Kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng Pleiku - Gia Lai (17/3/1975-17/3/2022)

03/02/2022

Ban biên tập

 
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930) đã đánh dấu một thời đại mới của cách mạng Việt Nam, lãnh đạo nhân dân giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách và giành được những thành tựu vĩ đại. Cùng với cả nước, những chiến sĩ Cộng sản đã sớm có mặt ở Gia Lai để xây dựng những tổ chức cách mạng như Công hội đỏ, Cứu tế đỏ… dấy lên nhiều phong trào cách mạng sôi nổi. Đặc biệt, từ khi có chi bộ Cộng sản đầu tiên của tỉnh Gia Lai tại Pleiku (01/10/1945) và sau đó là Đảng bộ Gia Lai (10/12/1945), phong trào đấu tranh của nhân dân các dân tộc Pleiku đã có những bước trưởng thành vượt bậc; tổ chức Đảng ở Gia Lai đã lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa, thành lập chính quyền cách mạng, xây dựng và phát triển phong trào, cùng cả nước tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống xâm lược thực dân Pháp xâm lược mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.

minh-hoa2-(1).jpg
Bộ đội ta truy kích địch rút chạy ở Gia Lai. Ảnh tư liệu.
 
Khi thực dân Pháp rút khỏi nước ta, đế quốc Mỹ nhảy vào xâm lược Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự, làm bàn đạp tiến công miền Bắc, ngăn chặn chủ nghĩa xã hội. Trên địa bàn Tây Nguyên, chúng xây dựng Pleiku thành một trung tâm căn cứ quân sự lớn, án ngữ toàn bộ cửa ngõ Bắc Tây Nguyên. Trước tình hình mới, tháng 9 năm 1954, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Chỉ thị cho Đảng bộ miền Nam nhận rõ kẻ thù trước mắt của nhân dân ta là đế quốc Mỹ và tay sai của chúng, cần tập trung lãnh đạo đấu tranh chống Mỹ với phương châm kết hợp đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp và bất hợp pháp, lấy hợp pháp và nửa hợp pháp làm chính. Căn cứ vào tinh thần Chỉ thị và phương châm trên, Liên Khu V chia làm 4 liên tỉnh, trong đó tỉnh Gia Lai được chia làm 9 khu. Khu 9 là thị xã Pleiku. Sau khi chia tách các khu, Tỉnh ủy quyết định thành lập các Đảng bộ khu ngày 15/9/1954, Đảng bộ Khu 9 (là tổ chức tiền thân của Đảng bộ thành phố Pleiku ngày nay). Từ đó, nhân dân các dân tộc thị xã Pleiku có tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước.

Khi đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, chúng dùng nhiều chiến lược chiến tranh nhưng đều bị quân và nhân dân ta lần lượt làm cho phá sản, Mỹ - ngụy bị nhiều thất bại nặng nề buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán và ký hiệp định Paris năm 1973. Đến cuối năm 1974, so sánh lực lượng giữa ta và địch đã có những thay đổi cơ bản. Sự lớn mạnh về thế và lực của quân và dân ta cho thấy khả năng giải phóng miền Nam có thể tiến hành nhanh hơn dự kiến.

Nhận định về thời cơ cách mạng, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc tổng tiến công mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh mở đầu là chiến dịch Tây Nguyên, mục tiêu chính là đánh chiếm thị xã Buôn Mê Thuột. Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên giao cho lực lượng ở Gia Lai đánh lạc hướng của địch, kéo nhử chúng đem quân về giữ Bắc Tây Nguyên. Ta huy động toàn bộ lực lượng của tỉnh phối hợp với quân chủ lực, cắt đường 19, thực hiện chia cắt Tây Nguyên với các tỉnh miền Trung; đồng thời cắt đường 14, chia cắt giữ cụm phòng ngự Pleiku, Kon Tum; ta cũng tranh thủ thời cơ phát động quần chúng nổi dậy phá ấp chiến lược, giải phóng vùng nông thôn.
Ngày 4/3/1975 chiến dịch Tây Nguyên mở màn. Đêm 3 rạng sáng ngày 4 tháng 3, Trung đoàn 95 A cùng các đại đội công binh 17, 18 và Tiểu đoàn 2 của tỉnh phối hợp tấn công tiêu diệt hệ thống đồn địch ngã ba Plei Bông đến ấp Phú Yên, Hà Ra, cắt đứt đoạn đèo Mang Yang đến cầu Ayun, cắt đứt đường giao thông quan trọng trên quốc lộ 19. Tranh thủ thời cơ đưa các đơn vị chủ lực ra giải tỏa đường 14, 19 phía tây Pleiku; ta sử dụng Tiểu đoàn 67, Tiểu đoàn 1, bộ đội huyện 5, Huyện 6 cùng các đội công tác đột nhập vào các khu chiến lược ở đông nam thị xã, vây ép các chốt bảo an. Tiểu đoàn đặc công 408, đại đội hỏa lực ĐKB/C 231 tập kích vào căn cứ Quân đoàn II Ngụy, phá đài ra đa vô tuyến viễn thông, phá hủy một số máy bay ở sân bay Cù Hanh, đốt cháy kho nguyên liệu trong căn cứ địch. Các hoạt động của quân ta trong những ngày đầu tháng 3 năm 1975 đã tạo được thế chia cắt chiến dịch. Con đường huyết mạch giao lưu từ đồng bằng lên Tây Nguyên bị cắt đứt nhiều đoạn, đường 21 và 14 ở phía Nam cũng bị cắt, khu vực phòng thủ Pleiku và Kon Tum, trong đó có cơ quan Chỉ huy Quân đoàn II Ngụy hoàn toàn bị cô lập. Chính những hoạt động nghi binh đó của quân ta, nên địch vẫn cho rằng hướng chính của chúng phải đối phó đó là Kon Tum, Pleiku.

