CHUYÊN MỤC

Bộ Thủ tục hành chính công
Quy hoạch - kế hoạch
Thông tin tuyên truyền
Làm theo lời Bác
Góp ý cá nhân, tổ chức
Hỏi đáp
Lịch công tác

Giải pháp phát triển ngành du lịch tỉnh Gia Lai trong thời gian tới

Ngày đăng bài: 01/11/2021
ThS. Ngô Thị Thu Hồng
Trường Chính trị tỉnh Gia Lai

Gia Lai là tỉnh miền núi phía bắc Tây Nguyên, nằm có đường quốc lộ 14 nối với các tỉnh Đông Nam Bộ và miền trung phía Bắc; quốc lộ 19 nối Gia Lai với các tỉnh duyên hải miền Trung. Gia Lai có khí hậu chênh lệch ngày và đêm khá lớn. Xét về điều kiện khoảng cách địa lý là trở ngại khá lớn, khoảng cách khá xa so với trung tâm kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (491km) 10 giờ đi xe đường bộ, so với Hồ Chí Minh – Đà Lạt (khoảng 300 km) mất khoảng 6 giờ đi xe đường bộ; với một sân bay nội địa, nên lượng khách quốc tế biết đến Gia Lai còn hạn chế. Điều này buộc tỉnh Gia Lai vừa phải xây dựng cho mình những bản sắc riêng, vừa liên kết vùng về du lịch thì mới thu hút được khách du lịch đến với Gia Lai.
 
Tỉnh Gia Lai có các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa – lịch sử kết hợp với các công trình kinh tế, chính trị, đền chùa như: Đồi chè Biển Hồ, Hồ Auy Hạ; Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Làng kháng chiến Stơr, chùa Minh Thành… du lịch cộng đồng  đang dần hình thành mô hình tại làng Ốp (Pleiku). Đây là đặc trưng riêng so với cả nước nhưng lại tương đồng với các tỉnh khác ở khu vực Tây Nguyên. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch đã được quan tâm đẩy mạnh. Đã xây  dựng logo và slogan du lịch Gia Lai:  “Du lịch Gia Lai-Trải nghiệm và chia sẻ”.

Giai đoạn 2017-2020, tổng số vốn đầu tư hạ tầng du lịch là 208,09 tỷ đồng, tập trung vào những điểm du lịch trọng yếu có khả năng khai thác trước mắt cũng như khả năng thu hút, kêu gọi đầu tư ở các địa bàn trọng điểm của thành phố Pleiku, thị xã An Khê, huyện Kbang, Chư Păh gồm: Biển Hồ, khu di tích Tây sơn Thượng đạo, di tích sơ kỳ Đá cũ Rộc Tưng, Khu di tích địa cách mạng Khu 10, Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, núi lửa Chư  Đang Ya, Vườn quốc gia  Kon Ka Kinh.

Với 94 cơ sở lưu trú, trong đó: 01 khách sạn 4 sao, 04 khách sạn 3 sao, 60 khách sạn 1-2 sao. Hoạt động kinh doanh lữ hành còn yếu, trên địa bàn tỉnh có 10 đơn vị kinh doanh lữ hành. Hệ thống nhà hàng chú trọng về đầu tư kiến trúc tạo nét đặc trưng riêng thể hiện phong cách Tây Nguyên, khai thác được ẩm thực truyền thống như cơm lam, gà nướng, rượu cần, phở khô, cà đắng… Các mặt hàng làm quà lưu niệm, đặc sản của địa phương có khả năng thu hút khách rất cao như: cà phê, tiêu, mật ong, măng. Đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy ngành du lịch có tiềm năng và có cơ sở để phát triển ngành này trở thành một trong những ngành chủ lực ở tỉnh.

Đồng thời, tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng, hội nghị nâng cao nhận thức về du lịch đối với các cấp, ngành, địa phương, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ: quản lý khách sạn, lễ tân, buồng... cho đội ngũ lao động trực tiếp góp phần từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ lao động ngành du lịch tỉnh. Ngoài ra,  hàng năm  ngành du lịch tỉnh đã tổ chức hội thi tay nghề với các nghiệp vụ lễ tân, phục vụ buồng, phục vụ nhà hàng, quản lý khách sạn khích lệ tinh thần học tập, nâng cao trình độ của lao động. Toàn tỉnh có hơn 1.500 lao động du lịch, trong đó tỷ lệ lao động có nghiệp vụ (bồi dưỡng, sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học) chiếm khoảng 43% và có trình độ ngoại ngữ (từ trình độ A trở lên) chiếm khoảng  25%.

