CHUYÊN MỤC

Bộ Thủ tục hành chính công
Công khai ngân sách phường
Nghị quyết Hội đồng nhân dân phường khóa IV
Quy hoạch - kế hoạch
Thống kê, báo cáo
Thông tin khen thưởng
Thông tin tuyên truyền
Làm theo lời Bác
Góp ý cá nhân, tổ chức
Hỏi đáp
Lịch công tác

Phường Phù Đổng triển khai Nghị quyết, Kết luận của Trung ương

Ngày đăng bài: 15/05/2017
Ngày 09 và ngày 10/5/2017, Đảng bộ phường Phù Đổng tổ chức quán triệt Nghị quyết cho hơn 300 đảng viên và cán bộ quân dân chính là quần chúng trong toàn Đảng bộ phường với các nội dung về Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Kết luận số 11-KL/TW, ngày 19/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới và Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Nghị quyết 08-NQ/TW đánh giá: Mười lăm năm qua, ngành Du lịch đã có bước phát triển rõ rệt và đạt được những kết quả quan trọng, rất đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế đạt 10,2%/năm, khách du lịch nội địa đạt 11,8%/năm. Năm 2016, số lượng khách du lịch quốc tế đạt 10 triệu lượt người, tăng hơn 4,3 lần so với năm 2001; khách du lịch nội địa đạt 62 triệu lượt người, tăng 5,3 lần so với năm 2001; đóng góp trực tiếp ước đạt 6,8% GDP, cả gián tiếp và lan toả đạt 14% GDP. Sự phát triển của ngành Du lịch đã và đang góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh quá trình hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.


Tuy nhiên, ngành Du lịch còn một số hạn chế, yếu kém. Du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và kỳ vọng của xã hội. Sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn và có sự khác biệt, khả năng cạnh tranh chưa cao. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế về nguồn lực, sự phối hợp và tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao. Vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch chưa được phát huy… Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém nêu trên là do các cấp, các ngành chưa thực sự coi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hoá và hội nhập quốc tế cao, mang nội dung văn hoá sâu sắc; thiếu chính sách quốc gia phù hợp để du lịch phát triển theo đúng tính chất của một ngành kinh tế vận hành theo quy luật thị trường… Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2020, ngành Du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 82 triệu lượt khách du lịch nội địa; đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỉ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỉ USD; tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Việt Nam thuộc nhóm các nước có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
M          Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới, Kết luận số 11-KL/TW, Ban Bí thư đã kết luận như sau: Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 08-CT/TW đã đạt được kết quả bước đầu quan trọng: Nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về an toàn thực phẩm đã chuyển biến mạnh. Công tác quản lý nhà nước và bảo đảm an toàn thực phẩm có tiến bộ. Đã hình thành một số mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; một số doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn. Nhiều hàng hóa thực phẩm sản xuất trong nước đạt chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, tình trạng mất an toàn thực phẩm trở thành vấn đề rất lớn, gây bức xúc, lo lắng toàn xã hội; là nguy cơ nghiêm trọng hằng ngày, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, an toàn sinh mạng của từng người dân, đến giống nòi dân tộc và sự phát triển bền vững đất nước. Công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cả về thể chế và thực thi pháp luật. Một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin không chính xác, thiếu căn cứ khoa học, tác động rất tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và niềm tin của nhân dân về thực phẩm an toàn ở nước ta.

Để phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục dứt điểm những hạn chế, bất cập nói trên, bảo đảm an toàn thực phẩm trong thời gian tới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân các cấp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 08; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, của doanh nghiệp, của nhân dân về an toàn thực phẩm, về các chủ trương, chính sách, pháp luật và những kiến thức cần thiết về an toàn thực phẩm; khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của từng doanh nghiệp, từng doanh nhân, từng hộ gia đình và từng người dân để bảo đảm an toàn thực phẩm, nhất là trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm… Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư, tham gia xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, kiểm nghiệm và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật bảo đảm an toàn thực phẩm.

Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, theo Kết luận số 10-KL/TW ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X), Bộ Chính trị đánh giá: nhìn chung, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp đã nghiêm túc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Kết luận 21 Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI); Các chủ trương, giải pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí cơ bản được triển khai thực hiện khá đồng bộ, toàn diện tạo chuyển biến tích cực, rõ nét. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) trong 10 năm qua vẫn còn một số hạn chế, yếu kém như: Chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và người dân về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Công tác tổ chức cán bộ và quản lý cán bộ, đảng viên còn hạn chế; công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng được yêu cầu; thực hành tiết kiệm chống lãng phí chưa được quan tâm đúng mức; Chưa đạt được mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí”. Tham nhũng, lãng phí với biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên diện rộng, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội, gây bức xúc trong nhân dân, đang là vấn đề thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. … Bộ Chính trị đã đưa ra một số nhiệm vụ và giải pháp là nâng cao vai trò, trách nhiệm và tính tiên phong gương mẫu của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ cán bộ, đảng viên; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước; Rà soát, bổ sung, sửa đổi, xây dựng các văn bản để phát huy có hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn; tập trung xác minh, điều tra làm rõ, xử lý kịp thời, nghiêm minh những vụ việc, vụ án tham nhũng, lãng phí trong thời gian qua.

Qua 2 buổi truyền đạt, đảng viên và cán bộ quân dân chính trong phường Phù Đổng sẽ tiếp tục nghiên cứu và thực hiện đồng bộ với các nghị quyết, các văn bản chỉ đạo của các cấp và của phường Phù Đổng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn./.

 
Tin,ảnh: Duy Lâm