Hội Phản đế đồng minh (năm 1930), Mặt trận Dân chủ (năm 1936), Mặt trận Nhân dân phản đế (năm 1939); Mặt trận Việt Minh (năm 1941)…
Xoay quanh vấn đề này, ông Ngô Thành - Cán bộ lão thành cách mạng của tỉnh, nguyên phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh trao đổi: “Trước Cách mạng Tháng 8-1945, ở Gia Lai có tổ chức Thanh niên yêu nước ở thị xã Pleiku, thị trấn An Khê và Cheo Reo. Mặt trận Việt Minh tỉnh được thành lập sau khởi nghĩa tháng 8-1945. Sau đó cùng với Mặt trận Liên Việt tập hợp, giáo dục, xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh để tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chế độ cai trị của thực dân Pháp đối với đồng bào các dân tộc ít người là thực hiện chính sách kỳ thị, chia rẽ dân tộc, tạo ý thức hẹp hòi, thù nghịch nhau giữa các tộc người... Vì vậy, chính sách dân tộc của Đảng, của Mặt trận Việt minh mà nội dung cơ bản là “Đoàn kết - Bình đẳng- Tương trợ” được Mặt trận giáo dục hướng dẫn thực hiện, được nhân dân các dân tộc tiếp nhận và hoan nghênh. Trong kháng chiến chống Pháp, tổ chức Mặt trận ở Gia Lai chỉ thành lập ở cấp tỉnh và một số huyện, xã ở vùng căn cứ, có nơi dưới tên gọi “Hội đánh Tây”. Tuy vậy ảnh hưởng của Việt Minh thì rất rộng. Nhân dân các dân tộc ai được tham gia các tổ chức Việt Minh đều rất tự hào, Việt minh trở thành biểu tượng của đại đoàn kết dân tộc”.
Cũng theo ông Ngô Thành: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Nhân dân các dân tộc Gia Lai đã vùng dậy chống thực dân xâm lược, góp phần cùng đồng bào cả nước làm nên chiến thắng vang dội trong cuộc cách mạng tháng 8-1945, giành độc lập dân tộc và lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Chỉ trong vòng hơn 1 tuần, cuộc nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền của Nhân dân trong toàn tỉnh đã thắng lợi. Lần đầu tiên trong lịch sử ở Pleiku, lá cờ đỏ sao vàng được giương cao, tung bay trong niềm hân hoan chào đón của mọi người. Hệ thống chính quyền cai trị của thực dân và phong kiến bị xoá bỏ hoàn toàn, bộ máy chính quyền cách mạng được thiết lập trong toàn tỉnh…”.
Sau Cách mạng Tháng 8-1945, trong bối cảnh đất nước ta đang bị đe doạ trước âm mưu xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ về đoàn kết các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và miền Nam Trung Bộ, Đại hội đoàn kết chống Pháp của các dân tộc thiểu số miền Nam Trung bộ khai mạc ngày 19- 4-1946 tại Pleiku. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa rất quan trọng, với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu các dân tộc Tây Nguyên và miền núi các tỉnh đồng bằng Nam Trung bộ. Đặc biệt, Đại hội đã vinh dự và long trọng đón nhận thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, do đồng chí Tố Hữu, Phái viên Trung ương - lúc ấy là Phó Bí thư Xứ ủy Trung Bộ và đồng chí Bùi San - phái viên Xứ ủy chuyển đến...
Bà Rơ Châm H’ Yéo - Trưởng Ban đại diện Hội Người Cao tuổi tỉnh, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh bày tỏ cảm nhận: “Tư tưởng bao trùm trong thư Bác Hồ gửi Đại hội chính là tinh thần đoàn kết các dân tộc. Bác khẳng định đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Bahnar và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Quyền độc lập là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Bác cặn dặn đồng bào phải hết sức cảnh giác để không mắc mưu kẻ xấu. Bác căn dặn đồng bào ta phải đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết đấu tranh, đập tan những âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp, bảo vệ chính quyền và giữ gìn nền độc lập của Tổ quốc. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”.
|
Người dân tích cực hưởng ứng Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Trung ương MTTQ Việt Nam phát động.
|
Cũng theo bà Rơ Châm H’Yéo: Khắc sâu lời dạy của Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các dân tộc thiểu số Gia Lai đã đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, cùng nhân dân tỉnh nhà và cả nước tiến hành cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp thắng lợi và tiếp tục tiến hành cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, đánh đuổi giặc Mỹ và tay sai. Tại Gia Lai, tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, trở thành yếu tố quan trọng làm nên những chiến công vang dội, góp phần cùng cả nước hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà vào mùa Xuân đại thắng năm 1975.