Tuy nhiên, ngành du lịch ở Gia Lai trong thời gian qua cũng còn nhiều hạn chế: Giai đoạn 2017-2020, khách du lịch tăng bình quân mỗi năm đạt 18,2%/năm, tổng thu du lịch bình quân đạt 7,1%/năm, các chỉ tiêu này không đạt so với kế hoạch đề ra (20-25%/năm), sự sụt giảm này ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 năm 2020. Từ trước khi có Covid-19 thì Gia Lai chủ yếu đón các lượt khách từ khách du lịch nội địa, thường là khách lưu trú ngắn ngày, với nhu cầu tham quan các địa điểm gắn liền với thiên nhiên, các loại hình văn hóa bản địa..v.v… còn đối du lịch nghỉ dưỡng, cao cấp không phát triển.

Số lượng doanh nghiệp, các loại hình kinh doanh tham gia vào lĩnh vực du lịch và các ngành liên quan còn khá ít. Hiện nay, tỉnh chưa mời gọi được các doanh nghiệp du lịch hàng đầu mở chi nhánh tại địa phương, các doanh nghiệp trong tỉnh còn non trẻ chưa có các chi nhánh tại các thành phố lớn. Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành còn thiếu và yếu nên hạn chế trong việc kết nối và xây dựng sản phẩm du lịch nói chung cũng như liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh.

Dịch Covid-19 tiếp diễn khiến cho chi phí của các doanh nghiệp trong ngành du lịch tăng cao nếu duy trì lượng nhân viên toàn thời gian, nên sắp tới những công việc theo hợp đồng ngắn hạn hoặc liên kết với các cơ sở khác sẽ trở nên phổ biến. Điều sẽ là khó khăn cho việc nâng cấp trình độ lực lượng lao động vì doanh nghiệp sẽ thiếu đi sự cam kết lâu dài trong việc nâng cấp lực lượng lao động.
 
du-lich1.jpg
Núi lửa Chư Đăng Ya mùa hoa dã quỳ thu hút nhiều khách du lịch hằng năm (Ảnh minh họa)

Do đó, để phát triển ngành du lịch Gia Lai trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, thu hút các doanh nghiệp tư nhân vào đầu tư tại Gia Lai, chủ động mời chào các doanh nghiệp uy tín mở chi nhánh tại tỉnh nhằm sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao ở các trung tâm phát triển về du lịch, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo lực lượng lao động tại địa phương. Khuyến khích, hỗ trợ và vinh danh các hoạt động sáng tạo khởi nghiệp từ các lợi thế của địa phương như nông nghiệp sạch, du lịch..v.v..

Hai là, cần tiếp tục cải thiện môi trường, kinh doanh cấp tỉnh, cụ thể là các chỉ số gia nhập thị trường, chỉ số chi phí chính thức, nhằm thúc đẩy sự phát triển cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương. Sự phát triển này cũng sẽ góp phần tạo thêm nhiều việc làm tại địa phương, tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp, tạo ra sự đa dạng trong các loại hình kinh doanh, các phân khúc thị trường, từ đó nâng cao khả năng tham gia thị trường và lựa chọn nghề nghiệp cho lực lượng lao động.

Ba là, tạo chính sách bình đẳng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các loại hình hợp tác xã, các làng nghề nhất là về vốn, mặt bằng. Tạo ra lợi thế cạnh tranh không nhất thiết phải là các công ty lớn, nếu như trong mô hình kinh doanh đó đó không cần lợi thế về quy mô sản xuất mà phát triển ở các phân khúc nhất là loại hình trải nghiệm gắn liền với văn hóa, thiên nhiên và nông nghiệp thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tham gia vào các sân chơi này và tạo ra lợi thế cạnh tranh khác biệt.

Bốn là, xây dựng các chương trình đào tạo kỹ năng nghề, kỹ năng ứng xử, trình độ ngoại ngữ, thái độ lịch sự, văn minh cho cán bộ quản lý và lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch; các cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp cần quan tâm, đào tạo bồi dưỡng nghề du lịch và giải quyết việc làm cho con em đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm là, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành du lịch. Thường xuyên tổ chức các hoạt động đào tạo bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho các lao động đã được tuyển dụng trong các đơn vị sử dụng lao động để củng cố và không ngừng nâng cao nghiệp vụ, kiến thức, ý thức nghề nghiệp, kỹ năng, tính chuyên nghiệp cho người lao động. Có các chương trình đào tạo nghề ngắn hạn dành cho các loại hình phục vụ, nhân viên, lễ tân, đầu bếp…. các chương trình hướng dẫn về khởi nghiệp, khuyến khích hoạt động xã hội hóa trong việc đào tạo nghề hiện nay, nhất là nhu cầu và xu hướng muốn học tập các kỹ năng mới để thay đổi nghề nghiệp của giới trẻ hiện nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 

Sáu là, đổi mới chương trình, phương pháp và nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo du lịch nhằm trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết về du lịch trong bối cảnh mới, nhất là kiến thức về cách mạng công nghệ số. Tăng cường ứng dụng công nghệ vào ngành du lịch, những nội dung về nghề du lịch mới xuất hiện do tác động của cách mạng công nghệ số; đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ yêu cầu đổi mới đào tạo./.