Ngày 10/3/1975, các lực lượng thuộc Bộ Chỉ huy chiến dịch Tây Nguyên đồng loạt tiến công vào thị xã Buôn Mê Thuột, đến 11 giờ ngày 11/3/1975, ngọn cờ chiến thắng của ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của Sư đoàn 23 Ngụy, trận tấn công thị xã Buôn Mê Thuột đã kết thúc với thắng lợi giòn giã. Cùng với thời gian này, ở hướng tây nam Pleiku, ta diệt 2 chốt điểm và áp sát vào Thanh Bình, uy hiếp quận lỵ Thanh An; trên đường 14, bộ đội Huyện 4 cùng du kích và Tiểu đoàn 631 cắt giao thông từ cầu Ia Tô We đến Hà Reng; Tiểu đoàn 2 và Tiểu đoàn 67, phá ấp giải phóng dân toàn bộ khu vực đông nam thị xã Pleiku.

Trước sức tấn công mạnh mẽ, dồn dập của quân ta trên khắp mặt trận, sáng ngày 14 tháng 3 bọn chỉ huy Ngụy quyền Sài Gòn hốt hoảng đến Cam Ranh, ra lệnh Tư lệnh Quân đoàn II rút bỏ Tây Nguyên, về giữ đồng bằng. Tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn II Ngụy vội vàng cho Sở Chỉ huy Quân đoàn II chuồn trước bằng máy bay lên thẳng về Nha Trang. Ngày 17 tháng 3, quân địch ở Gia Lai bắt đầu rút chạy. Chớp thời cơ Trung đoàn 29 thuộc Sư đoàn 968, Trung đoàn 95; các Tiểu đoàn 2, 67, 408; Đại đội pháo binh cùng các cơ quan tỉnh bám sát, tiến công đội hình rút chạy của địch, Pleiku – Gia Lai hoàn toàn được giải phóng.

Theo sát bước chân truy kích của quân giải phóng, cán bộ các đội công tác tiến vào giải phóng và tiếp quản thị xã Pleiku. Nhân dân thị xã đã tiếp đón bộ đội cách mạng với tinh thần phấn khởi, hào hứng nhất. Trong ngày 17/3 các cánh quân, các đơn vị, các đội công tác gặp nhau ở trung tâm thị xã, những lá cờ ba que ủ rũ còn sót lại bị giật xuống; cờ đỏ sao vàng và cờ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam rực rỡ tung bay khắp nơi. Sau đó tỉnh và thị xã đã thành lập Ủy ban quân quản tiến hành một số công việc cấp bách trước mắt như giải quyết những hậu quả trước mắt do chiến tranh để lại, ổn định tình hình, giữ gìn an ninh trật tự, chống địch phản kích, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, tổ chức đưa đồng bào đi “di tản”, trở về ổn định cuộc sống.

Ngày 17/3/1975 đã đi vào lịch sử của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai nói chung và thành phố Pleiku nói riêng, đã ghi một mốc son của 40 năm đấu tranh kiên cường, bền bỉ để giành độc lập, tự do và tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thắng lợi Pleiku - Gia Lai cùng với các tỉnh Tây Nguyên đã đẩy ngụy quân, ngụy quyền suy sụp nhanh chóng, tạo thuận lợi để quân dân ta tấn công và nổi dậy giải phóng các tỉnh đồng bằng miền Trung, các tỉnh Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ; giải phóng Sài Gòn - Gia Định ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước./.