QUYẾT TÂM XÂY DỰNG CHỦ NGHĨA XÃ HỘI
Sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân các dân tộc tỉnh nhà phát huy truyền thống tự lực tự cường, từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, thi đua lao động sản xuất để xoá đói giảm nghèo, cảnh giác và đấu tranh với các thế lực thù địch, đảm bảo quốc phòng an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, trước âm mưu “diễn biến hoà bình” và bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, Đảng bộ tỉnh tiếp tục vận dụng tư tưởng đại đoàn kết, trong đó tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc; chú trọng công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, gắn với nhiệm vụ chăm lo đời sống vật chất, văn hoá tinh thần cho nhân dân, nhất là đồng bào ở vùng căn cứ cách mạng và vùng giải phóng; chăm lo phát triển cán bộ, đảng viên, cốt cán người địa phương. Đồng thời, xây dựng các chính sách xoá đói, giảm nghèo, xoá mù chữ, phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường học, trạm y tế... nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
|
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
|
Sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn phát huy sức mạnh đại đoàn kết, vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới, nhanh chóng nắm bắt thời cơ, khai thác tiềm năng, thế mạnh, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách và đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế của tỉnh duy trì mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân hàng năm giai đoạn 2015-2020 đạt 7,55%, năm 2021 tăng 9,71%. Quy mô kinh tế tăng đáng kể, GRDP đến năm 2020 đạt 80.000 tỷ đồng (gấp 1,63 lần so với năm 2015), năm 2021 đạt 88.051 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 56,31 triệu đồng…
Ông Nguyễn Hữu Quế - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ thêm: “Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2015-2020 của tỉnh đạt hơn 104.400 tỷ đồng (tăng hơn 10 lần so với giai đoạn 2001-2005), tỷ lệ tăng bình quân hàng năm 13,95%. Giai đoạn 2016-2020, có 515 dự án đầu tư vào địa bàn tỉnh với tổng vốn đăng ký hơn 832 nghìn tỷ đồng (tăng gấp 5 lần số dự án và 36 lần về vốn so với giai đoạn 2011-2015). Trong năm 2021, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 54 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 21,6 nghìn tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 7.982 doanh nghiệp, 358 hợp tác xã và 2 liên hiệp hợp tác xã…”.
|
Bộ mặt kinh tế xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển nhờ phát huy sức mạnh đại đoàn kết trong xây dựng Chủ nghĩa Xã hội.
|
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được quan tâm đầu tư, toàn tỉnh có 100 xã và 123 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới, 214 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP. Thành phố Pleiku đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã trình hồ sơ đề nghị cấp thẩm quyền xem xét, công nhận 2 thị xã An Khê và Ayun Pa hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Công tác dân tộc và chính sách dân tộc được triển khai kịp thời, đồng bộ. Đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được củng cố, góp phần ngăn chặn các hoạt động lợi dụng vấn đề dân tộc để phá hoại khối đại đoàn kết, gây mất ổn định chính trị, xã hội. Công tác tôn giáo và chính sách tôn giáo được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu tâm linh của tín đồ các tôn giáo. Hoạt động giáo dục và đào tạo, dạy nghề, chăm sóc sức khoẻ nhân dân luôn được quan tâm, mạng lưới y tế được củng cố và phát triển.
|
Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng bằng khen các cá nhân tiêu biểu trong các phong trào thi đua yêu nước.
|
Đặc biệt trong các phong trào thi đua yêu nước, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phát động triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, gắn với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Trung ương MTTQ Việt Nam phát động. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức thành viên đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, phát huy vai trò của dòng họ, người tiêu biểu, người có uy tín ở cộng đồng dân cư trong vận động nhân dân tham gia. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XV) về giảm nghèo nhanh và bền vững tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025, Chỉ thị số 12-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo từ 19,71% năm 2015 giảm còn còn 3,96% vào cuối năm 2021. Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 12,09%.
Ông Hồ Văn Điềm - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh nhấn mạnh: “Đại đoàn kết dân tộc là chủ trương chiến lược, có ý nghĩa sống còn, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối cách mạng của Đảng ta. Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong đoàn kết các giai tầng xã hội. Tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân học tập thư của Bác Hồ, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị....”.
Đồng thời, ông Hồ Văn Điềm cũng lưu ý: “Tiếp tục chăm lo xây dựng lực lượng cốt cán, người uy tín và tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, các chức sắc tôn giáo, nhân sĩ trí thức. Chú trong phát huy dân chủ ở cơ sở, quan tâm nắm bắt tâm tư nguyện vọng, bảo về quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân. Cảnh giác đấu tranh làm thất bại âm mưu các thế lực thù địch. Thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh nhà, xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân, theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ tỉnh đã đề ra”.